GNO - Ở phụ nữ có tuổi, các chứng mất trí nhớ (dù là nhẹ) đều tiến triển xấu dần nhanh hơn ở nam giới, nhất là đối với bệnh Alzheimer - theo một nghiên cứu xuất bản hồi tháng 7 qua.
Ảnh chỉ mang tính minh họa
Tại Hoa Kỳ, có khoảng 2/3 phụ nữ mắc chứng Alzheimer. Ở tuổi 65, cứ 6 phụ nữ khỏe mạnh thì có 1 người có nguy cơ mắc bệnh này, so với tỉ lệ là 1 trong số 11 ở nam giới.
Theo các nhà khoa học, lý do có thể là do phụ nữ có tuổi thọ cao hơn nam giới. Nhưng gần đây, các chuyên gia đã tìm thấy một lý do khác tạo ra sự khác biệt này.
Một nghiên cứu trên 1.000 người cho thấy loại protein có tên là beta-amyloid trên não đã tạo ra sự khác biệt ở nam và nữ, làm cho người này khỏe mạnh hơn người khác, người kia có nguy cơ mắc Alzheimer cao hơn người nọ. Căn cứ vào mức độ tăng trưởng và phát triển của loại protein này có thể xác định được nguy cơ mắc Alzheimer trước khi các triệu chứng xuất hiện.
“Nữ giới có nhiều protein này hơn nam giới” - khẳng định của bác sĩ Michael Weiner, Đại học California (San Francisco). Đây chính là nguyên nhân gây ra tình trạng bệnh mất trí nhớ xấu đi nhanh hơn ở nữ giới, theo nghiên cứu này.
Ngoài ra, các chuyên gia còn cho biết, nếu từng trải qua các cuộc phẫu thuật có gây tê, gây mê thì cũng sẽ gặp phải tình trạng tương tự như trên.
Nguyên nhân không nằm ở chỗ phụ nữ sống thọ hơn nam giới mà còn phải kể đến các nguyên nhân thuộc về sinh học, môi trường sống làm cho bệnh mất trí nhớ ở phụ nữ tiến triển nhanh hơn hoặc có nguy cơ cao hơn - chia sẻ của bác sĩ Kristine Yaffe (UCSF).
Huệ Trần
(Theo Fox News)