Áp đặt Ở Việt Nam, con ngoan là phải biết nghe lời. “Con cãi cha mẹ trăm đường con hư”. Hầu hết, các bố mẹ đều luôn muốn con phải “phục tùng” mọi ý kiến của người lớn. Đơn giản như mặc bộ quần áo này, ăn món này cho bổ dưỡng trong khi ngày nào cũng phải ăn, con đã ngán lắm, học thêm tiếng Anh trong khi con lại chỉ thích học vẽ, con phải học trường song ngữ trong khi con chỉ muốn học ở trường gần nhà với các bạn cùng khu tập thể... Và khi con lớn lên, học ngành gì, ra làm việc ở đâu cũng là theo “chủ ý” của bố mẹ. Không được bày tỏ ý kiến riêng Mỗi khi con lên tiếng hoặc bày tỏ ý kiến riêng của mình có nghĩa là đã “chống đối” bố mẹ. Nếu con dám góp ý, bàn luận về ý kiến của bố mẹ, con thường bị coi là hỗn, láo, bướng bỉnh. Những mầm mống nổi loạn này phải bị dẹp ngay từ trong trứng nước. Vì thế, con thường không dám tâm sự những chuyện riêng, chuyện khó nói (chuyện tình cảm, lạm dụng tình dục...) với cha mẹ. Con biết kết quả của những lần tâm sự như thế, con sẽ bị mắng, ngăn cấm chứ không phải chia sẻ và những lời khuyên. Chỉ đến khi con phạm lỗi, mọi chuyện không thể cứu vãn được, cha mẹ lại lên tiếng trách cứ: “Sao không nói với mẹ?”. Mẹ hãy luôn cởi mở và lắng nghe con nói để trở thành người bạn thực sự của con Coi thường và chê cười con Mỗi người đều có những nhược điểm và ưu điểm nhất định. Con hay bố mẹ đều không phải là trường hợp ngoại lệ. Có bé chậm chạp, có bé nhanh nhẹn, có bé khéo léo, có bé lại vụng về hơn. Có bé gầy, bé béo, bé xinh và bé da đen... Bố mẹ và người lớn hay lấy những đặc điểm riêng (thường là đặc điểm không tốt) của bé để trêu trọc hay làm trò đùa, cười cợt, chế giễu. Hoặc mỗi khi bé mắc lỗi lại đem những đặc điểm đó ra để mỉa mai. Điều đó sẽ làm bé vô cùng bị tổn thwuowng và mất tự tin. Khi chơi với bạn bè, bé thường chỉ nhìn thấy ưu điểm, ít nhận thấy nhược điểm của bạn. Nếu bố mẹ chê cười và chế giễu bạn bè của con, bé cũng cảm thấy bị ức chế. Và điều này sẽ làm bé có cái nhìn không tích cực về bạn bè hoặc làm hạn chế sự giao tiếp của bé với bạn bè. Không quan tâm tới sở thích của con Mỗi bé đều có những sở thích riêng, tùy theo giới tính hay lứa tuổi như chơi búp bê, sưu tập tem, đọc truyện tranh, xem hoạt hình... Nhưng bố mẹ hầu như ít quan tâm và không ủng hộ những sở thích riêng của bé. Nhiều bố mẹ còn ngăn cản những sở thích đó một cách quá đáng như cấm đoán, trách phạt, đánh đòn, chỉ muốn con chăm chỉ chú tâm và học mà thôi. Chính những điều này khiến bé sau này lớn lên sẽ “học” ở bố mẹ sự áp đặt, thiếu tôn trọng những ý kiến cá nhân của người khác. Bố mẹ nuôi con khôn lớn, lo cho con đầy đủ mọi điều kiện vật chất để con học tập, mua cho con những bộ quần áo đẹp nhất, những món ngon nhất và những đồ chơi đắt tiền... Tất cả những điều đó chưa đủ đối với bé. Hơn hết, con cần bố mẹ tôn trọng, lắng nghe và chia sẻ để có một cuộc sống lành mạnh cả về vật chất lẫn tinh thần.