Lên non thiêng Yên Tử và soi lại tâm mình

GNO - Ý định "phượt" Yên Tử một lần như đã được nhen nhúm rất lâu trong tôi và như được chư Phật gia hộ cộng với sự "sung" bất thường của tuổi trẻ mà tôi đã thực hiện được chuyến đi ấy vào dịp xuân Ất Mùi.
DSC_2031.JPG
Tác giả trên đỉnh thiêng Yên Tử - Ảnh: Tác giả cung cấp
Yên Tử đón tôi với vài người bạn đi chung bằng một trận mưa phùn kéo dài, một sự chuyển biến rõ rệt giữa cái nóng miền Nam với cái không khí lạnh của miền Bắc cũng không thể nào ngăn cản được bước chân của chúng tôi.


Đáp xe xuống chùa Trình, chúng tôi cùng vào lễ Phật với lời nguyện sẽ chinh phục đỉnh non thiêng bằng chính đôi chân của mình và đem công đức ấy hồi hướng cho khắp tất cả. Leo và leo, lần đầu tiên chúng tôi leo núi mà mặc áo mưa xốc xếch vì trời mưa càng lúc càng to. Vượt qua hàng nghìn bậc thang, bao nhiêu dốc núi chúng tôi cũng đã đến được Hoa Yên - ngôi chùa lớn nhất trong quần thể danh thắng.

Sương giăng khắp, phía dưới là khu tháp cổ Huệ Quang, chúng tôi cảm nhận được sự bình yên thực tại đến từ chính nội tâm rỗng rang của mỗi con người. Không biết bao nhiêu phiền muộn như được tan biến khi đến đây, lúc này thực sự những bước chân nặng nhọc như mất hết, tiếng gió lời kinh đã đánh thức và làm mất đi cái nặng nề của đôi chân, nặng nề trong tâm hồn mỗi du khách.

Tôn tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông dần hiện ra mờ ảo dưới màn mây giăng phủ, phía trên là đỉnh chùa Đồng thiêng liêng, từ tôn tượng Phật hoàng đến đỉnh chùa Đồng là đoạn đường khó đi nhất, những khó khăn từ các khối đá cheo leo, không bậc thang, không bằng phẳng... Lúc này tôi liên tưởng đến những gian nan mà thầy trò Đường Tăng trong truyện Tây Du ký gặp phải, đúng là khi đã quyết định quy y làm một người Phật tử thì chính bản thân chúng ta đã quyết định tuyên chiến với những thử thách khó khăn và khó nhất là tuyên chiến với chính mình.

Những nghịch duyên như thử thách đối với người con Phật, những khó khăn nơi bậc đá cheo leo kia hay những cơn gió mạnh như thổi bay đi tất cả những tưởng đã ngăn nổi chúng tôi nhưng tất cả đã leo đến đỉnh. Đứng nơi chùa Đồng, tôi cảm nhận được rõ hơn sự trong lành của đất trời, sự linh thiêng nhiệm mầu nơi đất Phật và cảm nhận được chính cái Tâm của mình... Tất cả đều rỗng rang không gì ngăn ngại.


Rừng Tùng, vườn Trúc, suối Giải Oan

Hoa Yên, tháp cổ, mây lang thang

Non cao ẩn hiện chùa Đồng ấy,

Nhân Tông thấp thoáng bước chân vàng


Bốn câu thơ tôi ngẫu hứng làm ra khi kết thúc chuyến hành trình về lại với Tâm mình, đến đây tôi thật sự cảm phục trước các bậc tiền nhân, cảm phục trước hạnh nguyện và công đức của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Một vị vua dám bỏ lại tất cả để theo đuổi cuộc hành trình về lại với Tâm, một vị vua đã khai sáng một Thiền phái Trúc Lâm nổi tiếng, mang đậm tính dân tộc.

DSC_1982.JPG
Tháp Huệ Quang trong khu tháp cổ

DSC_1970.JPG
Đoàn hành hương của tác giả chụp trước suối Giải Oan


Xét nghĩ đến bản thân còn chịu nhiều ảnh hưởng từ dục lạc bên ngoài, một Phật tử đôi khi còn sân si tham chấp để tôi cố gắng tinh tấn và từng bước chuyển hóa chính mình. Ngài đã để lại "thấp thoáng bước chân vàng" trên Yên Tử bao la hùng vĩ này như một minh chứng cho sự hiện diện và dõi theo của Phật, Bồ-tát, các vị Hiền Nhân đến mỗi người con Phật chúng ta.

Hãy tinh tấn tu tập và chuyển hoá, hãy tự mình thắp đuốc mà đi và hãy chinh phục cuộc hành trình tìm lại Tâm mình không chỉ trên Yên Tử mà ở trong chính cuộc sống bận rộn này.

Minh Tâm

Trang Phật giáo - Tuổi trẻ chào đón tin, bài bạn đọc, cộng tác viên. Bài vở, tin tức cộng tác xin hoan hỷ gửi về: phatgiaovatuoitre@gmail.com.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Phật giáo ứng xử như thế nào trước cơn bão truyền thông?

Phật giáo ứng xử như thế nào trước cơn bão truyền thông?

GNO - Đó là vấn đề được bạn đọc gởi về tòa soạn, trước hiện tượng Phật giáo, cụ thể là Tăng Ni, chùa chiền trở thành chủ đề châm biếm, chỉ trích trong dư luận, trên thế giới thông tin xã hội. Mời bạn đọc cùng theo dõi nội dung trên Báo Giác Ngộ số 1249, ra ngày 26-4.

Thông tin hàng ngày