Mùa sậy trổ bông

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Tôi trở lại cánh đồng đúng ngay mùa bông sậy nở. Những đám sậy mọc khỏi đầu người, phất phơ trong gió. Ở xứ này, ngoại trừ giữa đồng, chỗ đất làm đám mạ, sậy bị phóng hỏa đốt sạch, những chỗ còn lại sậy vẫn được giữ, đợi đến mùa trổ bông.

Cánh đồng vắng người. Rì rào gió. Đám sậy uốn lượn như sóng. Tôi đứng nhìn cánh đồng và mớ bông sậy đã trổ hồi lâu. Bông trắng muốt. Chợt nghe bên tai văng vẳng tiếng má tôi, khiến tôi bồi hồi:

- Dương, theo má ra đồng hái bông sậy! Nở bung hết rồi!

Tôi chạy vào bếp lấy cái thúng, cun cút ôm thúng theo sau má đi trên con đường mòn ra đồng. Gió thổi liêu xiêu. Mấy lần sậy cắt đứt tay chân tôi, tươm máu. Tôi quệt máu. Vài phút thôi đã hết đau. Má nói mấy vết đó thì có ăn thua gì. Năm xưa má từng té dưới nước, chân vịt đang xoay phạt đứt chân má, vết sẹo dài bằng gang tay tôi, má có than vãn gì đâu.

Một đêm không trăng chúng tôi đi ngang qua khu rừng tràm. Mùa ấy, nước dâng lên khỏi gốc tràm. Ban ngày nước có màu đỏ bầm, ban đêm nước đen kịn, nhìn sâu hun hút. Má tôi cho ghe dừng lại, nhóm lò than ở sau ghe bắc nồi cháo trắng ăn với mớ tép rang mặn còn lại sau bữa cơm chiều. Bụng tôi cũng cồn cào đói.

Than đã bén lửa, đỏ rực. Tôi ngồi nhìn má. Má tôi là người của sông nước, quen với việc đi ghe, đi xuồng, nên sinh hoạt trên ghe má tôi làm gọn bâng. Từ khi bán mảnh đất với cánh đồng nhiều năm không cấy, lau sậy mọc đầy, má con tôi không quay trở lại chốn ấy một lần nào nữa. Những dòng sông miên man chảy trôi đưa chúng tôi đi thật xa, thi thoảng ngoái lại, tôi không nhận ra đường nào là đường về căn nhà cũ.

- Đi là để tìm ba mày, để hỏi ổng coi, tại sao hồi đó bỏ má mà đi, má có lỗi lầm gì đâu.

Nghe má nói, lòng tôi quặn thắt. Cũng đã lâu rồi tôi không gặp ba. Tôi cũng quên ít nhiều những đường nét trên khuôn mặt của ba tôi. Sợ khi gặp lại tôi không nhận ra thì khổ. Má tôi ít nói, lâu lâu lại thở dài. Những tiếng thở nặng nhọc, như thể cuộc đời đã đè nén lên má những tảng buồn to tướng. Nhưng cũng có khi má hỏi tôi trong lúc đang bắt chí hay nhổ tóc xơ trên đầu tôi những buổi chiều nắng dần tàn lụi:

- Dương, con có giận ba không?

- Giận làm gì má?! Không phải má nói ba đi là có lý do riêng hay sao. Đâu phải ba ghét bỏ má con mình mà đi đâu.

Má tôi cười giòn giã. Trong tiếng cười có chút gì chua chát lắm.

- Ừ, ba đi có lý do riêng. Mà đến giờ má cũng không biết lý do đó là gì.

- Lạ quá, má ha.

Má tôi “ừ” nhẹ hều. Tôi cũng không hỏi thêm nữa. Chỉ sợ khơi ra, má tôi lại buồn lòng.

Má nói đi tìm ba để má hỏi cho ra lẽ. Đang yên đang lành làm nghề thợ mộc, nay đóng giường xóm này, mai người ta rước sang dựng nhà ở xóm nọ, không giàu nhưng đủ sống, chiều về nhà có bữa cơm canh má nấu đợi chờ, vậy mà ba bỏ đi.

Cuộc đời lênh đênh sông nước, tối đâu là nhà, ngả đâu là giường, vừa để tôi hiểu thêm đất nước mình rộng như thế nào, vừa để má con tôi biết rằng sống lang bạt kỳ hồ cực khổ như thế nào. Không gian sinh hoạt, không gian ăn, ngủ… của chúng tôi đều khung lại trên chiếc ghe hẹp, trong cái mui lá mà mùa mưa nào má cũng chằm lá rồi lợp lại cho khỏi dột. Nhiều lúc chân tôi cứng đơ, muốn lên mặt đất chạy nhảy, rong ruổi như hồi còn sống ở quê cũ tôi đã đi từ đồng sậy này đến đồng sậy nọ để hái bông về cho má tôi bó chổi mang ra chợ bán. Trong ghe chật, tôi quơ tay đụng chỗ nọ, chỗ kia, cho đến một hôm tôi làm rơi cái túi vải má vẫn treo nhiều năm trên mui.

Mấy lần nằm ngủ nhìn lên mui ghe, tôi cũng tò mò về cái túi ấy, nhưng nghĩ bâng quơ: chắc má đựng linh tinh một vài thứ, không quan trọng lắm. Giờ thì cái túi rơi xuống, tôi mở nút dây rút cái túi ra xem những thứ má cất trong túi lâu ngày không dùng đến.

Cái kẹp tóc màu lục bình, vài tấm ảnh cũ, chiếc nhẫn không phải bằng vàng đã gỉ sét, mấy tờ 200 đồng, 500 đồng đã nhàu má cuộn lại cột bằng dây thun… và một lá thư. Tay tôi run run. Lá thư không được dán lại nên tôi chỉ cần giở ra là có thể đọc được tờ giấy ở bên trong. Một thoáng suy nghĩ, tôi chợt nhớ hồi mình còn nhỏ má dạy xem trộm những gì riêng tư của người khác là kẻ xấu. Giây phút ấy tôi cũng phân vân lắm, nhưng rồi tôi tự cho mình cái quyền xem trộm thư của má. Tôi bạo dạn mở ra xem. Lúc đó má tôi đang ngồi ngoài mũi ghe chải tóc.

Không phải thư của má tôi. Là thư của ba, với nét chữ nguệch ngoạc của người không đến trường học hành, không phải chữ của dân trí thức mà được viết ra từ bàn tay người chuyên đục, đẽo, dựng cửa dựng nhà. Nước mắt tôi nhòe nhoẹt. Đó là bức thư thú tội của ba tôi. Đó là lý do mà ba tôi đã bỏ má con tôi để ra đi. Má tôi biết hết, biết tường tận chứ không phải “đi để hỏi ba coi, tại sao hồi ấy ba bỏ má mà đi” như má tôi vờ nói.

- Dương!

Tiếng hét của má khiến tôi giật mình. Lá thư rớt xuống. Tôi vội vã lấy lá thư lên, run run xếp lại. Nhưng má đã thấy hết cả rồi. Tôi không phải che giấu làm gì nữa. Tôi ôm mặt khóc nấc. Má tôi chồm tới ôm tôi vào lòng, ghì đầu tôi sát vào ngực má để nước mắt của tôi thấm vào chiếc áo cũ kỹ của má.

Tôi nói trong tiếng nấc:

- Má biết vì sao ba đi, sao má không nói cho con biết. Má gạt con. Nếu đã biết rồi, vậy má con mình còn đi tìm ba, sống đời lênh đênh làm gì nữa má?

- Đi để quên những khổ đau, Dương ơi! Đi để con tin rằng ba con không phải là người xấu.

Trời ơi! Má bị ba bỏ rơi để đi theo người đàn bà khác mà má còn bao biện cho ba. Má hy sinh như vậy có đáng hay không hả má?! Tôi tự hỏi như vậy. Im lặng một thoáng, má tôi nói bằng một giọng trầm buồn, nói ra những suy nghĩ, tâm tư má cất giữ trong lòng bấy lâu nay. Thực ra má không có ý giấu tôi. Chỉ vì tôi còn quá nhỏ. Má đợi một thời điểm nào đó tôi đủ lớn má sẽ nói. Giờ thì má phải nói để tôi hiểu. Mà hiểu hay không thì má tôi cũng thấy nhẹ lòng.

Hóa ra, trước khi ba đến với má tôi, ba đã có một đời vợ.

Nói vậy thì má tôi là “kẻ thứ ba” sao? Tôi nghĩ bụng. Nhưng má tôi không xấu như những “kẻ thứ ba” mà tôi từng nghe người ta đồn đại. Má đã hy sinh vì ba rất nhiều. Má đã rộng lòng để ba về với người ta, dù đều là phận đàn bà cả!

Hóa ra, ba đến với người vợ trước chỉ để đền đáp ân tình của gia đình người ta đã dành cho ông bà nội tôi thời xa lơ xa lắc chứ không phải vì tình yêu. Mà trong mối quan hệ ấy, không có tình yêu thì không thể nào bền chặt được. Bằng chứng là ba tôi đã bỏ nhà ra đi, sau ngày cưới ba tháng trời. Ba đến với má tôi, và rồi lưu lạc đến đất này, sống trong căn nhà nhỏ bên cánh đồng tới mùa sậy trổ bông trắng tát cả một vùng thênh thang.

- Sao hồi ấy má không giữ ba lại vậy má? Má cũng là đàn bà, bộ má không biết ghen hay sao mà để ba về với người cũ vậy má?

Nghe tôi hỏi, má nhìn ra mặt sông rộng. Rồi má xếp lá thư bỏ vào trong túi. Má không treo lên nữa mà đem ra mũi. Một lát nữa thôi má sẽ châm lửa đốt sạch tất cả những gì còn sót lại, như trả ba về với cuộc sống của ba.

- Không phải má không ghen, mà vì má không thể ích kỷ nữa. Ba con bỏ má con mình đi, người khổ cũng chỉ là má con mình; còn ba con bỏ người kia mà đi, người khổ không chỉ là người đàn bà đó, mà còn là những người khác nữa…

Vậy nên má tôi đã khuyên ba tôi trở về nhà ngay sau khi gia đình ba đã tìm gặp được ba trên cánh đồng lau sậy. Càng xót xa hơn khi người đàn bà kia vẫn sống trong cảnh phòng không đợi ba trở về, chừng ấy năm trời trôi qua, tóc cũng xen vài sợi bạc. Cái tình của người ta lớn vậy mà má ích kỷ tranh giành ba làm của riêng luôn sao đành!

Vậy rồi ba tôi đi. Và má cũng đi, lấy cớ là đi tìm ba, chứ thực chất là má chạy trốn để ba không tìm thấy má con tôi. Để ba an ổn sống bên người đàn bà ấy. Bởi họ cũng cần được yêu thương, chở che và đắp bù những tháng ngày sống trong cô đơn tuyệt vọng.

Tôi ngồi nhìn má. Tóc má cũng đã nhiều sợi bạc lắm rồi! Tôi không trách ba, không trách má và cũng không trách người đàn bà kia. Ai cũng khổ cả. Ai cũng mang đau đớn trọn một kiếp người.

Hoàng hôn buông tự bao giờ, trời hôm ấy đỏ ối. Mỗi lần nhìn bầu trời đỏ đỏ, tôi biết ngày mai, ngày kia trời sẽ mưa to, thậm chí là bão lớn. Má con tôi lao đao tìm một bờ bến nào đó để đậu ghe cho qua ngày giông bão.

Trong ký ức tôi vẫn trắng xóa những mùa sậy trổ bông, má con tôi ra đồng hái về bó chổi rồi mang ra chợ bán. Những cành bông sậy trắng mịn màng trong giấc mơ tôi.

Nhiều năm, chúng tôi không trở lại cánh đồng xưa, mảnh đất cũ. Chúng tôi cũng rời bỏ chiếc ghe mục nát để đi sau mùa giông bão năm nào, lên thành phố kiếm sống. Má đi làm ở công ty, tôi cũng vào trường học. Tuy có muộn hơn người khác nhưng dẫu sao vẫn còn kịp, tôi không phải hối hận sau này.

Tôi tốt nghiệp trường Đại học Nông lâm, trở thành kỹ sư làm việc ở Viện Lúa Đồng bằng. Đã nhiều lần tôi đến với cánh đồng để thử nghiệm giống lúa mới, nhưng đây là lần đầu tiên từ sau khi rời đi, tôi trở lại cánh đồng cũ, mảnh đất cũ. Đứng trên bờ đất, tôi có chút bùi ngùi. Lau sậy vẫn mọc. Mùa này lại trổ bông trắng muốt. Và gió nổi lên, làm tóc tôi bay lòa xòa.

Trước mắt tôi là hình ảnh của má tôi hiền lành nắm tay tôi ra đồng, tôi cắp thêm cái thúng cũ đựng bông sậy. Má kéo cây sậy ngã xuống, tôi tước bông, bó lại rồi mang về nhà. Bông sậy mềm mịn.

Những mùa lau sậy đã nuôi lớn tôi, cả về thể xác lẫn tâm hồn.

Giờ thì má tôi, ba tôi cũng trở thành người thiên cổ. Chỉ còn mình tôi trong mớ ký ức hỗn độn, đẹp nhưng buồn.

Tôi đưa tay ngắt một cành bông sậy, ngắm nghía. Trong đó có cả khoảng trời thơ ấu của tôi. Thời quan trôi nhanh không tưởng. Con bé lang bạt kỳ hồ ngày nào giờ cũng thành kỹ sư. Vòng tay má ấm áp hôm nào, giờ cũng chỉ còn là kỷ niệm. Và cả mảnh đất này nữa, rồi một ngày không xa sẽ được gieo trồng giống lúa mới, xóm sẽ thực hiện tốt chủ trương xóa đói giảm nghèo. Đất sẽ trở mình. Lúa vàng nặng trĩu.

Tôi quẹt một sợi tóc qua vành tai.

Trong xa xăm, tôi chợt thấy bóng hình của má…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bà con vùng nhiễm mặn nhận nước lọc từ đoàn từ thiện Linh Quang tịnh xá

Đoàn từ thiện Linh Quang tịnh xá (TP.Vũng Tàu) trao 600 bình nước ngọt đến 300 gia đình tại Bến Tre

GNO - Sáng 24-4, đoàn từ thiện Linh Quang tịnh xá do Đại đức Thích Thiện Triều, Thư ký Ban Trị sự GHPGVN TP.Vũng Tàu (BR-VT) và Ni sư Thích nữ Phước Duyên, Phó trụ trì Linh Quang tịnh xá (TP.Vũng Tàu) tiếp tục trao 600 bình nước ngọt đến các xã đang gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt tại tỉnh Bến Tre.

Thông tin hàng ngày