NSGN - Một số người trong chúng ta thực hành tu tập, nhưng sau một hai năm vẫn không nhận ra được điều quan trọng. Chúng ta vẫn không nắm vững việc tu tập của mình. Khi chúng ta không nắm vững, chúng ta không thấy rằng mọi thứ xung quanh ta đều là Pháp (Dhamma), và vì vậy chúng ta tìm nghe Ajahn giảng. Sự thực, khi chúng ta biết tâm của mình, khi có niệm (sati) để xem xét tâm một cách kỹ lưỡng, thì ta có trí tuệ. Mọi lúc mọi nơi đều trở thành dịp cho chúng ta nghe pháp.
Chúng ta có thể học pháp từ thế giới tự nhiên, ví dụ từ cây cối. Một cái cây sinh ra do những nguyên nhân và phát triển theo tiến trình tự nhiên. Ngay tại đây cây đang dạy chúng ta pháp, nhưng chúng ta không biết điều này. Đúng thời kỳ nó sinh trưởng, và phát triển cho đến khi ra hoa kết trái. Những gì chúng ta thấy là sự xuất hiện của hoa và trái; chúng ta không thể đưa điều này vào bên trong và quán chiếu nó. Do đó chúng ta không biết rằng cây đang dạy pháp cho chúng ta. Trái cây có mặt và chúng ta chỉ biết ăn nó mà không quán sát vị ngọt hay chua của nó, mà nó là bản chất tự nhiên của trái cây. Và đây là pháp, lời dạy của trái cây. Sau đó, lá cây già cỗi. Chúng úa vàng và rơi rụng xuống đất. Những gì chúng ta thấy là lá cây rụng xuống. Chúng ta dẫm đạp lên chúng, chúng ta quét chúng. Tất cả chỉ có vậy. Chúng ta không quán sát thấu đáo, vì vậy chúng ta không biết thế giới tự nhiên đang dạy chúng ta. Sau đó cây lại đâm chồi nảy lộc, và chúng ta chỉ biết điều đó, không biết gì thêm. Chúng ta không đưa những điều này vào trong tâm để quán chiếu.
Nếu chúng ta có thể đưa tất cả điều này vào trong và quán chiếu, chúng ta sẽ thấy rằng sự sinh thành một cái cây và sự sinh thành của chúng ta không khác nhau. Thân này của chúng ta được sinh ra và tồn tại tùy thuộc vào các điều kiện, vào những yếu tố đất, nước, gió, lửa. Nó nhận thức ăn và phát triển. Mỗi phần của thân thể thay đổi và trôi chảy theo bản chất tự nhiên của nó. Nó không khác cái cây. Tóc, móng tay, răng và da - tất cả đều luôn thay đổi. Nếu chúng ta biết được những sự vật của thế giới tự nhiên, chúng ta sẽ biết chính mình.
Mọi người sinh ra rồi chết, chết rồi lại sinh. Móng tay, răng và da luôn chết đi và sinh trở lại. Nếu chúng ta có quán chiếu thì chúng ta có thể thấy rằng một cái cây không khác chúng ta. Nếu chúng ta hiểu lời giảng của Ajahn thì chúng ta thấy rằng cái bên ngoài và cái bên trong đều giống nhau. Các pháp hữu tình và vô tình không khác nhau. Và nếu chúng ta hiểu được sự giống nhau này, thì khi chúng ta thấy bản chất tự nhiên của một cái cây, chúng ta sẽ thấy rằng nó không khác với ngũ uẩn của chúng ta - sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Nếu chúng ta có được sự hiểu biết này thì chúng ta hiểu được pháp. Nếu chúng ta hiểu pháp thì chúng ta hiểu năm uẩn, cách chúng thường xuyên thay đổi và không bao giờ dừng lại.
Vì vậy mỗi khi đi đứng nằm ngồi chúng ta nên có niệm (sati) để quán chiếu tâm mình. Khi ấy chúng ta thấy những thứ ở bên ngoài giống như ở bên trong, và những thứ ở bên trong không khác những thứ ở bên ngoài. Nếu chúng ta hiểu được điều này thì chúng ta có thể nghe được pháp Phật. Nếu chúng ta hiểu điều này thì chúng ta có thể hiểu tất cả mọi thứ mà chúng xuất hiện.
Hiểu điều này thì dù khi ngồi dưới một cội cây chúng ta cũng đang nghe pháp Phật. Khi đi, đứng, nằm, ngồi chúng ta đều đang nghe pháp Phật. Khi nhìn, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm và suy nghĩ, chúng ta đều đang nghe pháp Phật. Đức Phật là “cái thấy biết” ở chính bên trong tâm này. “Cái thấy biết” này biết pháp, quán sát pháp. Nó không phải Đức Phật đã sống vào thời xa xưa đến đây thuyết giảng cho chúng ta, mà chính là tính Phật ở bên trong chúng ta.
Nếu chúng ta thiết lập Phật bên trong tâm mình thì chúng ta thấy mọi thứ, chúng ta quán chiếu mọi thứ, không khác với chính chúng ta. Chúng ta thấy muông thú, cây cối, núi non không khác chúng ta. Chúng ta thấy người nghèo và người giàu họ không khác chúng ta. Người da đen người da trắng không khác chúng ta. Tất cả họ có những đặc điểm giống nhau. Ai hiểu được như thế này thì ở đâu vị ấy cũng hài lòng. Vị ấy nghe pháp Phật mọi lúc. Nếu chúng ta không hiểu điều này, thì ngay cả nếu chúng ta dành hết thời gian để nghe Ajahn giảng pháp, chúng ta vẫn không hiểu được ý nghĩa của lời thuyết giảng.
Đức Phật nói rằng giác ngộ Pháp là thực sự biết được bản chất thế giới tự nhiên1, thực tại mà nó ở quanh chúng ta. Nếu chúng ta không hiểu thế giới tự nhiên này, chúng ta sẽ sống trong sự thất vọng, chúng ta đánh mất mình trong cảm xúc, sinh khởi sầu lo và hối tiếc. Đánh mất mình trong những đối tượng tâm thức là đang đánh mất mình nơi thế giới tự nhiên. Khi chúng ta đánh mất mình nơi thế giới tự nhiên thì chúng ta không biết được pháp. Bậc Giác ngộ đã chỉ ra thế giới tự nhiên này.
Sau khi xuất hiện, tất cả mọi thứ thay đổi và mất đi. Những thứ mà chúng ta tạo ra, chẳng hạn như chén đĩa và những món ăn, tất cả có những đặc điểm giống nhau. Một cái chén được tạo thành do những nguyên nhân, và khi chúng ta sử dụng nó, đến một lúc nào đó nó sẽ vỡ và biến mất. Cây cối, núi non và ngay cả muông thú, con người đều cũng như vậy.
Khi A-nhã Kiều-trần-như (Aññā Kondañña), vị đệ tử đầu tiên của Đức Phật, lần đầu nghe pháp của Đức Phật, sự nhận biết mà ông có không có gì quá phức tạp. Ông chỉ thấy rằng bất kỳ thứ gì sinh ra, thứ đó phải thay đổi và trở thành già cỗi như một điều kiện tự nhiên và cuối cùng phải chết. Kiều-trần-như không hề nghĩ về điều này trước đó, hoặc nếu có nghĩ thì không thật sự thấu rõ, vì vậy ông chưa buông bỏ, ông vẫn chấp thủ vào các uẩn. Khi ông ngồi lắng nghe Đức Phật thuyết giảng một cách chuyên chú, Phật tính hiện khởi trong ông. Ông nhận lấy một loại pháp mà đó là sự nhận biết rằng các pháp có điều kiện là vô thường. Bất cứ thứ gì sinh ra phải chịu già và chết như một kết quả tự nhiên.
Cảm giác này khác với những gì ông từng nghe trước đó. Ông thực sự thấy rõ tâm mình, và vì vậy “Phật” xuất hiện bên trong ông. Vào lúc đó Đức Phật tuyên bố rằng Kiều-trần-như đã có được Pháp nhãn.
Con mắt Pháp này thấy gì? Con mắt này thấy rằng bất kỳ những sinh ra đều phải già và chết như một kết quả tự nhiên. “Bất kỳ những gì sinh ra” có nghĩa là mọi thứ! Cho dù là vật chất hay phi vật chất, tất cả đều nằm ở nơi “bất kỳ những gì sinh ra” này. Nó đề cập đến tất cả thế giới tự nhiên. Ví dụ như thân thể này, nó sanh ra và sau đó đi đến hoại diệt. Khi nó nhỏ, nó “chết” dần tuổi nhỏ để bước qua tuổi trẻ. Sau một thời gian, nó “chết” đi tuổi trẻ và trở thành tuổi trung niên. Rồi nó tiếp tục “chết” đi tuổi trung niên để đi đến tuổi già, và cuối cùng nó tiến đến sự chấm dứt. Cây cối, sông núi tất cả đều mang những đặc điểm này.
Như vậy, cái thấy hay hiểu rõ về “cái nhận biết” đã đi vào tâm của Kiều-trần-như khi ông ngồi ở đó. Cái biết về “bất kỳ thứ gì sinh ra” này gắn chặt sâu hơn nơi tâm của ông, khiến ông nhổ bỏ sự chấp thủ vào thân này. Sự chấp thủ này là “sakkāyaditthi” (thân kiến). Có nghĩa rằng ông không còn xem thân thể là một tự ngã, ông không xem nó theo kiểu “tôi” hay “vị ấy”. Ông không chấp thủ nó. Ông thấy nó rõ ràng, như vậy nhổ bỏ sakkāyaditthi.
Và khi ấy vicikicchā (nghi) được đoạn trừ. Sau khi từ bỏ sự chấp thủ vào thân, ông không còn nghi ngờ về sự thấy biết của mình. Sīlabbata parāmāsa (giới cấm thủ)2 cũng được đoạn trừ. Sự tu tập của ông trở nên vững chãi và tiến bộ. Ngay cho dù thân của ông có bị đau thì ông không chấp chặt vào điều đó. Khi ta từ bỏ quan kiến về thân thể là tự ngã, sự chấp thủ và nghi ngờ chấm dứt. Nếu khi quan kiến về thân như là tự ngã này xuất hiện trong tâm thì ngay khi ấy sự chấp thủ và nghi bắt đầu xuất hiện ở đó.
Vì vậy khi nghe Đức Phật thuyết giảng pháp, Kiều-trần-như đã mở con mắt pháp. Con mắt này thật sự là “kẻ thấy rõ”. Nó thấy mọi thứ khác nhau. Nó thấy chính thế giới tự nhiên này. Khi thấy thế giới tự nhiên một cách rõ ràng, sự chấp thủ được đoạn trừ và “cái thấy biết” được sinh ra. Trước đó vị ấy biết nhưng vẫn còn chấp thủ. Quý vị có thể nói rằng vị ấy biết pháp những vẫn không thấy nó, hay vị ấy thấy pháp nhưng vẫn không là một với nó.
Bấy giờ Đức Phật nói, “Kiều-trần-như đã thấy biết”. Kiều-trần-như đã thấy biết điều gì? Ông ấy biết thế giới tự nhiên. Chúng ta luôn đánh mất mình nơi thế giới tự nhiên, như với thân thể này của chúng ta. Đất, nước, gió, lửa kết hợp lại tạo thành nên thân thể này. Nó là một khía cạnh của thế giới tự nhiên, một đối tượng vật chất mà chúng ta có thể nhìn bằng mắt. Nó tồn tại nhờ vào thực phẩm, phát triển và thay đổi cho đến cuối cùng nó đi đến sự chấm dứt.
Đi vào bên trong, thứ mà nó trông coi thân này là thức. Nếu nó nhận biết thông qua con mắt thì nó được gọi là thấy. Nếu nó nhận biết thông qua tai thì nó được gọi là nghe; thông qua mũi thì được gọi là ngửi; thông qua lưỡi thì được gọi là nếm; thông qua thân được gọi là xúc; và thông qua tâm được gọi là suy nghĩ. Thức này chỉ là một nhưng khi nó đóng chức năng tại những nơi khác nhau chúng ta gọi nó bằng những thứ khác nhau. Thông qua con mắt chúng ta gọi nó là thứ này, thông qua tai chúng ta gọi nó là thứ khác. Nhưng cho dù nó đóng chức năng tại mắt, tai, mũi, lưỡi, thân hay tâm thì nó chỉ là một sự nhận biết. Theo kinh điển, chúng ta nói có sáu thức, nhưng trong thực tế chỉ có một thức xuất hiện tại sáu cơ sở khác nhau. Có sáu “cánh cửa” nhưng chỉ có một sự nhận biết duy nhất, mà nó chính là tâm này.
Tâm này có thể biết sự thật của thế giới tự nhiên. Nếu tâm này vẫn còn những chướng ngại, chúng ta nói nó biết ngang qua vô minh. Nó biết và thấy sai lầm. Khi biết và thấy sai lầm, hay khi biết và thấy đúng đắn, nó thật sự cũng chỉ là một cái biết mà thôi. Chúng ta gọi nó là tà kiến hay chánh kiến nhưng nó thực sự là một thứ. Đúng và sai cả hai sinh khởi từ một nơi này. Khi có sự thấy biết sai lầm chúng ta nói rằng vô minh che lấp chân lý. Khi có sự thấy biết sai lầm khi ấy có tà kiến, tà tư duy, tà nghiệp, tà mạng - mọi thứ đều sai lầm! Và mặt khác con đường thực hành đúng đắn cũng sinh khởi ở chính nơi ấy. Khi có chánh kiến thì tà kiến biến mất.
Đức Phật đã tu khổ hạnh với các thực hành như nhịn ăn nhưng không thể giác ngộ; nhưng sau đó Ngài đã quán sát sâu vào tâm mình cho đến cuối cùng đoạn trừ vô minh. Tất cả chư Phật tu tập tâm. Họ giác ngộ ở nơi tâm.
Đức Phật, sau khi quán chiếu tâm mình, đã từ bỏ hai cực đoan - hưởng thụ dục lạc và khổ hạnh ép xác - và trong bài pháp đầu tiên đã thuyết giảng về Trung đạo giữa hai cực đoan này. Chúng ta đắm vào khoái lạc và an nhàn, mê đắm hạnh phúc, nghĩ chúng ta là tốt, chúng ta là hay - đây là mê đắm trong dục lạc. Nó không phải là con đường đúng đắn. Không thỏa mãn, không hài lòng, không ưa thích và giận dữ - đây là chìm đắm trong khổ đau. Đây là những thái cực mà người học đạo nên tránh.
“Người ở trên đường đạo” chính là tâm này. Nếu một tâm trạng vui sinh khởi và chúng ta bèn chấp vào nó là vui, đây là đắm vào lạc. Nếu một tâm trạng không vui xuất hiện và chúng ta chấp thủ vào nó bằng việc không thích - đây là đắm vào khổ. Đây là những cách thức sai trái, chúng không phải là cách sống của một vị thiền giả. Chúng là lối sống của người thế tục, những người tìm kiếm niềm vui và hạnh phúc, xa lánh những điều không hài lòng và khổ đau.
Người có trì biết những cách thức sai trái mà họ phải từ bỏ. Họ không bị dao động bởi vui sướng hay khổ đau. Những điều này xuất hiện nhưng người có trí không chấp thủ chúng, họ để chúng đi theo bản chất tự nhiên của chúng. Đây là chánh kiến. Khi ta biết điều này rốt ráo thì có sự giải thoát. Hạnh phúc và khổ đau không có nghĩa gì đối với một người giác ngộ.
Đức Phật nói rằng những bậc giác ngộ thoát khỏi sự phiền não nhiễm ô. Điều này không có nghĩa rằng họ trốn chạy khỏi phiền não nhiễm ô. Họ không chạy đi đâu cả. Phiền não nhiễm ô ở đó. Ngài so sánh điều này với một lá sen trong một hồ nước. Lá và nước cùng tồn tại, chúng tương tác với nhau, nhưng lá sen không bị nước bám dính vào. Nước giống như nhiễm ô, và lá sen là tâm giác ngộ.
Tâm của một người tu tập cũng giống như vậy; nó không trốn chạy đi đâu cả, nó ở ngay đây. Tốt, xấu, hạnh phúc và khổ đau, đúng và sai xuất hiện, và vị ấy biết tất cả chúng. Vị thiền giả chỉ biết chúng, chúng không đi vào tâm vị ấy. Đó là vì, vị ấy không có sự chấp thủ. Vị ấy chỉ là người cảm nhận. Nói vị ấy cảm nhận là nói theo ngôn ngữ thông thường của chúng ta. Theo ngôn ngữ pháp, chúng ta nói vị ấy để tâm mình theo Trung đạo.
Những hoạt động hạnh phúc, khổ đau này xuất hiện thường xuyên bởi vì chúng là những đặc điểm của thế giới này. Đức Phật giác ngộ ở nơi thế giới này và Ngài quán chiếu thế giới. Nếu Ngài không quán chiếu thế giới, nếu Ngài không nhìn thấy thế giới, Ngài không thể vượt lên nó. Giác ngộ của Đức Phật đơn giản là sự giác ngộ chính thế giới này. Thế giới vẫn ở đó: được và mất, khen và chê, danh thơm và tiếng xấu, hạnh phúc và khổ đau tất cả vẫn ở đó. Nếu không có những thứ này thì cũng không có điều gì để trở thành giác ngộ. Những gì Ngài biết chính là thế giới, mà nó bao vây tâm khảm con người. Nếu con người theo những thứ này, tìm kiếm khen ngợi và danh vọng, lợi ích và hạnh phúc, và cố gắng tránh những điều đối nghịch lại, họ sẽ bị cuộc đời nhấn chìm.
Được và mất, khen và chê, danh thơm và tiếng xấu, hạnh phúc và khổ đau - đây là cuộc đời. Người bị đánh mất trong cuộc đời không có đường thoát khỏi, cuộc đời nhấn chìm vị ấy. Cuộc đời này theo luật của pháp và vì vậy chúng ta gọi nó là pháp thế gian. Người sống trong pháp thế gian này được gọi là một chúng sanh trần tục. Vị ấy bị vô minh bủa vây.
Do đó Đức Phật dạy chúng ta phát triển đạo. Chúng ta có thể phân đạo thành giới, định và tuệ. Đây là con đường tu tập giúp đoạn trừ các pháp thế gian. Thế gian này ở đâu? Nó ở ngay nơi tâm của chúng sanh mê đắm nó! Hành động chấp thủ vào khen, được, danh thơm, hạnh phúc và đau khổ được gọi là “thế gian”. Khi những thứ này có mặt trong tâm thì thế gian xuất hiện, chúng sanh trần tục được sinh ra. Thế gian được sinh ra bởi tham dục. Tham dục là nơi sinh của tất cả thế gian. Chấm dứt tham dục là chấm dứt thế gian.
Giới, định và tuệ cũng còn được gọi là Bát Thánh đạo. Bát Thánh đạo này và tám pháp thế gian là một cặp. Vì sao chúng là một cặp? Nếu nói theo kinh điển, chúng ta nói rằng được và mất, khen và chê, danh thơm và tiếng xấu, hạnh phúc và khổ đau là tám pháp thế gian. Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, và chánh định là Bát Thánh đạo. Hai con đường có tám chi phần này tồn tại cùng một nơi. Tám pháp thế gian ở ngay nơi chính tâm này cùng với “kẻ nhận biết”; nhưng “kẻ nhận biết” bị chướng ngại, vì vậy nó biết sai lầm và như vậy trở thành thế gian. Phật tính không xuất hiện trong tâm này, nó vẫn chưa thoát ra khỏi thế gian. Tâm như vậy là thế gian.
Khi chúng ta tu tập đạo, khi chúng ta huấn luyên thân và lời nói, tất cả được thực hiện nơi chính tâm đó. Ở cùng một chỗ vì vậy chúng gặp nhau. Nếu chúng ta quán chiếu tâm này, chúng ta bắt gặp sự chấp thủ vào lời khen, danh tiếng, niềm vui và hạnh phúc này, chúng ta nhìn thấy sự chấp thủ vào thế gian.
Đức Phật nói, “Chư vị nên biết thế giới. Nó rực rỡ như một chiếc xe ngựa của nhà vua. Người ngu bị mê hoặc còn người trí không bị đánh lừa”. Không phải rằng Ngài muốn chúng ta đi khắp thế giới quan sát mọi thứ, nghiên cứu mọi thứ. Ngài chỉ muốn chúng ta quán sát tâm chấp thủ vào thế giới. Khi Đức Phật bảo chúng ta quán sát thế giới Ngài không muốn chúng ta bị đắm chìm vào nó, Ngài muốn chúng ta quan sát nó, bởi vì thế giới được sinh ra ngay trong tâm này. Khi có tham muốn, thế giới có mặt ngay tại đó. Tham muốn là nơi sinh của thế giới. Đoạn trừ tham muốn là đoạn trừ thế giới.
Khi chúng ta ngồi thiền, chúng ta muốn tâm trở nên yên lặng, nhưng nó không yên lặng. Tại sao vậy? Chúng ta không muốn nghĩ nhưng chúng ta nghĩ. Nó giống như một người đang ngồi trên một tổ kiến: những con kiến liên tục cắn vị ấy. Khi tâm là thế gian thì ngay khi nhắm mắt ngồi thiền, tất cả những gì chúng ta thấy là thế gian. Vui, buồn, lo lắng, bối rối tất cả xuất hiện. Tại sao vậy. Chính bởi chúng ta chưa nhận chân được pháp. Nếu tâm như vậy thì vị thiền giả không thể chịu đựng được các pháp thế gian, vị ấy không thể quán chiếu. Giống như vị ấy đang ngồi trên một tổ kiến. Những con kiến cắn vị ấy bởi vì vị ấy ngồi ngay trên nhà của chúng. Vậy vị ấy nên làm gì? Vị ấy nên tìm thuốc hay dùng lửa đuổi chúng đi.
Nhưng hầu hết những người thực hành pháp không thấy điều này. Nếu họ cảm thấy hài lòng họ bèn chạy theo sự hài lòng, cảm thấy không hài lòng họ bị cuốn vào sự không hài lòng. Chạy theo các pháp thế gian thì tâm trở thành thế gian. Đôi khi chúng ta có thể nghĩ, “Ôi, tôi không thể làm điều đó. Nó vượt quá sức tôi”, và vì vậy chúng ta không cố gắng. Điều này là bởi tâm thì đầy dẫy nhiễm ô, những pháp thế gian ngăn chặn con đường đạo xuất hiện. Chúng ta không thể phát triển giới, định và tuệ. Nó giống như người ngồi trên tổ kiến. Vị ấy không thể làm được điều gì khi những con kiến cắn và bò khắp mình vị ấy, vị ấy chìm ngập trong sự hỗn loạn và kích động. Vị ấy không thể từ bỏ chỗ ngồi nguy hiểm của mình, vì vậy vị ấy ngồi đó và chịu khổ đau.
Sự thực hành của chúng ta là như vậy. Các pháp thế gian tồn tại bên trong tâm của người trần tục. Khi những người đó muốn tìm kiếm yên bình thì các pháp thế gian ngay đó xuất hiện. Khi tâm vô minh thì chỉ có bóng tối. Khi trí tuệ xuất hiện thì tâm sáng tỏ, bởi vì vô minh và trí tuệ sinh ra cùng nơi chốn. Khi vô minh xuất hiện thì trí tuệ không thể đi vào, bởi vì tâm đã thu nhận vô minh. Khi trí tuệ xuất hiện thì vô minh không thể ở đó.
Vì vậy Đức Phật khuyến khích đệ tử của mình tu tập tâm, bởi vì thế gian sinh ở trong tâm này, tám pháp thế gian ở trong tâm này. Bát Thánh đạo giúp tháo gỡ sự kềm kẹp của thế gian. Khi ấy chấp thủ, sân và si trở nên nhẹ hơn. Nếu chúng ta có danh tiếng, lợi ích vật chất, sự khen ngợi, hạnh phúc hay khổ đau, chúng ta nhận biết điều đó. Chúng ta phải nhận biết những thứ này trước khi chúng ta có thể siêu việt thế gian, bởi vì thế gian ở bên trong chúng ta.
Khi chúng ta thoát khỏi những thứ này thì cũng giống như việc rời một ngôi nhà. Khi chúng ta đi vào một ngôi nhà chúng ta thấy gì? Chúng ta thấy rằng chúng ta đi qua cửa và vào nhà. Khi chúng ta rời ngôi nhà để ra ngoài, chúng ta thấy ánh sáng mặt trời, và bên ngoài không tối như bên trong ngôi nhà. Hành động của tâm vướng vào các pháp thế gian giống như việc đi vào căn nhà. Tâm mà nó đoạn trừ các pháp thế gian thì giống như người rời khỏi căn nhà.
Vì vậy người thực hành pháp phải trở thành người tự mình thấy pháp. Vị ấy biết là bản thân có rời bỏ các pháp thế gian hay không, đạo có được phát triển hay không. Khi đạo được phát triển, nó thanh tịnh các pháp thế gian. Nó càng lúc càng trở nên mạnh hơn. Chánh kiến tăng tưởng thì tà kiến suy giảm, mãi cho đến cuối cùng đạo đoạn trừ mọi nhiễm ô; còn nếu không như vậy thì nhiễm ô sẽ hủy hoại đạo!
Chánh kiến và tà kiến, chỉ có hai con đường này. Quý vị biết, tà kiến cũng có thủ thuật của nó, nó có sự thấy biết của nó - nhưng thấy biết của nó bị hướng dẫn sai lầm. Vị thiền giả bắt đầu phát triển đạo trải nghiệm một sự tách biệt. Như thể vị ấy là hai người: một người ở thế gian và một người thực hành đạo. Chúng phân chia, chúng kéo nhau ra. Mỗi khi vị ấy quán chiếu thì có sự tách biệt này, và nó tiếp tục mãi cho đến khi tâm đạt được sự sáng suốt, vipassanā.
Hoặc nó có thể là vipassanū!3 Sau khi có được những kết quả tốt trong thực hành, chúng ta chấp thủ vào chúng. Loại chấp thủ này đến từ mong muốn của chúng ta khi đạt được thứ gì đó từ việc thực hành. Đây là vipassanū, trí tuệ nhiễm ô. Một số người phát triển điều thiện và chấp chặt vào nó. Họ phát triển sự thanh tịnh và chấp chặt vào điều đó, hay họ phát triển hiểu biết và chấp chặt vào đó. Hành động chấp thủ vào điều tốt hay sự hiểu biết đó là vipassanū.
Vì vậy khi bạn phát triển vipassanā, hãy cẩn thận! Hãy coi chừng vipassanū, bởi vì chúng quá gần với điều mà đôi khi quý vị không thể phân biệt. Nhưng với chánh kiến, chúng ta có thể xem cả hai một cách rõ ràng. Nếu nó là vipassanū, kết quả là sẽ có khổ đau phát sinh vào một thời điểm nào đó. Nếu nó thật sự là vipassanā thì không có khổ đau, mà có sự an lạc. Cả hạnh phúc và khổ đau được làm cho vắng lặng. Điều này quý vị có thể tự mình nhìn thấy…
Có một câu chuyện trong kinh thuật về việc Đức Phật trước khi giác ngộ. Bấy giờ, sau khi thọ nhận một bát cơm, Ngài thả cái bát đó trên một dòng nước, nguyện rằng, “Nếu Ta đạt được giác ngộ, xin chiếc bát này trôi ngược dòng nước”. Chiếc bát liền trôi ngược dòng nước! Chiếc bát đó là chánh kiến của Đức Phật, hay tính Phật mà Ngài giác ngộ. Nó không trôi theo tham muốn của người trần tục. Nó trôi ngược lại.
Ngày nay cũng vậy, giáo pháp của Đức Phật trái ngược với cảm thức thông thường của chúng ta. Con người thích đắm vào trong tham và sân nhưng Đức Phật thì không như vậy. Họ theo si mê nhưng Đức Phật từ bỏ si mê. Vì vậy tâm của Đức Phật trái ngược với tâm của người phàm tục. Cuộc đời gọi thân thể là đẹp, Ngài nói nó không đẹp. Họ nói thân thể thuộc về chúng ta, Ngài nói không phải vậy. Họ nói nó có thật, Ngài nói nó không có thật. Chánh kiến là ở trên cuộc đời. Người trần tục chỉ xuôi theo dòng nước.
Tiếp đó Đức Phật đứng dậy, nhận tám nắm cỏ từ một vị Bà-la-môn. Ý nghĩa thật sự của điều này là rằng tám nắm cỏ là tám pháp thế gian - được và mất, khen và chê, danh thơm và tiếng xấu, hạnh phúc và khổ đau. Đức Phật, sau khi nhận cỏ này, quyết định ngồi trên đó thiền định. Hành động ngồi trên cỏ chính nó là định, tức là, tâm ở trên các pháp thế gian, hàng phục thế gian cho đến khi nhận chân được cái siêu việt.
Các pháp thế gian trở thành vô giá trị đối với Ngài, chúng đánh mất tất cả ý nghĩa. Ngài ngồi trên chúng nhưng chúng không làm tâm Ngài dao động. Ma vương cố gắng đánh bại Ngài, nhưng Ngài ngồi đó trong định, chinh phục thế gian, cho đến cuối cùng giác ngộ pháp và hoàn toàn hàng phục ma vương. Tức là Ngài hàng phục thế gian. Như vậy, sự tu tập phát triển đạo là việc diệt trừ nhiễm ô.
Con người thời nay có ít niềm tin. Sau khi thực hành được một hai năm họ muốn đạt đến đích, họ muốn đi nhanh. Họ không nghĩ rằng Đức Phật, thầy của chúng ta, xuất gia tu tập sáu năm trước khi giác ngộ. Theo kinh điển, một vị Tăng ít nhất phải có năm kỳ an cư mùa mưa trước khi vị ấy được xem là có thể sống một mình hay không. Vào lúc này vị ấy đã học và thực hành đầy đủ, vị ấy có đủ trí tuệ, có niềm tin, có phẩm hạnh. Một người thực hành được năm năm, tôi cho rằng mới có đủ thẩm quyền trong việc thực hành. Nhưng vị ấy phải thật sự tu học, chứ không phải chỉ khoác y áo trong năm năm. Vị ấy phải thật sự quan tâm đến việc tu tập, thật sự làm điều đó.
Quý vị phải thực sự cố gắng tu tập trong năm năm. Sau thời gian đó, quý vị sẽ có khả năng, khả năng ở trong tâm, một người vững chãi. Ít nhất, sau năm mùa mưa, người ta sẽ ở vào giai đoạn đầu của giác ngộ. Điều này không phải chỉ năm mùa mưa ở nơi thân mà cũng năm mùa mưa ở nơi tâm. Vị Tăng ấy có sự hổ thẹn, có sự khiêm nhường. Vị ấy không dám làm điều sai trái cho dù trước mặt người khác hay sau lưng họ, nơi ánh sáng hay trong bóng tối. Tại sao? Bởi vì vị ấy đã tìm được vị Phật trong tâm mình. Vị ấy quy y vào Phật, Pháp và Tăng.
Để thực sự nương vào Phật, Pháp và Tăng chúng ta phải thấy Phật. Nếu chúng ta không biết Phật, Pháp và Tăng, việc quy y vào Tam bảo chỉ như một hành động của thân và lời nói, tâm vẫn không chạm đến được Tam bảo. Mỗi khi tâm chạm đến được Tam bảo, chúng ta biết Phật, Pháp và Tăng là gì. Khi ấy chúng ta thật sự quy y Tam bảo, bởi vì Tam bảo xuất hiện bên trong tâm chúng ta. Bất kỳ ở đâu chúng ta cũng có Phật, Pháp và Tăng bên trong mình.
Người như vậy sẽ không dám làm những việc xấu ác. Đó là tại sao chúng ta nói rằng người đạt đến được giai đoạn đầu của giác ngộ sẽ không còn sanh vào những ác thú. Tâm của vị ấy vững chãi, vị ấy nhập vào dòng Thánh, vị ấy không còn nghi ngờ. Nếu vị ấy không đạt được sự giác ngộ viên mãn lúc này thì chắc chắn sẽ đạt được vào một thời điểm nào đó trong tương lai.
Ngày nay, những người trong chúng ta vẫn có những nghi ngờ về thực hành những điều này và nói, “Tôi có thể làm điều đó bằng cách nào đây?” Đôi khi chúng ta cảm thấy hạnh phúc, đôi khi lo lắng, hài lòng và không hài lòng. Lý do là gì? Bởi vì chúng ta không biết pháp. Pháp là gì? Chính là thế giới tự nhiên, thực tại xung quanh ta, thân và tâm.
Đức Phật nói, “Chớ chấp thủ vào năm uẩn, hay buông bỏ chúng!” Tại sao chúng ta không thể buông bỏ chúng? Thật sự bởi vì chúng ta không thấy biết chúng một cách rốt ráo. Chúng ta thấy chúng là chính chúng ta, chúng ta thấy bản thân mình ở trong các uẩn. Hạnh phúc và khổ đau, chúng ta xem như là chính chúng ta, chúng ta thấy mình ở nơi hạnh phúc và khổ đau. Chúng ta không thể thoát mình ra khỏi chúng. Khi chúng ta không thể thoát khỏi chúng, có nghĩa là chúng ta không thể thấy pháp, chúng ta không thể thấy thực tại.
Hạnh phúc, khổ đau, niềm vui và nỗi buồn - không thứ nào trong chúng thuộc chúng ta nhưng chúng ta xem chúng là chúng ta. Những thứ này tương tác với chúng ta và chúng ta thấy có một tự ngã (attā). Ở đâu có ngã ở đó quý vị sẽ thấy có hạnh phúc, khổ đau và mọi thứ khác. Vì vậy Đức Phật bảo đoạn trừ “khối” tự ngã này, tức là đoạn trừ sakkāyaditthi. Khi tự ngã được đoạn trừ, vô ngã (anattā) tự nhiên xuất hiện.
Chúng ta xem thế giới tự nhiên là chúng ta và chúng ta là thế giới tự nhiên, vì vậy chúng ta không biết thế giới tự nhiên một cách chân thực. Nếu nó tốt chúng ta cười với nó, nếu nó xấu chúng ta gào khóc. Nhưng thế giới tự nhiên chỉ là năm uẩn (sankhāra)…
Cây cối, sông núi tất cả sinh ra và mất đi theo bản chất tự nhiên của chúng. Nhưng chúng ta không thấy vậy. Chúng ta nhìn nó và làm rối lên, nhưng thế giới tự nhiên không lay động, nó thực sự như nó là. Chúng ta cười, chúng ta gào khóc, nhưng thế giới tự nhiên vẫn vậy. Bất kể chúng ta có vui buồn thế nào thì thân này vẫn đi theo quy luật tự nhiên của nó. Nó sinh ra, lớn lên và già đi. Bất kỳ ai xem thân thể là chính mình và luẩn quẩn với nó sẽ chịu khổ đau.
Kiều-trần-như đã nhìn thấy sự thật này. Sau khi đứng dậy, ông nắm giữ sự thật đó. Hoạt động sanh và tử vẫn tiếp tục nhưng ông chỉ quán sát. Hạnh phúc và khổ đau vẫn xuất hiện và biến mất nhưng ông chỉ ghi nhận điều đó. Tâm của ông vững chãi. Ông không còn rơi vào những trạng thái phiền não. Ông không hài lòng hay khó chịu về những điều này. Tâm của ông an trú vững chắc ở nơi thiền.
Ở đó, Kiều-trần-như đã có Pháp nhãn. Ông thấy thế giới tự nhiên, mà chúng ta gọi là các uẩn, đúng như thật. Trí tuệ là thứ nhận biết sự thật các uẩn. Đây là tâm mà nó thấy biết pháp.
Để thấy được pháp, chúng ta phải có sự nhẫn nại và kiên trì. Chúng ta phải tinh tấn. Tại sao chúng ta phải tinh tấn. Bởi vì chúng ta vốn lười biếng! Tại sao chúng ta phải kiên trì? Bởi vì chúng ta vốn không kiên trì! Đó chính là đạo. Nhưng khi chúng ta an trú nơi sự thực hành của mình, lười biếng giải đãi chấm dứt, thì chúng ta không cần sử dụng tinh tấn nữa. Nếu chúng ta đã biết sự thật của tất cả những trạng thái tâm, nếu chúng ta không hạnh phúc hay khổ đau với chúng, chúng ta không cần thực hành sự kiên nhẫn, bởi vì tâm đã là pháp.
Khi tâm là pháp, nó dừng lại. Nó đã đạt được sự an tịnh. Không còn cần phải làm gì nữa, bởi vì tâm đã là pháp rồi. Bên ngoài là pháp, bên trong là pháp.
Thế giới tự nhiên này không sinh, không già, không bệnh, không chết. Thế giới tự nhiên không hạnh phúc hay khổ đau, không lớn cũng không nhỏ, không nặng cũng không nhẹ, không ngắn cũng không dài, không đen cũng không trắng. Không có thứ gì quý vị có thể so sánh với nó. Không có khái niệm quy ước nào dành cho nó. Đó là tại sao chúng ta nói Niết-bàn không có màu sắc. Tất cả màu sắc chỉ là khái niệm quy ước. Trạng thái mà nó siêu việt thế gian là siêu việt việc đạt lấy những khái niệm quy ước thế gian.
Như vậy, pháp là thứ siêu việt thế gian. Nó là thứ mà mỗi người cần tự mình thấy biết. Nó vượt qua ngôn ngữ. Quý vị không thể đặt nó vào nơi ngôn ngữ. Quý vị chỉ có thể nói về cách thức và phương tiện nhận chân nó. Người tự mình nhìn thấy nó thì hoàn thành công việc của mình.
Ajahn Chah - Nguyên Đăng dịch
(Nguồn: ajahnchah.org)
______________________
(1) Ở đây thế giới tự nhiên đề cập đến tất cả mọi thứ, cả tâm thức và vật lý, chứ không chỉ là cây cối, muông thú v.v...
(2) Sīlabbata parāmāsa theo truyền thống được dịch là sự chấp thủ vào nghi lễ. Sakkāyaditthi, vicikicchā và sīlabbata parāmāsa là ba kiết sử đầu tiên trong mười kiết sử mà một người đoạn trừ khi bước vào “Nhập lưu”.
(3) Vipassanūpakkilesa - những ô nhiễm vi tế xuất hiện từ việc hành thiền.