GN - Tham quyền cố vị, tham nhũng, tham ô, phô trương, lãng phí… đều bắt nguồn từ lòng tham lam vô tận.
Tại cuộc họp của ủy ban Thường vụ Quốc hội, thật là xót xa khi nghe Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã phải thốt lên: “Ăn của dân không từ một cái gì…”. Vắc-xin dành tiêm cho trẻ cũng bị sử dụng gian lận, nguồn tiền dành cho gia đình chính sách cũng bị ăn xén bớt. Những cánh rừng Tây Nguyên đã trở nên mồ côi trơ trọi bởi sự bắt tay nhau của một số người khai thác gỗ rừng đến tận cùng, để rồi nhận lãnh hậu quả của thiên tai và sự biến đổi khí hậu.
Khi lòng tham ngự trị, tâm hồn khó giữ được thiên lương - Ảnh minh họa
TP.Hồ Chí Minh vừa qua đã kiên quyết xử lý các quan tham ở 4 đơn vị doanh nghiệp công ích thành phố khi các cá nhân lãnh đạo cao nhất ở 4 đơn vị này tự nhận lương trên 2 tỷ đồng/năm. Để có được mức lương trên, họ đã cắt xén và bóc lột sức lao động của người công nhân hợp đồng. Đây là những con người mà theo như Thành ủy TP.HCM đánh giá là đã làm mất uy tín tổ chức Đảng, có ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ, là “rất nghiêm trọng”.
Cũng có thể thấy rõ đây là cú đánh ngoạn mục và chính xác vào những quan tham do Thành ủy TP.HCM thực hiện đã mang lại dư luận tốt đối với niềm tin của người dân thành phố.
“Có tham nhũng từ trong bộ máy chống tham nhũng không”. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã đặt câu hỏi này, để mọi người thấy rằng tham nhũng đã và đang hiện diện rất tinh vi, từ những vị trí, những cá nhân, những con người không biết thương dân. Nhưng xử lý tham nhũng đến nơi đến chốn là điều không dễ dàng, nhất là trong bối cảnh luật pháp chưa nghiêm minh và hiện tượng ô dù, vị nể... vẫn còn chi phối bởi một số mặt liên hệ.
Những bài học từ sự thiếu tinh thần trách nhiệm trong quản lý dẫn đến sự phản ứng của người dân như Tiên Lãng, vụ nổ súng gây chết người ở UBND TP.Thái Bình cho thấy người dân thiếu niềm tin đối với bộ máy tư pháp. Ăn chặn, ăn bớt của dân tiền đền bù đất giải tỏa… đã làm giọt nước tràn ly. Sự phẫn nộ của người dân, nhất là ở một số tỉnh “có sự kiện nóng”, cho thấy họ không thể nào kiềm chế được sự “bức xúc” vì một số cơ quan địa phương đã không thấy, không xử lý, không can thiệp vào những nỗi khổ cùng cực của họ; như chuyện người dân đánh chết những kẻ trộm chó với bản nhận tội của 800 người! Điều này, thiết nghĩ các cơ quan chức năng địa phương cần nên nhận rõ trách nhiệm tinh thần lãnh đạo của mình trước nhân dân.
Nếu cứ đến kỳ họp HĐND, họp Quốc hội… các đại biểu lại đặt ra, chất vấn… những chuyện tham nhũng mà không có một phương thức xử lý cụ thể thì tham nhũng, tham ô… sẽ cứ tồn tại và biến tướng ngày càng tinh vi, gây tác hại vô cùng to lớn đến sự phát triển của đất nước và niềm tin của nhân dân.