Mong ai và nơi nào cũng có Tết...

GNO - Những ngày giáp Tết, tôi có dịp tháp tùng đến Bệnh viện Ung Bướu (TP.HCM) trao phần quà cho một cô bệnh nhân quê ở Lai Vung - Đồng Tháp đang có khối u ở tuyến giáp. Suốt những lối đi dọc hành lang, hay những phòng bệnh tôi đi ngang qua chỉ toàn một màu xám…

Màu xám của gương mặt người bệnh, màu xám của thân nhân nuôi bệnh, và màu xám của tâm hồn đang kiệt quệ vì căn bệnh hoành hành của những bệnh nhân…

Dù đã chuẩn bị từ trước, vậy mà tôi vẫn không tránh khỏi bàng hoàng xót xa khi thấy những cái đầu không còn tóc, những ánh mắt lờ đờ hay nhắm nghiền vì mệt mỏi, có khi là đôi chân mày nhíu lại, chân tay thì co quắp vì phải chịu đau đớn từ căn bệnh mà ai cũng biết, ai cũng sợ và không ai muốn nó đến với mình hay người thân: ung thư.

Quá trình điều trị ung thư là cả một con đường dài gian khổ đối với người nhà và người bệnh, có ít trường hợp may mắn đi hết con đường và có rất nhiều trường hợp chỉ mới bắt đầu là đã quá muộn.

Giờ phút này đây, ngoài kia ai ai cũng đều ngược xui vội vã đón Tết cùng gia đình, người thương, thì ngược lại những số phận “màu xám” này phải đón mùa xuân trong bệnh viện. Ở đấy, chẳng có mùi bánh mứt, chẳng có mùi của chậu bông vạn thọ trước hiên nhà, mùi của khói hương đêm 30, mùi của sum họp, đoàn viên mà thay vào đó là cái mùi đặc trưng của bệnh viện, mùi của nhớ nhà, mùi của tủi thân, mùi của mong ước và hy vọng rất yếu ớt, mỏng manh lắm.

a tet noi benh vien.jpg


Góc bệnh viện Ung Bướu những ngày cuối năm - Ảnh: Ngô Trí Minh

Lẩn thẩn bước xuống khuôn viên của bệnh viện, tôi bất chợt thấy hàng mai vừa mới được lặt lá chỉ còn lại những cành cây trơ trọi xác xơ. Tuy vẻ ngoài tiều tụy vậy đó nhưng bên trong là cả một sự sống đang sinh sôi nảy nở chờ duyên lành của chút nắng ấm, chút gió, chút sương của mùa xuân mà cây mai sẽ nở rộ những đóa hoa mai vàng đua sắc cho ngày Tết vắng nhà… Rồi sắp tới, mọi người cũng sẽ thấy mùa xuân về, người bệnh và thân nhân đều sẽ thấy an ủi lắm khi biết nhận ra nơi nào cũng là Tết, cũng là mùa xuân hết.

Hy vọng cũng sẽ không mong manh đâu, vì nghị lực của con người phi thường lắm chỉ cần bạn vui vẻ sống, thảnh thơi, bình an thì mỗi ngày như một món quà, như một phương thuốc, là giọt nước cam lộ tưới tẩm cho thân thể suy kiệt của ta từng ngày; để vượt qua những nỗi khổ niềm đau của thân tâm bị cơn bệnh chi phối.

Dẫu biết là đau lắm, khổ lắm nhưng mong sao mọi người biết quán niệm còn ráng vượt qua cơn đau mà sống, chớ có suy sụp vì sống hết lòng thì khi chết cũng phải hết lòng vậy mà… 

Nhớ lại những tháng ngày ở khoa Ung bướu trong Bệnh viện Chợ Rẫy, tôi có dành chút thời gian đến thăm và lo cho ông ngoại lúc ngoại bệnh trở nặng hơn. Phòng bệnh có 8 giường cho bệnh nhân, hầu như người nuôi bệnh chỉ có thể nằm ngủ dưới đất hay chui dưới giường của bệnh nhân mà ngủ Không gian tuy chật hẹp nhưng mọi người không hề phiền hà, tranh cãi hay cáu gắt gì nhau mà chỉ là sự cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ nhau thôi.

Có lần, một chú nằm điều trị được bác sĩ cho xuất viện, ai trong phòng cũng vui mừng vì thấy người cùng hoàn cảnh của mình được trở về với cuộc sống vui khỏe, bình thường. Chú và nhà chú đều mừng lắm… Chú đến từng giường bệnh trong phòng, nói vài lời tạm biệt rồi thăm hỏi, chúc sức khỏe. Sau đó, đến giường ông ngoại - chú nắm tay “cháu về nhe chú, chúc chú mau khỏe bệnh để còn về nhà với con cháu”, ngoại của tôi lúc đó dù đã lúc tỉnh lúc mê do dùng thuốc giảm đau gây tác dụng phụ, nhưng ông ngoại vẫn gật đầu và mỉm cười, tôi biết ông cảm nhận được tình cảm từ cái nắm tay siết chặt đã gửi gắm hết mọi điều trong đấy…

Vài tháng sau, ông ngoại tôi cũng mất, từng bệnh nhân người ở lại, người ra đi nhưng đọng lại trên hết là tình người lúc hoạn nạn, khó khăn. Tôi tự đặt câu hỏi, phải chăng nơi mà sự sống không còn nhiều nữa thì tình thương mới được biểu hiện mãnh liệt nhất? Tại sao lúc còn trẻ khỏe mình không yêu thương nhau, mình không nhường nhịn nhau, không chia sẻ cho nhau để tình thương được trọn vẹn, được hạnh phúc hơn mà cay đắng, tổn thương nhau làm chi? Vì “mọi thứ cũng sẽ ra đi, chỉ còn tình thương ở lại…”.

Một mùa xuân mới đã về, và xuân cũng mau chóng qua đi… chỉ mong sao mỗi mùa xuân qua, con người biết thương nhau hơn, bớt làm nhau đau, và mọi người sống thiệt lòng, tử tế… Mong người bệnh mau chóng khỏe mạnh, vượt qua niềm đau gắng sống lạc quan, tự biết tìm thấy mùa xuân chính nơi mình đang ở và tưới tẩm mùa xuân đang nảy nở ở trong ta có cơ hội khoe sắc nở hoa như “từng bước nở hoa sen” mà thấy đời an vui hơn…

Xin mượn bài thơ Cáo tật thị chúng của Thiền sư Mãn Giác như một món quà xuân dành tặng cho người bệnh và thân nhân vẫn còn đón xuân xa quê nhà:

“Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tòng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”

“Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa nở
Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu, già đến rồi
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua - sân trước - một cành mai”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Không giữ giới có năm điều suy hao

GNO - Sống ở đời ai cũng mong muốn gia đạo bình an, sự nghiệp ổn định và phát triển. Tuy vậy, không nhiều người biết rằng nền tảng của những mong ước thiện lành đó chính là phước đức.
Thờ vong ở trong chùa

Thờ vong ở trong chùa

GNO - Cha tôi vừa qua đời cách nay hơn 5 tháng. Khi cha mất, có người xem giờ cho biết cha tôi đi vào giờ xấu, nên phải gửi vong lên chùa. Sau khi chôn cất xong tôi đã gửi vong cha lên chùa. Tôi có nghe một số người nói trong 49 ngày cha tôi cũng không nhận được lộc. Hiện tôi rất đau khổ và hoang mang...
Ảnh Minh Họa .nguồn Làng Cười

Ngày lành tháng tốt

GNO - Hiện lòng tôi rất hoang mang, lo lắng và không biết giải quyết làm sao? Xin quý Báo cho biết về ngày tốt, xấu có thực không? Nếu không tại sao trong chùa các thầy lại coi ngày? Lòng hơi lo sợ vì nếu không nghe lời thầy thì sau này biết đâu gặp nhiều điều không vui hay trắc trở do cưới không đúng ngày tháng tốt.

Thông tin hàng ngày