“Năm vóc sát đất” là gì?

Ảnh: Bảo Toàn/BGN
Ảnh: Bảo Toàn/BGN
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Tôi đọc sách và được biết lạy Phật nên “năm vóc sát đất” mới thể hiện lòng cung kính với Tam bảo, nhất là với Đức Phật. Xin hỏi lạy “năm vóc sát đất” là thế nào?

Tôi đọc sách và được biết lạy Phật nên “năm vóc sát đất” mới thể hiện lòng cung kính với Tam bảo, nhất là với Đức Phật. Xin hỏi lạy “năm vóc sát đất” là thế nào?

Tôi cũng thấy nhiều người lạy Phật với những cách thức khác nhau: Có người ngửa hai lòng bàn tay, đặt trán vào lòng bàn tay. Có người thì trán chạm xuống đất, còn hai bàn tay ngửa đưa ra phía trước. Có người thì úp hai bàn tay xuống đất, trán đặt vào lưng bàn tay. Có người khi lạy xuống sát đất, giữ yên một lúc mới đứng dậy. Có người cúi lạy xuống thì liền đứng lên ngay. Như vậy, lạy Phật theo cách nào là đúng nhất?

(Tâm Lạc, minhnguyen...@gmail.com)

Bạn Tâm Lạc thân mến!

Lạy Phật “năm vóc sát đất” (ngũ thể đầu địa) có nghĩa là năm bộ phận thân thể gồm đầu, hai tay và hai chân gieo xuống sát đất. Theo Phật Quang đại từ điển (tập 3) dẫn sách Đại Đường Tây Vực ký (quyển 2), nói về cách lạy Phật “năm vóc gieo xuống đất” gồm: Trước hết, quỳ gối bên phải (gồm toàn bộ đầu gối, ống chân và mu bàn chân) sát đất, kế đến là gối bên trái, rồi đến hai khuỷu tay sát đất, hai bàn tay ngửa ra duỗi thẳng quá trán, sau cùng là đỉnh đầu đặt sát đất, giữ yên một lúc, như thế gọi là một lạy cung kính (cung kính lễ).

Động tác “hai khuỷu tay sát đất, hai bàn tay ngửa ra duỗi thẳng quá trán” biểu thị cho việc hai tay người lạy nâng bàn chân của Thế Tôn cung kính đặt trán và đỉnh đầu lên hai bàn chân Phật mà đảnh lễ. Cho nên, cách lạy này còn gọi là “đầu diện tiếp túc quy mạng lễ” (đầu mặt chạm chân Thế Tôn cung kính lễ lạy). Như vậy, cách lạy Phật “trán cúi chạm xuống đất, còn hai bàn tay ngửa đưa ra phía trước trán” là đúng với quy cách lạy Phật “năm vóc sát đất”.

Việc lạy Phật cần chậm rãi, thong thả, trang nghiêm và thành kính. Nên “khi lạy xuống sát đất, giữ yên một lúc mới đứng dậy” là rất cần thiết vì không chỉ thân mà cả tâm đều cung kính lễ. Do đó, cần một khoảng thời gian để dốc hết tâm tư kính cẩn lạy Phật. Vì thế những ai “cúi lạy xuống thì liền đứng lên ngay” là chưa đúng với quy cách lạy Phật “năm vóc sát đất”. Gieo “năm vóc sát đất” có ý nghĩa nhiếp phục sự kiêu mạn của bản thân và tỏ lòng thành kính, tâm quy mạng đối với Thế Tôn. Lạy Phật như vậy mới tội diệt phước sinh, công đức vô lượng.

Chúc bạn tinh tấn!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày