Miên man giữa vườn hoa Phật pháp

GN - Tết năm ngoái tôi về thăm ba mẹ. Quê khác trước, đã bớt đi nhiều những mái nhà tranh. Tôi về vội đi vội, không biết rằng xã mình đang dần hình thành một mái ấm viên mãn. Hôm nay có người bạn gọi điện, bảo tớ đang ở quê, về chơi cho vui, ta viếng chùa. Tôi sực nhớ... Quê đã có chùa. Niềm vui dâng ngập. Cái tin khiến con tim tắc nghẹn, muốn ứa nước mắt. Nơi quê xa đó có ba mẹ, họ hàng, bà con lối xóm... những người ngày đêm tôi chỉ mong một điều duy nhất là ai ai cũng sẽ đến với Phật, sống đúng như lời Phật dạy, sớm nhận chân bể khổ trầm luân.

flowers.jpg

Tôi vào Google gõ tên chùa... Hạnh phúc nào bằng, trang web vuonhoaphatgiao.com do thầy Thích Nghiêm Thuận, phó trụ trì của chùa đảm trách hiện ra. Vuonhoaphatgiao.com gồm các mục: Thời sự, Phật học, Lịch sử, Phật pháp, Pháp âm, Tự viện, Danh tăng, Từ điển Phật học... và cả mục Văn học - vốn là nghề nghiệp của tôi nữa. Thật chẳng thua kém trang web của một tờ báo, đúng với cái tên gọi của nó: vườn hoa Phật giáo. Hoa nở rộ quanh năm không héo tàn. Tôi lạc vào đó như niềm đam mê từ vô thỉ. Những bông hoa từ bi trí tuệ khiến tâm trở nên bình lặng trước dòng đời cuộn chảy.

Ngày nay internet thật sự trở thành phương tiện tối ưu trong tiếp cận tri thức. Ai sử dụng với mục đích giải trí, điều đó chẳng khác đang tạo “cảnh giới ma” cho mình. Khoảng hơn mười năm về trước, để tìm được một quyển sách quý không dễ. Nay thì kinh điển, giảng kinh, đến pháp ngữ của các thiền sư, các tổ sư đều được số hóa... Vuonhoaphatgiao.com đang dần tạo nên cảnh giới Phật trong tâm người truy cập. Những bài viết xuyên sâu bản thể, là tấm gương đa chiều để con người soi lường giá trị giữa vũ trụ khôn cùng. Ai muốn đọc pháp, nghe kinh cho đến xem ảnh những vị Phật, Bồ-tát đều đầy đủ trong thư viện của web.

Tôi bỗng nhớ quê da diết. Nhớ cái vùng chiêm trũng nghèo khó nay được khoác một tấm áo mới. Quê đã bớt đi bao gia đình lầm lũi “ăn nước đái muối” vẫn không đủ tiền chu cấp cho con đến trường. Anh đầu tôi ngày xưa cũng nghỉ học đi buôn cùng ba mẹ chèo chống qua cơn bĩ cực. Nhiều bạn của tôi nay thành đạt ngoài sức tưởng tượng. Có đứa sắm cả ô-tô chạy quanh đường làng chật hẹp, cha mẹ nở mày nở mặt. Đâu hay cuộc đời này nếu không gặp Phật pháp thì thảy đều vô nghĩa. Thời xưa mắc bệnh đậu mùa là hết chữa. Người ta trầm trồ nhờ nền y học phương Tây nên mới thanh toán nhiều căn bệnh nan y, mà không tự hỏi thời nay loài người đã khống chế được vi rút HIV, bệnh viêm não...? Trong lúc nhiều người từng đứng bên bờ vực cái chết, y học loại khỏi danh sách chữa trị, họ chuyên tâm một lòng tin Phật, niệm Phật chẳng những trở về từ cõi chết mà còn sống lâu sống khỏe. Tịnh tông khuyên người niệm “Nam-mô A Di Đà Phật” suốt ngày đêm. Nếu lúc nào cũng nhớ niệm Phật thành tâm, người ấy tiêu tai miễn nạn. Phật luôn nhắc nhở phải tin ở chính mình. Phải tin, chính mình là Phật chưa thành và sẽ thành. Tin Phật trong mình là sự thật. Nhẹ nhàng với mọi thứ, không tham đắm không dính mắc, tập bớt nóng giận chấp trước phiền não, tập yêu thương mọi người và loài vật, tâm Phật mới có cơ hội lóe sáng.

Tin chính trong ta có Phật. Nếu ta chưa tin trong ta có Phật mà hướng lên cao lạy lục xin xỏ thì ấy là hướng ngoại tìm cầu. Đạo Phật mang ý nghĩa của một tôn giáo cũng chính bởi những người như vậy. Cần phải phá bức tường kiếp trước kiếp sau. Nếu khư khư giữ mỗi kiếp này thì chúng ta nhìn đời dường như bất công. Nhân quả ba đời không hẳn từ ông đến cháu, mà có khi ta gieo phước đời này mãi đến ba kiếp, có khi hàng chục hàng trăm kiếp sau mới nhận được ơn báo. Phật đưa ra những định giới đo lường một người tốt thật sự như Ngũ giới, Thập thiện. Chúng ta nuông chiều bản năng quen thói luôn muốn nhảy khỏi khuôn vàng thước ngọc đó. Bậc cao tăng đại đức Chin Kung (Tịnh Không), người giảng pháp suốt 53 năm qua không ngừng nghỉ, lúc giảng kinh Địa Tạng có nêu tiêu chuẩn được thân người kiếp sau trước hết phải dựa vào phước thứ nhất trong Tam phước nêu trong Quán kinh: “Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm chẳng giết hại, tu Thập thiện nghiệpNếu không làm được thì phước lớn đến mấy có ở đời này chỉ hưởng trong Tam ác đạo ở kiếp sau. Hòa thượng còn nhắc lại: Nếu tu theo thập thiện đạt 80%, kiếp sau mới có được thân người. Như vậy chỉ còn một giới không uống rượu, còn lại Thập thiện đã bao hàm Ngũ giới. Nếu chúng ta không thực hiện được 80% Thập thiện, nguy cơ lọt vào Tam ác đạo quá lớn. Nên phải chuyên nhất hành theo lời Phật dạy.

Trong Tam giới có Tam thiện đạo và Tam ác đạo. Chúng sanh trong Tam thiện đạo có ba hạng: thiên, nhân và loài phi thiên nhân. Nếu ai sống trong đời này phước báo lớn lắm mới lên được cõi trời. Còn cứ đứng ngoài khuôn khổ của Thập thiện, dẫu phước lớn, chết rồi cũng dễ đầu thai làm súc sinh, ngạ quỷ hoặc chịu khổ hình luân phiên ở ba đường ác… Không tin nhân - quả không có nghĩa người ấy không thọ quả báo do gieo thập ác. Kinh Pháp cú Phật dạy Chánh pháp bao giờ cũng khó nghe. Nên Lão Tử mới thấy “kẻ hạ sĩ nghe nói đến Đạo thì cả cười”. Nào hay Đạo thì đứa lên tám cũng nhớ cũng hiểu mà đến ông già tám mươi chưa chắc làm nổi. Phật luôn dạy hãy biết đứng về phía thiện cứu người, một lòng cống hiến làm lợi Chánh pháp. Người không hiểu Phật dễ chê trách, hủy báng Tam bảo, đời tụt dốc thê thảm. Nhiều cuộc đời chỉ là một canh bạc đỏ đen bất tận. Đến lúc nợ nần chồng chất, ái biệt ly khổ, tuyệt đường máu mủ tìm đến cái chết hòng chạy nghiệp quả, không hay hành động ấy tội lãnh tương đương giết một sinh mạng. Qua bên kia mới sáng mắt, nhưng đã muộn! Nếu họ giác ngộ sớm, biết niệm Phật lạy Phật, nghiệp đã không nặng đến vậy, hoặc ít ra nghiệp sẽ được chia thành từng gói nhỏ; nhảy hẳn vào cái khuôn thập thiện thì được miễn nợ. Nhân duyên nghiệp báo quay vòng. Biết người do tác nghiệp lãnh nạn vẫn không phớt lờ mà tiên phong giúp đỡ - ấy là Bồ-đề tâm.

