Các bạn nhỏ gieo duyên xuất gia - từ đây, các bạn được tưới tẩm những hạt giống thiện lành - Ảnh: Đ.Phúc
Tín hiệu vui
Sau những ngày tháng ngồi trên ghế nhà trường suốt hai học kỳ của một năm học, các bạn học sinh được vui chơi, nghỉ ngơi với bạn bè, gia đình trong một mùa hè đầy hứa hẹn. Một trong những sự chờ đợi đó là không ít bạn học sinh chọn cho mình một khóa học ngắn ngày tại các chùa để được sinh hoạt Phật pháp, được giao lưu học hỏi và vui chơi dưới mái chùa. Đây chính là một sân chơi rất bổ ích, đậm chất đạo đức của Phật giáo; bên cạnh đó, các em được truyền trao một sức mạnh, nghị lực tâm hồn theo lời Phật dạy.
Xã hội bên ngoài luôn thay đổi từng ngày, bao nhiêu biến động, bao nhiêu cám dỗ và đủ thứ chiêu trò đu bám các em. Ngoài ra, lối sống không lành mạnh, sự lai tạp của nhiều nền văn hóa khác nhau một cách không chọn lọc và đạo đức luân lý càng ngày càng bị bỏ quên khiến cho các em trở nên thiếu thốn một sân chơi đạo đức lành mạnh. Chính vì lẽ đó, chương trình Tuổi trẻ về chùa, Tuổi trẻ hướng Phật, Xuất gia gieo duyên, Khóa tu mùa hè và Lớp học bên hiên chùa là những sân chơi Phật giáo đang rất cần thiết và tạo được sự tin tưởng, hiệu ứng tốt từ nhiều khía cạnh.
Ở các nước Phật giáo hệ Nam truyền như Thái Lan, Myanmar, vào mùa hè, các bạn học sinh thường đến chùa tham dự khóa tu gieo duyên một tháng như là việc báo hiếu ân đức sinh thành của cha mẹ và cũng là cơ hội để rèn luyện, học hỏi giáo lý Phật giáo, tụng kinh, tham thiền, kinh hành…
Tại Việt Nam, hệ phái Phật giáo Nam truyền, trong những năm gần đây cũng có nhiều chùa tổ chức các khóa tu gieo duyên, các lớp học mùa hè và cả trại hè cho các bạn nữa. Đó là một trong những tín hiệu đáng mừng cho Phật giáo. Bởi vì Phật giáo không phải là một tôn giáo chỉ biết cúng bái, lễ nghi, không phải chỉ là nơi nương náu của những người già neo đơn, cũng chẳng phải là chốn buồn rầu, bi thảm. Giáo lý của Đức Phật phù hợp với mọi thành phần xã hội và mọi lứa tuổi.
Theo đó, có thể điểm qua những khóa học mùa hè tiêu biểu dành cho các thanh thiếu niên ở một số chùa như: khóa tu mùa hè và xuất gia gieo duyên ở chùa Huyền Không (Huế); trại hè Asoka ở chùa Thái Hòa (Đồng Nai), thiền viện Phước Sơn (Đồng Nai), chùa Bửu Quang (Thủ Đức), chùa Siêu Lý (Phú Định), chùa Siêu Lý (Vĩnh Long); khóa học Tuổi trẻ về chùa ở Tân Quang (Hà Giang), khóa Xuất gia gieo duyên ở thiền viện Thiện Minh (Vĩnh Long), chùa Thanh Phước (Bình Phước); khóa tu mùa hè ở thiền viện Viên Không Ni (Bà Rịa-Vũng Tàu)…
Nội dung của các khóa học chủ yếu xoay quanh về các lĩnh vực như lịch sử cuộc đời Đức Phật và chư Thánh đệ tử, giáo lý căn bản, kinh tụng Pāli, kinh Pháp cú, đạo đức Phật giáo… Quan trọng hơn hết là không để các em phải nhàm chán và thụ động trong việc tiếp thu bài học, các vị hướng dẫn lồng vào trong khóa học những cuộc thi tìm hiểu về cuộc đời Đức Phật, học thuộc lòng Pháp cú, đố vui Phật pháp, nhặt lá bồ-đề, và thêm vào đó là những trò chơi dân gian, thậm chí là giải đáp mật thư để đi tìm kho báu.
Mái chùa thành trường học!
Mái chùa, bình thường các em ít được đến để vui chơi vì sợ bị la, bị kiêng kỵ, nhưng giờ đây, các em có cơ hội được sống vài ngày bên mái chùa, ngồi học cùng nhau bên hiên chùa, sống với nhau như một gia đình. Đây là cơ hội tốt để các bạn trẻ tìm hiểu về Phật giáo một cách thiết thực và dễ hiểu nhất. Điều tiên quyết khiến các khóa tu thu hút bạn trẻ là không tạo áp lực học hành cho các em mà phải cho các em thoải mái, được sinh hoạt, vui chơi, giao lưu, học hỏi với tinh thần vui vẻ, dễ hiểu và phù hợp với đạo đức Phật giáo. Không áp lực điểm số, học lực và hạnh kiểm như mái trường các em ngồi suốt những tháng qua, lớp học bên mái chùa chủ yếu làm sao để các em hiểu được đâu là thiện ác, phải trái và đâu là con đường đạo đức, giúp cho các em phát triển được đạo tâm bền vững.
Bên hiên chùa - các em được vun bồi đạo đức, kỹ năng - Ảnh: Định Phúc
“Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” - các bạn trẻ của ngày hôm nay, chắc chắn sẽ trở thành chủ nhân của thế giới này trong tương lai. Các em sẽ là trụ cột của gia đình, sẽ là những nhà lãnh đạo, những người học thức của xã hội và cũng là người kế thừa và phát huy các truyền thống Phật giáo ở ngày mai. Vì lẽ đó, đầu tư vào các em, tạo sân chơi mùa hè để các em tiếp cận với Phật giáo, giúp các em rời xa những thú vui vô bổ, bỏ xa máy tính, bỏ xa những trò chơi bạo lực, rời xa những thói quen không tốt.
Những ngày đầu, các bạn chỉ mới gặp gỡ nhau nên còn bỡ ngỡ, xa lạ nhưng chỉ qua một vài buổi học, vài trò chơi làm quen thì các bạn đã thân thiết nhau, sánh bên nhau cùng học, cùng chơi, cùng ăn và cùng làm. Và sau khóa tu, các bạn lại bịn rịn chia tay nhau, mỗi người đều về lại gia đình của mình và hứa hẹn mùa hè tới sẽ gặp lại nhau. Các bạn cũng không quên xin Facebook, Zalo và số điện thoại để liên lạc.
Có bạn còn tâm sự rằng: 10 ngày khóa tu sao nhanh quá, làm sao nỡ rời xa gia đình này được, mãi nhớ về các sư và các bạn…
Tóm lại, tổ chức khóa tu mùa hè, những lớp học bên mái chùa chính là tạo ra những sân chơi đạo đức tâm linh rất lành mạnh cho thanh thiếu niên tách biệt hẳn với môi trường bên ngoài. Nhờ đó, các bạn trẻ có được những phút giây an lạc nơi tâm thức, bồi bổ những giá trị tinh thần cần có, phát huy những giá trị đạo đức của con người.
Hy vọng những khóa tu như vậy, những buổi học như thế sẽ được phát huy thêm nữa để trở thành một môi trường cho các thanh thiếu niên Phật tử sinh hoạt ổn định hơn, không chỉ là mùa hè mà sẽ là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của các bạn trẻ.
Bhik.Samādhipuñño Định Phúc
Thưởng cho các em mùa hè đẹp tuyệt, tại sao không? Tôi từng công tác thiếu niên nhi đồng những năm 1980. Sau một khóa tập huấn ở tỉnh (Minh Hải cũ) bàn sâu về chuyện này, tôi tham gia một ban chỉ đạo sinh hoạt hè cho thiếu nhi ở địa phương và… vỡ mộng! Không có nguồn lực gì ngoài mấy văn bản in roneo làm vốn! Băn khoăn theo hoài... Bây giờ có khác: kinh tế xã hội phát triển hơn trước, nguồn lực nhà nước và xã hội cho chăm sóc các em có tăng; ngay ở gia đình, hộ có điều kiện - trẻ đã được chăm sóc khá. Hè đến rồi. Các chùa có nhân sự - kinh nghiệm - không gian tổ chức khóa tu hè: trong đấy ngoài Phật pháp có lồng ghép chia sẻ đạo đức cùng hoạt động thể - mỹ, giải trí, kỹ năng sống… rất thiết thực. Chuyện hay này thấy khắp ngoài Bắc trong Nam, ngay vùng khó, sâu xa vẫn thấy. Góc độ nào đấy có thể xem hoạt động trên của Phật giáo là xã hội hóa công tác chăm sóc, sinh hoạt hè cho thiếu niên nhi đồng. Sau những khóa tu ngắn, các em như được ấn nút “thoát” khỏi ngổn ngang đời sống cùng sự căng thẳng của học tập, game online, làm mới bản thân và trưởng thành hơn. Trước đây, thời những năm 1980 như đã nói, chuyện này không có. Bài toán được giải một phần đáng kể. Hè không phải trong 3 tháng như cách hiểu ước lệ, các em lại nhanh quay lại học hành, ôn luyện và trường lớp, đây là điều khác thời trước. Ở đô thị lớn, có khi chỉ tận hưởng được ½ hay 1/3 mùa hè. Do vậy, trẻ vẫn cần được quan tâm ngay ở gia đình, cộng đồng khi hè về. Phụ huynh cần sát bên hỗ trợ các em khám phá thiên nhiên, thể thao hay nếu có điều kiện thì du lịch gần xa - như phần thưởng cho một năm học tập cần cù, lại thêm cơ hội gần gũi tình thân, chia sẻ. Nguyễn Thành Công |
* Bạn đọc có chia sẻ gì về cách giáo dục trẻ theo phương pháp nhà Phật? Và câu chuyện dạy con, cho con đi khóa tu cùng những chuyển hóa tốt đẹp sau khóa tu mà bạn cảm nhận được? Mời bạn cùng chia sẻ với trang Tuổi trẻ của báo Giác Ngộ, gửi e-mail về: bandocgiacngo@gmail.com. Trân trọng!