GNO - Mất ngủ là rối loạn giấc ngủ đặc trưng bằng tình trạng khó ngủ hay ngủ không ổn định dù có đủ điều kiện cho một giấc ngủ đầy đủ, ngon lành.
Chứng mất ngủ có thể là bộc phát (kéo dài trong vài ngày hay vài tuần) hoặc kinh niên (kéo dài từ một tháng trở lên). Mất ngủ tạm thời có thể là kết quả của các sự kiện gây stress như mất mát người thân; trong khi đó mất ngủ kinh niên do một nguyên nhân thứ cấp gây ra như điều trị bằng thuốc hay vấn đề tâm lý nào đó - theo bác sĩ Ulysses Magalang, giám đốc Chương trình Các rối loạn về Giấc ngủ, Trung tâm Y khoa Wexner, Đại học Bang Ohio.
Mất ngủ bạn cảm thấy buồn ngủ cả ngày, khó tập trung và học tập
Người bị chứng mất ngủ có thể cảm thấy buồn ngủ cả ngày, khó tập trung và học tập, cảm thấy khó chịu, bực bội, lo lắng hay suy nhược - theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH). Người có các bất ổn giấc ngủ kéo dài cũng có nguy cơ cao với tai nạn giao thông, vắng mặt thường xuyên ở nơi làm việc, ít cảm thấy hài lòng với công việc, theo nghiên cứu của các chuyên gia Đại học Rochester năm 2010.
Mất ngủ là một trạng thái khá phổ biến, có khoảng 30% người trưởng thành trải qua một hoặc nhiều hơn các biểu hiện của mất ngủ, thông tin từ một nghiên cứu năm 2007, đăng trên Tạp chí Clinical Sleep Medicine. Theo đó, có khoảng 6% người trưởng thành trải qua các biểu hiện của mất ngủ trong cả tháng mà không có bất ổn nào gây khó ngủ.
Do đâu chúng ta bị mất ngủ?
Mất ngủ có thể là hậu quả hay biểu hiện của một bất ổn, rối loạn khác - được gọi là mất ngủ thứ phát. Theo NIH, nguyên nhân của mất ngủ thứ phát có thể là do: suy nhược tinh thần, lo lắng, rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý (PTSD), rối loạn đau đầu, rối loạn giấc ngủ (hội chứng chân không yên - restless legs syndrome, các biểu hiện của mãn kinh như các cơn bốc hỏa).
Các điều trị y khoa khác như hen suyễn, các thuốc trị cảm, từ caffeine, thuốc lá, cồn cũng đều có thể gây mất ngủ.
Một số nghiên cứu cho thấy tiếp xúc với ánh sáng đèn từ màn hình suốt đêm như ánh sáng từ màn hình máy vi tính, điện thoại thông minh cũng gây mất ngủ.
Ngoài ra, mất ngủ là kết quả của bất ổn khác nhưng chưa được nghiên cứu rõ như: do những thay đổi lớn trong cuộc sống, stress kéo dài và di chuyển nhiều bằng các phương tiện giao thông.
Làm sao biết mình bị chứng mất ngủ?
Thông thường, người bị chứng mất ngủ sẽ khó đi vào giấc ngủ hoặc khó ngủ ổn định. Họ có thể trằn trọc trên giường khá lâu trước khi chợp mắt được, nhưng lại ngủ được trong thời gian ngắn rồi lại thức giấc rất sớm, như là “cả đêm không ngủ chút nào” vậy, theo NIH.
Khá phổ biến nếu lâu lâu chúng ta bị mất ngủ một lần, đặc biệt là khi căng thẳng về việc gì đó. Nhưng chúng ta nên gặp bác sĩ nếu tình trạng khó ngủ hoặc thấy mệt mỏi sau khi thức giấc kéo dài trong thời gian từ 3 tháng trở lên.
Bên cạnh đó, cũng cần tư vấn bác sĩ nếu cảm thấy các bất ổn giấc ngủ của mình gây ảnh hưởng xấu đến khả năng thực hiện các tác vụ trong ngày - theo Bệnh viện Mayo.
Các yếu tố nguy cơ gây mất ngủ
Người cao tuổi thường bị mất ngủ hơn so với người trẻ. Nữ giới thường xuyên bị mất ngủ hơn nam giới do những thay đổi nội tiết trong chu kỳ kinh nguyệt và trong thời gian mãn kinh.
Các yếu tố nguy cơ gây ra mất ngủ có thể bao gồm: do ở trong môi trường nhiều áp lực, có rối loạn tâm thần, làm việc đêm khuya, thay đổi trong giờ giấc làm việc, di chuyển lộ trình dài.
Ngoài các yếu tố về tâm lý, gene cũng có vai trò nhất định trong phát triển nguy cơ mất ngủ của mỗi người, theo Tạp chí Nature Genetics của Hà Lan, phát hành 12-2016.
Mất ngủ được chẩn đoán như thế nào?
Để chẩn đoán mất ngủ, các bác sĩ sẽ hỏi bệnh nhân nhiều câu hỏi về thói quen ngủ nghỉ như: mức độ thường xuyên gặp các bất ổn về giấc ngủ, mất thời gian bao lâu để đi vào giấc ngủ, mức độ thường xuyên thức giấc vào ban đêm cũng như các thói quen trước giờ đi ngủ. Bệnh nhân có thể ghi lại nhật ký ngủ nghỉ của mình trong một hoặc hai tuần để trả lời các câu hỏi này của bác sĩ.
Nhìn vào giờ giấc ngủ nghỉ của một người bị mất ngủ, các bác sĩ có thể xác định được nguyên nhân của bệnh. Ví dụ, nếu khó ngủ vào đầu hôm thì có thể bệnh liên quan đến đồng hồ sinh học hay nhịp sinh học ngày và đêm. Còn nếu thức giấc quá sớm vào buổi sáng thì thường liên quan đến các vấn đề về thần kinh.
Các bác sĩ cũng sẽ ghi nhận về lịch sử điều trị bệnh, các câu hỏi về những bất ổn sức khỏe khác, các trị liệu y khoa đang tiếp nhận, sức khỏe tinh thần, công việc và thói quen khi rảnh rỗi cũng như các sự biến gây stress trong thời gian gần đó (nếu có). Ngoài ra, các bác sĩ có thể yêu cầu kiểm tra thể chất, xét nghiệm máu để kiểm tra các vấn đề liên quan tuyến giáp có thể gây ra gián đoạn ngủ nghỉ.
Bài kiểm tra ngủ qua đêm cũng được tiến hành nếu bác sĩ nghi ngờ mất ngủ do một nguyên nhân khác.
Điều trị mất ngủ như thế nào?
Thay đổi thói quen sinh hoạt thường giúp ích trong việc cải thiện giấc ngủ với người bị mất ngủ tạm thời. Các giải pháp là: tránh caffeine và các chất kích thích khác, đi ngủ và thức dậy vào cùng một giờ mỗi ngày; tránh ăn quá nhiều, thể dục hay ánh sáng đèn quá nhiều trước giờ đi ngủ.
Với người mất ngủ kinh niên, có thể sử dụng liệu pháp hành vi nhận thức, để giúp giảm lo lắng có liên quan đến mất ngủ - theo NIH. Các nghiên cứu đã chứng minh tác dụng lâu dài của liệu pháp này so với điều trị bằng thuốc.
Nhưng nếu liệu pháp này không mang lại kết quả thì các chuyên gia sẽ khuyến nghị dùng thuốc, như: zolpidem (Ambien), eszopiclone (Lunesta), zaleplon (Sonata) hay ramelteon (Rozerem) nhưng các thuốc này chỉ được kê toa trong vài tuần mà thôi - theo Bệnh viện Mayo.
Thuốc ngủ luôn có các tác dụng phụ làm cho bệnh nhân thấy lảo đảo vào ngày hôm sau, hay số ít “đứng dậy đi hoặc có động tác như lái xe trong giấc ngủ”.
Không nên tự ý mua thuốc ngủ để trị mất ngủ cho mình
Bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng các thuốc trị mất ngủ bán tại các nhà thuốc có chứa antihistamine vì các thuốc này không được chứng minh là có tác dụng trong điều trị mất ngủ nhưng lại có tác dụng phụ kéo dài, gây buồn nôn trong ngày hôm sau.
Melatonin cũng không được chứng minh hiệu quả với tình trạng mất ngủ kinh niên nhưng có thể có tác dụng cho một số chứng mất ngủ nhất định, chẳng hạn như mất ngủ có liên quan đến việc di chuyển đến nơi trái múi giờ.
Huệ Trần
(theo Live Science)