GN - Một người đàn ông chạy xe tay ga dừng lại bên người thanh niên bán vé số tật nguyền. Người đàn ông nói: “Anh không mua vé số. Anh cho em 20.000 uống nước”.
Người thanh niên bán vé số lắc đầu nói: “Em không nhận đâu. Nếu anh mua vé số giùm thì em cám ơn”. Người thanh niên tiếp tục lết đi trên đường giữa trưa nắng gắt. Người đàn ông chạy xe tay ga cảm thương anh ta, vẫn chạy theo sau và nói: “Thôi để anh mua hai tờ vé số vậy”. Rồi ông lấy hai tờ vé số trong xấp vé số người thanh niên cầm trên tay và đưa cho anh ta 20.000 đồng. Anh ta nói lời cảm ơn và tiếp tục lê tấm thân đi một cách nặng nhọc.
Người ta từng chứng kiến những người già cả bị những kẻ bất lương giả vờ lựa mua vé số rồi giật lấy và bỏ chạy. Hoặc những kẻ ăn mặc sang trọng để đánh lừa người khác, lợi dụng sự sơ hở của người khác, để rồi khi người bán hàng rong lấy tiền ra đếm để thối lại tiền mua hàng còn dư thì giật phăng xấp tiền của họ rồi rồ ga chạy mất.
Còn nhiều kẻ tệ hại hơn nữa, chiếm đoạt hoặc xén bớt tiền hỗ trợ người nghèo, tiền cứu trợ thiên tai. Đó đều là những kẻ cướp hèn mạt sống trên nỗi khổ niềm đau của người khốn khổ. Hình ảnh người thanh niên bán vé số kia và hình ảnh những kẻ bất lương trộm cướp, giật dọc như hai thái cực. Một đằng dù tật nguyền, hoàn cảnh khó khăn cùng cực, nhưng còn chút khả năng lao động vẫn tự trọng, mạnh mẽ, đầy nghị lực, ý chí kiên cường không khuất phục khó khăn, không đầu hàng số phận, muốn sống bằng chính khả năng của mình, không muốn làm kẻ ăn mày khi vẫn còn khả năng sinh sống.
Một đằng thân thể toàn vẹn, tay chân đầy đủ, có sức khỏe, đủ điều kiện lao động nhưng lại lười nhác, tự biến mình thành kẻ vô dụng, lại đem khả năng lanh lợi, sự ma mãnh, giảo hoạt của mình để cướp lấy công sức, đồng tiền mồ hôi nước mắt của những người khốn khổ một cách nhẫn tâm và hèn hạ, chẳng những không biết tự trọng mà còn không có lương tâm và đạo đức. Giá mà xã hội có nhiều người như anh thanh niên bán vé số kia thì cuộc sống sẽ tươi đẹp hơn nhiều.
Minh Hạnh Đức