Tôi - một khu ô Sa-di đang còn ngái ngủ và mắt nhắm mắt mở đi theo sau thầy, đều đều bước. Bỗng dưng thầy không đi theo hành trình đã vạch sẵn là những vòng tròn quanh sân mà lại hướng đi về phía cổng chùa, hình như có cái gì đó khác lạ đánh thức trí tò mò và phá tan cơn buồn ngủ. Tôi chầm chậm tiến lại gần và mở to mắt quan sát, bên cạnh những bao nhỏ đựng áo quần cùng những đồ dùng của trẻ con là một chiếc hộp giấy phát ra âm thanh oe...oe... Thầy nhẹ nhàng cúi mình ẵm lên một em bé rồi dỗ dành, âu yếm. Tôi ngơ ngác, ngạc nhiên đứng yên như tượng đá, mãi đến lúc thầy giục xách đồ vào để thay cho em bé, tôi mới giật mình bước theo. Đây là lần đầu tiên tôi được trông thấy một em bé nhỏ xinh như thế nên cứ đứng lặng yên bên cạnh quan sát thầy thay đồ và cho em bú sữa. Thầy bảo em bé chỉ hơn một tháng tuổi thôi, không biết người mẹ nào đã vô tâm dứt bỏ đứa con ruột thịt của mình chẳng thương tiếc, may mà thầy phát hiện kịp thời nếu không thì em bé sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Thầy còn nhặt được trong bao đồ một lá thư của người mẹ để lại. Họ bảo rằng tuy rất thương con nhưng do hoàn cảnh, điều kiện không thể tiếp tục nuôi dưỡng đứa trẻ và họ hy vọng rằng trước cánh cửa "Từ bi - Trí tuệ" sẽ có một bàn tay nhân ái mở rộng đón nhận và nuôi dưỡng mầm sống bé nhỏ. Thời gian thấm thoát trôi qua, em lớn dần trong tình thương, sự bảo bọc, che chở của thầy và cả tôi. Thầy đặt tên cho em là Tâm An và còn để cái chóp với mấy sợi tóc con con thật dễ thương. Vậy là tôi nghiễm nhiên có "sư đệ". Tôi được thầy gọi là "khu ô Sa-di" tức là Sa-di đuổi quạ nhưng thật ra tôi chưa bao giờ đuổi quạ và thậm chí còn... rất sợ quạ. Đây chỉ là danh từ dành cho những chú tiểu xuất gia trong độ tuổi từ 7- 12 tuổi thôi. À, vậy thì tôi có thể gọi em là "baby Sa-di" không nhỉ? Một "baby" dễ thương với cặp mắt đen chói sáng như hướng đến một tương lai tốt đẹp, rạng ngời. * Và những ký ức của những ngày-tháng-năm sau đó cứ ngồn ngộn trong tôi khi "baby Sa-di" lớn hơn. Mới ngày nào đó hai "thiên thần" còn giành nhau cây chổi chạy lòng vòng quanh gốc cây bồ đề phụ thầy quét lá, nhớ những buổi công phu ngủ gà ngủ gật, những ngày hè nóng bức trốn ra bờ sông chơi, nhớ nhất là lúc tôi bị bệnh sốt nằm miên man vừa đau, vừa tủi lại nhớ nhà nữa chứ. Khi ấy thầy chẳng khác nào người mẹ hiền chăm sóc tôi từng bữa ăn, giấc ngủ còn "thiên thần" em thì tỏ vẻ lo lắng chạy tới, chạy lui bưng nước, lấy khăn, quạt mát và líu ríu hỏi han đủ điều, lại còn kể chuyện để tôi "nhanh hết bệnh" nữa! Biết bao kỷ niệm thân thương của tình thầy trò, tình huynh đệ mà đến khi trưởng thành, khi xa thầy rồi tôi mới cảm nhận đầy đủ sự thiêng liêng, cao cả ấy, nó như những dòng suối mát trong nuôi lớn tâm hồn thơ trẻ, như ngọn lửa hồng sưởi ấm đêm đông lạnh giá, như những bậc thang tiếp nối cho tôi vào đời. Bây giờ chúng tôi đã trưởng thành hơn trong lối sống, trong nhận thức và để có được như ngày hôm nay thì những ngày xưa chính là nền tảng, là động lực để những ‘thiên thần" có thể sải cánh bay cao, bay xa đem hương thơm đạo pháp đến với muôn loài.