Kiêng ngũ vị tân (hành, hẹ, tỏi, nén, kiệu) có thể hóa giải tâm sân?

Sân hận là nguồn gốc của nhiều sự đổ vỡ, không mang đến sự an vui
Sân hận là nguồn gốc của nhiều sự đổ vỡ, không mang đến sự an vui
0:00 / 0:00
0:00

Người thọ giới Bồ-tát ăn chay trường nhưng không kiêng ngũ vị tân có phạm giới không? Có phải ngũ vị tân làm tâm sân phát triển không? Kiêng ngũ vị tân thì tâm sân có bớt không? Làm sao để hóa giải tâm sân?

(ĐỒNG HẠNH, wangmo7477@gmail.com)

Bạn Đồng Hạnh thân mến!

Hiện có hai nhóm Phật tử thọ giới Bồ-tát. Một, thọ giới Bồ-tát theo kinh Phạm võng Bồ-tát giới, thông cả xuất gia lẫn tại gia, gồm 10 giới trọng và 48 giới khinh. Hai, thọ giới Bồ-tát theo kinh Ưu-bà-tắc giới, chỉ dành cho hàng tại gia, gồm 6 giới trọng và 28 giới khinh. Trong đó, chỉ có thọ giới Bồ-tát theo kinh Phạm võng Bồ-tát giới mới ăn chay trường và kiêng cữ ngũ vị tân (hành, hẹ, tỏi, nén, kiệu), nếu không kiêng phạm Khinh cấu tội (giới thứ 4 của 48 giới khinh).

Quan niệm dùng ngũ vị tân khiến tham sân dấy khởi có trong kinh Phạm võng Bồ-tát giới cùng một số bản kinh khác. Bởi ngũ vị tân kích thích tham sân, khiến tâm ý tán loạn khó làm chủ, lại có mùi cay nồng đặc trưng nên người tu không dùng hoặc hạn chế sử dụng, ngoại trừ các trường hợp đau bệnh cần dùng để làm thuốc. Điều đáng chú ý là ngũ vị tân tuy kích thích tâm sân nhưng nó chỉ là nguyên nhân phụ, có tác dụng hỗ trợ mà thôi. Nguyên nhân chính là tập khí sân hận ngủ ngầm trong tâm dấy khởi cùng với sự mất chánh niệm, không kiểm soát được tâm nên sân hận bùng phát. Vì thế người suốt đời kiêng ngũ vị tân mà không biết tu tập để chuyển hóa tâm sân thì vẫn nóng nảy sân hận bình thường. Thậm chí một số người trường chay và kiêng ngũ vị tân mà tập khí sân hận sâu dày thì nóng giận dữ dội, tệ hơn cả người ăn uống bình thường.

Kiêng cữ ngũ vị tân thì thân tâm ít bị kích động, có thể hạn chế bớt một phần nhỏ tham sân. Nhưng tuyệt không nên xem ngũ vị tân là cội nguồn của sân hận...

Kiêng cữ ngũ vị tân thì thân tâm ít bị kích động, có thể hạn chế bớt một phần nhỏ tham sân. Nhưng tuyệt không nên xem ngũ vị tân là cội nguồn của sân hận...

Do vậy cần phải xác định rằng, kiêng cữ ngũ vị tân thì thân tâm ít bị kích động, có thể hạn chế bớt một phần nhỏ tham sân. Nhưng tuyệt không nên xem ngũ vị tân là cội nguồn của sân hận, kiêng cữ các chất cay nồng kia cũng không phải là giải pháp căn bản trong đạo Phật để trị liệu và chuyển hóa tâm sân.

Muốn hóa giải tâm sân, trước tiên cần xác định sân hận là một trong ba phiền não căn bản (tham, sân, si) ngủ ngầm trong tâm luôn dấy khởi bất cứ lúc nào thuận tiện, hội đủ nhân duyên. Thông thường khi tham không thỏa mãn, hoàn cảnh không vừa ý thì tâm sân phát khởi. Cần thực tập chánh niệm, an trú tâm vào pháp (Chỉ hay Quán), thấy rõ tâm trong hiện tại; có sân hay không sân đều biết. Từ một niệm sân khởi lên cho đến khi thành cơn giận là cả một tiến trình. Nếu phát hiện tâm sân từ lúc mới manh nha, thấy rõ sân hận sinh diệt với chánh niệm, quán sát sự nguy hiểm của nó thì ta có thể chuyển hóa, từng bước làm chủ tâm, khiến cơn giận dữ không có cơ hội hình thành. Chánh niệm càng cao độ thì các phiền não tham sân si được kiểm soát, đưa tâm về an tịnh càng nhanh gọn hơn.

Mặt khác, cần tu tập tâm từ ta mới có đủ năng lực để chế ngự và chuyển hóa tâm sân. Tâm từ như nước có thể tưới tẩm và dập tắt lửa sân hận. Tuy nhiên tâm từ không tự có mà chúng ta phải chế tác bằng cách thực hành thiền rải tâm từ. Năng lượng yêu thương, mát mẻ, bao dung của tâm từ sẽ tưới mát cơn giận, khiến nó dễ dàng lắng dịu và bị dập tắt. Ngoài ra, quán niệm về tâm bi, về sự bao dung tha thứ… là những pháp hỗ trợ tích cực cho việc hóa giải tâm sân. Tóm lại, để hóa giải tâm sân, hành giả cần nỗ lực tu tập Chỉ - Quán nhằm an trú và làm chủ thân tâm. Còn việc kiêng cữ ngũ vị tân chỉ là pháp hỗ trợ chứ không phải để trị liệu và hóa giải tâm sân.

Chúc bạn tinh tấn!

TỔ TƯ VẤN BÁO GIÁC NGỘ
(tuvangiacngo@yahoo.com)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày