GNO - Hàng năm, cứ từ Tết Nguyên đán đến rằm tháng Giêng âm lịch, là các chùa ở Hà Nội lại tấp nập người đến lễ Phật đầu năm. Đây được xem là phong tục văn hóa tâm linh tốt đẹp đã có từ xa xưa và được duy trì đến nay.
Đầu xuân này cũng không ngoại lệ, khi người viết tìm đến các chùa như Trấn Quốc, Phúc Khánh, chứng kiến cảnh dòng người đi lễ đông đặc, người lễ Phật trong thượng điện, trước Tam bảo chen chúc nhau và nhiều thiện nam tín nữ phải đứng ngoài hiên chùa vái vọng vào.
Bán động vật cho nhu cầu phóng sanh trước cổng chùa
Đây cũng là mùa “hái ra tiền” của những người làm dịch vụ kinh doanh trước cổng chùa. Đơn cử như tại chùa Trấn Quốc, dải vỉa hè dọc đường Thanh Niên, phía bên hồ Tây, dài ngót 500 mét, được một số người trưng dụng để làm dịch vụ trông giữ xe máy và ô tô với giá 10.000đồng/lượt, nhưng vẫn không đủ chỗ. Hai bên đường vào chùa, san sát nhau là các hàng bán đồ lễ, tiền vàng, hương hoa, cành vàng lá ngọc…
Ngoài ra, nhiều người còn bán các động vật thủy sinh để phục vụ khách mua phóng sinh, với chủ yếu là cá cảnh, ba ba, thậm chí có cả những chậu đựng rùa tai đỏ (loài vật được các tổ chức xã hội bảo vệ môi trường khuyến cáo là không nên dùng phóng sinh).
Tuy nhiên, so với mọi năm, khách đi lễ Phật Tết này vẫn đông, nhưng ở các chùa đã sạch sẽ và trật tự hơn, những hình ảnh phản cảm có phần giảm hẳn. Đặc biệt, năm nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có văn bản gửi đến các chùa, cơ sở thờ tự, trong đó yêu cầu loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở Phật giáo. Những chùa mà người viết đến từ đầu năm tới nay, hầu hết tình trạng đốt vàng mã giảm rõ rệt, điển hình như ở các chùa: Trấn Quốc, Quán Sứ, Phúc Khánh, chùa Một Cột...
Theo đó, lượng vàng mã được đốt trong những lò đốt vàng mã, ở các chùa này là rất ít. Riêng chùa Hà, nơi thường có đông đảo bạn trẻ đến để cầu tình duyên, cầu tự thì tình trạng thắp hương vô tội vạ khiến khói hương mù mịt và đốt vàng mã vẫn diễn ra nhiều. Một nhân viên bảo vệ tại chùa Hà cho biết, mỗi ngày có đến hàng tấn vàng mã được người dân đem vào chùa để lễ Phật, sau đó đốt đi.
Bên cạnh đó, đầu xuân, khoảng thời gian mà hầu như chùa nào cũng dành để tổ chức những khóa lễ cầu an, với mục đích cầu nguyện cho quốc thái dân an, chúng sinh an lạc, thì điều đáng nói là một số ngôi chùa vẫn “nhập nhèm” giữa lễ cầu an với cúng sao giải hạn. Đơn cử như tại chùa Một Cột, ngay tại cổng chùa đặt một biển báo in rất đẹp, với nội dung có đoạn: “Hòa chung vào sự vần xoay của đất trời, lễ giải hạn cầu bình an vào năm Mậu Tuất - 2018 được tổ chức từ ngày mồng 6 tháng Giêng đến ngày 19 tháng Giêng...”.
Thông báo trên còn ghi rõ: “... Để tiện việc ra vào chùa đăng ký lễ, từ ngày rằm tháng 10 âm lịch năm Đinh Dậu, quý Phật tử đến ghi tên vào hệ thống máy tính và nhận giấy hẹn của khóa lễ vào mỗi buổi chiều từ 14 đến 18 giờ hàng ngày.
* Lễ dâng sao giải hạn
* Lễ cầu bình an cả năm
* Các tuổi Dần, Ngọ, Tuất gặp hạn Tam tai, lễ vào các ngày 21 hoặc 22 hoặc 23 tháng Giêng...”.
Phía dưới cùng của biển báo, in rõ con dấu của chùa Một Cột.
Chùa Một Cột với thông báo... sao, hạn
Chưa hết, trên cánh cửa nhà Tổ của chùa Một Cột còn có một thông báo khác, được đặt hẳn trong khung kính. Ở đó viết: “Năm Mậu Tuất - 2018, tuổi Canh Tuất sinh năm 1970 (Nam) - 49 tuổi gặp hạn Thái Bạch - Bạch Hổ. Thể theo nguyện vọng của quý vị Phật tử, Nhà chùa có tổ chức một buổi lễ cúng giải hạn Bạch Hổ cho những người sinh năm: 1970 (nam/ tuổi Canh Tuất) vào 18g ngày 25 tháng Giêng năm Mậu Tuất...”.
Thời điểm người viết đến chùa Một Cột, đúng lúc đang diễn ra một khóa lễ giải hạn, trước Tam bảo, trong thượng điện chùa xếp rất nhiều những hình nhân thế mạng bằng giấy.
Ngoài ra, về cúng sao giải hạn, còn có chùa Phúc Khánh là được người dân Hà Nội và khách thập phương “tín nhiệm” nhất. Hàng năm cứ vào các tối mồng 8, 15 và 18 tháng Giêng, từ trong sân chùa đến khắp đoạn đường phố Tây Sơn dài 500 mét chật cứng người ngồi dự các khóa lễ cầu an, ước tính đến cả vạn người tham gia. Năm nay cũng không ngoại lệ, khi ngay những ngày đầu năm đã có tấp nập người đến đăng ký cầu an.
Các bảng thông báo treo tại đây in rất đẹp, tuy không có chữ “giải hạn”, nhưng vẫn ghi rõ: ngày mồng 8 tháng Giêng, 7g tối khóa lễ sao La Hầu; ngày 15 tháng giêng, 7g tối khóa lễ sao Thái Bạch; 18 tháng Giêng, 7 giờ tối khóa lễ sao Kế Đô. Có thể dễ dàng thấy rõ bản in từng tuổi người sinh ứng với các sao tốt, xấu trong năm nay, được tỉ mỉ dán trên các cột, vách tường và nhiều bàn trong chùa, để người dân đến đối chiếu.
Chánh điện chùa Một Cột xếp rất nhiều hình nhân thế mạng
Trên những chiếc bàn được nhà chùa đặt sẵn ở ngoài sân, bàn nào cũng đông thiện nam tín nữ vừa đối chiếu sao tốt, xấu, vừa viết vào bản đăng ký in sẵn đã được phát trước đó, rồi đem nộp cho các bàn nhận đăng ký do nhà chùa bố trí. Mỗi lần đăng ký cầu an như vậy, đều phải nộp một khoản tiền được nhà chùa quy định, là 150.000đồng/người. Nhà nào có nhiều người, thì lấy số người nhân lên với số tiền trên mà nộp, bởi đó, có những gia đình đông người phải nộp trên 1 triệu đồng cho việc cầu an. Song, sau khi nộp khoản tiền này, người cầu an sẽ được nhận về một tờ giấy in chữ “Tiền công đức”, chứ không có dòng nào đề cập đến việc giải hạn.
Đăng ký giải hạn ở chùa Phúc Khánh
Với việc làm lễ cầu an và giải hạn sao La Hầu, vào tối 23-2 vừa qua (tức mùng 8 tháng Giêng, Mậu Tuất), đã có hàng nghìn người dân đổ về chùa Phúc Khánh. Vì trong sân chùa không đủ chỗ chứa cho người đến lễ, nên cả đoạn đường phố Tây Sơn dưới chân cầu vượt Ngã Tư Sở, đã được nhà chùa phối hợp với chính quyền sở tại, “trưng dụng” để cho người dân ngồi dự.
Theo đó, hơn 300 cán bộ chiến sĩ công an quận Đống Đa đã lập hàng rào phân làn, đảm bảo giao thông được thông suốt, 4 địa điểm trông giữ xe miễn phí cũng được chính quyền bố trí, công an quận Đống Đa kết hợp cùng lực lượng Đoàn thanh niên đã túc trực phát ghế nhựa cho người dân để ngồi trên mặt đường trong thời gian diễn ra lễ cầu an.
* Bài liên quan: Cúng sao giải hạn không phải của Phật giáo ||
Bài, ảnh: Chu Minh Khôi