Quán niệm về cái chết là con đường đưa đến sự bất tử

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Tác giả Nikki Mirghafori đã nêu ra những phương pháp thực hành chánh niệm về cái chết dựa trên những lời dạy của Đức Phật trong kinh Maranasati. Trong đó, Đức Phật đã khuyên hội chúng nên quán niệm về cái chết trong từng hơi thở. Đây cũng chính là con đường dẫn đến sự bất tử (Niết-bàn).

Đức Phật đã dạy sự quán niệm về cái chết trong nhiều bài kinh khác nhau. Trong đó, một bài kinh ngắn trong Tăng chi bộ kinh, kinh Maranasati, đã nêu vắn tắt về sự tu tập và nhận thức về cái chết. Maranasati có nghĩa là quán niệm về cái chết, marana là cái chết, sati là nhận thức hay quán niệm. Trong bản kinh này, Đức Phật đã nói với các hành giả rằng khi sự quán niệm về cái chết được trau dồi và phát triển thì điều đó sẽ mang lại lợi ích.

Lợi ích của việc thực hành chánh niệm về cái chết

Nhiều người có thể rất sợ cái chết, chúng ta thậm chí không muốn nghĩ và không muốn nói về nó. Tuy nhiên, nếu chúng ta thường xuyên quán sát về sự chết và không ngừng phát triển nhận thức về nó thì chúng ta sẽ đạt được nhiều lợi ích cho bản thân và tạo ra sự bình an cho những người xung quanh, không chỉ khi chúng ta còn sống mà ngay cả trạng thái mà chúng ta hấp hối và chết đi. Phương pháp thực hành này giúp chúng ta có được cảm giác bình an, không sợ hãi và không hoảng loạn khi cái chết xuất hiện.

Người ta cho rằng chết là thời điểm giải thoát. Vì vậy, thực hành phương pháp này là sự thực hành tối thượng cho thời điểm chuyển tiếp quan trọng đó. Tuy nhiên, phương pháp này không chỉ nhằm mục đích giải thoát mà nó còn tác động đến cách chúng ta sống, cách chúng ta thể hiện bản thân và cách quan tâm đến người khác - những người thân yêu, những người không quen biết và những người ở trong một mối quan hệ đang gặp khó khăn.

Tác giả Nikki Mirghafori

Tác giả Nikki Mirghafori

Sống hết mình dựa trên các giá trị mà chúng ta có là một trong số các lợi ích của phương pháp này. Khi chúng ta biết rằng cuộc đời và thời gian của chúng ta trong thân xác này là hữu hạn, khi hoàn toàn chấp nhận sự hữu hạn này thì chúng ta sẽ không lãng phí thời gian. Nếu sự quý giá của từng phút từng giây luôn hiện hữu trong tâm trí nên chúng ta sẽ không thực hiện những hành động bất thiện và gây hại cho người khác. Giống như Carlos Castaneda đã nói, khi chúng ta “chào đón và luôn xem cái chết như một cố vấn trên vai” thì lối sống của chúng ta sẽ thay đổi.

Khi biết rằng không có gì để bám víu, chúng ta sẽ sống tự do, bình an, thoải mái và nhiều yêu thương. Chúng ta là lữ khách trên trái đất này, thân này không phải là của tôi, nó chỉ là thứ vay mượn, cuộc sống này cũng là vay mượn cả. Nhận thức được như vậy sẽ khiến chúng ta sống khác đi theo hướng tự do hơn. Chúng ta buông bỏ sự bám víu hay tâm chấp chặt vào tôi, của tôi, và từ đó sẽ thay đổi quan điểm sống của bản thân. Chúng ta sẽ sống tự tại, tử tế và bao dung hơn. Bởi không có gì có thể mang theo khi chúng ta chết đi, nên cũng chẳng có gì để bám víu. Vì vậy, phương pháp thực hành này đưa đến giải thoát, và như Đức Phật đã nói, mang lại kết quả bất tử cho những ai thực tập. Ở đây, bất tử dùng để ám chỉ cho Niết-bàn.

Vì vậy, là một hành giả tu tập Phật pháp, làm thế nào để chúng ta tinh tấn thực hành những lời dạy của Đức Phật? Đó chính là hãy ngưng ngay suy nghĩ rằng bản thân còn một năm nữa, một tháng nữa hay một tuần nữa.

Đức Phật dạy chúng ta hãy suy nghĩ rằng chúng ta có thể chết ngay trong giây phút này, ngay tại đây và bây giờ. Ngài cũng khuyên chúng ta nên mang đề mục quán niệm về cái chết vào sâu từng hơi thở ra vô.

Thực tập chánh niệm về cái chết

Tôi sẽ đưa ra một vài hướng dẫn cho một buổi thiền với phương pháp quán niệm về cái chết này. Tôi muốn mời bạn nhắm mắt lại nếu bạn cảm thấy điều đó thoải mái. Hãy cảm nhận về tư thế của mình, hoặc ngồi, hay nằm, hay bất cứ tư thế nào mà bạn thấy thoải mái.

Chúng ta hãy bắt đầu bằng cách đưa nhận thức và sự chú ý của chúng ta vào cơ thể này. Cảm nhận toàn bộ hình hài này, đang thở trong khoảnh khắc này. Chú tâm vào hơi thở ở nơi bạn cảm thấy thoải mái, có thể là ở bụng bạn, và cảm nhận sinh lực đang di chuyển.

Cơ thể này đang sống trong thời điểm hiện tại và đang thở. Hãy kết nối với cảm giác sống động trong cơ thể. Hơi thở, nhịp tim, cái nhìn, mọi sự vật tuyệt vời này.

Sau khi chúng ta kết nối với bản chất sống động, nhịp nhàng của cơ thể, chúng ta hãy chuyển đề mục qua nhận thức thực tế rằng cơ thể này cũng sẽ chết. Nhưng không sao cả, đó là bản chất của cuộc sống. Cái chết cũng là một phần của cuộc sống. Mọi thứ sinh ra rồi cũng sẽ chết đi, và thân xác này cũng vậy.

Để nhận thức này kết nối với hơi thở vào và ra. An tâm, tĩnh tâm và nhìn thẳng vào cái chết khi nó đang đến rất gần. Tôi có thể chỉ sống được chừng nào còn thở, thế thôi. Hoặc tôi có thể chỉ sống bằng khoảng thời gian thở ra sau khi hít vào.

Cái chết thật gần gũi và quen thuộc. Cái chết giờ đây giống như một người bạn khuyên bảo chúng ta về cách sống, cách thực hành, cách tận hưởng trọn vẹn cuộc sống trong thời điểm hiện tại và lắng nghe những lời dạy của Đức Phật về sự từ ái, lòng bi mẫn, sự buông xả và bao dung.

Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi không còn sống được bao lâu nữa với hơi thở vào này? Hơi thở ra này có thể tiếp diễn được bao lâu? Liệu chúng ta có thể mở lòng để thoải mái đón nhận sự thật vô thường này không?

Đối với một số người trong chúng ta, phương pháp thực hành này có thể mang lại cảm giác kích động. Nhưng chẳng sao cả. Đây là một phương pháp thực hành đúng đắn. Nếu sự kích động xuất hiện, hãy để bản thân thư giãn với hơi thở vào ra. Kết nối với các cảm giác trong cơ thể một cách thoải mái và bao dung, tạo không gian cho sự kích động hoặc sợ hãi có thể khi chúng xuất hiện. Đây không phải là một cách nghĩ sai lầm. Khi cho phép bản thân tạo ra khoảng không gian cho sự sợ hãi, chúng ta mới có thể sẵn sàng đối mặt với những khó khăn nảy sinh trong thời điểm này.

Vì vậy, khi đã dấn thân vào con đường thực hành quán niệm về cái chết, hãy quán chiếu điều này: cái chết đã đến rất gần, và tôi chỉ có thể sống chừng nào còn hơi thở vào hoặc hơi thở ra này. Bạn muốn trau dồi cho tâm trí bạn những điều gì trong khoảnh khắc ngắn ngủi này? Những điều chúng ta lựa chọn để làm trong hơi thở hiện tại cũng chính là cuộc sống của chúng ta.

------------------------

* Nikki Mirghafori là một nhà khoa học về Trí tuệ nhân tạo và một giảng viên về Phật giáo nổi tiếng thế giới. Cô là giáo viên giảng dạy Phật pháp tại Trung tâm Thiền Minh sát ở thành phố Redwood, và là giám đốc của Trung tâm Thiền Spirit Rock.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày