GNO - Ẩm thực Phật giáo truyền thống Hàn Quốc nổi tiếng với sự đơn giản của nó, thường không được coi là một thực phẩm thời thượng đối với giới trẻ Hàn Quốc. Nhưng đối với một nhóm sinh viên ẩm thực tại Học viện có uy tín Le Cordon Bleu ở Pháp, nó là nguồn gốc của sự phấn khích lớn và tò mò.
Tuần trước, Ni sư Jaseung - Tông Tào Khê Phật giáo Hàn Quốc và nhóm xúc tiến văn hóa của tông này đã thăm Paris nhân kỷ niệm 130 năm quan hệ ngoại giao giữa Hàn Quốc và Pháp.
Trong khuôn khổ của chuyến đi, Ni sư Seonje, một tu sĩ nổi tiếng về ẩm thực thiền môn, đã thăm học viện nấu ăn và có một bài giảng đặc biệt về ẩm thực Phật giáo (ảnh).
Sự kiện đã thu hút gần một trăm sinh viên và giáo viên tại giảng đường của Học viện.
"Nước tương này đã được ủ trong 20 năm qua", Ni sư Seonje nói khi đưa mẫu nước tương cho các sinh viên. "Hãy nếm thử nó".
Khi ngửi và nếm thử mẫu nước chấm, các sinh viên đã thưởng thức hương vị phong phú của thứ nước tương lâu năm này.
"Tôi đã nếm thử các loại nước tương tại Nhật Bản và Trung Quốc, nhưng không có loại nào ngon như thế này", Philippe Groult, trợ lý giám đốc nghệ thuật ẩm thực tại Le Cordon Bleu nói. "Trong một giây, tôi tự hỏi liệu đây thực sự là nước tương đậu nành, vì nó không mặn chút nào...".
Ni sư Seonje cũng giới thiệu các món ăn như kim chi, nấm xào và cà tím. Khi bắt đầu chuẩn bị kim chi, cô đã giơ lên một bắp cải và giải thích cho các sinh viên tinh thần của ẩm thực Phật giáo.
"Mọi người dán nhãn những cải bắp này theo giá", Ni sư nói. "Nhưng trong thế giới Phật giáo, chúng tôi không bao giờ phân biệt thực phẩm bằng giá cả. Bắp cải này cần ánh mặt trời, đất, gió, nước và những nỗ lực của nông dân để phát triển thành một loại rau có kích thước như thế này. Nói cách khác, nó được tạo ra thông qua sức mạnh của toàn thể vũ trụ, đó là lý do tại sao chúng ta cần phải tôn trọng thực phẩm".
Ni sư Seonje cũng nhấn mạnh rằng nhà chùa không bao giờ vứt bỏ thực phẩm, cho rằng thực phẩm cũng giống như cuộc sống được tạo ra thông qua sức mạnh của thiên nhiên. Không giống như thói quen thông thường của mọi người chỉ ăn những phần ngon của một cái cây và ném đi vỏ và rễ, ẩm thực Phật giáo nhấn mạnh việc sử dụng tất cả các phần của thực vật.
Đối với nhiều sinh viên, những người đến từ các quốc gia khác nhau trên thế giới, nghe nói về thực hành Phật giáo Hàn Quốc là điều mới mẻ và thích thú.
"Thật ấn tượng khi Ni sư nói rằng nhà chùa đã sử dụng tất cả các phần của một nguyên liệu", một sinh viên 28 tuổi tại Le Cordon Bleu nói. "Ni sư đã cho tôi một cơ hội để nhìn lại phải cần có bao nhiêu thời gian và nỗ lực cho một loại rau phát triển".
"Đây là lần đầu tiên tôi thử món ăn Hàn Quốc", một sinh viên 30 tuổi đến từ Ba Lan cho biết. "Tôi ngạc nhiên rằng hương vị cay đã tạo sự hài hòa đáng chú ý với bắp cải tươi".
"Nếu tôi được chọn ba từ để miêu tả món Phật giáo Hàn Quốc, thì đó sẽ là 'tươi', 'lành' và 'an'", một sinh viên 29 tuổi đến từ Canada cho biết. "Tôi nhận thấy những triết lý đằng sau những thực phẩm này rất hấp dẫn".
"Những ngày này, các thành phố như Paris và New York đang đi theo xu hướng hiện thực hóa một hương vị tự nhiên của nguyên liệu", ông Eric Briffard, người đứng đầu bộ phận ẩm thực Le Cordon Bleu nói. "Món ăn tốt thực sự là những món ăn đơn giản.
"Ngày nay thật khá dễ dàng để có được những gì chúng ta muốn khi có tiền, nhưng chúng ta không bao giờ có thể mua được hạnh phúc. Nếu chúng ta so sánh điều đó với thực phẩm, việc tìm kiếm sự đơn giản là những gì thực sự mang đến cho chúng ta hạnh phúc. Tinh thần của ẩm thực Phật giáo cũng phù hợp với xu hướng hiện đại".
Ni sư Seonje kết luận bài giảng của mình với một trích dẫn từ kinh Phật. "Khi chúng tôi chuẩn bị thức ăn trong nhà chùa, chúng tôi xem thiên nhiên và bản thân là một", Ni sư nói. "Kinh Phật nói ong không làm tổn thương hoa khi lấy mật từ hoa. Ẩm thực Phật giáo cũng theo quan điểm này. Chúng tôi nấu ăn - sử dụng sản phẩm của tự nhiên - nhưng không bao giờ làm tổn thương đến thiên nhiên".
Văn Công Hưng
(theo Korea Joongang Daily)