Nằm mơ thấy mình chết

Nằm mơ thấy mình chết

HỎI: Tôi là một Phật tử mới quy hướng Tam bảo và rất tinh tấn tu tập, mỗi đêm đều đi chùa tụng kinh, tọa thiền, tập ăn chay và sám hối mọi tội lỗi. Gần đây, trong hai đêm liền tôi nằm mơ thấy mình chết đi. Trong lúc mơ tôi rất sợ, chắp tay lại niệm Nam-mô A Di Đà Phật rất tha thiết. Và trong mơ tôi có đề nghị gia đình là khi tôi chết rồi thì cúng chay cho tôi. Hiện tại tôi rất sợ không biết có điềm gì sẽ xảy ra với mình không?(NGUYỄN THỊ LAN, lanphuong.ty@gmail.com)

ĐÁP:

Bạn Nguyễn Thị Lan thân mến!

Dù hai hôm liền bạn có giấc mơ không đẹp, mơ thấy mình chết, nhưng đó chỉ là những giấc mơ bình thường, không nên quá lo lắng. Người nào trong khi ngủ cũng đều có những giấc mơ, phần lớn nội dung của những giấc mơ ấy xoay quanh những vấn đề mà chúng ta quan tâm nhiều lúc thức.

Bạn mới phát tâm tu học nên lực hướng nội của sơ tâm rất mạnh. Năng lượng định tĩnh của tu tập giúp bạn tư duy sâu hơn về thân phận kiếp người, lẽ sống chết vô thường. Bạn đang tập ăn chay nên thường tư duy vấn đề không sát sanh, trưởng dưỡng tâm từ. Bạn đang thực hành sám hối những điều xấu ác đã gây ra trong quá khứ và hiện tại nên cảm thấy sợ hãi tội lỗi v.v... Những thiện pháp mà bạn đang tu tập đã tác thành nên cho bạn một cách nhìn mới về bản thân và cuộc sống. Bạn từng bước thấy rõ bản thân thì vô thường, thọ mạng ngắn ngủi, cuộc sống thì mong manh… nên mình phải sống sao cho thiện lành, cao đẹp và có ích cho kiếp này và cả những kiếp sau.

Chính giấc mơ của bạn đã được hình thành trên cơ sở tư duy mới này. Đó chính là sự vận hành trong tâm thức của chính bạn, hoàn toàn không phải là điềm báo cát hung nên bạn không có gì phải băn khoăn hay lo sợ cả. Tuy là mộng mị nhưng giấc mơ kia cũng giúp bạn trải nghiệm sâu sắc hơn về muôn màu của cuộc sống, khẳng định niềm tin kiên cố của bạn, dù là ngày nay hay ngày sau, dù là sống hay chết thì niềm tin Tam bảo của bạn không hề thay đổi.

Chúc bạn tinh tấn!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày