Mingun bình yên

Đã đến Myanmar, không thể bỏ qua cố đô Mandalay. Và đến Mandalay, không thể bỏ qua làng cổ Mingun - nơi có chùa chiền, tăng viện, các trung tâm thiền định và nhiều di tích lịch sử - văn hóa quan trọng của Myanmar.

Chùa Hsinbyume nhìn từ đỉnh phế tích - Ảnh: Thủy Trần

Chùa Hsinbyume nhìn từ đỉnh phế tích - Ảnh: Thủy Trần

Rời cố đô Mandalay của Myanmar, hành trình tới Mingun bằng phà trên sông Ayeyarwady, con sông chính dài hơn 2.000km chảy dọc xứ sở này, là một cách thú vị để quan sát cuộc sống giản dị của người dân hai bờ sông. Những làng mạc với nhà sàn mái tranh cũ kỹ, những con thuyền vội vã xuôi ngược trên sông, nhưng đôi chân trần đen nhẻm trong chiếc longyi cổ truyền tất bật trên bờ cát... Gió lộng, nắng vàng, tiếng phà chạy ầm ì bỏ lại sau lưng một Mandalay ồn ào và sôi động, gợi lên trong lòng người lữ khách những cảm xúc êm ả và yên lành.

Mingun cách Mandalay khoảng 11km, có thể đi tới bằng đường bộ nhưng phần lớn du khách đi bằng đường sông. Phà đi Mingun mỗi ngày chỉ một chuyến, khởi hành 8g30 và trở về lúc 13g với giá vé 4.500 kyat/người (khoảng 2 USD). Có thể thuê phà tư nhân với giá khoảng 30 USD.

Phà cập bến Mingun sau chừng một giờ chạy chậm rãi. Từ trên tàu đã thấy những chiếc “taxi bò” độc đáo trên bờ sông cát trắng. Cây gạo khổng lồ ngay cổng làng như một lời chào thân thiện dành cho lữ khách phương xa. Câu chuyện trong quán nhỏ ven sông trở nên sôi nổi hơn khi có một thanh niên trong làng nói tiếng Anh khá tốt ra bắt chuyện.

Thant Zin giới thiệu với chúng tôi ngôi chùa Mingun Pahtodawgyi mãi mãi không hoàn thiện, về quả chuông lớn nhất thế giới, về món quà của vua Bagyidaw dành cho hoàng hậu của mình: ngôi chùa Hsinbyume trắng muốt và tinh khiết.

Ngay sau đó chúng tôi theo chân Thant Zin tới một “lớp học tình nguyện” dạy tiếng Anh và tin học tình nguyện cho bọn trẻ ngay bên hông phế tích Mingun khổng lồ. Đón khách lạ, bọn trẻ múa hát thật hồn nhiên và sôi nổi. Còn chúng tôi dạy các em vài câu chào bằng tiếng Việt và hát tặng chúng bài hát có hai từ Việt Nam - Hồ Chí Minh trong tiếng cổ vũ và hò reo. Đó là những khoảnh khắc khó quên đối với chúng tôi trong hành trình Mingun.

Tạm biệt bọn trẻ và lớp học, chúng tôi bắt đầu khám phá phế tích Mingun Pahtodawgyi, ngôi chùa xây bằng gạch đỏ mà nếu hoàn thành sẽ là kiến trúc Phật giáo bằng gạch lớn nhất thế giới với chiều cao dự kiến 150m. Được khởi công từ năm 1790-1797 dưới thời vua Bodawpaya nhưng do kinh tế suy yếu, công trình vĩ đại này đã bị tạm dừng và mãi mãi bị bỏ dở dang sau khi nhà vua qua đời năm 1813. Phế tích Mingun chỉ được xây cao chừng 50m trên mặt bằng khoảng 140m2.

Đến năm 1838, một trận động đất lớn đã khiến phần trên của chùa sụp xuống, nhưng ngày nay Mingun Pahtodawgyi vẫn sừng sững bên sông với những vết nứt gây kinh ngạc. Leo lên 174 bậc thang, du khách đến đỉnh, thả mắt ngắm nhìn dòng sông lấp lánh trong ánh nắng, xa xa là những làng mạc lặng lẽ, là chùa Hsinbyume trắng tinh với bảy lớp hành lang sơn trắng uốn lượn tượng trưng cho bảy dãy núi bao quanh đền Meru như trong thần thoại.

Và rồi bước chân du khách chợt nhẹ hơn khi gặp một nhà sư trẻ trong sắc cà sa đỏ sậm ngồi bên vách đền mọc đầy lau sậy, cuốn sách mở để hờ trên tay và đôi mắt mở to nhìn về phía bờ sông như thể đang đắm mình vào quá khứ.

Cách chùa Mingun Pahtodawgyi không xa là nơi dân làng Mingun gìn giữ quả chuông khổng lồ nặng tới 90 tấn, được đúc bằng đồng nhưng nhiều người cho rằng có pha thêm vàng, bạc. Tham vọng của vua Bodawpaya là xây dựng một ngôi chùa khổng lồ để treo quả chuông ấy.

Nhìn từ đỉnh phế tích Mingun, chùa Hsinbyume hay còn gọi là chùa Myatheindan trắng lóa, nổi bật giữa những vòm cây xanh rì. Hsinbyume được vua Bagyidaw xây dựng năm 1816 để tưởng nhớ hoàng hậu quá cố của ông. Ngôi chùa bị hư hỏng nặng cũng bởi trận động đất năm 1838 nhưng sau đó được vua Mindon khôi phục năm 1874. Nếu có nhiều thời gian hơn, du khách sẽ không bỏ lỡ chùa Settawya sát bên bờ sông cũng cổ kính và đẹp.

Ở làng Mingun yên bình người dân kiếm sống từ du lịch: bán tranh ảnh, quà lưu niệm, hàng thủ công mỹ nghệ... Dẫu chẳng mua thứ gì bạn vẫn nhận được lời chào “mingalaba” từ những con người khắc khổ với những vệt tanaka trên má.

Giữa trưa chúng tôi giã biệt Mingun vì đã tới giờ phà quay về Mandalay. Phà rời bến trong những hồi còi dài, mặt nước sông Ayeyarwady lấp lánh trong nắng...

Mingun bình yên ảnh 2
Phế tích Mingun Pahtodawgyi ở phía sau,
chùa Hsinbyume màu trắng phía trước,
trên sông là chiếc phà chở du khách đến từ Mandalay
- Ảnh: Thủy Trần

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

GNO - Thầy và trò hay sư phụ và đệ tử là những người có nhân duyên quyến thuộc đạo pháp nhiều đời. Mỗi người đều có trách nhiệm và bổn phận khác nhau. Chu toàn phận sự của mình thì Phật pháp mới xương minh, tứ chúng thập phương an ổn.

Thông tin hàng ngày