Vũ khúc Ca-lăng

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1149 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1149 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GN - Trong lịch sử âm nhạc Nhật Bản, Đại sư Phật Triết (Buttetsu), một nhà sư gốc Chăm-pa du hành sang quốc đảo này dưới thời Nara, là vị Tăng sĩ đã có công lớn trong việc định hình một loại vũ nhạc mang sắc thái Chiêm Thành, được biết tới với tên gọi Rinyugaku - Lâm Ấp nhạc.

Không có tài liệu nào ghi lại năm sinh, năm mất của Đại sư Phật Triết. Tính cho đến hiện nay, Nam Thiên Trúc Bà-la-môn Tăng chính bi tịnh tư do Tăng sĩ Tu Vinh ghi lại vào năm 770 được xem là một trong những tư liệu sớm nhất liên quan đến cuộc du hành từ Trung Hoa sang Nhật Bản của cao tăng Bồ-Đề Tiên Na (Bodhisena) và đệ tử của ngài là Đại sư Phật Triết. Cuộc du hành của hai vị tu sĩ gốc Nam Ấn được thực hiện thể theo lời thỉnh cầu của chư Tăng tại xứ này vào năm 736, dưới thời Thiên hoàng Thánh Vũ (Shomu). Nơi lưu trú của họ sau khi đến Nhật Bản là Đại An tự (Daian-ji) và Đông Đại tự (Todai-ji) ở kinh đô Bình Thành (Heijo-kyo).

Bồ-Đề Tiên Na là một vị cao tăng gốc Nam Ấn, sang Trung Hoa dưới thời nhà Đường, niên hiệu Khai Nguyên và tìm đến Ngũ Đài sơn, thánh tích liên quan đến Bồ-tát Văn Thù, vị Bồ-tát mà ngài kính ngưỡng vì sự linh ứng. Sau khi du hành sang Nhật Bản, Bồ-Đề Tiên Na trở thành một trong những vị cao tăng góp phần truyền bá kinh Hoa nghiêm tại đây. Đồng thời, dưới sự ủng hộ của Thiên hoàng Thánh Vũ, ông cùng với hai vị Đại sư Hạnh Cơ (Gyoki) và Lương Biện (Roben) trở thành những người đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và xây dựng Đông Đại tự, ngôi chùa được xem là trung tâm của Hoa Nghiêm tông dưới thời đại Nara.

Năm 752, Đại hội khai nhãn tượng Đại Nhật Như Lai của Đông Đại tự được tổ chức, do Bồ-Đề Tiên Na chủ trì, dưới sự bảo trợ của triều đình. Trong buổi lễ này, những vũ khúc Lâm Ấp do Đại sư Phật Triết phổ biến đã được thể hiện lần đầu tiên trước hội chúng đông đảo gồm hoàng gia và chư Tăng các nơi tham dự. Cần nói thêm rằng, Lâm Ấp - tên gọi vương quốc cổ của người Chăm-pa, cũng được xác định là quê hương của Đại sư Phật Triết. Các vũ khúc này, sau đó, được ngài tiếp tục truyền dạy và hoàn chỉnh thành 8 vũ khúc được biết tới với tên gọi chung là Lâm Ấp Bát nhạc: Bosatsu (Bồ-tát); Karyobin (Ca-lăng-tần); Ryo-o (Lăng vương hoặc Long vương); Anma (An ma nhị vũ); Bairo (Bội lư); Bato (Bạt đầu); Koinju (Hồ ẩm tửu) và Manjuraku (Vạn thu nhạc).

Bosatsu (Bồ-tát) và Karyobin, tức Ca-lăng-tần là một trong số những điệu múa đặc sắc và mang hơi hướng Phật giáo vô cùng rõ nét. Tương truyền, lúc ban đầu, Bồ-tát và Ca-lăng-tần gắn liền với nhau, về sau được tách ra thành hai vũ khúc độc lập. Ca-lăng-tần-già, Kalavinka là tên một loài chim quý của Ấn Độ, thường được nhắc tới với tiếng hót tuyệt diệu. Trong kinh điển Phật giáo, âm thanh thuyết pháp của chư Phật, Bồ-tát được ví với tiếng hót của Ca-lăng-tần-già. Hay như kinh A Di Đà cũng nhắc tới loài chim này ngày đêm hót lên pháp âm vi diệu khiến người nghe phát tâm niệm Phật, Pháp, Tăng.

Cũng như tên gọi, trong điệu múa Ca-lăng-tần, các vũ công khoác lên mình trang phục thể hiện hình tượng đầu người mình chim với đôi cánh và chiếc đuôi dài. Trên một sân khấu vuông, các vũ công di chuyển chậm theo những phương ngang, chéo, kết hợp với các động tác tay, nhún chân theo điệu nhạc kèn réo rắt, trống điểm, ban đầu chậm rãi và dần nhanh về cuối. Đạo cụ của các vũ công còn có những chiếc chập chõa nhỏ trên tay. Mỗi phần trình diễn vũ khúc Ca-lăng-tần thường kéo dài trong khoảng 15 phút, với ý nghĩa cúng dường lên chư Phật, Bồ-tát.

Tính cho đến nay, kể từ lần đầu tiên trình tấu trong Đại hội khai nhãn tượng Đại Phật ở Đông Đại tự, điệu múa Ca-lăng-tần, cũng như 8 vũ điệu trong Lâm Ấp nhạc đã được gìn giữ qua gần 14 thế kỷ, được người Nhật Bản trân trọng xem là di sản vô giá của quốc gia mình. Các vũ điệu mang đậm tinh thần Phật giáo này cũng đồng thời thể hiện sự giao thoa văn hóa vô cùng đặc biệt giữa các quốc gia trong khu vực Nam và Bắc Á. Một trong số những nhân tố quan trọng, đóng vai trò chính yếu để tạo nên sự giao thoa ấy, lại chính là các Tăng sĩ Phật giáo.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày