Mẹ và những cái Tết xưa…

GNO - Cách đây 20 năm về trước, ở quê hầu như gia đình nào cũng khó khăn về vật chất lẫn tinh thần. Do vậy, bọn trẻ con như chúng tôi ngày ấy, khi bước vào tháng Chạp là lòng mong ngóng Tết.

Tet ngheo.jpg
Ngóng Tết - Ảnh: TTO

Rất đơn giản, Tết được “mặc đẹp” dù thời ấy Tết chỉ có một hoặc hai bộ đồ mới là cùng và được “ăn ngon” dù chỉ có một mớ mứt dừa, vài đòn bánh tét, vài chục cái bánh ít và đa số “cây nhà lá vườn” là chính. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng mang lại niềm vui đấy ắp những ngày xuân.

Nhưng để có bấy nhiêu thứ ấy cho ngày xuân không đơn giản chút nào vì điều kiện kinh tế rất khó khăn của mỗi gia đình. Càng cận Tết áp lực càng lớn. Đặc biệt là đối với những bà mẹ quê, dù nghèo vẫn muốn ngày tết gia đình và con cái được sung túc hơn những ngày thường.

Hồi ấy, tôi còn nhớ rất rõ. Cận Tết, mẹ tôi phải vất vả bao điều. Để anh em tôi khi Tết về, ít nhất mỗi đứa phải có một bộ đồ mới mặc đi chơi Tết, thường thì mẹ ra chợ mua vải về rồi dắt anh em sang nhà cô Út nhờ cô may. Được mẹ dắt đi may đồ mới anh em tôi vui sướng hẳn ra, mà đâu nghĩ đến bao nỗi vất vả của mẹ mới có được những bộ đồ mới
ấy.

Để có món mứt dừa cho anh em tôi “nhâm nhi” mấy ngày Tết cũng một tay mẹ làm. Từ khâu đi chọn mua những trái dừa rám, về nhà tự tay mẹ bào thành những lát mỏng, sau đó đem phơi và sên mứt. Mứt chính tay mẹ làm thường rất ngon vì mẹ không bỏ một thứ hóa chất hay phẩm màu gì cả. Cái thời “ốm đói” ấy, chưa đến mùng 3 hộp mứt đã hết veo.

Thằng Út vét mớ “mứt cặn” còn sót ở đít hộp ăn ngon lành, nó còn căn dặn mẹ Tết năm sau mẹ làm mứt nhiều nhiều. Mẹ cười, xoa đầu nó mà mắt rưng rưng.

Bánh tét và bánh ít cũng một mình mẹ làm, vì nhà cha và bốn anh em tôi toàn “đực rựa”, đành “bó tay” trong việc gói bánh. Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu gói, khâu rọc lá chuối là anh em tôi xung phong làm thay mẹ. Sau nhà, cha có trồng một hàng chuối xiêm lẫn chuối già. Chiều tối gói bánh, xế xế mẹ bảo anh em tôi đi rọc lá chuối. Tôi rọc, mấy đứa em nhặt đem phơi nắng cho heo héo, rồi mang vào nhà cho mẹ chọn lá và chuẩn bị gói bánh.

Xôm tụ và khoái nhất là khâu hấp bánh. Thường là mẹ chọn đem giao thừa gói và hấp bánh luôn. Mẹ bảo, đem giao thừa vừa thức hấp bánh vừa đón không khí chuyển giao từ năm cũ sang năm mới. Có năm, anh em tôi ngồi canh bánh chín, bánh chưa chín đã… ngủ gục hết ráo.

Sáng mùng một Tết, để anh em tôi được tươm tất và sạch sẽ, mẹ tự tay mặc đồ và chỉnh đốn trang phục cho thật vừa mắt rồi mới cho anh em tôi đi chúc ông bà hoặc sang nhà bà con dòng họ, hàng xóm chơi Tết.

***

Một cái Tết nữa lại về, anh em tôi bây giờ đã lớn và có gia đình riêng. Mỗi năm Tết về, thường tề tụ về gia đình sum họp. Cha cũng đã về với ông bà, mẹ một mình thui thủi, cuối năm mong ngóng cháu con về, mừng mừng vui vui mấy ngày Tết. Năm nào cũng vậy, mẹ tôi thường ngồi kể cho mấy đứa cháu nghe về những cái Tết xưa.

Cái thời gian khó ấy, với chúng như là cổ tích dù chỉ mới hơn 20 chục năm nhưng với anh em chúng tôi, nó là những ký ức êm đẹp và ấn tượng không thể nào phai phôi…


Trần Thành Nghĩa
(Ven 2, ấp Mai Hương, xã Vĩnh Kim, huyện Cầu Ngang, Trà Vinh)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày