Lớp mỹ thuật đầy tình thương giữa lòng Sài Gòn

GN - Các bé trong lớp ngồi vẽ được một tí lại chạy nhảy vui đùa khắp phòng, cô giáo hướng dẫn cũng hòa vào, vui với các em như thơ trẻ, rồi lại cùng chăm chút vào những nét vẽ, hướng dẫn các em một cách kiên nhẫn và thương yêu. Đó là ấn tượng của người viết về lớp “Mỹ thuật Ếch Con”...

Lớp học theo tiêu chí “chơi mà học” này do cô giáo trẻ Lê Bảo thành lập năm 2014, ngoài nhận hướng dẫn các bé bình thường, cô đã đặc biệt thành công với những bé có khiếm khuyết về mặt tâm lý; nhiều phụ huynh ở các tỉnh lân cận cũng đã tìm đến nhờ cô chia sẻ phương pháp chăm con...

2ech.jpg


Một buổi học tại Mỹ thuật Ếch do cô Lê Bảo hướng dẫn - Ảnh: ND

Tự sửa mình để dạy trẻ tốt hơn

Cùng tham dự một buổi chia sẻ kỹ năng cho phụ huynh về vấn đề chăm sóc con có những khiếm khuyết tâm lý như bị tự kỷ, chậm phát triển, tăng động do cô Lê Bảo hướng dẫn, chính PV cũng thấy mình được quay trở lại nhận diện chăm sóc bản thân để biết yêu thương người xung quanh hơn. Câu nói được cô Bảo nhắc đi nhắc lại với các mẹ tham gia lớp học là “mình phải tự thay đổi chính mình trước thì mới có thể thay đổi người khác”. Rồi cô nhấn mạnh: hãy bắt đầu từ nhận thức, tư tưởng và qua lời nói - phải ái ngữ, luôn giữ bình tĩnh trước mọi việc.

Buổi học đầy thân tình và ấm áp, các mẹ cùng nhau chia sẻ câu chuyện của chính mình, về con mình và cách chăm sóc con, góp ý cho nhau. Có chị chia sẻ, từ hôm học về tới giờ thấy mình “không còn nóng tính như trước nữa”, có chị nói “giờ biết sắp xếp thời gian dành cho con, biết thêm nhiều thông tin hữu ích để chăm con”, “giá mà biết cô Bảo sớm hơn thì con chắc sẽ có sự phát triển nhiều hơn bây giờ, nhưng muộn còn hơn không”. Rồi các chị tự nhận thấy bản thân mình phải thay đổi nhiều, biết là rất khó nhưng cũng sẽ cố gắng thay đổi vì con.

Lớp học dành cho phụ huynh được cô Bảo mở ra gần đây khi trải qua thời gian chăm sóc, hướng dẫn các bé khiếm khuyết về tâm lý rồi nhận thấy “chỉ có mẹ mới có thể giúp được con, cô giáo chỉ là cầu nối”.

Và để chứng minh điều đó, cô Lê Bảo “bắt buộc phụ huynh phải tin vào con mình, và chứng minh từng ngày, bằng sự tiến bộ của con. Đấu tranh mỗi ngày để bé nhích lên từng chút, còn nếu không nhích lên thì không được tụt lùi lại, do đó hầu hết các em đến với lớp học đều có chuyển biến. Bởi khi bố mẹ đưa con tới thường là họ gần như bỏ cuộc, có tâm lý đưa con cho cô, cô giúp được thì giúp còn không thì thôi”, cô Lê Bảo chia sẻ.

Cô Bảo cho biết, một bức vẽ của các em là ngôn ngữ biểu đạt suy nghĩ, tâm lý, nếu em nào có khiếm khuyết về mặt tâm lý, khi vẽ sẽ thấy rõ được. Nếu bé có tính cách bạo lực thì sẽ vẽ với gam màu nóng, như màu đỏ, màu cam; còn nếu bé thường vẽ lặp lại một hình ảnh nhiều lần như vẽ ngôi nhà rất lớn, nhưng không có cửa, hoặc cửa rất nhỏ thì chắc chắn tâm lý bé rất ngại tiếp xúc bên ngoài.

Nói về điều này, cô giáo trẻ Lê Bảo cho rằng: “Khi phát hiện có khiếm khuyết về tâm lý qua các bức vẽ của trẻ, tôi định hướng ngược lại, nói ngược lại câu chuyện bé đang suy nghĩ. Chẳng hạn bé vẽ toàn gam màu kích động thì mình hướng dẫn vẽ những màu sắc nhẹ hơn, màu xanh, màu hồng”.

“Màu sắc là nhịp cầu để tôi tiếp xúc, nói chuyện được với bé. Khi bé thấy mình là người bạn, thấy được quan tâm, sẻ chia, thấy gần gũi, thấy niềm vui bình an thì tự động tâm lý bé thay đổi và gần gũi với mình hơn”, cô cho biết.

Và bằng những hành động cụ thể từ bản thân, cô Bảo quan niệm: “Khi hướng dẫn các bé, tôi luôn tận tâm, hết mình, từ suy nghĩ đến hành động để bé thấy tin tưởng. Với tôi, đây là môi trường nuôi dưỡng đạo đức, tâm hồn. Khi tâm hồn khô cằn thiếu dinh dưỡng thì không làm được việc gì. Nên tôi yêu cầu phụ huynh cùng chung tay chống lại điều đó, làm sao để đảm bảo dinh dưỡng cho tâm hồn bé, để bé thấy vui, hạnh phúc khi đến lớp học, cũng như khi được ba mẹ hướng dẫn ở nhà”, cô Lê Bảo bày tỏ.

Nhận ra con đường đi từ “thất bại” của mình

Để có được những giờ học đầy hứng thú khi chia sẻ với các bé, cũng như những buổi hướng dẫn hạnh phúc đến các phụ huynh, cô Bảo cho biết mình tự tìm hiểu, nghiên cứu mày mò từ sách vở, và quan trọng nhất là: “Tự tôi ngộ ra bằng những trải nghiệm từ thời học sinh của mình, bằng những thất bại của chính mình nên tôi tâm đắc câu nói “một giáo viên giỏi là giáo viên biết đào tạo người giỏi trở nên giỏi hơn, và người chưa giỏi trở nên biết hơn””.

Cô tâm niệm “nơi nào có tình yêu thì nơi đó có bình yên và chính tình yêu giúp các bé phát triển hết tiềm năng bên trong của mình”.

Cô Bảo bộc bạch với PV rằng, ngày xưa cô chỉ sống theo bản năng, không có định hướng rõ ràng, thậm chí có năng khiếu mỹ thuật nhưng không được trau dồi. Sau này khi học thiết kế thời trang ở Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đồng Nai, tiếp tục thi và đậu Đại học Kiến trúc TP.HCM, lúc đó Bảo thấy mình có sự hiếu chiến của tuổi trẻ, thấy mình giỏi, muốn nhiều thứ, lúc nào cũng muốn tốt cho mình, muốn làm nhà thiết kế giỏi... Tuy nhiên, cả Bảo lẫn bạn bè mình đều không thể hiện đúng điều mình thích, muốn sáng tạo trong mỗi học phần mà “trả bài” theo yêu cầu của người dạy để đạt điểm cao. Cô nhận ra, đó là sự “thất bại” của người học trong đó có mình vì những sản phẩm đào tạo rập khuôn. “Thật vậy, mọi người chạy theo việc học không phải vì đam mê mà chỉ là những mê hoặc điểm số, vì sự hài lòng của người khác chứ không phải là hạnh phúc của chính mình. Đã vậy còn có xu hướng đổ lỗi cho người khác, trách người thân”, cô giáo Bảo nhớ lại.

Cảm thấy thất vọng, Bảo quay trở lại chính mình, nhận ra tất cả do lỗi của mình, tất cả mọi chuyện do bản thân mình quyết định.

Rồi chính lúc ở vào đỉnh điểm của nỗi buồn, cô chọn cách hướng dẫn miễn phí cho các bé học vẽ ngoài công viên - thấy sự long lanh từ ánh mắt trẻ, thấy sự hạnh phúc từ những nét vẽ của các bé, cô nhận ra - đây là con đường hạnh phúc của mình, rồi quyết định dạy vẽ cho trẻ.

“Công việc ấy giống như giáo viên mầm non, không còn hào nhoáng như một nhà thiết kế. Bị gia đình phản đối, nhưng lúc đó tôi mặc kệ, định hướng chính mình theo con đường của mình vì mỗi con người chỉ có một cuộc đời để sống, và sống để mình có cảm giác mình sống có ý nghĩa, hạnh phúc, mang lại niềm vui, bình an cho người khác, làm riết thấy nó trở thành sứ mệnh của mình”, cô Lê Bảo bày tỏ.

Khi khó khăn quay lại với hơi thở

Để đảm bảo kinh phí hoạt động của Mỹ thuật Ếch, cô Bảo tranh thủ làm thêm bên ngoài, nhiều khi đi vẽ tới 11 giờ đêm mới về. Dù cáng đáng nhiều kinh phí cho hoạt động của lớp học, nhưng hễ có học sinh nghèo là cô nhận dạy miễn phí. “Một số phụ huynh nghĩ rằng tôi làm thế để... kiếm tài trợ, là lợi dụng học trò! Lúc đầu tôi có buồn, nhưng không trách và cũng chỉ 24 tiếng là nỗi buồn ấy tan biến - nhờ quay về với hơi thở, nhận ra mình không nên phung phí thời gian cho những hiểu lầm. Nhờ vậy tôi vẫn duy trì công việc và lớp học được tồn tại đến bây giờ”, cô trải lòng.

Cô Lê Bảo cho biết, dự kiến trong tương lai nếu thuận duyên sẽ tạo công ăn việc làm cho những trẻ khiếm khuyết về mặt tâm lý bên cạnh mình, để các trẻ có thể sinh sống từ những gì các em đã được học. Nên hiện tại, khi nhận được công trình nào, cô đều cho các em cùng tham gia và trả lương cho các em.

Với các bé có tâm lý ổn định, cô mong sẽ truyền được tư tưởng cống hiến cho mọi người. “Bất cứ việc gì nếu không xuất phát từ cái tâm thì không thành công, bạn chỉ thật sự hạnh phúc với những việc bạn tâm huyết, nên luôn căn dặn học trò phải là một người trung thực với bản thân, với mọi người, dũng cảm, có tâm đức”.

Nói về mong ước hiện tại, cô bày tỏ: “Tôi mong một ngày nào đó có thật nhiều người cùng đam mê với mình, các bạn mạnh mẽ ở đúng vị trí của các bạn đã là đủ cho tôi. Công việc này cực kỳ khó, khó đến mức tôi nghĩ nếu có một lúc nào đó không tìm được người chung sức, chung hướng với mình và tôi thấy bản thân không đủ sức khỏe sẽ dừng lại, vì không muốn đi lầm đường lạc lối ảnh hưởng đến các con, đó cũng là trách nhiệm sứ mạng mà tôi viết ra”.

Năm 2014, cô Lê Bảo sáng lập CLB Mỹ thuật Ếch Con, P.Bến Thành (Q.1), thực hiện mô hình giáo dục tâm lý, tính cách, lối sống cho trẻ em, đặc biệt là trẻ mắc chứng tự kỷ giúp các em hòa nhập, phát triển một cách bình thường.

Năm 2016, cô được đề cử là một trong“Những tấm gương thầm lặng mà cao cả”- danh hiệu dành tôn vinh những đóng góp hữu ích cho cộng đồng của UBND TP.HCM.

Đầu năm 2017, cô Lê Bảo xuất bản sách “Sự lột xác của tâm hồn” - chia sẻ những trải nghiệm, những chuyển hóa từ thất bại của bản thân, để rồi nhận ra “Khi cho đi, ta nhận lại con đường...”.

 Như Danh

______________

* Trang Phật giáo - Tuổi trẻ chào đón bài vở cộng tác của bạn đọc. Đó có thể là chân dung một vị Tăng Ni trẻ dấn thân, làm việc thiện; hoặc nhóm bạn trẻ sống đẹp, tham gia bảo vệ môi trường; những tấm gương học Phật và thành công trong cuộc sống, an vui trong công việc... đã truyền cảm hứng cho bạn và nhiều người. Bài viết và hình ảnh nhân vật hoan hỷ gửi về: bandocgiacngo@gmail.com. Trân trọng đón chào...

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày