Mong Giác Ngộ mở trang "Du lịch tâm linh"

GNO - Trong thời đại bùng nổ thông tin, với rất nhiều tờ báo in cũng như báo điện tử và các trang mạng xã hội, độc giả có thể truy cập bất cứ chủ đề, nội dung nào mình muốn để nắm bắt sự kiện, thỏa mãn nhu cầu giải trí…

Tuy vậy, báo Giác Ngộ vẫn là bạn đồng hành thân thiết của nhiều người, tôi nghĩ vì tờ báo luôn giữ vững định hướng chuyển tải thông tin, tôn chỉ mục tiêu: phản ánh đời sống tâm linh trên cơ sở khoa học và tín ngưỡng trong sáng, lành mạnh, gần gũi với cuộc sống.

Tôi đến với báo Giác Ngộ chưa lâu, mới chỉ bốn năm nay - nhờ một lần đi chùa dịp Tết Nguyên đán, tình cờ thấy tờ Giác Ngộ để trên bàn và lấy đọc, thấy có nhiều điều tâm đắc, thiết thực nên từ đó hàng ngày thường xuyên tìm hiểu nội dung trên báo qua Giác Ngộ online (GNO).

Kể từ khi đọc báo, tôi tiếp cận được bao điều bổ ích, hiểu rõ về tín ngưỡng bấy lâu nay còn vướng mắc.

Tuy nhiên, tôi cũng xin đề đạt một nguyện vọng - với tâm huyết mong muốn Giác Ngộ không ngừng hoàn thiện, trở thành hành trang tinh thần không thể thiếu đối với độc giả gần xa - đó là cần chuyên trang “Du lịch tâm linh” để giới thiệu những điểm du lịch tâm linh hấp dẫn trong nước và phạm vi khu vực, thế giới.

IMG_1354.jpg


Thiền viện Trúc Lâm Hộ Quốc - Ảnh: Tiến Đạt

Hiện tại, chuyên mục Du lịch nằm trong “khuôn viên” trang Văn hóa của GNO, nhưng nếu được, tòa soạn nên xem xét bố trí thành một mục độc lập để tăng diện tích phục vụ - quảng bá những địa danh du lịch tâm linh nổi tiếng. Ví dụ như danh thắng Yên Tử - cái nôi của Thiền phái Trúc Lâm từ cuối thế kỷ 13; thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt thuộc thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, cách trung tâm thành phố Đà Lạt 5 km, nằm trên núi Phụng Hoàng, phía trên hồ Tuyền Lâm, là điểm tham quan và chiêm bái của nhiều du khách trong và ngoài nước; thiền viện Trúc Lâm Hộ Quốc - một trong những công trình nằm trong khu du lịch tâm linh có diện tích hơn 110ha (diện tích chùa chiếm khoảng 12%) thuộc ấp Suối Lớn, xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang…

Chuyên trang “Du lịch tâm linh” giúp bạn đọc chưa có điều kiện tham quan thực tế sẽ du ngoạn trên bàn phím, hiểu và yêu mến quê hương, đất nước hơn, như đang thả mình trong không gian bao la, tĩnh lặng, để sau một ngày lao động tất bật trí óc hoặc chân tay vơi đi nỗi truân chuyên, vất vả giữa dòng đời …

Nguyễn Tiến Đạt
(Liên Nghĩa, Đức Trọng, Lâm Đồng)

_______________

* Nhân dịp 41 năm báo Giác Ngộ ra số đầu tiên (1-1-1976 - 1-1-2017), kính mời chư tôn đức, quý Phật tử, CTV, bạn đọc chia sẻ kỷ niệm, góp ý nội dung, hình thức - để Giác Ngộ ngày một hoàn thiện, phục vụ bạn đọc tốt hơn... Bài vở, góp ý xin hoan hỷ gửi về: bandocgiacngo@gmail.com.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày