Lễ kính chư Phật, xưng tán Như Lai

GN - Trong mười hạnh của Ngài Phổ Hiền Bồ-tát thì “lễ kính chư Phật, xưng tán Như Lai” là hai hạnh đầu tiên được môn đồ Phật tử Bắc truyền xướng tụng hàng đêm trong mỗi thời kinh: “Đệ tử chúng đẳng/ Tùy thuận tu tập/ Phổ Hiền Bồ-tát…”.

Lễ kính chư Phật là tâm ý, hành động tự nhiên đối với những ai tin, hiểu, hành theo Phật - đệ tử của Phật, như nước thì đương nhiên chảy từ trên xuống vậy. Vì tin, hiểu Ngài nên kính Ngài - một bậc Giác ngộ, đại từ, đại bi, đại trí, đại dũng… đã khai mở tâm linh cho nhân loại cũng như chúng sinh trong lục đạo luân hồi.

lekinhchuphat.jpg

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni - Ảnh minh họa

Đức Phật từng nói rằng: “Tin Ta mà không hiểu Ta là phỉ báng Ta”. Lời nhắc này tối quan trọng, trong hệ quy chiếu tin-hiểu song song ấy để ta nhớ mà không “mượn danh” đệ tử Phật gia mà làm sai yếu chỉ - lời dạy của Ngài, cũng như những nguyên tắc đạo đức mà Ngài chế định nhằm bảo hộ thân tâm hành giả tu tập, cũng là bảo hộ hình ảnh đoàn thể tu tập (bốn chúng tu sĩ, cư sĩ).

Rất nhiều người đã “lễ kính chư Phật” chỉ duy nhất bằng niềm tin mơ hồ, bắt chước hay “thần thánh hóa” Ngài thành thần linh ban phước giáng họa nên đã sì sụp lễ lạy với tâm thế cầu xin vô độ. Không khó để bắt gặp sự “phỉ báng” Phật bằng cách ấy trong tâm thức, hành động của người Phật tử, không phải chỉ sơ cơ mới vướng. Hình ảnh nhét tiền vào tay Phật, dâng lễ, sớ cầu an, cầu xin với lòng tham vô độ cũng như bằng tâm ý “mua chuộc” của người đi chùa, học Phật ngày nay ở một số nơi như một “phong tục tập quán” - vốn là hủ tục được truyền từ đời này sang đời khác là hình ảnh xấu xí mang tên “sai lạc” mà báo chí, chư tôn thiền đức trăn trở với tương lai đạo pháp vẫn thường nói rất nhiều lần, liên tục.

Song, dường như tật xấu khó bỏ, nhất là trong cảnh nhiễu nhương của một xã hội trọng vật chất, thiền môn cũng ảnh hưởng ít nhiều (chứ không phải vô nhiễm trước “làn gió độc” lai căng, dị hợm trong cách nghĩ, cách sống) cũng đã biến niềm tin ban sơ của Phật tử thành sự tín ngưỡng mang tính thần quyền, cầu cạnh hơn là học Phật để chuyển hóa thân tâm bằng cách quay về nương tựa Tam bảo, tưới tẩm hạt lành giác ngộ trong tâm để chuyển hóa ý-khẩu-thân theo hướng thiện lành.

Do vậy, khi lạy xuống một cách cung kính bậc Giác ngộ giải thoát, ta phải thấy là mình đang quay về nương tựa công hạnh đại từ, đại bi, nương theo trí tuệ vượt tầm pháp giới của Ngài để hành trì công hạnh ấy như Ngài. Dân gian có câu “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh” để chỉ cho tính nhất thống về mặt nội dung lẫn hình thức của những thế hệ kế thừa trong một dòng dõi nào đó. Mình là con Phật thì phải giống Ngài chút ít nào đó, từ thân (oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi) đến tâm (từ, bi, hỷ, xả).

Có câu nhắc rằng, hãy niệm “tôi là Phật tử” để quay về nương tựa Phật-Pháp-Tăng trong ý nghĩa gìn giữ thân tâm một cách trong sáng, thuần khiết trên tinh thần Phật dạy. Nghĩa là sẽ tịnh hóa thân-tâm bằng cách “làm lành, lánh dữ”, và “ít muốn, biết đủ” ngay cả trong việc thực tập những công hạnh lành, tốt. Điều đó, đương nhiên là nhắc hành giả tu tập đừng có quá sức mình, đừng có o ép bản thân, giữ giới, hành đạo một cách quá nguyên tắc mà bỏ quên tinh thần tùy duyên - vốn mềm mỏng, diệu dụng, và ngược lại. Thiết nghĩ, đó cũng chính là thực tập con đường trung đạo mà Đức Phật đã tuyên lưu cách đây 26 thế kỷ.

Không nghiêng về hướng nào cả! Khi nào cuộc đời cần mình dấn thân thì mình sẽ không ngại khó, ngại khổ, không sợ hãi mà bước vào cuộc đời như việc “đấu tranh chống lại sự đàn áp Phật giáo” mà 50 năm trước (1963) Phật giáo đồ đã từng. Trong đó, nổi lên có nhiều vị thực hiện công hạnh “vị pháp thiêu thân” như Bồ-tát Thích Quảng Đức cùng hàng chục chư tôn đức, Phật tử đã làm.

but giang Phap.jpg

Thời Phật còn tại thế hàng Thiên - Nhơn... đều kính ngưỡng Ngài - Tranh PG

Lễ kính chư Phật bằng cách gìn giữ giềng mối đạo pháp, chống lại cường quyền theo tinh thần “tồi tà phụ chánh” để rồi khi cuộc thế yên ổn thì người con Phật lại lui về “an trú trong hiện tại”, kệ kinh, chuông mõ sớm hôm trì tụng, làm công tác xã hội “buổi sáng mang niềm vui cho người, buổi chiều giúp người bớt khổ”. Không ít trưởng lão Hòa thượng là bậc lãnh đạo phong trào đấu tranh của Phật giáo năm 1963 đã ẩn cư trong chốn tòng lâm bởi các ngài đã trọn thành hạnh nguyện, sanh ra để làm việc đó, xong việc thì rút lui một cách nhẹ nhàng, tùy duyên.

Tinh thần đó cũng chính là tinh thần của Phật hoàng Trần Nhân Tông, đời Trần, bậc khai sáng Thiền tông Việt Nam. Khi có ngoại xâm phương Bắc thì Ngài gìn giữ cho yên bờ cõi, cứu cấp nhân dân; khi đất nước đã yên thì Ngài chọn hướng phát triển tâm linh, dạy nhân dân ăn hiền ở lành, thực hành giữ gìn giới luật trang nghiêm tề chỉnh. Bỏ danh vị, quyền lực như bỏ đôi dép đứt chính là hạnh của một bậc giải thoát, sự giải thoát có mặt ngay ở chỗ từ bỏ vương vị, như cách từ bỏ mà Thái tử Tất Đạt Đa năm nào đã bỏ.

Thế hệ tổ sư, những bậc tiền bối đã dạy mình sự lễ kính Phật, xưng tán Như Lai bằng chính hành động “giống lông, giống cánh” mà các Ngài đã làm bằng “thân giáo” chứ không phải nói suông cho có.

Tu học Phật pháp phải hàm cả nghĩa học-hiểu và hành (có sự sửa đổi ba nghiệp ý-khẩu-thân, tiến bộ trong đời sống hàng ngày, thể hiện một cách sống động giữa đời thường). Khi đó, Phật pháp mới thực sự đi vào cuộc sống, và ta sẽ đương nhiên trở thành một hoằng pháp viên, cả một đời hoằng pháp mà không cần phải nói một lời nào.

Ngược lại, nếu mình chỉ có học và học một cách máy móc, không ứng dụng lời Phật dạy vào cuộc sống thì càng nói nhiều những giáo điển thậm thâm nhiệm mầu của Phật thì ta chỉ càng làm cho người nghe dị ứng, phản kháng, đồng thời tăng trưởng bản ngã mà thôi. Như thế, đồng nghĩa với việc ta đang “phỉ báng” Đức Thế Tôn - thầy mình cùng cả Tăng đoàn mà mình không hay, không biết, hoặc nghĩ ngược lại.

Không thiếu những người đã “hoằng pháp” như thế nên càng làm cho Phật pháp thiếu chất, nghĩa là thiếu “hồ tinh” vốn là cốt lõi, là nền móng để xây ngôi nhà Chánh pháp.

Cuộc sống hiện đại, truyền thông đa phương tiện giúp ích rất nhiều cho việc phổ biến lời Phật dạy nhưng, quan trọng hơn cả là việc thực tập những điều đã học, đã biết. Lời Phật dạy không phải là chiếc áo mặc vào để người ta biết mình là con Phật mà phải là máu thịt, là cốt tủy, là hơi thở trong mình để từ dáng đi, lời nói, ý niệm đến việc sống ở đời, ta trở thành “sứ giả Như Lai” một cách đúng đắn, đầy đủ, trọn vẹn trong ý nghĩa tiếp nối một hành trình “hoằng dương Phật pháp, phổ độ quần sanh sạch hết mê lầm, vĩnh ly giải khổ…”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bà con vùng nhiễm mặn nhận nước lọc từ đoàn từ thiện Linh Quang tịnh xá

Đoàn từ thiện Linh Quang tịnh xá (TP.Vũng Tàu) trao 600 bình nước ngọt đến 300 gia đình tại Bến Tre

GNO - Sáng 24-4, đoàn từ thiện Linh Quang tịnh xá do Đại đức Thích Thiện Triều, Thư ký Ban Trị sự GHPGVN TP.Vũng Tàu (BR-VT) và Ni sư Thích nữ Phước Duyên, Phó trụ trì Linh Quang tịnh xá (TP.Vũng Tàu) tiếp tục trao 600 bình nước ngọt đến các xã đang gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt tại tỉnh Bến Tre.
Phật giáo ứng xử như thế nào trước cơn bão truyền thông?

Phật giáo ứng xử như thế nào trước cơn bão truyền thông?

GNO - Đó là vấn đề được bạn đọc gởi về tòa soạn, trước hiện tượng Phật giáo, cụ thể là Tăng Ni, chùa chiền trở thành chủ đề châm biếm, chỉ trích trong dư luận, trên thế giới thông tin xã hội. Mời bạn đọc cùng theo dõi nội dung trên Báo Giác Ngộ số 1249, ra ngày 26-4.

Thông tin hàng ngày