GN - Được xuất bản lần đầu vào năm 1895 tại Paris, cuốn sách Les Enfers Bouddhiques: le Bouddhisme Annamite (Các tầng địa ngục theo Phật giáo) của hai tác giả Léon Riotor - chính trị gia, nhà văn người Pháp và Léofanti - phóng viên tờ L’Avenir du Tonkin, biên tập viên và thương gia, nằm trong số những công trình nghiên cứu, biên khảo của người Pháp trong thời thuộc địa xoay quanh chủ đề văn hóa, tín ngưỡng và phong tục Việt Nam.
Bìa cuốn Các tầng địa ngục theo Phật giáo do Phạm văn Tuân dịch, Lang Sa hiệu đính
Các tầng địa ngục theo Phật giáo được thực hiện theo lối khảo tả thực địa, phần lớn tường thuật lại cuộc đối thoại giữa hai tác giả với các chủ thể văn hóa trong chuyến hành trình đến vùng đất Bắc Kỳ thời bấy giờ. Trong đó, hai nhân vật Nha-Truong và nhà sư Thanh-Giem (theo phiên âm gốc trong cuốn sách) đóng vai trò dẫn dắt, diễn giải về nhận thức của người bản xứ về Phật giáo, tôn giáo đã tồn tại lâu đời và là một phần trong nền văn hóa và đời sống tinh thần vô cùng phong phú lẫn phức tạp trên vùng đất này.
Đặc biệt, trong cuốn sách, cái nhìn đối với sự sống sau cái chết được chú trọng xuyên suốt trong những cuộc đối thoại giữa hai phía khách thể và chủ thể. Cũng từ cuộc đối thoại này, tinh thần Phật giáo bình dân đã tồn tại và len lỏi trong tâm thức dân Việt hiện lên thật rõ nét. Ở đó, đời sống của con người bản xứ được bao quanh bởi những niềm tin, suy tưởng về đạo đức nhân sinh, sự khuyến thiện, trừng ác, nhân quả trong hiện tại và sau cái chết.
Bối cảnh diễn ra cuộc đối thoại nằm ở chùa Báo Ân, ngôi chùa nổi tiếng với những bức chạm khắc độc đáo diễn tả về Thập điện Diêm vương - những cảnh địa ngục trong quan niệm Phật giáo bản địa. Bộ tranh này từng gây nên một ấn tượng cực kỳ to lớn đối với những người Pháp có mặt tại Việt Nam thời bấy giờ, và cũng chính vì sự nổi tiếng của bộ tranh địa ngục nói trên, chùa Báo Ân còn được người Pháp nhắc tới với tên gọi Pagode des Supplices tức chùa Thọ hình.
Chùa Báo Ân, phụ bản tranh khắc gỗ trong sách Một chiến dịch ở Bắc kỳ của Bác sĩ Hocquard
Cũng cần nói thêm, một trong số những nhân vật người Pháp đầu tiên đến Việt Nam trong khoảng thời gian 1884 - 1886, đã có những mô tả vô cùng chi tiết, kèm theo đó là những bức tranh khắc sống động về chùa Báo Ân khi ngôi chùa này còn gần như nguyên vẹn, là bác sĩ quân y Hocquard. Toàn bộ hình ảnh và những mô tả đó nằm trong tác phẩm ký sự nổi tiếng nhất của ông: Une campagne au Tonkin (Một chiến dịch ở Bắc Kỳ).
Mặc dù vậy, những hình ảnh về chùa Báo Ân được Hocquard cũng như những nhiếp ảnh gia người Pháp đến Bắc Kỳ thời bấy giờ thực hiện hầu như chỉ ghi nhận cảnh quan phía bên ngoài của chùa Báo Ân, riêng Các tầng địa ngục theo Phật giáo lưu giữ lại một hình dung cụ thể về bộ phù điêu phía bên trong chùa. Kèm theo nội dung của cuốn sách có 12 phụ bản là những “bức tranh khắc hết sức tinh tế và tuyệt đẹp mà các nghệ nhân người Nhật Pha và Ly đã dùng bút sậy vẽ”. Những bức tranh này có thể coi như bản đồ họa lại chính xác những bức chạm trong nội điện chùa Báo Ân, là nguồn tư liệu quan trọng đối với lịch sử mỹ thuật Việt Nam, phần nào hỗ trợ cho chúng ta - những kẻ hậu thế, trong việc phục dựng một góc nhìn chi tiết hơn về chùa Báo Ân, một công trình kiến trúc và nghệ thuật Phật giáo đặc sắc đã không còn tồn tại.
Một trang phụ bản tranh trong cuốn gốc Les Enfers Bouddhiques: le Bouddhisme Annamite
Bên cạnh đó, cùng với bản Việt dịch Các tầng địa ngục theo Phật giáo của Phạm Văn Tuân được giới thiệu tới độc giả, còn có bài khảo cứu “Khảo về ‘Địa ngục’ trong lịch sử văn hóa Phật giáo ở Việt Nam” của TS.Trần Trọng Dương. Bài khảo cứu này “như một cuộc chạy việt dã qua ngàn năm lịch sử” nhằm nêu bật lên ảnh hưởng, mối liên hệ lớn lao của nhân sinh quan và vũ trụ quan Phật giáo trong tâm thức của người Việt. Di chỉ của mối liên hệ đó, đôi khi, chỉ cụ thể hóa bằng những điều rất đời thường như “hàng loạt những mảnh vụn ngữ ngôn minh chứng cho sự hòa tan của Phật giáo trong kho từ vựng tiếng Việt”.
Mặc dù vậy, với tuổi đời lên đến 125 năm, cuốn sách Các tầng địa ngục theo Phật giáo vẫn có những hạn chế cơ bản về mặt nội dung, ngôn ngữ hàn lâm và xưa cũ được sử dụng trong cuốn sách có thể “gây khó” cho phần đông độc giả ngày nay. Chính vì vậy, việc tiếp cận với cuốn sách này cần đến sự kiên nhẫn và thận trọng nhất định, tùy theo ý hướng và mục đích của mỗi người đọc đặt ra cho mình.
Giải Hạnh / Báo Giác Ngộ
“Tập trung thuyết giảng về đạo hiếu, răn dè việc bất hiếu là một phương thức để Phật giáo có thể đi sâu vào các tầng lớp trí thức Đông Á, vốn xuất phát ban đầu là cái học nhà nho. Nó khiến cho hai tôn giáo này không loại trừ nhau mà bổ sung cho nhau. Các nhà nho ngoài chuyện thờ cúng cha mẹ tổ tiên ở từ đường dòng họ, còn có thể nhận rằng tổ tiên mình đang sống ở một thế giới khác. Bằng cách đó, họ có thể tòng Nho nhập Thích, vào triều thì dùng Nho về làng thì tham gia lý-số-y-thuật, ra đình thì thờ cúng thần thánh, vào chùa thì thắp hương dâng Phật. Một cách tinh tế, việc lồng đạo hiếu vào phạm vi của luật nhân quả và thuyết luân hồi, việc đặt những kẻ bất hiếu vào phạm vi phán xử của các phán quan địa ngục đã đẩy mạnh khả năng hoằng hóa của những người hành đạo trong xã hội được thiết lập bởi Nho giáo”. Trần Trọng Dương
(Trích Khảo về “Địa ngục” trong lịch sử văn hóa Phật giáo ở Việt Nam)