Liệt nữ Quách Thị Trang: Còn mãi thanh xuân

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống trao học bổng tại nơi đặt tượng đài liệt nữ Quách Thị Trang
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống trao học bổng tại nơi đặt tượng đài liệt nữ Quách Thị Trang
0:00 / 0:00
0:00
GNO - 10 năm nay, cứ đến gần ngày tựu trường, chương trình học bổng Quách Thị Trang do PGS.TS Nguyễn Thiện Tống khởi xướng lại đón nhận những lá thư của các em nữ sinh có hoàn cảnh khó khăn cùng lứa tuổi học sinh lớp 11 với liệt nữ Quách Thị Trang lúc hy sinh, gửi về cần tiếp sức.

“Chúng tôi vô cùng hoan hỷ khi nhận được tin chính quyền TP.HCM sắp tới sẽ di dời tượng đài của chị Quách Thị Trang về lại không gian lịch sử trước chợ Bến Thành (Q.1, TP.HCM). Nếu mẹ tôi còn sinh tiền và biết tin là tượng Chị sẽ trở về chỗ cũ chắc mẹ tôi cũng như chúng tôi sẽ khóc vì mừng.”, ông Quách An Đông, em trai của liệt nữ Quách Thị Trang, hiện sống và làm việc ở nước ngoài, chia sẻ với Báo Giác Ngộ.

Ông Quách An Đông cũng cho biết thêm, từ ngày tượng chị Quách Thị Trang được tạm dời về Công viên Bách Tùng Diệp, cả gia đình thường xuyên theo dõi các tin tức về chuyện xây dựng ở công trường. Mong mỏi lớn nhất của gia đình là việc xây dựng này hoàn thành nhanh chóng, để tượng của chị sẽ được trở về chỗ cũ.

Học bổng Thánh tử đạo

10 năm nay, cứ đến gần ngày tựu trường, chương trình học bổng Quách Thị Trang do PGS.TS Nguyễn Thiện Tống khởi xướng lại đón nhận những lá thư của các em nữ sinh có hoàn cảnh khó khăn cùng lứa tuổi học sinh lớp 11 với liệt nữ Quách Thị Trang lúc hy sinh, gửi về cần tiếp sức.

Gần đây nhất, lễ trao học bổng mang tên Thánh tử đạo Quách Thị Trang lần 10 năm nay (2023) được tổ chức vào ngày 25 tháng 8, đúng 60 năm kỷ niệm ngày mất của nữ sinh Phật tử này. Điều này đã làm PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nhiều lần xúc động: “Chương trình học bổng Quách Thị Trang lần đầu tiên năm 2014 chỉ có 4 triệu đồng cho 2 suất học bổng mà lần 10 có 264 triệu đồng cho 110 suất. Chương trình đã phát triển vượt xa mức tưởng tượng của tôi khi bắt đầu 10 năm trước và tôi rất vui mừng về điều này”.

“Học bổng được tổ chức để tưởng niệm liệt nữ Quách Thị Trang, người nữ sinh 15 tuổi đã hy sinh tại Công trường Diên Hồng trước chợ Bến Thành ở Sài Gòn ngày 25-8-1963, khi tham gia cuộc biểu tình phản đối chính sách kỳ thị tôn giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm. Đồng thời, học bổng tiếp sức đến trường cho các nữ sinh có hoàn cảnh khó khăn mà cùng lứa tuổi học sinh lớp 11 với liệt nữ Quách Thị Trang lúc hy sinh”, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống chia sẻ với các nữ sinh về nhân duyên của chương trình học bổng Quách Thị Trang.

Các nữ sinh nhận học bổng (năm 2023) với cành hoa cúc trắng tưởng nhớ liệt nữ Quách Thị Trang
Các nữ sinh nhận học bổng (năm 2023) với cành hoa cúc trắng tưởng nhớ liệt nữ Quách Thị Trang

Học bổng ra đời từ sự tâm huyết của PGS.TS Nguyễn Thiện Tống. Ông cho biết sau khi ông viết bài “Nhân chứng vụ thảm sát Đài Phát thanh Huế 50 năm trước”, có người bạn bàn với ông là nên tổ chức hai chương trình học bổng này để tưởng niệm những Phật tử trẻ tuổi đã hy sinh trong thời kỳ Pháp nạn năm 1963 và đồng thời cấp học bổng giúp đỡ cho các học sinh nghèo hiếu học.

“Từ năm 1988, với chương trình ‘Vì ngày mai phát triển’ của Báo Tuổi Trẻ, tôi có nhiều kinh nghiệm về việc tổ chức các chương trình học bổng. Mấy mươi năm qua các trường trung học đều có tuyển chọn các học sinh nghèo hiếu học để dự tuyển cho các chương trình học bổng khác nhau. Để nhận được học bổng Quách Thị Trang, ngoài tiêu chí về hoàn cảnh gia đình khó khăn và nỗ lực học tập, tôi đưa thêm yêu cầu học sinh viết một đoạn văn cho biết những gì mình tìm hiểu được về liệt nữ Quách Thị Trang”, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống tâm tình.

Để học bổng Quách Thị Trang bước vào năm thứ 10, đó là cả quá trình nỗ lực của PGS.TS Nguyễn Thiện Tống. Chương trình học bổng Quách Thị Trang lần đầu tiên chỉ có 2 suất học bổng và mãi đến lần 6 cũng chỉ có 10 suất học bổng. Mặt khác, việc liên hệ với các trường để được giới thiệu các học sinh cho chương trình học bổng cũng rất khó khăn, có một số trường rất ngần ngại tham gia và đến ngày cuối không giới thiệu. Từ năm 2020 nhờ có cô Lê Kim Mai trong Công đoàn Giáo dục TP.HCM giới thiệu với nhiều trường THPT thì số trường và số học sinh tham gia mới tăng lên cùng lúc số suất học bổng tăng lên.

Chương trình học bổng Quách Thị Trang lần 6 vào năm 2019 bắt đầu có sự ủng hộ của bà Annie Nguyễn - một người thân của gia đình liệt nữ Quách Thị Trang, rồi đến lần thứ 7 năm 2020 có sự tham gia của những người thân khác trong gia đình chị Quách Thị Trang và số học bổng tăng dần lên.

Đến lần trao học bổng thứ 10 vào năm 2023, có 110 suất học bổng với 2,4 triệu đồng mỗi suất và được trao cho 94 học sinh, trong đó 32 học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhất nhận 1,5 suất học bổng. Ngoài ra trong 2 lần trao học bổng vừa qua, các học sinh và thầy cô đều được tặng tuyển tập thơ nhạc “Em là vì sao sáng” ngợi ca liệt nữ Quách Thị Trang, do em trai ruột của liệt nữ sưu tầm và tuyển chọn.

Tự hào khi nhận được học bổng Quách Thị Trang

Là một trong những nữ sinh đặc biệt được nhận học bổng Quách Thị Trang năm 2023, em Huỳnh Thanh Trúc, học lớp 11 Trường THPT Trần Hưng Đạo, Q.Gò Vấp, TP.HCM xúc động viết ra giấy lời cảm ơn: “Nhà em là thuộc diện hộ nghèo. Ba mẹ là người điếc bẩm sinh, sinh ra em và em trai đều bị điếc di truyền, giờ cả 4 người đều bị điếc. Gia đình chia làm ba nơi, ba và mẹ đi mưu sinh ở các tỉnh miền Tây, em trai đang học trường khuyết tật Đồng Nai, còn em thì đang ở với bà nội ở Gò Vấp để nội nuôi đi học. Học bổng này giúp em không phải nghỉ học giữa chừng lớp 11”.

Để được nhận học bổng Quách Thị Trang, Thanh Trúc đã gửi gắm rất nhiều suy tư, nhiều trăn trở và nhất là khi tìm hiểu về liệt nữ Quách Thị Trang - tên của học bổng, em bảo: “Sự dũng cảm của chị Quách Thị Trang cho em thêm sự động viên. Em nghĩ đến người thân của em, em càng phải cố gắng”.

Trúc kể rằng, em đã từng tủi thân và rất buồn vì hoàn cảnh gia đình, ba mẹ bị điếc không thể nghe nói và không nói được, nhưng em cũng suy ngẫm và nói với lòng, trong lúc mà em tủi thân, thì ba và mẹ em còn phải đi làm kiếm tiền, để lo cho con. Bà nội bị lao phổi và tim, không có sức khỏe nhưng bà vẫn nói sẽ ráng sống để nuôi em ăn học. Đó cũng là lý do Thanh Trúc có ước mơ cháy bỏng là học hết lớp 12, thi đậu vào ngành y dược, nhanh chóng đi làm kiếm tiền và có kiến thức y khoa để chăm sóc cho cả nhà đau yếu của mình.

Nói là ước mơ, bởi vì để đạt được điều đó, Thanh Trúc sẽ phải cố gắng thật nhiều để vượt lên chính mình. Vì điếc bẩm sinh nên khi thầy cô giảng em không nghe được, em phải luôn tìm cách để hỏi, để được học và học bằng mọi cách trong mọi lúc như khi đi làm thêm, đi chăn gà, nấu cơm. Lúc nào có thể học được là em đều tranh thủ thời gian.

Nữ sinh Thanh Trúc (thứ hai từ trái sang) - nhân vật nhận học bổng Quách Thị Trang tiếp tục được bạn đọc Báo Giác Ngộ đỡ đầu, tiếp sức đến trường
Nữ sinh Thanh Trúc (thứ hai từ trái sang) - nhân vật nhận học bổng Quách Thị Trang tiếp tục được bạn đọc Báo Giác Ngộ đỡ đầu, tiếp sức đến trường

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống sau khi trao học bổng Quách Thị Trang cho em, đã xin “gửi gắm” Báo Giác Ngộ về hoàn cảnh của Thanh Trúc. Tin vui liền kề sau đó, chị Hoàng Yến - một Phật tử, bạn đọc của Báo Giác Ngộ đã nhận “đỡ đầu”, hỗ trợ tiền sinh hoạt mỗi tháng cho Thanh Trúc, để em yên tâm học hết lớp 12.

Khi thông tin được gửi đi, cả PGS.TS Nguyễn Thiện Tống và em Thanh Trúc đều vui mừng. Ngay sau khi nhận thêm suất học bổng đỡ đầu này, Thanh Trúc đã chuyển chia tiền cho mẹ trả bớt nợ, cho mẹ mua thuốc uống: “Cả mẹ và em đều đã bật khóc. Em xin khắc ghi ơn này, xin nhớ mãi về học bổng Quách Thị Trang”. Câu chuyện về liệt nữ Quách Thị Trang tiếp tục được đi vào lòng nữ sinh và được nhiều người biết đến qua những hành động nhân văn của người tiếp nối, yêu mến liệt nữ Quách Thị Trang như thế.

Điều đó càng minh chứng rằng, thời gian trôi qua, có nhiều câu chuyện rồi sẽ đi vào quên lãng nhưng sự hy sinh của Quách Thị Trang sẽ còn được nhớ đến, sẽ còn được nhắc đến mãi trong lòng nhiều người Phật tử.

Liệt nữ Quách Thị Trang trong ký ức gia đình

Ông Quách An Đông, em trai của liệt nữ Quách Thị Trang

Ông Quách An Đông, em trai của liệt nữ Quách Thị Trang

Nói với Giác Ngộ trước thềm xuân Giáp Thìn, ông Quách An Đông, em trai của liệt nữ Quách Thị Trang, hiện sống ở hải ngoại, chia sẻ:

- Chị Quách Thị Trang của tôi là con thứ tư và tôi là con thứ sáu trong gia đình có bảy anh chị em. Chị Trang là người con ngoan hiền và vô cùng hiếu thảo. Chị yêu thương anh chị em và anh chị em yêu thương chị vô cùng. Chị cũng là một Phật tử thuần thành.

Mẹ tôi vẫn kể rằng sau ngày Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu và nhất là sau ngày 20 tháng 8 khi các chùa bị đánh phá và các Tăng Ni, Phật tử bị bắt giữ, chị khóc rất nhiều. Nhiều đêm chị quỳ cạnh đầu giường của mẹ tôi và khóc đến đỏ cả mắt. Mẹ tôi hỏi vì sao chị khóc. Chị ôm mẹ và thưa với mẹ rằng: “Con không thể sống được khi các thầy phải tự thiêu, Phật giáo bị đàn áp, các chùa bị tấn công và đập phá, các thầy bị bắt giữ và đánh đập như thế”. Cho đến ngày mẹ tôi lâm trọng bệnh, mẹ tôi vẫn nhớ những đêm dài đã khóc cùng chị và vỗ về an ủi chị.

