Nên tìm chùa phù hợp để gửi con tu

GN - HỎI: Con gái của tôi xuất gia làm tiểu đã được ba năm tại một ngôi chùa ở tỉnh Quảng Trị. Vì Sư cô trụ trì, bổn sư của tiểu bị bệnh vừa mới mất, hai huynh đệ còn nhỏ tuổi (con tôi hiện đang học lớp 8) nên bơ vơ không biết tu học với ai.

Tôi có người chị ruột xuất gia hiện đang trụ trì một ngôi chùa tại TP.HCM chưa có đệ tử muốn nhận tiểu làm đệ tử, nuôi ăn học đàng hoàng. Tuy nhiên, tôi băn khoăn vì sư cô rất bận rộn Phật sự nên không thường ở chùa, vậy làm sao dạy dỗ. Mặt khác, vì bổn sư là dì ruột nên tôi sợ cháu ỷ lại tình thân gia đình, không lo phấn đấu học tập và tu hành. Hiện lòng tôi ngổn ngang không biết phải làm sao trước hoàn cảnh này. Mong quý Báo hướng dẫn cho tôi.

(Phật tử giấu tên)

tieuni.jpg


Xuất gia từ nhỏ - Ảnh minh họa

ĐÁP:

Bạn đọc thân mến!

Bạn có con phát tâm xuất gia tu hành từ rất nhỏ (đồng chơn xuất gia) là một duyên lành. Tu học là cả một quá trình dài, để tác thành nên một nhà sư tài đức ở tương lai, ngoài thầy (bổn sư) và huynh đệ trong chùa thì gia đình, học đường có vai trò quan trọng.

Con của bạn đang trong giai đoạn tập sự xuất gia, làm tiểu ở chùa, tất cả đều trông cậy vào sự giáo dưỡng của bổn sư. Nay vì bổn sư đã viên tịch nên các tiểu của chùa đó có thể thỉnh cầu những vị thầy (Ni) khác làm bổn sư để được trực tiếp giáo dưỡng.

Theo truyền thống thiền môn của Phật giáo Việt Nam, khi trụ trì mất đi, sơn môn pháp phái tổ đình sẽ cử một vị sư khác trong tông môn (huynh đệ của cố trụ trì) về chùa điều hành Phật sự, sau đó nếu thuận duyên thì bổ nhiệm trụ trì. Trường hợp khác, vì tổ đình thiếu người hoặc vì các nhân duyên nào đó, Giáo hội sẽ cử một vị sư khác ngoài tông môn về trụ trì chùa, đảm đương Phật sự.

Các tiểu ở chùa ấy có thể thỉnh cầu vị trụ trì kế nhiệm làm bổn sư, hoặc có thể thỉnh cầu các vị (sư chú, sư bác) trong tông môn hay rời chùa để tìm cầu bổn sư. Vì thời gian cho các thủ tục pháp lý để bổ nhiệm vị trụ trì kế nhiệm khá lâu và không định trước được, các tiểu còn nhỏ và rất cần được quan tâm nuôi dạy nên việc tìm bổn sư cho các vị tiểu ấy càng sớm càng tốt.

Về vị Sư cô (vừa là dì ruột của tiểu) ở TP.HCM muốn nhận tiểu con của bạn làm đệ tử cũng tốt. Tuy nhiên, bạn đã tiên liệu khá đúng về một số điểm bất lợi cho tiểu, đặc biệt là vị sư ấy hay bận Phật sự phải đi xa. Tiểu đang độ tuổi chớm lớn, tâm sinh lý nhiều biến động, hoàn cảnh xã hội đô thị khá phức tạp, nếu bổn sư chỉ dưỡng mà không giáo, nuôi mà ít dạy thì cũng rất nguy. Thiết nghĩ, ngôi chùa này chưa phải là ưu tiên hàng đầu để gửi gắm con của bạn.

Hiện bạn cũng đang ở TP.HCM (Củ Chi), ngay trong thành phố này và các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu có rất nhiều ngôi chùa Ni danh tiếng, Ni chúng đông đảo, tu học nghiêm minh. Thiển nghĩ, bạn nên đem con gửi vào nương tựa các chùa này để được tu học cùng đại chúng với đầy đủ quy củ thiền môn, và bạn cũng có thể dễ dàng viếng thăm để trợ duyên thêm cho con của mình.

Một chú tiểu lớp 8 rất cần được tu học trong môi trường đại chúng, trên hết là bổn sư (Ni trưởng), kế là các vị giáo thọ (Ni sư) và các sư huynh đệ. Dù có vất vả vì chấp lao phục dịch trong ngôi chùa đông người, nhiều Phật sự và kỷ luật gắt gao nhưng môi trường đại chúng sẽ giúp con của bạn được tu học song hành, nhiều trải nghiệm để trui rèn ý chí, tích lũy nhiều kinh nghiệm sống cũng như tu và hành đạo để về sau trở thành vị sư chân tu thực học, tài đức vẹn toàn.

Chúc bạn tinh tấn!

TỔ TƯ VẤN
(tuvangiacngo@yahoo.com)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Pháp niệm Phật nào đúng?

Pháp niệm Phật nào đúng?

GNO - Theo Phật giáo Phát triển (Tịnh Độ tông - Đại sư Ngẫu Ích, A Di Đà yếu giải) , niệm Phật nếu đạt nhất tâm bất loạn (Chỉ) thì thành tựu giải thoát, đoạn trừ các phiền não tham sân si..., mà không cần tu Tuệ (Quán). Theo Phật giáo Nguyên thủy, niệm Phật chỉ là một trong các tùy niệm...
Khóa lễ tụng kinh tại chánh điện chùa Tích Sơn

Vĩnh Phúc: Lễ hiệp kỵ chư tổ sư chùa Tích Sơn

GNO - Sáng 20-4, tại chùa Tích Sơn (P.Tích Sơn, TP.Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), Thượng tọa Thích Giác Minh, Ủy viên Thường trực Ban Pháp chế T.Ư, trụ trì chùa Tích Sơn cùng Phật tử đã trang nghiêm tổ chức Lễ hiệp kỵ chư vị lịch đại tổ sư.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn chủ trì hội nghị sáng 20-4 tại thiền viện Quảng Đức

Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự: Sẽ mời các bên liên quan để giải quyết tồn đọng của Giáo hội

GNO - Đó là giải pháp giải quyết những khó khăn của Phật giáo tỉnh thành được Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự chấp thuận tại hội nghị báo cáo quý I - năm 2024 của Văn phòng II T.Ư, diễn ra tại thiền viện Quảng Đức (Q.3, TP.HCM), vào sáng 20-4.

Thông tin hàng ngày