GNO - Chùa do cư sĩ Lý Thụy Long, người Minh Hương, xây dựng vào năm 1744. Tổ đình Giác Lâm còn có các tên khác: Cẩm Sơn, Sơn Can hay Cẩm Đệm, là một trong những ngôi chùa cổ nhất của TP.HCM, tọa lạc tại số 565 (số cũ 118) đường Lạc Long Quân, P.10, Q.Tân Bình.
Chùa được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia theo quyết định số 1288-VH/QĐ ngày 16-11-1988.
>> Một trong "ngũ đại tòng lâm" của Gia Định xưa
Khu tháp trong chùa
Năm 1774, thiền sư Viên Quang về trụ trì đầu tiên tại đây. Được trùng tu lại nhiều lần, mỗi lần như vậy, trong kiến trúc chùa mang thêm những đặc điểm mới, chứa đựng trong nó những ảnh hưởng văn hóa và lịch sử cùa từng thời kỳ.
Trong số 118 pho tượng hiện còn lưu giữ tại chùa, có 113 pho tượng cổ, trong đó có bộ Thập bát La-hán, bộ Thập điện và bộ “Phật và Tứ chúng” - gây được sự chú ý của khách đến chiêm bái nhiều nhất và cũng là đặc trưng cho cách bố trí chùa cổ Nam Bộ.
Ngoài ra những đường nét mỹ thuật thể hiện qua kiến trúc, bao lam, hoành phi, tượng tròn, liễn đối… cũng có thể thấy rõ được đặc điểm của ngôi chùa dưới khía cạnh lịch sử và văn hóa, đã làm cho tổ đình Giác Lâm trở thành một ngôi chùa mang tính tiêu biểu cho chùa ở Nam bộ.
Bậc thang bước lên sân chùa để vào chánh điện
Ngôi chùa với cấu trúc mặt bằng dạng chữ tam,
theo thứ tự từ trước ra sau gồm: chánh điện, nhà tổ, trai đường, nhà giảng
Mái chùa là mái dạng hình bánh ít thường thấy ở Nam bộ
Hàng ngói máng xối (âm dương), giúp thoát nước nhanh khi có những trận mưa rào
Hành lang có hàng rào hai bên chánh điện
Những hàng chén dĩa kiểu bằng sành sứ, với màu men xanh trắng, được cẩn dọc theo đầu hồi nhà, bên trong và cả bên ngoài cũng như trên vòm cửa ra vào, thể hiện được sắc thái của nghề gốm cổ truyền địa phương với màu men xanh trắng là chủ đạo
Mỗi đầu kèo ở hàng tư chùa đều tạc dạng đầu rồng (trước sân chánh điện)
Làm cột kê đá ở những nơi tiếp xúc với mưa nhiều
như hàng hiên chùa, các nơi khác, nếu có thì cột đá kê cũng rất thấp
Tại chính điện các ngôi chùa cổ, một trong những khác biệt so với các tượng đặt thờ ở miền Bắc và miền Trung chính là bộ tượng 5 vị gồm: Thích Ca Mâu Ni Phật, Quan Thế Âm, Đại Thế Chí, Văn Thù Sư Lợi và Phổ Hiền Bồ-tát, đặt tại bàn Tam bảo góp phần làm rõ tính độc đáo, sáng tạo của cư dân có tín ngưỡng ở vùng đất mới Nam Bộ dưới triều Nguyễn
Bộ tượng 5 vị chùa Giác Lâm, được xem là bộ tượng đặc biệt nhất, được tạc bằng gỗ mít nài, thếp vàng, cao 0,80m. Tượng Thích Ca đặt giữa, ngồi trên tòa sen làm bệ đỡ, cao hơn các tượng khác. Bố cục bệ hình thang nên dáng ngồi vững chãi; 4 tượng Bồ-tát đều ngồi một bên lưng con vật. Phổ Hiền Bồ-tát ngồi trên mình voi, tay cầm nhánh sen hồng. Đại Thế Chí Bồ-tát và Quan Thế Âm Bồ-tát cưỡi sư tử, tay cầm cuốn thư, Văn Thù Bồ-tát, tay cầm nhành như ý, cưỡi sư tử. Các con vật đều nằm trong tư thế phủ phục.
Bộ tượng 5 vị xuất hiện ở Nam Bộ trong giai đoạn đầu thế kỷ XIX, tức giai đoạn mở đầu triều đại nhà Nguyễn.
Cùng với phong cách nghệ thuật của mình, bộ tượng 5 vị đã góp vào dòng sinh hoạt văn hóa thời Nguyễn thế kỷ XIX những đường nét mới lạ, tiêu biểu và thể hiện rõ tinh thần nhập thế và tính chất dân gian của Phật giáo ở Nam Bộ.
Bộ tượng La-hán: Mười tám vị La-hán chùa Giác Lâm được đặt thờ tại hành lang, dọc hai bên chánh điện. Bộ lớn đặt trên, bộ nhỏ để dưới, trên bàn thờ nhị cấp. Mỗi bên hành lang đặt 9 vị lớn và 9 vị nhỏ, đối vị với bàn thờ La-hán bên kia. Bộ nhỏ cao 50cm ngang giữa hai gối 32cm, đặt trên bệ cao 7cm
Mười tám vị La-hán chùa Giác Lâm được tạo tác vào giữa thế kỷ XVIII, từ khi lập chùa (1744). Bộ tượng lớn cao 80cm, ngang giữa hai gối 45cm, bệ cao 15cm. Tựợng được tạo tác vào giai đoạn đầu thế kỷ XIX, trong lần trùng tu thứ nhất của chùa.
Bộ tượng La-hán chùa Giác Lâm có một giá trị lịch sử lớn, là hiện vật trong ngôi chùa cổ nhất thành phố nên bản thân cũng có tuổi cao hơn so với các tượng khác. Bộ tượng còn đánh dấu bước di dân của người Việt vào vùng đất mới, tín ngưỡng và hình thức thờ phụng các vị La-hán, mà gốc tích của các vị này xuất phát từ Trung Quốc.
Ngoài ra, bộ tượng còn chứng minh cho quá trình phát triển của Phật giáo ở Nam Bộ, từ những ảnh hưởng nặng nề của phái Lâm Tế ở Trung Quốc, đã dần dần xác lập được một dòng mới, mang đặc điểm dân tộc và hoàn toàn của người Việt, mà tiêu biểu là những sơ tổ của tổ đình Giác Lâm.
Tại hàng lang chính điện còn là nơi đặt thờ Thập Điện Diêm Vương
Phù điêu, câu đối trong chánh điện
Sau lưng chính điện là bàn thờ Tổ; treo ảnh các vị Tổ từ thế hệ 33 đến 41, các bài vị, bát… được đặt rất trang trọng. Là ngôi chùa cổ và là đại già lam nhiều thế kỷ qua, chùa Giác Lâm cũng là nơi lưu giữ nhiều bài vị của tu sĩ, Phật tử hơn hai thế kỷ, do đó cũng là nơi tập trung thể hiện phong phú, đa dạng nhiều kiểu loại bài vị…; góp phần giới thiệu một mảng của văn hóa Phật giáo, đặc biệt là trên lĩnh vực thờ tự và nghi lễ
Hoành phi, phù điêu, câu đối ở nhà tổ
Pháp khí (tại nhà Tổ) là những phương tiện sử dụng trong nghi lễ,
các pháp khí còn là những dấu ấn về sinh hoạt Phật giáo tại vùng đất Gia Định xưa
Bàn thờ tại Trai đường
Cửa đi vô nhà tổ, Trai đường
Chứng nhận di tích cấp quốc gia
Khu vực Tháp Tổ. Đây là nơi đặt hài cốt của tất cả các vị đã trụ trì tại chùa Giác Lâm. Khu Tháp tổ đặt thẳng hàng, từ trong ra ngoài, có tháp các tổ Viên Quang, Phật Ý, Minh Vi, Thiện Thuận, Minh Khiêm, Hồng Hưng. Tháp cổ nhất (tháp tổ Viên Quang), được xây vào đầu thế kỷ XIX (1827)
Cổng Tam quan được xây dựng vào năm 1955, gồm 3 lối vào. Mỗi cổng đều có mái che, lợp ngói các đầu đao gắn hoa văn trang trí, diềm mái lá đề màu xanh thẫm nổi bật lên cạnh hàng ngói đỏ. Trước đó, chùa không có cổng tam quan
Như Danh - Bảo Toàn thực hiện