* Được biết, qua một lần trò chuyện tại Báo Giác Ngộ, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho biết gia đình mình đóng góp nhiều nhất cho học bổng Quách Thị Trang, tiếp sức cho nhiều hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục đến trường học hành. Dịp này, ông có thể chia sẻ thêm về cảm nghĩ của mình đối với việc làm ý nghĩa trên?

- Tất cả các anh chị em của chị Trang và các cháu của chị đều rất hoan hỷ khi biết, qua PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, là số các em học sinh được tặng học bổng mỗi năm một tăng.

Đại gia đình của chị Trang vô cùng nhớ ơn PGS.TS Nguyễn Thiện Tống đã bỏ ra biết bao công lao để tổ chức chương trình học bổng hàng năm. Các em quá thiếu thốn mà vẫn ham muốn học tập làm chúng tôi rất cảm động. Rất mong số tiền ít ỏi sẽ giúp đỡ các em phần nào trong việc trau dồi kiến thức cần cho tương lai của các em.

Điều làm chúng tôi rất cảm kích là sau hơn nửa thế kỷ từ ngày chị Trang hy sinh còn có những người có lòng nhớ đến chị và làm những việc để tưởng nhớ đến chị như PGS.TS Nguyễn Thiện Tống. Chúng tôi cũng cảm kích không kém khi thấy các em học sinh cùng lứa tuổi với chị Trang khi chị hy sinh cũng đang cố gắng để biết về chị.

* Ông và gia đình có điều gì muốn chia sẻ hay nguyện vọng gì muốn gửi đến lãnh đạo Phật giáo TP.HCM?

- Chúng tôi vô cùng cảm tạ các vị lãnh đạo Phật giáo TP.HCM đã luôn luôn lo lắng đến chuyện di dời tượng Quách Thị Trang về chỗ chị đã hy sinh.

Khi chị Trang hy sinh, chị chẳng đòi hỏi gì hơn là bình đẳng tôn giáo và tự do cho Tăng Ni, Phật tử đã bị đánh đập và giam cầm vào ngày 20 tháng 8 trong Pháp nạn 1963 và những năm tháng trước đó. Gia đình của chị cũng không dám đòi hỏi gì hơn khi biết tượng chị sẽ được dời về chỗ cũ ở Công trường Quách Thị Trang.

Ðứng về phương diện của một Phật tử Việt Nam, tôi xin mạn phép nghĩ rằng tượng Quách Thị Trang và chuyện hy sinh của chị là biểu tượng của tinh thần hào kiệt và yêu nước của thanh niên sinh viên học sinh Sài Gòn thời 1963 và nhắc nhở Phật giáo đồ về thời Pháp nạn. Tưởng niệm Hòa thượng Thích Quảng Đức và các Tăng Ni đã vị pháp thiêu thân và nhớ lại sự hy sinh của thanh niên sinh viên học sinh thời ấy mà biểu tượng là chị Quách Thị Trang là chuyện đáng làm.

Tôi xin ghi lại ở đây vài dòng thơ của thi sĩ Vũ Hoàng Chương, một thi sĩ rất nổi danh thời bấy giờ:

Nơi tám ngả công trường, hịch vải chưa nhòa khí tiết

Chúng tôi đặt với tinh thần bất diệt

Của cuộc đấu tranh mười tám tháng trước đây

Tượng Quách Thị Trang, người nữ sinh hào kiệt

Để thiên thu trường cửu đối cao dày

Trời nghiêng đất lệch có ngày

Đá kia tượng vững, chí này trơ trơ.

Tôi cũng xin ghi thêm vài dòng nữa của một thi sĩ nổi tiếng khác, thi sĩ Trụ Vũ đang ở TP.HCM:

Quách Thị Trang ơi! Hồn Em hãy nhận

Bó hoa vàng dân tộc kính dâng Em.

Mong rằng tình thần đấu tranh mà biểu tượng là chị Quách Thị Trang sẽ còn mãi mãi. Và cũng mong dân tộc còn dành nhiều bó hoa vàng cho chị Quách Thị Trang.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Khái quát về Mandala

Khái quát về Mandala

GNO - Mandala là tiếng Phạn, Hán ngữ phiên âm là Mạn đồ la, Mạn đà la, Mạn tra la và Hán ngữ dịch nghĩa là Đàn, Đàn tràng, Đạo tràng, Luân viên cụ túc, Tụ tập v.v…

Thông tin hàng ngày