Lòng nào lòng chẳng thiết tha…

Bài đăng trên Giai phẩm Vu lan Phật lịch 2566 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài đăng trên Giai phẩm Vu lan Phật lịch 2566 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Tiết tháng Bảy, từ xưa đến nay, vốn là dịp người cõi trần hướng về người cõi khuất bất kể thân sơ, bằng tất cả tình thương và sự giao cảm.

Người Việt Nam, ai cũng biết và thuộc đôi ba câu trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, tác phẩm được ví von như là tượng đài của tiếng Việt, dẫu cho khi viết ra, đại thi hào cũng chỉ đặt xuống cái mong muốn “mua vui cũng được một vài trống canh”. Ấy nhưng, Nguyễn Du không chỉ có Truyện Kiều là tuyệt tác, mà có lẽ đối với không ít người, Văn tế thập loại chúng sinh mới là áng thi thâu tóm phần tâm hồn lớn lao hơn cả của nhà thơ.

Như tên gọi, Văn tế thập loại chúng sinh, có lúc còn được gọi là Văn chiêu hồn, Văn tế thập loại,… không đơn thuần là một thi phẩm mà nó còn mang ý nghĩa tâm linh. Chẳng rõ khi viết nên Văn tế thập loại, Nguyễn Du có đặt vào đấy chủ đích ấy không, hay đó chỉ là cách nhà thơ giãi bày trọn nỗi lòng của mình trước biến động xoay vần của thời thế? Chỉ biết rằng đời sau, trong nhà chùa, vào mỗi tiết Trung nguyên, hay nơi những đàn thí thực thiết bày khắp dọc ngang xứ sở, thỉnh thoảng, người ta lại nghe bản văn ấy cất lên.

Trong buổi man mác, nắng quái chiều hôm hay mưa phùn gió bấc, nơi đầu bờ cuối bãi, bảng lảng trôi đi nhịp thơ song thất lục bát, có khi chỉ dăm ba câu, cũng dễ động lòng người nghe, với chất giọng kinh sư có phần não nùng, tha thiết. Văn tế thập loại đã sống qua hơn đôi trăm năm theo cách riêng như thế, cũng như Truyện Kiều đã sống đôi trăm năm qua những đêm sáng trăng quây quần, quanh những tao nôi đưa trẻ.

Đến tận bây giờ, người ta vẫn nhắc đến Nguyễn Du với địa vị một cái tên sáng nhất trong những cái tên đứng đầu thi đàn Việt Nam qua suốt chiều dài lịch sử. Thơ ông dẫu viết bằng chữ Hán hay chữ Nôm, vẫn mang trọn nỗi niềm u uẩn. Nỗi niềm ấy có lẽ phát sinh từ chính thời cuộc, mà ông là một trong muôn vạn thân phận nổi nênh trong “trường dạ tối tăm”.

Cuộc đời Nguyễn Du sống vắt qua 3 triều: Lê - Trịnh; Tây Sơn; Nguyễn. Dẫu con nhà thế phiệt, Nguyễn Du cũng chẳng tránh nổi việc trở thành nạn nhân của thời đại. Cha mẹ mất sớm, Nguyễn Du ở với anh trai là Nguyễn Khản. Niên thiếu yên ấm chưa bao lâu, thì kiêu binh Tam phủ kéo đến đốt phá nhà Nguyễn Khản. Chặng đời gió bụi của Nguyễn Du cũng khởi đầu từ đấy.

Ông lang bạt không nhà, có khi lưu lạc sang tận đất Trung Hoa trong thân phận một du tăng pháp hiệu Chí Hiên. Tương truyền rằng trong khoảng thời gian “Giang Nam, Giang Bắc túi tiền không” ấy, Nguyễn Du đã học Phật, cũng là đoạn đời “Ngã độc Kim cang thiên biến linh /Ta đọc Kim cang cả ngàn lần” của ông. Và có phải chăng từ đoạn đời này, mà giáo lý đạo Phật đã thấm nhuận vào tâm hồn dễ rung cảm trước cuộc nhân sinh của du tăng Chí Hiên?

Tây Sơn Bắc tiến, xây dựng tân triều, không như nhiều bạn bè theo chiếu cầu hiền mà ra dốc sức cộng tác cùng anh hùng áo vải gây dựng cơ đồ, Nguyễn Du chọn trở về nơi quê mẹ của ông để sống đời ẩn dã “Hồng Sơn liệp lộ”, “Nam Hải điếu đề”. Sang thời Gia Long, chẳng hiểu vì duyên do nào, ông lại trở ra làm quan, thăng tiến rất cao dưới triều Nguyễn cho đến khi xuôi tay nhắm mắt. Tuy vậy, dẫu thời nào, sắm vai nào trên chiếu chèo phù thế, Nguyễn Du vẫn không thôi nỗi niềm day dứt với nhân sinh, day dứt với những phận đời nhỏ bé, lạc loài dẫy đầy trong xã hội.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp - một trong số những nhà văn tài năng thế hệ sau Đổi mới, trong truyện ngắn Vàng lửa, đã mượn lời nhân vật của mình để đưa ra nhận định về Nguyễn Du: “Ông đại diện cho nhân dân ở phần u uất nhất, trữ tình nhất nhưng cũng đáng thương nhất… Nguyễn Du ngập trong mớ bùng nhùng của đời sống… Nguyễn Du sống dân dã, ông hồn nhiên chịu đựng sự nghèo túng cùng nhân dân…”.

Nguyễn Du “ngập trong mớ bùng nhùng của đời sống”, cũng vì thế mà ông hiểu đời sống ấy đáng thương như thế nào, đáng lưu tâm và đáng dành tình cảm đến thế nào. Thứ tình cảm của ông có thể không cứu được thân phận nào khỏi mớ bùng nhùng ấy, nhưng nó gây nên sự đồng cảm. Đạo Phật đề cao tình thương. Nguyễn Du thấm nhuần lẽ Phật, nên chắc rằng vì vậy, tình thương trong ông luôn lớn. Đôi khi tình thương không cần phải cứu vớt ai, mà chỉ cần đồng cảm, chỉ chừng ấy cũng giúp người khỏi đắm đuối trong khổ ải.

Vì “hồn nhiên chịu đựng sự nghèo túng cùng nhân dân”, mà ông hiểu được nhân dân. Tiếng kêu thống thiết của ông cũng là tiếng kêu thống thiết “kiếp sinh ra thế biết là tại đâu” của con người giữa cuộc nương dâu bãi bể mà họ không dưng trở thành nạn nhân. Tâm hồn Nguyễn Du thấm đẫm tính Phật, bởi vậy, đối với ông, trong cuộc dâu bể này, không có phân biệt vinh hiển sang hèn, thấp cao khinh trọng.

“Đoàn vô tự lạc loài nheo nhóc” mà ông phác họa trong Văn tế thập loại có đủ cả quân vương, quan tướng, kẻ bán buôn, người lính khóa, gái làng chơi, kẻ hành khất, đầu sông cuối chợ… Trước sinh tử, con người bình đẳng không sai biệt. Trước tình thương, con người cũng bình đẳng chẳng thấp cao. Nếu không hiểu lẽ Phật, làm sao Nguyễn Du phát sinh được một suy nghĩ, một tinh thần từ bi bình đẳng như thế?

Cái “phép thiêng biến ít thành nhiều” để cứu giúp cho muôn vạn chúng sinh ấy, với ông, ở chính nơi cửa Phật. Tình thương luôn tồn tại trong đạo Phật, nhưng hình như với người đời, tình thương của đạo Phật được biểu hiện mạnh mẽ nhất, rõ ràng nhất là trong lúc họ nguy nan, cùng khổ. Là một nhà Nho, được dạy dỗ theo tinh thần Khổng Mạnh, làm quan theo khuôn phép Nho gia, Tiên Điền tiên sinh hiểu rõ cái cương thường luân lý đôi khi đến mức khắc nghiệt của nền đạo ấy.

Đạo trị nước, đôi khi, lại không thể thông cảm và sẻ chia được bất hạnh của riêng ai. Trong đảo điên thế cuộc, thời đại ông và trước cả ông không lâu, chính cửa Phật là nơi trú ngụ cho biết bao nhiêu phần số. Chẳng phải năm xưa, cao tột đến như bà hoàng hậu Ngọc Trúc, công chúa Ngọc Duyên còn phải tìm vào trong chùa Bút Tháp để lánh khỏi đắng cay nghiệt ngã, để rồi tượng bà ngồi mãi lại trăm năm dõi đôi mắt “ẩn nhẫn” nhìn đời?

Văn tế thập loại chúng sinh có thể coi như một biểu hiện phát xuất từ tâm hồn thấm đẫm tình thương của Nguyễn Du, “khối nguyên liệu to lớn” đầy mềm dịu triết lý từ bi. Tình thương đó, lòng tốt đó, ở thời ông và sau ông, có thể “chẳng cứu được ai” khỏi “mớ bùng nhùng của đời sống”, nhưng ít nhất, nó đã an ủi cho biết bao nhiêu tâm hồn, hữu hình lẫn vô hình. Niềm an ủi đó, hàng năm, ở đây đó dọc ngang trên xứ sở này, trong buổi man mác, nắng quái chiều hôm hay mưa phùn gió bấc, nơi đầu bờ cuối bãi, vẫn được cất lên, bằng nhịp thơ song thất lục bát bảng lảng trôi đi trên sóng nước độ linh, phất phơ trên ngọn phan chiêu hồn trắng muốt.

Niềm an ủi đó, dẫu chẳng có hình cách hay gọi thực được thành tên, vẫn lan đi trong những hồn Việt Nam, qua không gian, qua thời gian, qua mọi đổi dời để thương đời, thương người và từ tình thương ấy, người Việt Nam sẽ còn “khóc Tố Như” dài hơn ba trăm năm lẻ nữa.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

[Video] Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Hội đồng Chứng minh GHPGVN đã viên tịch

[Video] Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Hội đồng Chứng minh GHPGVN đã viên tịch

GNO - Ngày 10-12 (10-11-Giáp Thìn), sau Đại nghị lần thứ II Hội đồng Chứng minh, Đức Pháp chủ GHPGVN - Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, chư Trưởng lão Thành viên đã quang lâm chánh điện Việt Nam Quốc Tự, dự Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Thành viên Hội đồng Chứng minh đã viên tịch.

Thông tin hàng ngày