Ảnh: SGTT
... Bác nông dân này nói: “Hồi trước, bà con chúng tôi quyên góp tiền và xây ở đây một tượng Phật bà. Được sáu tháng thì chính quyền không cho để tượng nữa, đòi đập. Ông M., người phát động xây tượng, sợ đập thì uổng phí mới kêu thợ sửa tượng lại thành cô du kích” (Trích bài báo “Dựng tượng Phật Quan Âm... bồng súng”, Sài Gòn Tiếp Thị ngày 21-12-2011).
Ngay khi bài báo đăng ở Sài Gòn Tiếp Thị thì cư sĩ Minh Mẫn trong bài “Chuyện không giống ai!” (GNO ngày 21-12) đặt vấn đề: “Hình ảnh một Bồ tát Quán Âm thể hiện lòng đại lượng trước sự đau khổ của quần sanh. Vậy hà cớ gì biến Bồ tát Quán Âm, một biểu tượng tôn kính của hàng triệu tín đồ Phật giáo trên thế giới thành một cô du kích?”.
Những chia sẻ của bạn đọc cứ đổ dồn về tòa soạn trong những ngày qua sau khi biết về vụ việc trên. Thú thật là tôi cũng xót xa khi nghe những nỗi buồn của Phật tử trước hiện tượng “hoài nghi” vì không hiểu, vì sợ đủ thứ của chính quyền địa phương sở tại (nơi “tiền hậu bất nhất” khi cho dựng tôn tượng Ngài Quán Thế Âm Bồ tát nơi hồ nước tưới tiêu của người nông dân). Tôi nghĩ đến nỗi sợ cũng như nỗi hoài nghi trong hành động đòi đập kia là bởi vì họ không hiểu đạo Phật (mà hà cớ gì phải đập một tôn tượng của một vị Bồ tát có hạnh nguyện lắng nghe, cứu khổ cho chúng sinh?).
Đạo Phật và Đức Phật Bổn sư Đản sinh nơi Ta bà thế giới này là vì hạnh phúc của số đông chúng sanh, vì thương chúng sinh còn trầm luân trong sanh tử, còn tham-sân-si. Và giáo lý Tứ diệu đế (4 sự thật) và Bát chánh đạo cùng với 84.000 phương tiện thiện xảo của Ngài đã “cứu khổ, ban vui” cho không biết bao nhiêu chúng sinh. Cứu khổ, ban vui có nghĩa là lòng từ bi được thực thi theo phương pháp nói lên sự thật (khổ-tập-diệt-đạo), chỉ rõ con đường thoát khổ đau và chúng sinh tự đi bằng cách học hỏi, thực tập Tam vô lậu học (giới-định-tuệ).
Do vậy, Đức Phật chỉ cho chúng sinh (trong đó có loài người) con đường thực tập an lạc, hạnh phúc ngay thực tế là từ việc gìn giữ những nguyên tắc đạo đức căn bản (giới). Ai cũng hiểu rõ, nếu con người sống có đạo đức thì tự thân họ đã bớt khổ và đương nhiên họ cũng sẽ làm cho những chúng sinh, con người quanh họ, bên họ bớt khổ đến thoát khổ và có hạnh phúc.
Nếu họ hiểu đạo Phật và hiểu về những hành giả tu tập đạo Phật, khuyến hóa người khác cùng tu đạo Phật bằng cách hướng về những bậc giải thoát như Phật, Bồ tát, trong đó có Ngài Quán Thế Âm Bồ tát mà ở đình, chùa nào của VN cũng trân trọng thờ kính, lễ bái thì họ sẽ không sợ hãi và không có thái độ không cho dựng, yêu cầu đập bỏ. Bởi làm sao mà sợ một vị Bồ tát có hạnh nguyện lắng nghe và cứu khổ chúng sinh chỉ cần chúng sinh nhớ, nghĩ, niệm danh hiệu Ngài? Nếu sợ thì chỉ có chưa hiểu hoặc không chịu hiểu hoặc đó là nỗi sợ hết sức vô lý. Có ai sợ một bậc thánh có lòng từ bi lớn, trí tuệ lớn bao giờ?
Nếu họ hiểu đạo Phật, hiểu về con đường trung đạo, lúc nào cũng đau đáu tu thân và luôn trung thành với một con đường là con đường bất bạo động, mang lại hạnh phúc cho số đông mà Đức Phật và chư vị đệ tử từ Thiên Trúc đến Việt Nam, từ cổ đến bây giờ nhất như thực hiện thì có lẽ họ sẽ không sợ hãi đến mức phải cấm đoán đủ thứ chuyện, kể cả việc tôn kính bậc đáng kính như thế! Nếu hiểu họ sẽ nhớ một câu thơ hay và chân thật nghĩa về con đường của đạo Phật nói chung và Phật giáo VN nói riêng: “Mái chùa che chở hồn dân tộc/ Nếp sống muôn đời của tổ tông”.
Mái chùa, hay hình ảnh thân thương của tiếng chuông, câu kệ, lời kinh cùng hành trạng đồng hành cùng dân tộc của đạo Phật từ các vị tổ sư, hành giả Phật giáo VN từ trước đến nay (nếu hiểu) thì họ không thể nào có hành động đi ngược lại “truyền thống, nếp sống tổ tông”. Đó là nếp hay là thế đứng của các vua quan ngày xưa với các bậc cao tăng hiền đức của đạo Phật cùng giữ nước, chống xâm lăng, làm cho nhân dân ấm no, hòa bình, thịnh trị. Đồng thời, thời nào Phật giáo trở thành nếp sống, lời Phật dạy trở thành bài học đạo đức trong nhân dân, trong con người thì thời đó đất nước hưng thạnh, nhân dân ấm no…
Lịch sử đã chứng minh điều đó, lẽ nào họ không hiểu, lẽ nào họ chưa hiểu?
Có lẽ vậy, chứ nếu đã hiểu, hiểu một cách sâu sắc về đạo Phật thì sẽ không có chuyện người dân dựng tượng Phật, Bồ tát thờ phụng, hướng về học hỏi những giá trị của từ bi, trí tuệ thì lại lo sợ, lại có động thái cản trở như “chuyện không giống ai” ở huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam gây sốc, bức xúc dư luận, đặc biệt là cư dân mạng thời gian qua.