Mộc Kinh Vĩnh Nghiêm – Bắc Giang:Trên hành trình trở thành Di sản nhân loại

Mộc Kinh Vĩnh Nghiêm đã có hơn 300 năm. Đó là bản kinh khắc trên gỗ với triết lý nhân sinh, giáo dục nhân cách con người, tôn giáo tín ngưỡng, ngôn ngữ văn tự… 

“Ai qua Yên Tử, Quỳnh Lâm\Vĩnh Nghiêm chưa tới thiền tâm chưa đành”.

Câu ca lưu truyền từ hàng trăm năm trước trong dân gian để nói về vị thế của chùa Vĩnh Nghiêm trong tâm thức Phật tử cả nước. 

Chùa Vĩnh Nghiêm xưa gọi là Chúc Thánh thiền tự, dân gian gọi là chùa La, thuộc xã Đức La, huyện Phượng Nhãn, nay là thôn Quốc Khánh, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng.

Từ thế kỷ 13, chùa được sư tổ Thiền phái Trúc Lâm là Giác hoàng Điều ngự Trần Nhân Tông xây dựng thành một đại danh lam cổ tự, là trung tâm đào tạo tăng đồ suốt gần 8 thế kỷ của Phật phái Trúc Lâm Yên Tử, được xem như một bảo tàng văn hoá Phật giáo Đại thừa khá tiêu biểu ở miền Bắc Việt Nam.

Ngoài giá trị kiến trúc, chùa Vĩnh Nghiêm còn lưu giữ một di sản văn hoá đặc biệt quý giá. Đó là mộc bản Kinh phật do các vị sư tổ Trúc Lâm cho sao khắc để phục vụ việc truyền giảng, lưu hành giáo lý, tư tưởng Phật giáo từ những năm đầu thế kỷ 14.

“Mộc bản thư khố” chùa Vĩnh Nghiêm (Ảnh: giacngo.vn)

“Mộc bản thư khố” chùa Vĩnh Nghiêm (Ảnh: giacngo.vn)

Tuy nhiên, do chủ trương đốt sách của nhà Minh, đầu thế kỷ 15 kho mộc bản này bị huỷ hoại. Cuối thế kỷ 16, các sư tổ chùa Vĩnh Nghiêm tiếp tục cho sao khắc lại nhưng hầu hết cũng bị thất lạc.

Phải đến giữa thế kỷ 18, dưới triều vua Lê Cảnh Hưng đến đầu thế kỷ 20, mộc bản Kinh phật mới được khắc với số lượng lớn và được bảo quản đến ngày nay.

Kho mộc kinh hiện còn 3.050 bản, được khắc bằng gỗ thị, vừa mềm, mịn, dai, ít cong vênh, khó nứt vỡ trong điều kiện bảo quản tự nhiên của nhà chùa. Ông Nguyễn Ngọc Anh - Chuyên viên Sở VH – TT&DL Bắc Giang thừa nhận: “Về cơ bản, kho mộc bản vẫn còn nguyên vẹn. Phải thừa nhận rằng cách bảo quản của các cụ ngày xưa rất tốt. Các đại tạng kinh đều để trên giá, cách mặt đất tối thiểu 40cm. Dưới chân các kệ đều để trong chậu đá có nước hoặc dầu, không cho mối, kiến bò lên. Phòng để kinh đều có cửa thoáng, lúc nào cũng có gió, tránh được không khí ẩm. Ngoài ra thì kết hợp với khói hương, mực in kinh tạo thành một lớp hóa chất bảo vệ tốt cho các bản khắc gỗ”.

Kho mộc bản là nguồn di sản tư liệu phong phú, đa lĩnh vực về: lịch sử Phật giáo, tư tưởng văn hoá hành đạo, nhập thế của dòng thiền Trúc lâm, lịch sử nghề khắc in mộc bản, thân thế sự nghiệp của một số vị cao tăng có nhiều cống hiến cho sự phát triển nền văn hoá truyền thống của dân tộc.

Đan xen là các bản khắc về luật giới, sách thuốc… qua đó răn dạy tăng ni phật tử, giáo dục người đời sống khoan dung độ lượng, nhân ái vị tha theo giáo lý nhà Phật.

Ngoài ra các bài phú, kệ, nhật ký trong kho bảo vật này còn là trước tác của vị minh quân, anh hùng dân tộc Trần Nhân Tông và các danh nhân lịch sử văn hoá của đất nước. Bên cạnh giá trị trên phương diện hiện vật bảo tàng, đây còn là nguồn sử liệu quý giá về sự phát triển của hệ thống văn tự Việt Nam, chuyển từ chỗ chủ yếu sử dụng chữ Hán sang coi trọng và chủ động sử dụng chữ Nôm trong trước tác của các cao tăng Thiền phái Trúc Lâm khi viết lời thuyết pháp dưới dạng văn vần, thơ hoặc các bài diễn giải tư tưởng Phật học…

Với tầm quan trọng và ý nghĩa đó nên hơn 10 năm qua, ngành VH – TT&DL Bắc Giang đã tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng kho mộc kinh, kiểm kê, vệ sinh phân loại, sắp xếp khoa học để thuận lợi cho công tác quản lý, bảo tồn, in nhân bản ra giấy dó nhằm lược thuật nội dung các tác phẩm.

Ngành cũng đã kiện toàn Ban quản lý di tích và tổ bảo vệ an ninh ở chùa Vĩnh Nghiêm. Đồng thời phục chế một số mộc kinh bằng chất liệu phù hợp để phục vụ nhu cầu tham quan tìm hiểu của du khách và các nhà nghiên cứu, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ VH – TT&DL và các nhà khoa học nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ mộc kinh trình UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu Thế giới.

Hiện, mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm vượt qua vòng sơ khảo của UNESCO. Các chuyên gia quốc tế đang đến Việt Nam để thẩm định lại. Hy vọng, tháng 5/2011, mộc kinh chùa Vĩnh Nghiêm sẽ được công nhận là Di sản Tư liệu Thế giới.  

Về tổng thể nội dung các mộc bản kinh phật Thiền phái Trúc lâm chùa Vĩnh Nghiêm có ý nghĩa lớn trên các phương diện: triết lý nhân sinh và giáo dục nhân cách con người, tôn giáo tín ngưỡng, ngôn ngữ văn tự… 

Cùng với nét độc đáo về kiến trúc, cảnh quan, các di vật cổ kính hơn 100 pho tượng thờ, hệ thống văn bia 8 tấm khắc từ thế kỷ 17, 18 và tấm khắc muộn nhất năm 1932 ghi lại toàn bộ lịch sử phát triển của trung tâm Phật giáo Vĩnh Nghiêm, hệ thống hoành phi câu đối, đồ thờ.

Mộc kinh Vĩnh Nghiêm nếu được công nhận là Di sản Tư liệu Thế giới sẽ tạo thêm một sức hút mạnh mẽ đối với khách tham quan nghiên cứu đến với Bắc Giang trong tương lai./.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày