Mái ấm cho động vật bị bỏ rơi

GN - Mới hoạt động từ ngày 1-7-2015, nhưng đã có trên 30 ngàn lượt thích trang fanpage “Gia đình của bé”. Ðặc biệt, sau sự kiện chú chó Lucky được nhóm cứu thì cộng đồng mạng biết đến nhóm nhiều hơn. Không chỉ có Lucky, nhóm đã và đang cứu rất nhiều các “bé” khác.

Từ tình thương động vật

Trang được thành lập từ một nhóm ban đầu có 4 người, với cùng tâm trạng “đều cảm thấy bất lực trước tình trạng ăn thịt chó, mèo và hành hạ chó, mèo nên muốn thành lập nhóm để có tiếng nói riêng từ cộng đồng nhỏ đòi quyền lợi dành cho chó mèo” - tất cả là những người không có thân thích, chỉ tình cờ gặp nhau trên mạng, rồi trò chuyện giúp đỡ nhau qua lại về động vật.

1gd.jpg
Ngày 27-7-2015, lần đầu nhóm ra mắt offline tại Công viên cầu Ánh Sao Q.7 - Ảnh: Nhóm cung cấp

Ðể đi đến quyết định ra mắt trang fanpage, nhóm đã chuẩn bị đầy đủ những thông tin để cứu chó, cứu mèo. Ngoài ra, nhóm còn dùng trang để phổ biến những kiến thức về chó mèo, tư vấn, hỗ trợ giúp cho người nuôi chó lần đầu, người đang nuôi… có thêm kinh nghiệm kiến thức về nuôi chó mèo.

“Ðến bây giờ, nhóm đã có 34 thành viên đủ mọi ngành nghề cả trong và ngoài nước. Những thành viên nước ngoài sẽ gửi sách báo, trang web tin tưởng, những đường link loại thực phẩm không nên dùng vì có một số loại đồ ăn cho các “bé” ở nước ngoài họ cấm nhưng ở Việt Nam bán tràn lan, hoặc khuyên không nên dùng. Chính những anh chị ở nước ngoài cho biết một con chó bị ghẻ nên tắm dầu gội gì, hoặc chó bị liệt trị như thế nào để khỏi...” - chị Anh Thư, điều hành nhóm Gia đình của bé cho biết.

Nhóm thường cứu chó bị lạc ngoài đường, cứu chó tại lò mổ thịt, bị đánh đập, bị bỏ rơi, tư vấn cách chăm sóc chó… không chỉ hoạt động trên fanpage mà còn có sự tương tác giữa 34 thành viên với cộng đồng mạng, cũng như các nhóm bảo vệ động ở Sài Gòn và trong cả nước, để có trường hợp hỗ trợ được thì sẽ hỗ trợ.

Chó mèo khi được đưa về thì các thành viên tự sắp xếp với nhau, có một bảng phân công lịch trực vào thứ 7, “ai rảnh ngày nào thì đăng ký, tới lịch bạn nào thì bạn đó đến cho mèo ăn, quan sát trình trạng sức khỏe, rồi ghi lại nhật ký của các “bé” (các bạn gọi các chú chó mèo một cách trìu mến như vậy - PV), tới ca trực thì đưa bé đi chích thuốc ngừa, cho bé uống thuốc ngừa, xổ lãi…

Một người đi cứu chó cứu mèo không thể nào ngày một ngày hai được, nếu không có quyết tâm thì sẽ dễ nản vì nó quá mệt, nó dơ bẩn, nó hôi lắm, nhiều bé bị lở loét, thịt bị thối… Nói chung là có ngàn lý do và ngàn khó khăn để bỏ cuộc nhưng không có bạn nào trong nhóm muốn bỏ cuộc hết, vì chọn đi theo là sẽ quyết tâm, nguyện đi theo là đi, còn không thì đừng làm ngay từ đầu, tại làm nửa chừng bỏ lỡ dở là có tội” - chị Anh Thư bày tỏ.

Truyền thống gia đình

Là một trong bốn người đầu tiên thành lập nhóm, chị Anh Thư chia sẻ, ở nhà đang nuôi đến 20 con chó, 15 con mèo ngày nào cũng dậy lo cho chó mèo ở nhà, sau đó đi làm, 18g30 ra khỏi văn phòng là chạy qua Shelter (nơi trú ngụ của các chú chó mèo bị bỏ rơi) dọn dẹp đến khoảng 22g đêm, chạy về nhà dọn dẹp tiếp, sau đó thì đi ngủ… Mỗi ngày nó cứ lặp lại như vậy.

“Bản thân nhà mình từ hồi nhỏ xíu đã nuôi chó mèo rồi, bố mẹ mình cũng “nghĩa hiệp” cứu chó cứu mèo từ hồi nhỏ xíu nên việc làm ấy giống như có trong máu rồi. Ở nhà có chữa bệnh cho chó thì mình đứng quán sát và biết cách, nên mình thường dùng những kinh nghiệm thực tế và truyền lại cho mọi người” - chị Anh Thư kể.

Chị cho biết, bố mẹ năm nay 60 tuổi nhưng rất thương động vật, “bố mẹ dạy cho con cái có suy nghĩ thú vật là bạn bè, là một phần của gia đình, đối xử rất công bằng với động vật, cho ăn uống đầy đủ, chữa bệnh đầy đủ… Hạn chế ăn những động vật như thịt rừng, ba mẹ khuyến khích ăn rau nhiều hơn.

Chị mình từ khi qua Canada, với lối giáo dục bên đó thì làm cho chị thấy chó, mèo, gà, bò gì cũng công bằng với nhau cũng đều là thú cưng hết… Vì vậy, hiện chị đang có thai nhưng vẫn ăn chay trường theo chỉ dẫn của bác sĩ”, chị Anh Thư kể.

4gd.jpg


Chăm sóc các bé trong nhà Shelter Q.7 - Ảnh: Nhóm cung cấp

Sở dĩ nhóm có tên Gia đình của bé là do ở nhà, mẹ chị hay gọi chó mèo là mấy con, mấy đứa nhỏ, mấy bé, mấy thằng nhỏ… nên khi  lập nhóm chị cũng gọi là mấy bé. Lúc đầu các bạn trong nhóm cũng chưa ưng lắm… vì khi tìm trên Google thấy có nhóm đặt tên Gia đình của bé, mà bé là bé con nít rồi các bạn nói đặt con vật ngang với con người là không được. Sau đó, chị giải thích với các bạn trong nhóm, “mình lập nhóm để bảo vệ chó, mèo, nên khi vào nhóm xác định các con vật, chó, mèo... đều là một phần cuộc sống của mình, phải để ngang bằng với mình”.

Ở nhà ba mẹ đều có khuynh hướng đạo Phật, “mẹ thường hay đi thiền viện Trúc Lâm ở Ðà Lạt, nhưng lên đó toàn chăm chó, mấy cô la, lên thăm cô mà toàn chăm chó” - chị Anh Thư cười tươi chia sẻ.

Chị cũng cho biết, đang hỏi ý kiến các bạn trong nhóm về việc ăn chay. Nhưng trước hết chị sẽ tập ăn chay một tuần một lần, để làm gương, cũng là để thực hành trước lời mình nói.

Ðộng vật cũng là một phần của gia đình, cuộc sống

Gia đình của bé ban đầu thành lập thì các thành viên tự đóng góp, ai có nhiều thì đóng nhiều, ai có ít thì đóng ít, để trả tiền thuê nhà, điện, nước, thuốc chăm sóc các bé.

“Ban đầu, khi đi khám bệnh cho các bé, bác sĩ thú y chưa biết nhóm là ai nên vẫn tính tiền bình thường, sau đó thấy ngày nào cũng mang lên, hỏi nhà ai mà nuôi nhiều dữ vậy, rồi kể ra thì có bác sĩ Khánh ở Ðiện Biên Phủ cũng hỗ trợ một phần kinh phí.

Khi chuyện bé Lucky xảy ra thì có bác sĩ Nghĩa trực tiếp cứu chữa cho Lucky, nhắn tin sẽ hỗ trợ chi phí, rồi trong nhóm có bạn Hoàng Nhân học thú y vừa mới ra trường nhưng chưa nhiều kinh nghiệm nên cũng đang tích lũy kinh nghiệm”.

Hiện tại có được một số tiền ủng hộ từ mạnh thường quân, mặc dù biết sẽ không đều đặn nhưng nhóm rất vui, bởi vì khi có số tiền đó, thì nhóm sẽ dùng số tiền sinh lời, như làm những chiếc áo với slogan “Hãy yêu thương chó mèo” để gây quỹ chăm sóc các bé khác.

Chi Anh Thư cũng cho biết, nhiều anh chị thương các bé, muốn vào thăm các bé, nhóm đều từ chối vì nhiều khi các anh chị cũng nuôi chó mèo ở nhà, mà ở trong Shelter toàn là các bé đang bị bệnh, khi mình sơ sẩy một tí là đem nguồn bệnh về nhà. Rồi sợ cẩu tặc, không chỉ bắt chó, bắt mèo mà còn làm hại các thành viên... nên hiện tại chỉ có 34 thành viên biết địa chỉ.

Trên fanpage của nhóm, có nhật ký của các bé được các thành viên của nhóm viết, “khi kể về các bé đều có một thông điệp, như nhật ký về bé Lucky Berg được ba Hưng cứu... Thông điệp chính, không phải một con người nhìn vẻ ngoài hung dữ mà không có tấm lòng thương chó, một người đẹp đẽ, ăn mặc sang trọng là có suy nghĩ văn minh. Ðể đánh giá một người thì phải xem việc họ làm, đừng đánh giá họ sớm quá. Nhìn Hưng ở ngoài chắc nhiều người sẽ sợ vì xăm trổ đầy mình”.

“Về định hướng, bọn mình không chỉ muốn cứu không, mà cứu đâu được bao nhiêu, quan trọng là tuyên truyền để những bạn trẻ, sinh viên... thấy được, hiểu được rằng, chó mèo không phải là thịt, cũng không phải là đồ chơi, mà là bạn, là một phần của gia đình. Khi đã nuôi phải có trách nhiệm, phải thương yêu. Mong muốn Sài Gòn sẽ có một bộ phận người trẻ cùng biến suy nghĩ của nhóm thành suy nghĩ của cộng đồng, yêu thương chó mèo, không hành hạ, không ăn thịt” - chị Anh Thư mong muốn.

Về chú chó Lucky

Là chú chó nổi tiếng cách đây hơn một tháng, khi bạn Nguyễn Thanh Ðiền (23 tuổi, ở huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) nhìn thấy chú gầy đét, bị quấn băng keo quanh mõm đến hoại tử.

“Nhìn nó bươi đống rác ra mà chỉ đưa mũi vào ngửi chứ không ăn được gì tội lắm” - dòng chia sẻ đầu tiên của Ðiền kèm theo những bức hình trên trang Facebook cá nhân ngày 21-7 ngay lập tức gây rúng động với hơn 17.000 lượt thích (like) và gần 10.000 lượt chia sẻ, kêu gọi cộng đồng mạng chung tay tìm kiếm. Hành trình cứu giúp chú chó được cập nhật liên tục trên trang Facebook của nhóm. Cộng đồng đặt tên chú chó là Lucky, cầu mong một phép màu sẽ đến với chú. Và phép màu đã đến khi chú chó được tìm thấy vào ngày 23-7, sau đó đưa về Sài Gòn cứu chữa, đến nay đã dần hồi phục.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày