Myanmar cứng rắn trước hành vi xúc phạm Phật giáo

GN - Philip Blackwood, tổng quản lý quán bar người New Zealand, đã phải ra hầu tòa. Blackwood và hai người đàn ông Myanmar bị kết án 2 năm tù giam vì đã đăng tải một bức hình Đức Phật đeo tai nghe để quảng bá cho một sự kiện do quán tổ chức.

>> Toà án Myanmar phạt tù 3 người xúc phạm Phật giáo

pgnn.jpg


Philip Blackwood bị kết án vì vi phạm Phật giáo

Phiên tòa diễn ra tại Yangon, theo đó, bức hình bôi nhọ đạo Phật và là một hành động xâm phạm các luật lệ về tôn giáo của Myanmar, vi phạm các điều cấm về phỉ báng, xúc phạm, hủy hoại tôn giáo. “Không thể chối cãi rằng hành vi của quán bar đó đã đi ngược lại quốc giáo của Myanmar” - thẩm phán U Ye Lwin tuyên bố.

Bức hình đã được đăng tải lên trang Facebook của quán bar và nhà hàng VGastro tại Yangon vào tháng 12-2014. Sau sự phản đối và lên án của cộng đồng Phật tử tại đất nước này, cảnh sát đã bắt giữ tổng quản lý nhà hàng - Philip Blackwood, 32 tuổi, người New Zealand, cùng U Tun Thurein, 40 tuổi, chủ sở hữu và người quản lý 26 tuổi U Htu Ko Ko Lwin. Hiện ba người đang bị tạm giam ở nhà tù Insein, Yangon.

Tấm hình sau đó đã nhanh chóng được gỡ xuống với lời xin lỗi của quán bar, rằng họ không hề cố ý gây ra hành vi phạm tội.

Ngoài hai năm tù vì hành vi phỉ báng tôn giáo, ba người này còn bị phạt 6 tháng vì mở quán bar bất hợp pháp, hoạt động sau 10g đêm. Sau khi bị tuyên án, ông Blackwood tiết lộ rằng họ đã lo ngại mình sẽ bị bắt.

 “Sự thiếu hiểu biết của chúng tôi là nguyên nhân chính của vụ việc đáng xấu hổ, và chúng tôi sẽ cố gắng sửa chữa lỗi lầm bằng việc bổ sung kiến thức về tôn giáo, văn hóa và tôn giáo của Myanmar, những nét đặc trưng đã đưa quốc gia này trở nên giàu có, riêng biệt và độc đáo như vậy”, đại diện quán bar cho biết.

Đánh giá về bản án, một số nhà phân tích cho rằng phán quyết này đã làm gia tăng những lo ngại vốn đang dấy lên về tính khắc nghiệt đối với các hành vi ứng xử mà nhiều người cố tình làm tổn hại Phật giáo, một tôn giáo được kính trọng và thực hành phổ biến tại đất nước vừa mở cửa vài năm trở lại đây sau thời gian dài cách biệt với thế giới bên ngoài.

Một số phê bình còn lên án cách đối đãi với người nước ngoài của một đất nước đang mong đợi sự đổi mới và thu hút đầu tư. Sự quan ngại càng gia tăng khi Nghị viện của Myanmar đang cân nhắc những điều luật mới mà có thể sẽ được sử dụng để bảo vệ những giá trị tâm linh và thuần chất gắn bó lâu đời với người dân.

Phil Robertson, Phó Giám đốc của Tổ chức Bảo vệ Nhân quyền châu Á, phân khu Bangkok đã cho rằng phán quyết của tòa án là “thái quá”. “Đây rõ ràng là một ví dụ điển hình về việc hình sự hóa quyền tự do bày tỏ ý kiến”, ông Phil Robertson nói. “Điều này sẽ bị nhìn nhận và phản ánh theo hướng tiêu cực, cân nhắc trong quan hệ quốc tế khi các nước khác quyết định mối quan hệ ngoại giao với Myanmar”.

Tuy nhiên, khá nhiều nhà bình luận cho rằng, bản án là cần thiết để nhắc nhở và cảnh tỉnh những cá nhân, tổ chức trong phương diện tôn trọng các giá trị của vùng miền, địa phương trong quá trình giao thương và phát triển kinh tế xã hội.

“Bạn được quyền làm bất cứ điều gì bạn muốn nhưng đừng thể hiện sự xúc phạm đến các giá trị vốn được tôn thờ đã trở thành chuẩn mực của một xã hội nào đó. Nhất là tại những vùng đất mà những gì thuộc về truyền thống có sự gắn bó lâu đời  và được kính ngưỡng”, Thet Khine, một nhà nghiên cứu xã hội uy tín khẳng định.

Đồng tình với quan điểm này, thẩm phán Ye Lwin cho rằng mặc dù đã đăng những lời xin lỗi sau khi nhận ra hành động không nên có của mình nhưng thật sự Blackwood đã bỏ qua những hiểu biết văn hóa tối thiểu. “Dù nghĩ thế nào nữa, rõ ràng anh ấy thực sự có những dự định xúc phạm niềm tin tôn giáo khi đưa ra quyết định đăng tấm hình đó lên mạng xã hội”.

Bức hình trên mạng về Đức Phật đeo tai nghe đã đi liền với cái tên của quán bar và nhà hàng tại Yangon cùng cụm từ “Buddha.bar”, theo một thương hiệu được thành lập tại Paris năm 1996, nổi tiếng vì cách phối khí hòa âm nhạc điện tử. Thương hiệu này đã từng vấp phải vài rắc rối vì các hình vẽ Đức Phật. Vào năm 2010, một quán Buddha Bar tại Jakarta, Indonesia đã bị buộc phải đóng cửa vì sự phản đối của các Phật tử nơi đây.

Vào mùa thu này, Myanmar sẽ tổ chức một cuộc tổng tuyển cử. Trong hoàn cảnh này, nhiều Phật tử thuần thành mong muốn những ứng cử viên phải thể hiện cam kết bảo vệ Phật giáo vốn là quốc giáo. Điều này cũng tạo nên sự cứng rắn hơn của các nhà chức trách trước các hành động xúc phạm Phật giáo trong giai đoạn hiện nay.

Bảo Thiên - Anh Thư (theo NYT và IE)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày