Bài trên Báo Giác Ngộ số 1259 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn |
Nó không giống như lũ bạn cùng lớp mỗi độ chớm hè lại nhao nhao tính chuyện về thăm ông bà hoặc cô dì chú bác chỗ nọ chỗ kia. Thấy chúng xắng xở mà… rầu thúi ruột; nhà nó có chỗ nào đâu để về?
Họa chăng an ủi chút có chuyện cô năm Lảnh. Cô là em họ của ba, lấy chồng miền núi. Mỗi bận hè về thăm quê, cô đều mang quà ra cho nhà nó. Mừng ơi mừng, một túi to; trong toàn xoài chín và bánh tráng xoài…
Nó mê ăn xoài. Mê cái vị ngọt lịm chân răng. Mê luôn mùi hương thơm nức của xoài. Nhưng cả xóm có mỗi cây xoài nhà bác Sáu. Xoài sẻ trái bé hột to; chín ăn cũng tàm tạm nhưng sống thì… ôi thôi, chua lè. Chua; nhưng muốn ăn, cũng chỉ có… chờ rụng. Đó là những trái xoài bị ruồi đục ong chích, sinh dòi bên trong. Có lần đang ăn tá hỏa la làng khi nghe miệng nhồn nhột; phun miếng xoài ra còn mấy con dòi ngo ngoe. Vậy nhưng còn lâu mới tởn. Mùa xoài, ngày nào nó chẳng kiếm cớ đi ngang vườn nhà bác Sáu, thấy xoài rụng là thò cây qua rào móc ra liền. Nó ghiền xoài tới mức có thể ăn thay xoài thay cơm.
Nói vậy để hiểu, món quà “đến hẹn lại lên” của cô Năm mỗi dịp đầu hè - với nó là… siêu phẩm. Xoài tượng trái to, vàng ươm, thơm nức. Còn nữa: xấp bánh tráng xoài kèm theo. Cũng vàng rực, thơm thơm. Xé miếng cho vô miệng nhai nghe vị xoài ngọt ngọt chua chua. Không tệ. Nhưng điều khiến nó nghĩ ngợi nhiều nhất là về xứ sở nơi cô Năm đang sống. Chắc xoài nhiều dữ lắm; người ta ăn tươi không hết mới phải đem làm bánh. Nghe như mơ…
Nó có giấc mơ lặp lại lặp đi về một xứ sở trồng toàn xoài. Những cây xoài nối tiếp nhau bạt ngàn, trên cây đặc gật bao nhiêu là trái. Lủng la lủng lẳng. Nó cầm cây đứng dưới với lên khều. Nhón chân hết cỡ mà vẫn không với tới. Ức phát khóc…
*
Ba mẹ bảo chuẩn bị lên cô năm Lảnh. Con trai lớn cô lấy vợ. Đang mùa xoài. Lại đúng lúc nó vừa nghỉ hè…
Mẹ ơi, cho con lên cô Năm với.
Đâu được con; cỗ cưới chỉ mời người lớn thôi.
Thì con… đi thăm cô!
Cô mới về quê mà thăm nom gì? Ở nhà đi, đừng có nhiều chuyện!
Ba nháy mắt, dàn hòa:
Con gái… thèm xoài chớ gì? Để ba mua...
Hông; con thèm… dòm cây xoài nhà cô Năm! Coi nó có giống trong mơ…
Trời ạ; giờ mới hiểu: té ra là vậy! Không hẹn trước ba mẹ cùng lắc đầu cười. Thôi, em cho con theo chơi một chuyến cho nó biết nhà cô….Ô la la! Nó chùi mắt, nhảy cẫng.
*
Nơi cô Năm ở xoài nhiều thật.
Chẳng khác trong mơ là mấy. Có điều xoài xứ này gọi cây không đúng; phải gọi ông hoặc cụ xoài mới xứng tầm. To cao; gốc hàng ba, bốn người lớn ôm. Mới bước chân xuống xe, cả nhà nó đã được một Cụ xoài vĩ đại lừng lững mé đường đón tiếp. Nó như không tin vào mắt: thân cụ to bằng cả gian nhà bếp hay cái đụn rơm nhà nó; từng múi vồng lên trên thân như cơ bắp của một người đàn ông lực lưỡng. Các bạnh rễ nổi cao, bò ngoằn ngoèo quanh gốc in hình những con trăn. Tán cây cao vọi, tròn vo, bát ngát phủ rợp một vùng. Ngước lên nhìn xoay cho giáp vòng thiếu chút trẹo cổ.
… Và trái. Lủng lẳng từng chùm lấp ló. Xanh có, vàng ửng có. Nó mải nhìn, ba giục: đi đi con; vườn nhà cô Năm còn nhiều nữa, tha hồ dòm…
Giờ nó đang đứng giữa vườn nhà cô Năm.
Một trời xoài. Dòm mấy chùm xoài, tự nhiên nước miếng túa ra ừng ực. Nhưng cây cao lắm. Mà giả dụ có thấp nó cũng không dám tự tiện leo. Thì… lượm; như nhà bác Sáu í! Nó đảo mắt dòm ngửa dòm ngang. Kia rồi; một trái xanh. Trái thứ hai ửng vàng; tuyệt thật! Gì chớ nghiệp vụ thu hoạch xoài rụng nó thuộc hàng “thâm niên”. Nhanh chóng, hai trái xoài được phủi sơ đất cát, đùm ngay vô vạt áo. Giờ chuyển sang gốc khác: kia rồi; kia; kia nữa…. Úi trời, xoài rụng ngổn ngang. Nó say mê lượm…
*
Lần đầu tiên trong đời nó được chén xoài chín phủ phê. Hóa ra, cái giấc mơ ăn xoài thay cơm của nó rồi cũng có lúc… khả thi. Nó nuối tiếc đã phí mất bao nhiêu mùa hè. Lần này thì hay rồi. Nó sẽ kể về mùa hè ở xứ sở những ông xoài, cụ xoài to cao lừng lững; mô tả chuyện xoài chín rụng vàng đất không ai lượm cho lũ bạn nuốt nước miếng ực ực chơi. Anh Bình con cô Năm bảo: em đừng lượm xoài rụng mất vệ sinh; để anh leo cây hái cho. Nữa; anh dẫn em đi bắt tổ chim… Có… chim luôn á? Ô la la, tuyệt cú mèo. Nè, em đừng la lớn; mẹ anh biết cái là… tiêu á! Anh Bình nháy mắt, ngón tay trên môi ra hiệu im lặng. Ôi, một mùa hè rực rỡ, vận may đến không đỡ kịp. Thực hay mơ vầy trời?
Lựa lúc người lớn ngủ trưa, hai anh em lén chạy ù ra cây xoài lão góc vườn. Anh Bình thoăn thoắt leo lên. Nó nhóng mắt dòm theo. Tổ chim đâu ta?? A, kia! Anh Bình thò tay khéo léo vạch. Một cái chạc ba đứng dựng; giữa quây tròn chiếc tổ kết bằng cỏ lau khô. Chim mẹ thấy động bay vù. Có tiếng chim non líu ríu bên trong. Anh Bình loay hoay dòm ngửa dòm ngang xong… tay không leo xuống. Đợi thêm vài bữa chúng cứng cáp rồi anh bắt cho…. Vừa thở anh vừa cười toe.
Đám cưới xong lâu; ba mẹ về nhưng riêng nó chưa về. Nó mê vườn xoài nhà cô Năm, mê anh Bình, mê luôn… cô Năm. Mà cô Năm cũng thích nó. Chính cô chủ động xin ba mẹ cho nó ở lại chơi với cô thêm nửa tháng. Anh chị cứ để cháu ở lại chơi với thằng Bình. Tháng sau em có việc về quê sẽ đưa cháu về luôn…. Cô Năm không con gái; anh Bình cũng không em (gái) nên mê nó; chắc vậy. Nhưng cũng không thể phủ nhận một thực tế là nó rất… dễ thương. Mấy ngày ở nhà cô nó luôn ngoan ngoãn gọi dạ bảo vâng. Còn nữa: ngoài thời gian… trực vườn xoài nó lẽo đẽo theo cô phụ bếp, quét nhà quét sân. Ở nhà, hễ mó tay chuyện gì nó hay bị mẹ quát vì cái tính hậu đậu, làm ít hư nhiều. Cô Năm không nhé. Cô động viên: ai lần đầu làm chẳng hư (!). Rõ ràng, nó mê cô Năm là chuyện hoàn toàn có… cơ sở. Chẳng vậy mà lúc nghe ba mẹ đồng ý, nó bay luôn vào lòng cô Năm ôm chặt lấy cô khiến ai cũng bật cười.
… Giờ thì mối quan tâm của nó đặt hết vào mấy con chim non. Đợi hoài lâu quá. Nó giục; anh Bình bảo: chờ thêm xíu, lông cánh chưa mọc đủ…. Nhưng “hạn lưu trú” của nó ở nhà cô Năm sắp hết. Nóng lòng…
Trưa nay, mình nó trốn ngủ ra vườn, thẩn thơ dưới gốc cây xoài lão. Nhìn quanh thấy vắng hoe, nó chợt nảy ý táo bạo: hay mình thử… trèo lên, “dòm mặt” lũ chim non chút. Chỉ dòm thôi, chắc không sao. Nghĩ là làm; nó bắt chước anh Bình buộc dây chun ống quần, bỏ dép, phốc ôm cành xoài thấp mắm môi mắm lợi đu lên. Cha, khó; nhưng cố mãi rồi cũng trôi. Lên nữa; lên cao nữa…. Sắp tới rồi. Giờ có cho kẹo nó cũng chẳng dám nhìn xuống dưới. Chóng mặt chết. Thêm vài ba cành nữa sẽ tới tổ; nhưng tự nhiên nó thấy… run chân, đầu quay mòng mòng, mắt đổ hào quang! Không xong rồi; xuống thôi. Nhắm tịt mắt, tay giữ chặt cành trên, chân nó run run dò dẫm tìm cành dưới để bước xuống. Trôi chảy được tới cành thứ ba thì nghe tiếng “rắc”; chân nó vừa bước nhầm một cành khô mục. Tuột tay rớt xuống, nó còn kịp nhận ra chân bên phải đau nhói trước lúc lịm đi, tai mơ hồ nghe tiếng kêu thảng thốt. Của anh Bình, không, của cô Năm, vọng từ đâu đó rất xa…
*
Nó phải nằm yên đúng một tuần. Cô Năm tận tâm chăm sóc. Ba mẹ lên, cô nói dối, bảo nó chạy chơi vấp ngã. Bong gân, sai khớp nặng; bác sĩ bảo: May chưa gãy xương, nhưng phải chờ khớp chân ổn định mới đi lại được. Ba mẹ đành quay về lo công việc, áy náy gửi gắm nó lại cho cô. Không sao đâu; anh chị cứ yên tâm, “con gái nuôi” em mà…. Nghe cô Năm nói mà nó cảm động lịm người…
Giáp tuần, nhúc nhắc ra vô được đã thấy anh Bình hớn hở mang đâu về cái lồng chim, mặt tươi như hoa. Đây, em coi…. Anh giơ cao lồng, dí tận mặt để nó thấy rõ. À, tuyệt ghê. Bên trong lồng, bốn con át le non lông nâu sẫm mượt mà đang nhảy nhót, kêu chích chích! Hai đứa chổng đầu say mê ngắm lũ chim quần ngược lộn xuôi, sục mỏ nạy nạy các nan lồng tìm chỗ chui ra…
Con lấy đâu ra chim vậy?
Giọng cô Năm vang lên nghiêm khắc sau lưng. Anh Bình giật nảy, suýt đánh rơi cái lồng chim, mặt tái mét.
Là con… ơ… con…
Lại trèo cây bắt tổ chim phải không? Mẹ dặn con bao nhiêu lần rồi? Hèn chi em Mai nó bắt chước…
Cô Năm xuống bếp rút soạt cây roi mây. Thấy roi, anh Bình co rúm. Còn nó bắt đầu khóc:
Đừng, cô ơi, đừng đánh anh. Là con... tại con…
Sao lại “tại con”?
Tại con… hic… đòi chơi chim… nên…
Ra thế! Vậy giờ con… chịu đòn thay cho anh nha?
Dạ, hu hu…
Nước mắt nó từ đâu bỗng tuôn ra như suối, nhèm nhụa. Cô Năm bật cười, buông roi:
Thôi, không khóc nữa. Lần này cô tha; nhưng lần sau là chết đòn với cô, nghe chưa? Cả hai đứa. Giờ thì đem thả mấy con chim cho nó theo mẹ…
Cửa lồng mở. Nó tiếc nuối nhìn theo lũ chim non từng đứa một hớn hở vù bay. Trên tàn xoài cao trước cửa, con át le mẹ đậu sẵn tự lúc nào lập tức sà xuống đón con. Ríu rít điệu nhạc trùng phùng của mẹ con nhà át le gây náo động một khoảng sân trưa…