Lời dạy của thầy & những chiếc áo cũ

GNO - Tôi và huynh H.Đ cùng học chung các lớp Phật học tại TP.HCM, cùng thọ ân từ sự dạy bảo, hướng đạo của cố Hòa thượng thượng Minh hạ Cảnh tại tu viện Huệ Quang (Q.Tân Phú).

Thời ấy, cuộc sống tu học tại tu viện của chúng tôi khá đơn giản, cây nhà lá vườn như một ngôi chùa quê.

anh ld 2.jpg


Nếp sống giản dị, gần gũi của HT.Thích Minh Cảnh là hình ảnh đọng lại trong tim học trò - Ảnh Tư liệu

Hòa thượng thường mặc chiếc áo túi mỏng tanh như “vải tang”, hay chiếc áo vạt khách sờn vai vì cũ kỹ, đồng hành với các chú trong mọi sinh hoạt, chấp tác hằng ngày. Đó là một trong những hình ảnh giản dị, gần gũi nhất về Hòa thượng, còn lưu lại trong ký ức tôi cho đến tận bây giờ.

Tu viện ít chúng nên Hòa thượng xem chúng tôi như những đứa con, đệ tử cần được uốn nắn và dạy dỗ sống sao cho đúng theo truyền thống, khuôn mẫu thiền gia. Các vật dụng cá nhân, từ đôi dép, quyển vở, chiếc đãy đến quần áo… chúng tôi có đều phải tập hợp lại thành danh sách và trình lên Hòa thượng khi mua hay thay đổi mới. Nếu thứ nào phù hợp với người xuất gia thì mới được dùng, còn không thì phải tự xử lý, và đặc biệt là không nên mặc áo thun (áo ngắn) ra khỏi phòng, còn việc tiếp khách thì phải mời ra phòng khách…

Chính sự nghiêm khắc đó của Hòa thượng đã trở thành nếp sống để sau này khi huynh đệ chúng tôi đi xa hành đạo mà dễ dàng thích nghi với mọi hoàn cảnh. Từ đó, chúng tôi luôn ý thức, trách nhiệm chọn những thứ cần dùng, phải phù hợp với tư cách của mình, đúng với tinh thần “kiệm phước - chuyên tu” của ngài.

Nhớ lại thời Sa-di, khi mới lên Huệ Quang nhập chúng tu học, chúng tôi được Hòa thượng an đơn ở cùng với sư huynh A.T, H.Đ và chú K.T. Sau này có thêm chú K.H nhập chúng ở cùng trong phòng này luôn, cả thảy 5 vị. Thú thật, tôi nói là phòng liêu cho các chú vậy thôi, chứ thật ra đây cũng là nơi trưng dụng cho việc để xe của các thầy khi ra vào tu viện. Song điều kiện sống lúc bấy giờ đối với chúng tôi như vậy quả thật là quá tốt rồi.

Theo Hòa thượng dạy, việc sắp xếp chỗ ở cho chúng đệ tử là rất quan trọng, các thầy trẻ cần phải sống tập trung, ở tập thể với nhau để nhìn ngó nhau. Vị trí phòng ốc là nơi thoáng, rộng, nơi có nhiều người qua lại, ra vào, có như vậy thì mới dễ dàng kiểm soát các hoạt động tu tập của các chú. Và chính môi trường này sẽ làm cho các chú chánh niệm hơn, thúc liễm thân tâm và nghiêm túc hơn trong từng oai nghi, hành động của mình.

*

Hơn 20 năm trôi qua, vị trí chiếc phòng ấy (nhà xe) trong khuôn viên tu viện đã không còn nữa, huynh đệ chúng tôi mỗi người lại mỗi nơi. Nhưng những bài học về cách “sống giản đơn, cần kiệm” mà Hòa thượng dạy dỗ luôn là hành trang, là dấu ấn khó quên trong suốt đời sống tu tập của từng người.

“Thí chủ cúng cho các thầy vật gì thì nên nghĩ là họ đang gán nợ cho các thầy đấy, đừng vội mừng khi thọ nhận!” - Hòa thượng nghiêm khắc dạy chúng tôi như vậy. Ngài khuyến tấn chúng tôi có ý thức hơn khi thọ nhận, cũng như sử dụng những tịnh vật của đàn na tín chủ dâng cúng - phải thật sự trân quý và không được lãng phí.

Có lần, Hòa thượng xuống nhà trù, thấy ít cơm thừa còn để ngoài hiên, ngài xin rửa lại và bảo thầy trực nhật hấp lại và dọn bữa cho ngài dùng.

anh ld 6.jpg


Bút tích của cố HT.Thích Minh Cảnh, ngài dạy "Một mai giữa đường ta ngã xuống/ Các con hãy mạnh dạn tiến lên..."

*

Hôm qua, tôi gọi điện cho sư huynh H.Đ, xin một vài bộ đồ vạt khách để mặc. Huynh hoan hỷ bảo rằng: “Ông vẫn giữ nếp sống “kiệm phước”, nên muốn xin đồ cũ của người khác để mặc à?”.

Tôi trả lời: Hòa thượng xưa hay dạy, mặc để ấm thân, kín đáo… nên huynh cứ gửi cho em xin vài bộ đồ cũ, để em có cái để mà giữ thân, tu tập nhe.

Huynh im lặng chút, rồi chậm rãi nói: Mai đám của bà, tôi bảo chú T.C đem vào tu viện cho ông vài bộ nhé!

Tôi chào huynh và nói lời cám ơn.

*

Sáng nay, nhận được những chiếc áo quý từ sư huynh H.Đ đồng liêu, bỗng nhớ lại những lời dạy của Hòa thượng từng nhắc nhở chúng tôi khi còn sinh tiền.

Tôi xếp lại những chiếc áo cũ của huynh vừa gửi vào, rồi ngước nhìn lên di ảnh của Hòa thượng mà lòng tràn đầy niềm kính tiếc, khôn nguôi...

anh ld 3.jpg
Khi ngài là nhà giáo dục

anh ld 1.jpg
Lúc là một thầy tu bình dị

anh ld 4.jpg
Tác giả và cố Hòa thượng khi còn là học Tăng bên ngài

anh ld 5.jpg
Và sau khi đi học, trở về làm việc đạo cũng luôn lắng nghe những chỉ dạy của Hòa thượng

Mùa hạ PL.2564
Sài Gòn, ngày 24-8-2020

Thích Minh Thuận

Cảm ơn bạn đọc đã chia sẻ "Cảm xúc Vu lan"

Từ ngày phát động (19-8) đến nay, tiểu mục "Cảm xúc Vu lan" đã nhận được bài vở của các tác giả: Võ Thị Long Giang, Hoa Tâm, Thùy Dung, Huệ Tài, Nguyễn Thành Công, Nguyễn Minh Út, Đức Chơn, Ho Phuong, Lê Văn Duân (Hải Dương), Chân Nguyên, Minh Tựu (Bình Định), Hợp Vũ, Yên An, Thích nữ Huyền Linh, Diệu Hoàng, Nhất Mạt Hương, Tâm Hà, Kim Tuyền, Diệp Kim Tùng, Hoàng Thị Nga...

Tòa soạn mong tiếp tục nhận được những bài viết, là những cảm xúc chân thành, sâu lắng, mang thông điệp tri ân, khơi gợi lòng hiếu... của bạn đọc. Bài viết dưới hình thức văn xuôi, gửi về email onlinegiacngo@gmail.com, toasoan@giacngo.vn. Chủ đề thư điện tử xin đề “Cảm xúc Vu lan”.

"Cảm xúc Vu lan" do Ban Ban Thông tin - Truyền thông GHPGVN TP.HCM và Báo Giác Ngộ tổ chức nhân mùa Vu lan - Báo hiếu PL.2564.

Trân trọng cảm ơn quý bạn đọc!

Tòa soạn

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Truy phong Thượng tọa Thích Phước Hạnh (Vĩnh Long) lên giáo phẩm Hòa thượng

Truy phong Thượng tọa Thích Phước Hạnh (Vĩnh Long) lên giáo phẩm Hòa thượng

GNO - Thông tin từ Văn phòng Đức Pháp chủ, sau khi xem xét đệ trình của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Đức Pháp chủ GHPGVN đã chuẩn y, ban hành quyết định truy phong Thượng tọa Thích Phước Hạnh, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Vĩnh Long lên giáo phẩm Hòa thượng.

Thông tin hàng ngày