Hơn 60 năm trôi qua, tôn chỉ "Nên tập sống chung tu học" do Tổ sư đề xướng đã hóa thành cảnh giới trang nghiêm tại mỗi đạo tràng Tăng, Ni hệ phái Phật giáo Khất sĩ, góp phần tỏa thơm hương sắc vườn hoa đạo lý nước nhà. Nhân kỷ niệm lần thứ 57 (mùng 1-2-Giáp Ngọ 1954 – Tân Mão 2011) Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng, lần theo bước chân Ngài từ thuở khai tông lập đạo, hoằng truyền và xiển dương giáo pháp với đại nguyện dũng mãnh hành Tứ y pháp trung đạo, để cảm nhận trọn vẹn đức từ bi mà Ngài ban rải trong nhân gian dưới hóa thân Đại sĩ. ... Khoảng năm 1944, sau khi khai mở mối đạo tại chùa Linh Bửu, ấp Tân Thành, xã Tân Hòa Thành, quận Bến Tranh, tỉnh Định Tường, miền Nam nước Việt (nay thuộc huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang), Tổ sư Minh Đăng Quang bắt đầu cất bước du phương đến nhiều vùng tại miền Tây và Đông Nam Bộ. Từ những miền quê xa xôi hẻo lánh đến các khu thị tứ đô hội: Tây Ninh, Bình Dương, Biên Hòa, Vũng Tàu, Sài Gòn-Gia Định-Chợ Lớn..., đâu đâu cũng in dấu chân hóa độ của Ngài và đoàn Du tăng lúc này đã lên đến vài chục vị sư mến mộ giáo pháp Khất sĩ cầu xin quy y thọ giới với Tổ sư. Ban đầu, không ít người dân ngạc nhiên trước hình ảnh "một ông thầy tu đầu cạo trọc, mình choàng một cái mền rách vá nhíu tứ tung, phía dưới mặc cái chăn, tay ôm cái gáo dừa chậm rãi bước từng bước trên con lộ đất từ vùng này đến vùng khác trong khắp làng Phú Mỹ. Và cứ đến gần giữa trưa, tại bất kỳ nơi nào, hoặc bên chùa am đình miếu, gốc cây bờ ao..., thầy đến đụt nắng, ngồi xếp bằng, thân hình ngay ngắn, uy nghi, hai mắt khép hờ, dường thể tưởng niệm suy tư. Độ đúng ngọ, Người mở nắp gáo dừa ra, trong có một ít thức ăn vừa xin được buổi sáng, để ngay trước mặt, niệm đọc lâm râm có lẽ cầu nguyện khấn vái chi chi, đoạn Người dùng những vật thực ấy sống qua ngày"1. Cứ thế, "Đầu tiên trên bước lữ hành/ Lẻ loi chỉ có một mình đường xa", nhưng với đạo phong khả kính, Ngài đã lần lượt cảm hóa và thu nhận 52 đệ tử Tăng và 53 đệ tử Ni trực tiếp cầu thọ giới pháp nơi Ngài, từ đó hình thành giáo hội Tăng, Ni tuần tự giáo hóa tại các địa phương khác nhau, đồng thời với việc hình thành nhiều đạo tràng tịnh xá do Ngài chứng minh thành lập làm trụ xứ tu tập cho tứ chúng. Cũng trong thời gian hành đạo, Ngài đã viết bộ Chơn lý gồm 69 tập tiểu luận, được xem là kho tàng Pháp bảo vi diệu của nhiều thế hệ Phật tử xuất gia và tại gia cho đến nay. Rõ ràng, trong bối cảnh nhá nhem của đời sống tín ngưỡng tâm linh lúc bấy giờ và sinh hoạt Phật giáo nước nhà cũng đang ở vào thời kỳ trầm lắng, sự xuất hiện của giáo pháp Khất sĩ do Tổ sư Minh Đăng Quang dẫn dắt đã tạo nên hiệu ứng tốt về mặt tu tập, giải thoát, thu hút nhiều trí thức, nhân sĩ tìm đến quy ngưỡng. Nhà nghiên cứu Huỳnh Minh, trong Vĩnh Long xưa và nay (in năm 1967) đã không ngần ngại nhận xét "Phật tử khắp miền Nam nước Việt, không ai mà không tán thán cái đức độ, cái giới hạnh của một tu sĩ tuổi thanh xuân đứng trên đạo trường chỉnh đốn Tăng già!". Phù hợp với tâm nguyện của Tổ sư: "Giáo lý Khất sĩ phải là tiếng chuông cảnh tỉnh, ngân nga vang dội, gọi thức quần sanh, kêu khuyên người trí, tiếp độ kẻ hiền. Do đó mà cuộc du hành, sau khi giác ngộ, sẽ lan ra các xứ. Ban đầu đi quanh miền Nam nước Việt, kế đó lan ra miền Trung, miền Bắc cùng khắp cõi Đông Dương nếu con đường thuận tiện và Giáo hội sẽ đi với số đông, y như Phật Tăng ngày xưa đi hành đạo khắp xứ ngoài nữa", hơn 30 năm sau ngày Tổ sư vắng bóng, các vị đại đệ tử của Tổ đã nối tiếp sự nghiệp cao cả của Người, lần lượt chia nhau đi hành đạo khắp hai miền Nam - Trung nước Việt, từ mũi Cà Mau đến bờ Nam sông Bến Hải. Bắt đầu từ năm 1975 đến nay, hội nhập hoàn cảnh chung của đất nước, chư Tăng Ni các giáo đoàn đã dừng bước du hóa, theo đó tùy nhân duyên của mỗi trú xứ mà lưu trụ tu học và giảng dạy Phật pháp tại đạo tràng, gắn bó trong tinh thần lục hòa cộng trụ, giới hạnh tinh nghiêm. Cũng từ sau ngày Giáo hội Phật giáo Việt Nam được chính thức thành lập (1981), chư tôn đức lãnh đạo các đoàn Du tăng Khất sĩ đã tiến hành ổn định tổ chức, thay đổi danh xưng (tuần tự từ Giáo đoàn I đến Giáo đoàn VI cùng với các Phân đoàn Ni trực thuộc), trở thành Hệ phái Khất sĩ, thành viên thống nhất, hài hòa các hoạt động Phật sự trong lòng Giáo hội. Trống Pháp âm vang, thuyền Bát nhã đưa người qua sông mê bể khổ vẫn hiện hữu giữa dòng đời. Hàng cao đồ của Tổ sư vận dụng giáo pháp y bát chơn truyền, thực hành hạnh nguyện "xả kỷ lợi tha; trì bình khất thực; hóa độ chúng sanh", làm nền cho sự lớn mạnh của hệ phái với thực tế hiện hữu bao gồm 499 ngôi tịnh xá, tự viện và 2.167 Tăng Ni đang tu tập, hành đạo tại các trú xứ trong lòng dân tộc. Ngoài ra, tại các nước Mỹ, Canada, Pháp, Úc... cũng có hơn 25 ngôi đạo tràng tịnh xá với hơn 80 Tăng, Ni tu học, hoằng hóa. 57 năm qua, cuộc thế dù đã bao lần biến thiên, sinh diệt, hiện thân Đại sĩ của Tổ sư trong cõi tử sinh phù mộng vẫn là ngọn đuốc sáng dẫn lối cho hàng môn đồ tứ chúng trong hệ phái trên lộ trình học Phật, hướng đến giác ngộ và giải thoát…