Mở hộp ra, thấy có Xá lợi (ngọc cốt). Tất cả những báu vật này đều dâng lên Chính phủ Anh. Về sau Chính phủ Anh có tặng một phần cho vị Quốc vương Thái Lan (Xiêm La) có tiếng là sùng đạo Phật. Vua lại chia tặng cho nhiều vị Đại đức chân tu trong nước, ngoài nước như Myanmar, Sri Lanka v.v...”.
Bác sĩ tuyên bố sẽ đề nghị biếu Phật giáo Việt Nam một viên Xá lợi sau khi Bác sĩ dự xong Hội nghị Phật giáo Thế giới về nước.
Theo báo chí nước ngoài cho biết: Hiện nay tại Trung Quốc, người ta đã phát hiện được một số Xá lợi của Đức Phật Tổ, gồm có: 2 viên Xá lợi xương Phật ở động Lôi Âm (Cảnh Sơn, Bắc Kinh); Xá lợi ngón tay Phật ở chùa Pháp Môn (huyện Phù Phong, tỉnh Thiểm Tây). Bên cạnh đó, trong bảo tháp Xá lợi răng Phật ở chùa Linh Quang (Bắc Kinh) cũng có thờ một chiếc răng Phật. Tương truyền đó là chiếc răng từng bị rụng lúc sinh thời của Đức Thích Ca Mâu Ni.
Lễ rước Xá lợi Đức Phật Tổ tại Sài Gòn
Phái đoàn Phật giáo Sri Lanka (Tích Lan) của Hội nghị Phật giáo Thế giới lần thứ 2 tại Nhật Bản gồm 34 vị do Bác sĩ Malalasekera lãnh đạo, đã hộ tống Xá lợi của Đức Phật Tổ (đến Nhật Bản) đã cập bến Sài Gòn ngày 12 tháng 9 năm 1952.
Theo lời Bác sĩ Malalasereca: “Viên Xá lợi do phái đoàn Sri Lanka đem tặng Nhật Bản mà Hội Phật học Nam Việt đã làm lễ chiêm bái là một trong hai viên mà vua Thái Lan đã biếu vị Đại đức trụ trì một ngôi chùa danh tiếng ở Sri Lanka. Vị Đại đức ấy nay đã viên tịch và chính vị đệ tử cao cấp nhất của ngài đã lấy ra và giao cho phái đoàn đem biếu xứ Phù Tang - nơi tổ chức Đại hội Phật giáo Thế giới lần thứ 2”.
Xá lợi của Phật được đặt trong một cái hộp bằng vàng đặc, hình tháp. Mở nắp hộp ra, thấy ngay chính giữa cái đáy có một hoa sen bằng vàng, năm cánh xòe ra và nằm trên một cái cuống cũng bằng vàng to bằng cái tăm cắm đứng trên đáy hộp. Trong lòng hoa sen vàng ấy, viên Xá lợi được đặt trong một cái bao bằng vàng hình tròn như hạt tiêu. Do những lỗ trống xung quanh “hạt tiêu” này, người xem thấy được viên Xá lợi, chất trắng màu ngà và dáng như cục phấn.
Ban cung nghinh và hầu hết các Phật tử Sài Gòn đã tổ chức lễ rước Xá lợi và đón tiếp đoàn, hộ tống một cách rất trọng thể ngày 13-9-1952 từ bến tàu về tận Câu lạc bộ Đông Dương; đoàn người trông như thác, có cờ Phật giáo 5 màu và biểu ngữ giăng san sát đầy đường.
Lễ rước bắt đầu từ 8g sáng ngày 13-9-1952. Đi đầu là xe hoa tươi kết hình bông sen trắng, tiếp đến xe thứ 2 cũng bằng hoa tươi kết hình con bạch tượng, treo lộ ra 2 cái bình bằng vàng và bạc, đó là Xá lợi của Đức Phật Thích Ca và của một vị La hán đệ tử của Đức Phật, sau cùng là chư Tăng, Ni, thiện tín Sài Gon cùng các vùng lân cận; ai nấy dốc lòng thành thiết, tay cầm cờ, tâm tưởng niệm và mắt không rời 2 bảo vật, tượng trưng lòng Đại Từ Bi, Đại Trí Tuệ của Đạo vô thượng.
Hơn 10g, đám rước về tới Câu lạc bộ, tại đây đã thiết lập sẵn một ban thờ, trên có 1 tranh Phật rất lớn, hương trầm nghi ngút, hoa tươi ngào ngạt; hai bình Xá lợi để giữa ban thờ trên 1 bàn con có phủ vải vàng, quang cảnh trang nghiêm này thực chưa từng thấy ở dải đất Việt Nam hiện đang trong cảnh chiến tranh! Đâu đấy yên vị cả rồi, tứ chúng đệ tử bắt đầu hành lễ, lại một bầu không khí đầy tình thương ngợp xuống công trường, khiến ai cũng cùng cảm thông với nhau một ý niệm “vạn vật là nhất thê”, ai nấy lòng tự rung lên.
11g lễ tất, Xá lợi được thiết trí tại Câu lạc bộ Đông Dương (lúc đó Sài Gòn chưa có ngôi chùa nào có khuôn viên rộng lớn chứa được hàng vạn người nên phải đặt tại CLB này), thập phương lũ lượt kéo về chiêm bái không lúc nào thưa và hôm sau, 14-9-1952, Xá lợi lại được rước xuống tàu để thẳng đường sang Nhật.
Phật giáo xứ Bắc cử hai vị là Đại đức Thích Tâm Giác và đạo hữu Tô Văn Đức vào Sài Gòn dự lễ cung nghinh Xá lợi trọng thể này theo lời mời của Bác sĩ Nguyễn Văn Khỏe - Hội trưởng Hội Phật học Nam Việt. Trong dịp này, Hội Phật giáo Sri Lanka tặng Hội Việt Nam Phật giáo một cây bồ đề lấy ở miền Anuradapura, cựu kinh đô của Sri Lanka, nơi đã trồng cây bồ đề mà chính dưới gốc cây đó Đức Phật tổ đã ngồi thuyết pháp khi Ngài còn tại thế. Sau đó cây bồ đề được trồng tạm tại chùa Bát Tháp (phố Đội Cấn, Hà Nội). Tuy chỉ có 2 hôm nhưng toàn thể giơi Phật giáo Việt Nam, nhất là các tín đồ Nam Việt, ai nấy đều cho cuộc cung nghinh Xá lợi này là một đại phúc duyên cho quốc độ Việt Nam.
Lễ rước Xá lợi Phật và hai vị Thánh Tăng tại Campuchia
Nhân dịp Chính phủ Campuchia tổ chức lễ cung nghinh Xá lợi của Đức Phật Tổ và hai vị Thánh tăng Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên từ ngày 5 đến ngày 11-10-1952, Bộ Ngoại giao Campuchia đã gửi thư mời Việt Nam sang dự lễ (mỗi miền 5 đại biểu). Nhận được thư mời, Hội Việt Nam Phật giáo đã cử Thượng tọa Thích Trí Hải và đạo hữu Tô Văn Đức ngày 5-10 bay vào Sài Gòn để ngày hôm sau đi Phnom Penh dự lễ.
Theo Thượng tọa Trí Hải kể lại trên báo Tin Tức Phật Giáo thì lễ cung nghinh Xá lợi của Đức Phật Tổ và hai vị đệ tử của Ngài là Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên đã được Giáo hội Tăng già Kim Biên và Chính phủ Campuchia nghiên cứu từ 3, 4 tháng trước nên công cuộc tổ chức rất chu đáo và cực kỳ long trọng.
Chính phủ Campuchia đã phái đại biểu sang Thái Lan thuê máy bay riêng để sang tận Ấn Độ rước Xá lợi về Phnom Penh, đồng thời điện mời các nước láng giềng tới dự lễ.
Lễ rước Xá lợi đã được cử hành chiều ngày 5-10 từ sân bay Pochentong về chùa Bạc.
Theo lời thỉnh cầu của Chính phủ Thái Lan, máy bay chở Xá lợi đã đỗ lại Bangkok 1 giờ để chư Tăng và trên từ Quốc vương, đại thần, nhân viên Chính phủ đến các giới thiện tín tới chiêm bái.
Khi máy bay tới sân bay Pochentong, Quốc vương Sihanouk và Hoàng thân Monireth đích thân tiếp rước và đưa tới chỗ nghỉ ở sân bay. Sau đó 3 hộp Xá lợi đặt trên chiến xa kết hoa, bỏ hết súng ống, từ từ tiến về kinh thành, theo sau có chư Tăng, các nhà chức trách và đại biểu các nước. Trên con đường dài 10km, dân chúng chờ đón Xá lợi đứng đông kín không còn một chỗ hở. Người ta ước tính có tới 50 vạn người, nghĩa là số người chưa hề thấy có từ trước tới nay, kể cả những ngày trọng lễ.
Khi đám rước tới chùa Bạc ở cạnh Hoàng cung, ngài Pháp chủ Tăng già và 2 vị Tăng rước 3 hộp Xá lợi vào trong chùa đặt trên một bàn thờ riêng rất lộng lẫy dưới ánh sáng của hàng trăm ngọn đèn điện. Tại đây, một vị Thượng tọa người Ấn Độ (người hộ tống Xá lợi) làm lễ mở 3 hộp Xá lợi trước sự hiện diện của Quốc vương, Hoàng gia, nhân viên Chính phủ, chư Tăng và đại biểu các nước. Buổi lễ khai mạc bằng bai diễn văn của đại biểu Ấn Độ kể lại sự tích Xá lợi của Đức Phật Tổ và hai vị đệ tử của Ngài. Tiếp đó, Quốc vương Sihanouk đọc chúc từ rồi đến đại biểu các nước tỏ ý hân hoan được mời tới dự lễ và thay phiên nhau tung kinh, nhập Từ bi quán.
Hôm sau, Xá lợi được rước tới nhà ga cho dân chúng được tự do tới chiêm bái suốt ngày không ngớt rồi lại rước về chùa Bạc cho đến ngày 10-10. 8 giờ ngày 11-10-1952, lễ tiễn Xá lợi ra sân bay được tô chức trọng thể như lúc đem về và do đích thân Quốc vương đi hộ tống.
Tới sân bay, Quốc vương đọc diễn văn tỏ ý cám ơn Ấn Độ đã cho dân chúng Campuchia được chiêm bái Xá lợi Đức Phật và tỏ ý mến tiếc không lưu Xá lợi được lâu hơn.
Thượng tọa Trí Hải và ông Tô Văn Đức đến Phnom Penh chậm hai ngày nhưng được Chính phủ Campuchia dành cho nhiều sự thù tiếp đặc biệt như bố trí riêng một ô tô để tùy ý sử dụng, mời đi thăm Đế Thiên Đế Thích bằng máy bay, được vua Sãi (tức Pháp chủ Tăng già Kim Biên) tiếp và tặng ảnh truyền thần chân dung ngài...
Sau ngày lễ cung nghinh Xá lợi, Ban Tổ chức đã kiểm điểm số tiền và vàng bạc châu báu do dân chúng có hảo tâm tự ý cúng dàng tới chiêm bái: thu được 7 triệu đồng tiền mặt, vàng bạc châu báu đựng vừa đúng trong 12 chiếc hòm to (như hòm khóa chuông). Tất cả số tiền và vàng bạc châu báu ấy, Ban Tổ chức cúng cả cho phái đoàn Ấn Độ đem về để xây một ngôi chùa tháp vĩ đại để thờ Xá lợi. Điều đó đã chứng tỏ lòng mộ đạo của nhân dân Campuchia nồng nhiệt đến mức nào.
Cuộc tiếp đón Xá lợi Đức Phật tại Philippines
Tại thủ đô Philippines ngày 16-9-1952, hồi 10g, toàn thể dân chúng Manille đã nô nức đi dự cuộc rước Xá lợi Đức Phật Thích Ca. Khi tàu “La Marseiilaise” tới bến, các Phật tử Philippines và Hoa kiều đã lên tàu cung nghinh Xá lợi. Họ đã kính tặng Bác sĩ Malalasekera - Hội trưởng Hôi Phật giáo Thế giới, đạo hữu Nguyễn Thăng Thái - Thư ký Hội Phật giáo Thế giới, ông Rajab Hewvitarne - trưởng phái đoàn Phật giáo Sri Lanka và bà Suzanne Karpeles - đại biểu Hội Phật giáo Paris những vòng hoa danh dự.
Trên bên tàu có những đoàn thể Phật giáo, một ban nhạc lớn ra đón chào. Đạo hữu Nguyễn Thăng Thái mặc quốc phục Việt Nam, cầm lá cờ Phật giáo đi đầu, rồi đến một vị Tăng mang Xá lợi Phật Tổ và các đạo hữu lần lượt lên bờ. Khi trông thấy cờ Phật giáo thế giới, ban nhạc trịnh trọng cử bản nhạc đón chào, các đoàn thể và đội danh dự đều nghiêm chỉnh đứng chào. Dẫn đầu 25 xe ô tô là chiếc xe cắm cờ Phật giáo thế giới. Các xe khác đều giăng biêu ngữ tiếng Anh và tiếng Hoa “Hoan nghênh các đại biểu Phật tử đi dự Đệ nhị Hội nghị Phật giáo thế giới”. Đoàn xe cắm cờ Phật giáo Thế giới đã đi diễu qua khắp các phố lớn tại Manille. Sau đó Xá lợi được để tại chùa Tín Nguyện để cho dân chúng tới chiêm bái suốt từ sáng cho tới buổi tối ngày 16-9-1952. Các đại biểu Phật tử Philippines đã đưa đại biểu các nước đi thăm 5 ngôi chùa lớn ở Manille. 19g, Bác sĩ Malalasekera đã diễn thuyết về công cuộc truyền bá đạo Phật trên thế giới tại chùa Tín Nguyện. Sau đó đạo hữu Nguyễn Thăng Thái lên diễn đàn nói bằng tiếng Hoa và tiếng Anh về sự đoàn kết của Phật tử thế giới và nhấn mạnh về cuộc cung nghinh Xá lợi Đức Phật Tổ tại Sài Gòn đã có 2 triệu Phật tử tham dự. Cuộc cung nghinh Xá lợi Phật Thích Ca tại Sài Gòn đã ghi những trang sử vẻ vang cho Phật giáo toàn thế giới. Thính giả đều vỗ tay nhiệt liệt hoan nghênh.
Một nước có nhiêu người theo đạo Thiên Chúa mà tổ chức lễ tiếp đón Xá lợi Đức Phật Tổ như vậy chứng tỏ sự ngưỡng mộ đạo Phật của dân chúng Philippines không thua kém các nước theo đạo Phật trong khu vực.
Hồi 22g ngày 16-9-1952, các đại biểu Phật tử các nước đã rời Manille đi Hồng Kông để sang Nhật Bản.
Có bao nhiêu loại Xá lợi? Phân loại theo màu sắc thì có ba loại: Ngày nay, giới nghiên cứu Phật giáo chia Xá lợi ra làm 4 loại: |
1 Tin Tức Phật Giáo số 56 ra ngày 25-10-1952.
2 Hội nghị Phật giáo thế giới lần thứ 2 tại Tokyo, Nhật Bản từ 25-9 đến 13-10-1952. Sách Biên niên sử Phật giáo Sài Gòn - Gia Định - thành phố Hồ Chí Minh (NXB TP.Hồ Chí Minh, 2001) trang 123 viết: Tháng 6 năm 1953, Đại đức Narada dâng cúng Xá lợi Phật Thích Ca cho Phật giáo Đại thừa Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền cùng Phật giáo Nguyên thủy và Phật giáo Campuchia. Ngày 2-6-1953, Xá lợi được thỉnh về Sài Gòn. Không rõ đó có phải là viên Xá lợi mà Bác sĩ Malalasekera đã nói ở trên không?