Một vai hai gánh

0:00 / 0:00
0:00
GNO - Ngày tiễn đưa chồng về nơi chín suối, ngoài trời mưa như trút. Chị dắt díu hai con đi theo linh cữu chồng ra nghĩa địa, đôi mắt chị ráo hoảnh vì nước mắt đã không cạn khô. Vật vã, đau đớn đến bơ phờ, chị đứng trước bàn thờ chồng, thắp ba nén nhang, miệng lầm rầm khấn vái, nói với anh cũng là nói với chính mình...
Bài đăng trên giai phẩm Giác Ngộ Vu lan PL.2568 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN
Bài đăng trên giai phẩm Giác Ngộ Vu lan PL.2568 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN

Xin lỗi cô, tôi là phụ huynh của em Bảo. Tôi đến muộn, mong cô và quý phụ huynh thông cảm.

Nếu chị không lên tiếng trước, chắc có lẽ Sen và tất cả phụ huynh của lớp 10A1 hôm ấy sẽ không ai biết chị là… phụ nữ. Chị cao khoảng 1m55, hơi đậm người, tóc cắt ngắn kiểu đàn ông, nước da ngăm đen, khuôn mặt khá nghiêm nghị. Chị mặc trang phục dành cho bảo vệ, sơ-vin lịch sự với chiếc thắt lưng nam, chiếc mũ lưỡi trai đội trên đầu đã được chị lấy xuống khi bước vào cửa lớp, từng bước chân đi chắc chắn,… Sự xuất hiện của chị khiến ai cũng bất ngờ. Dù không ai nói ra, nhưng trong suy nghĩ mỗi người đều không khỏi tò mò.

Sau khi gửi lại tờ giấy mời họp phụ huynh cho Sen, chị quay xuống lớp ngó nghiêng tìm chỗ ngồi, không quên cúi người vừa như chào vừa như muốn xin lỗi tập thể vì sự chậm trễ của mình. Chị rón rén ngồi ở bàn cuối lớp, tay lấy bảng điểm để sẵn trên bàn, mắt chăm chú lần tìm tên con trong danh sách. Một lúc sau, khuôn mặt chị giãn nở, ánh lên một nụ cười nhẹ nhàng, thanh thoát.

Buổi họp phụ huynh tiếp tục với phần nhận xét kết quả khảo sát chất lượng đầu năm của từng học viên trong lớp. Bảo đứng đầu danh sách nên được Sen nhận xét đầu tiên. Nghe cô giáo chủ nhiệm nói về tình hình học tập của con trai qua hai tuần học đầu năm ở trung tâm, đặc biệt là điểm số cao nhất lớp, chị vô cùng hạnh phúc. Ngồi được khoảng 15 phút, chị lại nhổm dậy xin Sen cho phép mình về trước với lý do bận công việc. Sen mỉm cười chào chị. Chị bước từng bước thật dài ra khỏi lớp, sau đó là lời nhỏ to, xì xầm của mọi người. Có người nhìn tướng chị mạnh dạn đoán: số chị số khổ.

Chị tên là Trang. Thời son trẻ, cũng như bao bạn bè cùng trang lứa, chị cũng có ước mơ, có hoài bão tươi đẹp. Thế nhưng vì gia cảnh nghèo khó, lại thêm cả ba và mẹ chị đều mắc bệnh nan y nên để giảm bớt gánh nặng cho gia đình, sau khi tốt nghiệp phổ thông, chị nghỉ học rồi xin vào làm ở xưởng gỗ trên huyện. Tuy vất vả, nhưng được cái gần nhà, khi cần chị có thể xin nghỉ tiện chăm sóc ba mẹ lúc trở bệnh.

Ở xưởng gỗ, chị gặp anh Síu. Anh ở cùng làng, cũng là bạn học với chị từ thời tiểu học. Hoàn cảnh của anh bất hạnh hơn chị. Anh không có cha. Mẹ anh bị khiếm khuyết một mắt từ khi sinh ra (người làng vẫn gọi bà với cái tên là chị Khưu chột) nên mặc cảm, không dám nghĩ đến chuyện lấy chồng. Vì muốn có đứa con bầu bạn nên ngoài 30 tuổi, mẹ anh đã xin một người đàn ông tốt bụng cho mình một đứa con.

Thế nhưng cho tới lúc mất, bà Khưu vẫn chưa một lần hé răng nói cho anh Síu biết về cha của anh là ai. Bà nói với anh đại khái là xin cho bà được “Sống để bụng, chết mang theo” chuyện về người cha của anh Síu. Bà chỉ mong anh sống một đời khỏe mạnh, an yên và hạnh phúc. Năm anh Síu 16 tuổi thì bà Khưu ra đi đột ngột vì bị tai nạn giao thông. Việc học hành của anh cũng đứt quãng từ đó. Người thân giới thiệu cho anh vào làm ở xưởng gỗ trên huyện, từ đó anh có việc làm và tự nuôi sống bản thân.

Chị Trang được anh Síu giúp đỡ từ những ngày đầu chân ướt chân ráo. Dần dà, hai người có thời gian tìm hiểu, chia sẻ buồn vui với nhau. Tình cảm của cả hai dần nảy nở. Thương nhau được ba năm, đã định ngày cưới thì mẹ chị Trang mất. Ba tháng sau, ba chị cũng ra đi. Nỗi đau liên tiếp ập tới. Mất mát lớn lao khiến chị suy sụp tinh thần. Cũng may, bên chị luôn có anh Síu. Anh cùng chị lo hậu sự cho mẹ, cho ba xong xuôi rồi thì bàn với nhau không tổ chức đám cưới nữa, thay vì thế lên xã làm đăng ký kết hôn rồi dọn về sống với nhau. Dù nghèo nhưng vợ chồng chị luôn thuận hòa yêu thương khiến hàng xóm nhìn vào vừa thương vừa ngưỡng mộ.

Ba năm sau đó, chị sinh thằng cu Bảo. Tổ ấm đơn sơ của anh chị có thêm tiếng cười nói, càng thêm ấm áp. Rồi mãi đến khi Bảo lên 8 tuổi, chị Trang mới sinh thêm thằng cu Thuần. Thêm con, thêm miệng ăn, anh chị càng chịu khó tăng ca để kiếm thêm tiền trang trải. Những tưởng mơ ước bình thường và đáng trân trọng ấy sẽ mãi ở lại với anh chị. Nào ngờ… tai ương lại một lần nữa ập xuống gia đình chị. Anh Síu bị tai nạn lao động khi làm việc ở xưởng gỗ và ra đi tức tưởi, không kịp trăng trối với mẹ con chị một lời. Chị bàng hoàng, thẫn thờ không thể tin cuộc đời mình lại liên tiếp gặp cảnh bất hạnh đến như vậy. Chị than trách cuộc đời sao mãi đối xử bất công với chị.

Ngày tiễn đưa chồng về nơi chín suối, ngoài trời mưa như trút. Chị dắt díu hai con đi theo linh cữu chồng ra nghĩa địa, đôi mắt chị ráo hoảnh vì nước mắt đã không cạn khô. Vật vã, đau đớn đến bơ phờ, chị đứng trước bàn thờ chồng, thắp ba nén nhang, miệng lầm rầm khấn vái, nói với anh cũng là nói với chính mình:

- Anh hãy thanh thản nơi chín suối. Em sẽ thay anh chăm sóc các con.

Trên bàn thờ anh, ba cây nhang bỗng nhiên bùng cháy. Trong tấm di ảnh, khuôn mặt anh Síu nhìn chị đầy thương cảm xót xa.

Chị Trang kể cho Sen về cuộc đời của chị bằng giọng nhẹ bẫng như thế. Mắt chị buông chùng xa xăm trên mấy bông phù dung đang tàn nơi cuối vườn. Mắt Sen đầm đìa sau khi biết về cuộc đời bất hạnh của chị. Chị quay về phía Sen, mỉm cười:

- Làm bạn với nỗi đau nhiều, thành ra chị quen rồi.

Người ta bảo “Tận cùng hạnh phúc là giọt nước mắt, và tận cùng của nỗi đau lại là nụ cười”. Sen nhận ra, phía sau nụ cười của chị chính là sự chấp nhận, là để che lấp đi nỗi khổ đau, để che đậy những tổn thương yếu đuối cùng cực. Sen cảm thương cho người phụ nữ thiện lương đã và đang dần bị nỗi bất hạnh vắt kiệt sức lực, đã và héo tàn như những bông phù dung cuối ngày nơi góc vườn nhà chị.

Cúng tuần anh Síu xong, chị nói với các con, có việc phải ra ngoài. Khi trở về, chị thay đổi khiến anh em Bảo suýt nữa nhận không ra. Mái tóc dài của chị đã cắt ngắn như đàn ông. Chị cười nói với hai con:

- Từ nay, mẹ sẽ thay ba chăm sóc các con!

Thằng Thuần nghe mẹ nó nói liền gật đầu, có lẽ vì nó chưa hiểu hết ý câu nói của mẹ. Còn Bảo thì… Nó đã bước sang tuổi 16, đủ lớn để cảm nhận được nỗi đau mà mẹ đang phải gánh trên vai. Nó lặng im, nhìn mẹ, gắng gượng nói một cách từ tốn để ngăn không cho nước mắt chảy ra:

- Mẹ, con sẽ nghỉ học để phụ mẹ kiếm tiền nuôi em.

- Không được. – Chị kịp ngăn lời con:

- Mẹ lo được. Mẹ không cho phép đứa nào nghỉ học hết. Vất vả hơn nữa, mẹ cũng sẽ lo cho anh em con được học hành tử tế.

Chị đến bên vòng tay ôm lấy anh em Bảo, giọng thủ thỉ:

- Ba đi rồi nhưng còn mẹ. Mẹ tuy không hoàn hảo nhưng sẽ yêu thương anh em con theo cách hoàn hảo nhất.

Nói rồi, chị đưa tay lên vỗ về các con. Còn anh em Bảo thì ôm chặt lấy mẹ, khóc thút thít.

Bảo xin mẹ được chuyển vào học ở Trung tâm GDTX vì ở đây được miễn học phí. Cậu không dám trái lời mẹ, không muốn làm mẹ buồn nên chỉ biết nỗ lực cố gắng học tập trên lớp, thời gian ở nhà, cậu phụ mẹ đưa đón em đi học.

Sau cái chết của chồng, chị Trang không làm ở xưởng gỗ nữa mà xin làm bảo vệ giữ xe cho phòng khám tư Giang San. Công việc của chị bắt đầu từ 6 giờ sáng đến 6 giờ chiều, từ thứ 2 đến thứ 7. Cuối tuần, chị dành thời gian cho các con, đi chợ nấu ăn cho con, dành thời gian trò chuyện, và chở con đi chơi. Thấy chị khổ, có người bạn đã khuyên chị đi bước nữa, nhưng chị lắc đầu. Chị bảo:

- Thời gian đầu vắng chồng, đêm nào nước mắt chị cũng ướt đầm lưng gối. Càng nghĩ, chị càng tủi thân, tủi phận. Nhưng chị ngẫm lại, đời người phụ nữ đi lấy chồng thì mong có con cái để làm nguồn vui. Giờ có con rồi thì không mong cầu gì thêm nữa. Chồng chị đã không may đoản mệnh, hai con cui cút tội nghiệp, chị không muốn nghĩ và sống cho bản thân mình, trái lại, chị luôn nhắc mình phải thật mạnh mẽ để thay chồng nuôi nấng các con nên người. Mỗi ngày thấy các con khôn lớn, ngoan ngoãn, thấu hiểu và yêu thương mình, chị thấy mọi vất vả cũng dần vơi trên vai.

Cuối tuần, chị đưa hai con đi viếng mộ anh. Chị báo cho anh biết:

- Thằng Bảo vừa học văn hóa vừa học lớp trung cấp điện trên trung tâm, được thầy cô quan tâm, khen ngợi vì chăm chỉ, cầu tiến. Con đã biết sửa điện, sửa quạt trong nhà giúp mẹ, không cần phải nhờ thợ đến sửa mỗi khi bị hư hỏng nữa. Còn cu Thuần thì vừa đạt giải nhì thi học sinh giỏi Toán cấp trường. Cả hai anh em đều đỡ đần mẹ rất nhiều việc nhà.

Bảo và Thuần cũng thi nhau kể cho ba chúng nghe về chuyện học tập trên trường, về cuộc sống thường ngày của ba mẹ con từ ngày vắng ba. Ba mẹ con chị ngồi trò chuyện với anh Síu rất lâu. Thấy chiều đã muộn, chị bảo hai con thu dọn đồ, chào ba để về kẻo tối. Sợ con nhìn thấy, chị quay đi lau vội hai hàng nước mắt sắp chực trào trên khóe nhưng anh em thằng Bảo vẫn nhìn thấy.

Bảo nhận ra, từ ngày vắng ba, mẹ cậu luôn như thế, luôn giấu đi sự yếu mềm vào bên trong, chỉ để lộ ra bên ngoài sự mạnh mẽ can trường như bông hoa xương rồng giữa sa mạc cằn cỗi. Bảo thương mẹ vô ngần nhưng giấu trong lòng không nói ra. Cậu đã tự nhủ bản thân sẽ cố gắng để trở thành điểm tựa vững chắc, sẽ thay ba yêu thương mẹ và em Thuần.

Thấm thoát, Bảo đã tốt nghiệp cấp 3 và chuẩn bị trở thành sinh viên đại học. Trong bữa cơm mừng con trai chuẩn bị nhập học, chị Trang nấu nhiều món ngon đãi hai con. Chị dặn dò và khích lệ con trai đủ điều trước khi con đến học tập ở môi trường mới. Cu Thuần nhìn mẹ và anh, dõng dạc nói:

- Anh cứ yên tâm học đại học. Ở nhà đã có em lo cho mẹ.

Bảo cũng hứa với mẹ:

- Con sẽ cố gắng học tập thật tốt để sau này lo cho mẹ và em có cuộc sống tốt hơn, để báo đáp công ơn mẹ đã một vai hai gánh thay ba nuôi anh em chúng con.

Chị Trang nghe những lời ấy từ miệng các con, trái tim chị như được hồi sinh, trở nên ấm áp, hạnh phúc lạ thường.

Hôm qua, Sen gặp chị ở buổi chợ sớm. Chị vui vẻ khoe với Sen về Bảo và không quên cảm ơn Sen đã giúp đỡ con trai chị suốt thời gian học tại trung tâm. Chị mời Sen hôm nào đến nhà, ăn bữa cơm đạm bạc với mẹ con chị. Sen cảm ơn chị và vui vẻ nhận lời.

Chào Sen, chị bước vội đi để kịp giờ làm. Vẫn vẻ ngoài mạnh mẽ như lần đầu Sen đã gặp chị. Nhìn theo bóng lưng chị, Sen mỉm cười, thầm cầu chúc chị hãy luôn mạnh mẽ như thế!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Đội lân miễn phí

GNO - Nó nhớ những ngày sống ở Nha Trang. Nhà nó tận sâu trong ngách nhưng Trung thu nào cũng tưng bừng rộn rã. Tiếng cắc tùng tùng len vào những căn nhà ổ chuột, mùi bánh nướng, bánh nếp sực nức được bày bán trên phố xộc vào mũi, nó phải phồng ngực lên mà hít.

Thông tin hàng ngày