Lịch sử vốn đa chiều

GNO - Đó là nội dung chính trong khuôn khổ buổi giao lưu giới thiệu bộ sách "Nguyễn Văn Tường và cuộc chiến chống đô hộ Pháp của nhà Nguyễn" của Giáo sư Nguyễn Quốc Trị vừa được xuất bản tại Việt Nam.

sach NVT (3).jpg
Sách Nguyễn Văn Tường và cuộc chiến chống đô hộ Pháp của nhà Nguyễn của Giáo sư Nguyễn Quốc Trị vừa được xuất bản tại Việt Nam

Bên cạnh việc giới thiệu nội dung chính của bộ sách đầy công phu được xem là công trình nhằm để “chiêu tuyết” cho một nhân vật lịch sử gây nhiều tranh cãi, hai diễn giả chính của buổi giao lưu Nhà sử học Trần Viết Ngạc và Tiến sĩ sử học Bùi Trân Phượng còn gợi mở nhiều vấn đề liên quan đến việc tiếp cận lịch sử hiện nay.

Các diễn giả cho rằng hiện nay, khi phương tiện thông tin phát triển, cần có một cái nhìn công tâm, khách quan và đa chiều hơn về các nhân vật hay sự kiện lịch sử. Đối với nhà Nguyễn, vốn luôn bị quy trách nhiệm trong việc đánh mất chủ quyền đất nước vào tay thực dân phương Tây, giới sử học cần có một sự đánh giá khách quan hơn về nhiều vấn đề liên quan đến thái độ và phản ứng trước sự triều đại này trước sự xâm lược của ngoại bang. Điều đó đặc biệt cần thiết khi chúng ta đã có độ lùi gần một thế kỷ kể từ lúc triều đại này chấm dứt vai trò lịch sử.

sach NVT (2).jpg

2 diễn giả: Nhà sử học Trần Viết Ngạc và Tiến sĩ sử học Bùi Trân Phượng

Trong chiều hướng này, theo Tiến sĩ Sử học Bùi Trân Phượng, bộ sách của Giáo sư Nguyễn Quốc Trị có thể coi như một gợi ý trực tiếp. Đây là công trình nhằm “chiêu tuyết” cho Kỳ Vĩ Quận công Nguyễn Văn Tường, Phụ chánh đại thần triều Nguyễn, đồng thời cũng là nhân vật gây nhiều tranh cãi về công - tội, và suốt một thời gian dài hiện diện trong các sách sử như là một kẻ phản bội, đầu hàng.

Bà nhận định bộ sách vẫn còn nhiều hạn chế nhất định khi tác giả là hậu duệ của Nguyễn Văn Tường, trong ý định “minh oan” cho ông cố, đôi lúc đã có những đánh giá chủ quan về đường lối, sách lược ngoại giao của triều đình Huế, cũng như về nhân vật lịch sử này. Tuy nhiên, đây vẫn là “một tiếng nói khác của lịch sử”, mở ra một hướng tiếp cận khác về triều đình nhà Nguyễn với những nỗ lực nhất định trong việc chống xâm lăng.

Nhà sử học Trần Viết Ngạc cho biết biện nay, vẫn còn khá nhiều tư liệu mà chúng ta chưa có dịp tiếp cận và phổ biến một cách rộng rãi. Trong đó, các tập châu bản dưới triều Tự Đức như Nam kỳ tấu nghị, Bắc kỳ tấu nghị, Thương Bạc viện phúc,… phần nào thể hiện một cách rõ nét về mưu lược, thái độ của Nguyễn Văn Tường trước triều đình, đối ngoại với phương Tây thời bấy giờ.

Đồng thời, để đánh giá đúng hơn về thất bại của nhà Nguyễn trong việc giữ dân, giữ nước, cũng cần xét tới sự bế tắc giữa bối cảnh thời đại. Đây là thời điểm mà tất cả các quốc gia Đông Á đều tỏ ra lúng túng, yếu thế khi đối đầu với sự phát triển của khoa học - kỹ thuật, mà đại diện là các thế lực xâm lược đến từ châu Âu.

sach NVT (4)a.jpg

Giáo sư Nguyễn Quốc Trị

Có mặt tham gia tại buổi giao lưu, về phía gia đình Giáo sư Nguyễn Quốc Trị, NSND Kim Xuân, cháu dâu của ông đã bày tỏ sự vui mừng khi bộ sách Nguyễn Văn Tường và cuộc chiến chống đô hộ Pháp của nhà Nguyễn được xuất bản tại Việt Nam. Bà cũng đồng tình và bên cạnh đó, nêu lên những khó khăn nhất định trong thực tế xung quanh gợi ý của Tiến sĩ Bùi Trân Phượng rằng mong muốn trong tương lai, chúng ta sẽ có nhiều hơn những tác phẩm nghệ thuật lấy đề tài, cảm hứng lịch sử.

Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn cho rằng bên cạnh việc nhìn nhận lại lịch sử một cách khách quan, bên cạnh việc “tiết sĩ” cho những nhân vật từng bị hiểu lầm, chúng ta cũng cần lưu ý đừng để rơi vào một thái cực khác đó là “xóa trắng” những hạn chế và trách nhiệm của họ, hoặc triều đại họ trước thất bại lịch sử. Ngay như vua Tự Đức, trong tấm bia Khiêm cung ký, đã tự kiểm, nhận trách nhiệm về lỗi lầm, sai sót trong triều đại của mình trước hậu thế, đó có thể coi là một thái độ đáng quý, cũng là điều cần phải xét đến trong đánh giá và nhận thức lịch sử.

Nguyễn Phú Cường

Giáo sư Nguyễn Quốc Trị sinh năm 1929 tại Huế, xuất thân từ Học viện Quốc gia Hành chánh và Đại học Luật khoa Sài Gòn. Ông là Viện trưởng cuối cùng của Học viện Quốc gia Hành chánh cho đến khi ngôi trường này chấm dứt hoạt động sau ngày 30-4-1975. Giáo sư Nguyễn Quốc Trị là hậu duệ đời thứ 3 của quan Phụ chánh đại thần Nguyễn Văn Tường. Năm 2013, ông cho xuất bản lần đầu bộ sách Nguyễn Văn Tường và cuộc chiến chống đô hộ Pháp của nhà Nguyễn. Đến giữa năm 2020, bộ sách được Công ty TNHH Văn hóa Khai Tâm liên kết cùng NXB Tổng hợp TP.HCM xuất bản và phát hành tại Việt Nam.

Nhận định về tác phẩm này, Giáo sư Cao Huy Thuần, nguyên giáo sư émérite Đại học Picardie (Pháp) đã viết: “Chi li, thấu đáo, lịch sử mất nước kể trong sách này không phải chỉ là mất về binh bị, mất về chính trị, mà còn mất cả về văn hóa cho các thế hệ tiếp theo, nghĩa là mất cả cái phương hướng để ta nhìn cho rõ ta và hiểu ta đúng đắn. Trên lĩnh vực sử học, cho đến gần đây, ta chỉ bú mớm một nguồn sữa không phải là sữa mẹ, cũng không phải là sữa khoa học, mà cứ tưởng ta được nuôi trong chân lý. Quyển sách này đem lại một cái giật mình vô cùng cần thiết về sự trung thực. Đây là một tác phẩm sử học không thể thiếu cho bất cứ ai nghiên cứu và dạy học về giai đoạn lịch sử đau thương này”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày