Mùa xuân mãi cho ta cho người

GN Xuân - Năm 1966, tôi được nhận làm nghiên cứu sinh tại Đại học Rissho, Tokyo về khoa Phật học. Và trải qua suốt 8 năm, tôi đã đắm mình trong dòng thác trí tuệ của Như Lai qua sự giảng dạy của Giáo sư Ishibashi Tanzan, Viện trưởng Đại học Rissho và sự chỉ đạo của Giáo sư Sakamoto, Trưởng khoa Phật học.

HT Phap chu.jpg
Linh sơn pháp lữ (nhị vị Trưởng lão HT.Thích Phổ Tuệ, 103 tuổi; HT.Thích Trí Quảng) - Ảnh: H.Đ

Lúc khởi đầu, mặc dù ngôn ngữ chưa thông lắm, nhưng bằng niềm tin sâu sắc ở giáo pháp Phật và với trí tuệ sẵn có, tôi đã tiếp thu một cách nhanh chóng tất cả những gì mà các giáo sư truyền dạy. Vì vậy, chỉ mới học kỳ đầu, tôi đã được hạng ưu một môn học và trên trung bình ba môn học nữa, một kết quả rất tốt đẹp mà các sinh viên đều mơ ước, vì phải đối mặt với nhiều khó khăn khi mới bước vào ngưỡng cửa đại học.

 Với tôi, không còn niềm hỷ lạc nào hơn khi được an trú trong vườn xuân trí tuệ của Như Lai suốt một khoảng thời gian dài gần chục năm. Sau cùng, tôi đã kết thúc lộ trình tham vấn học đạo của mình một cách suôn sẻ bất khả tư nghì, vượt qua cả các bạn đồng môn bản xứ.

Càng vui hơn nữa khi thấy mình đã hoàn thành sứ mạng mà nhị vị Hòa thượng Thiện Hoa và Thiện Hòa, hai bậc thầy quý kính đã đặt trọn niềm tin nơi tôi và ký thác trọng trách rằng phải học cho thành tài, rồi nhớ trở về để lo cho Phật giáo Việt Nam phát triển!

Từ đó, ngọn đèn trí tuệ mà tôi nhận được nơi xứ Phù Tang đã tiếp tục mồi sáng cho những ngọn đèn trí tuệ trên vạn nẻo đường hoằng pháp lợi sanh tại nước nhà. Thấm thoát 82 mùa xuân nhẹ nhàng thanh thoát sưởi ấm thân tâm hành giả đặt trọn niềm tin nơi Phật.

Duyên lành lại đến trong năm 2018, tôi đã trở lại ngôi trường xưa sau hơn 50 năm xa cách. Đứng trước ngôi mộ của giáo sư Viện trưởng, tôi có cảm giác là dòng trí tuệ của Như Lai và chư vị Thánh nhân đã phát hiện được từ vị cổ Phật xa xưa cho đến hiện thân của Đức Phật Thích Ca trên cuộc đời này và còn nối tiếp cho đến ngày nay, trong giờ phút hiện tại, dòng tuệ giác vô thượng ấy vẫn còn trôi chảy miên viễn, sống động, lợi lạc cho nhân loại.

DSC01382-X.jpg

HT.Thích Trí Quảng tưởng niệm trước phần mộ của Giáo sư Ishibashi Tanzan,
nguyên Viện trưởng Đại học Rissho, Thủ tướng đời thứ 33 của Nhật Bản - Ảnh: H.Đ

Và tôi hình dung ra các bậc thầy khả kính đã giáo dưỡng, truyền trao trí tuệ và đạo đức, các ngài đã xuất hiện ở khắp mọi nơi trong mọi thời kỳ. Các ngài hiện hữu trước tôi qua hình ảnh mà tôi tự góp nhặt được trên cuộc đời trong suốt thời gian tu học và truyền bá Chánh pháp của mình. Thật vậy, mỗi lần gặp khó khăn, nguy hiểm, tôi đều phát hiện một vị Bồ-tát, hay một vị Thánh nhân đã xuất hiện trên cuộc đời âm thầm trợ lực cho tôi. Thực sự tôi đã có được những bạn đồng hành là quyến thuộc Bồ-đề giúp tôi từng bước trưởng thành trên con đường đạo hạnh.

Nhận được sự mật tá của các ngài khiến tôi cảm nhận sâu sắc rằng đây là mùa xuân bất tận trong đời sống tâm linh của người tu. Thiết nghĩ nếu hành giả dấn thân hành đạo và tìm gặp được mùa xuân của chư Phật, Bồ-tát, Thánh Tăng thì dù là ở mùa đông, mùa hạ, hay mùa thu vẫn là mùa xuân ấm áp vui tươi đang tỏa sáng trong cuộc sống của họ. Thực tế có những vị tu hành ngồi trong tuyết lạnh mùa đông vẫn cảm nhận được hoa anh đào nở thắm là thế.

DSC01945.JPG
HT.Thích Trí Quảng trở lại thăm trường cũ - Đại học Rissho, tháng 11-2018 - Ảnh: H.Đ

Sở đắc này tôi đã trải nghiệm được khi trở lại Trường Đại học Rissho lần này, mặc dù vào cuối thu, nhưng tôi cảm giác từng bước chân đi đều thấy những cánh hoa anh đào mùa xuân trải dài khắp mọi nơi như lời hoan hỷ chào đón sự trở về của một hành giả thành đạt.

Ngoài ra, dấu ấn xuân cũng sâu sắc hơn khi tôi tiếp xúc với Giáo sư Saitoo, Viện trưởng Đại học Rissho đương nhiệm. Qua sự trao đổi với giáo sư về kinh nghiệm truyền bá Chánh pháp của Đức Phật trên cuộc đời này, tôi nhận thấy nhiều điều tâm đắc. Tuy giáo sư chỉ hơn 50 tuổi, còn tôi hơn 80 tuổi, tức chúng tôi thuộc hai thế hệ khác nhau, nhưng tôi cảm giác như chúng tôi là bạn đồng hành, đồng học. Tôi nghĩ trong thế giới ngộ đạo không phân biệt tuổi tác, không phân biệt giai cấp sang hèn, không phân biệt nam nữ, mà tất cả chúng ta chỉ là con người của trí tuệ.

DSC01879-X.jpg

GS.Takahide Takahashi, Phó Viện trưởng Đại học Rissho đưa Hòa thượng thăm trường cũ - Ảnh: H.Đ

Và đến thăm trường đại học khác của Phật giáo, tôi gặp những giáo sư khác chia sẻ với tôi một ý rất hay. Các ngài bảo rằng thế kỷ XXI gọi là thời kỳ cách mạng 4.0. Trong 10 năm nữa, người ta có thể sử dụng robot thay thế con người thì chúng ta với trí tuệ của đạo Phật phải có trách nhiệm khai mở những gì mới lạ và thích hợp với thời đại, để tạo được việc làm ổn định cho mọi người.

Nếu giải quyết được vấn nạn này cho nhân loại là chúng ta tiếp nối thắp sáng ngọn đuốc trí tuệ của Như Lai và đem lại mùa xuân cho mọi người.

Đón mùa xuân tràn đầy niềm tin yêu, tôi cầu chúc tất cả Tăng Ni, Phật tử tìm thấy mùa xuân của Như Lai để tham dự vào dòng thác trí tuệ vô thượng của Như Lai, xóa tan bóng tối vô minh, thù hận, mang lại hiểu biết, tình thương, hòa bình, phát triển, an vui, lợi lạc cho mọi người, mọi loài trên khắp năm châu.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

NSGN - Hòa thượng Ẩn Sơn có pháp húy là Thành Nhạc, thuộc đời 34 Thiền phái Lâm Tế, theo kệ phái Đạo Mân Mộc Trần. Hòa thượng là vị Tổ khai sơn chùa Long Thiền, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Học giới cho ngài là đệ tử của Hòa thượng Nguyên Thiều Thọ Tông (1648-1728).

Thông tin hàng ngày