Là Bồ-tát “đầu thai” xuống trần gian hóa độ, thì họ cũng với nghị lực phi thường, nhẫn đến những điều người đời không thể nhẫn, khổ đến những điều khó ai vượt qua. Đó là “niềm cảm hứng” cho đời sau soi mình mà tinh tấn hành pháp, gỡ khỏi xác thân thô uế mọi danh văn lợi dưỡng. Cái tồn tại vĩnh viễn hết đời này qua đời khác sao ta không màng tới lại chăm sóc cái tạm bợ? Tâm do thập ác làm ô nhiễm nghiêm trọng; tâm bệnh thì thân bệnh. Phật lúc rời nhân gian có để lại kinh điển - chính là dược liệu. Ta đọc kinh không hiểu thì nghe giảng. Nghe thấu ắt buông bỏ, tự giác giác tha. Lời Tsongkhapa, vị Đại sư Tây Tạng: “Tinh thần lợi tha là thái độ thông minh nhất chúng ta có thể có được để đáp ứng toàn bộ nhu cầu của chính mình”. Hết chạy theo Ta-bà, tâm ắt bình lặng - còn lo gì đến thân bệnh? Không bám vào Thập thiện tức ta không chịu uống thuốc đắng dã tật, ai uống thay ta cũng đâu lành bệnh mà nguyện với cầu viển vông. Phật muốn chúng sanh phải tự ngộ, tự học tự hành, tự khám phá linh tâm, tất cả đức tướng Như Lai sẵn có trong ấy. Ngài Huệ Năng lúc chứng ngộ đã reo lên: “Nào ngờ tự tánh vốn trọn đủ”; thật khế hợp với kinh điển. “Phật do tâm sanh, tâm tùy Phật hiện, tâm ngoại vô cảnh, toàn Phật thị tâm”. Cứ hướng ngoại tìm cầu chẳng khác khom lưng sửa bóng mình. “Con người không cần phải bận tâm lo lắng đến vận mệnh thế giới, vì đó không phải là vấn đề của hắn, mà chỉ lo giải quyết vấn đề riêng tư của chính mình, tức là vấn đề giải phóng, giải thoát” (Henry Miller, Phạm Công Thiện dịch). Lục tổ của Thiền tông nhắc nhở: “Bậc chân tu không thấy lỗi người”. Phải hành Thập thiện đạt trên 80%, tức tâm sáng trưng như viên ngọc không tì vết mới có thể sửa người. Sửa mình, người tự khắc sẽ tốt. Sửa tâm đến cả những con sóng ngầm ý nghiệp cũng biết gục đầu sám hối thì Phật nào chẳng muốn xoa đầu thọ ký.

Ta cõng nghiệp từ muôn kiếp, muốn tiêu trừ không gì hơn niệm Phật lạy Phật. Một người hy sinh lợi ích của mình cho kẻ khác, có đáng cúi lạy?; còn Phật cứu khổ muôn loài trong Tam giới lẽ nào không xứng để ta lễ lạy suốt đời. Cúi mình lễ Phật, cái ngã, cái tham sân và si trong ta ắt nhẹ bớt. Thanh sạch lạy Phật niệm Phật; đêm nằm dứt hẳn mọi sự, quyết nắm một câu “Nam-mô A Di Đà Phật” trôi vào giấc ngủ kỳ thôi, sáng mở mắt đã nhớ đến Phật. Nếu từ đêm qua ngày, từ ngày sang đêm ta không tịnh niệm tương kế, lúc gặp ma chướng sẽ không còn nhớ Phật là ai. Tu để có được một cái chết thảnh thơi an lạc, cao hơn là được chúng Thánh và Phật hiện thân tiếp dẫn chính là bảo vệ thành công mỹ mãn luận án cuộc đời. Chỉ từ một đến mười niệm lúc lâm chung, song có được phước báo vô lượng đó đòi hỏi phải trì niệm hồng danh và hành Thập thiện suốt đời không buông lung. Phải tập đến mức tự niệm, không khởi ý niệm Phật mà trong tâm cứ vang lên “A Di Đà Phật”, nhỡ có thình lình tận số cũng là thời khắc của Cực lạc bắt đầu, kiếp này thật không uổng.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày