Em mắt biếc ngây thơ ngày hội lớn
Khóe môi cười nắng quái cũng gầy hao.
Tháng Tư về, đầy kín bông bằng lăng, một nỗi vui rất tím ngát, những đợt mưa giao mùa bay rộn rã. Năm nay, thời tiết có phần thay đổi, tuy nhiên bằng lăng vẫn đúng hẹn, chìa những cành bông sung mãn. Riêng mấy loại lan rừng như thủy tiên, kim điệp… hơi bị bối rối, có thể không biết đưa những nụ hoa e dè còn núp trong thân trong cọng lan này ra trình diện vào lúc nào, khi tin tức của mùa chưa báo hiệu. Chăm sóc, thăm hỏi sáng chiều, mọi năm thời tiết này đã có hoa, sao năm nay im lìm.
Tháng Tư, những ngày còn nhỏ, không biết quan tâm thời tiết nóng lạnh thay đổi. Chỉ biết sẽ có một mùa hội treo đèn kết hoa, cờ giăng lộng lẫy suốt dọc đường chùa. Con nít, mới biết đọc, đánh vần chữ “Mừng Phật đản”, rủ nhau lên chùa, chạy chỗ này chỗ kia, ngắm ngó người lớn bận rộn trang hoàng.
Đó là những ngày tháng rất thoải mái dễ chịu, nhưng tuổi nhỏ không biết gì là khỏe hay bận rộn, không để ý thời tiết nắng mưa. Chỉ khi lớn lên, hoài niệm ngày cũ mới biết thời vô tư đã qua. Bây giờ làm người lớn, biểu hãy sống vô tư như con nít, “Anh nhi hạnh” không làm được. Có gắng sức làm bộ như con nít thì cũng rất nhiều toan tính.
Người lớn không bận tâm đến bầy con nít, con nít cũng không biết mọi sự chung quanh có ý nghĩa gì, người lớn càng bận rộn thì mình càng được thong dong vui chơi. Chạy nhảy lùng sục qua những lùm bụi, đồi chùa Hải Đức cây cỏ che chắn bước chân non, rượt đuổi nhau qua các ngóc ngách. Không gian rộng rãi, chạy hoài các nơi vẫn thấy yên tĩnh. Chỗ nào rộn ràng cứ rộn ràng, chỗ nào chừa ra cây rừng, sóc nhỏ, rắn mối, kỳ đà leo trèo không biết chán.
Thỉnh thoảng ào qua sân chùa, mấy thầy rất hiền không rầy la, màu áo chìm khuất đâu đó trong công việc. Đến trưa đói bụng, biết chỗ nào có cho ăn cơm, chạy vào ngồi xếp hàng ngay ngắn trên dãy bàn dài. Ăn no ra vườn chạy chơi tiếp, không ai bắt phải ngủ trưa. Đồi thì rộng thênh thang, người lớn làm không hết việc, đâu ai rảnh mà quản lý lũ nhỏ. Đó là những ngày tháng rất thoải mái dễ chịu, nhưng tuổi nhỏ không biết gì là khỏe hay bận rộn, không để ý thời tiết nắng mưa. Chỉ khi lớn lên, hoài niệm ngày cũ mới biết thời vô tư đã qua. Bây giờ làm người lớn, biểu hãy sống vô tư như con nít, “Anh nhi hạnh” không làm được. Có gắng sức làm bộ như con nít thì cũng rất nhiều toan tính.
Viên Ngộ viết thư kể chuyện, “Có một bé tên Tiên Dung, học lớp 9, tới nhà con học tiếng Việt mỗi chiều thứ Hai. Con bé vui lắm, thích nói chuyện. Con dạy xong, hỏi:
- Dung có muốn hỏi gì không?
- Hỏi gì cũng được hả?
- Ừa!
Con bé chỉ lên tượng Phật ở trên kệ sách, hỏi:
- Cái người đó là ai vậy?
Haha, chắc từ lúc bước vào phòng con là đã để ý tới ‘Cái người đó’ rồi.”
“Người đó là ai?”. Câu hỏi của bé con làm hao tốn bao nhiêu giấy mực. Câu hỏi theo suốt cuộc tồn sinh. Có một tiểu Hòa thượng mới đến thiền viện, đi gặp Thiền sư Trí Nhàn, nói vẻ thành khẩn – Con trước hết phải làm gì? Thiền sư bảo: Hãy đi làm quen chúng Tăng trong chùa. Ngày hôm sau, chú lại đến gặp Thiền sư, nói: Chúng Tăng con đã làm quen rồi, nên làm gì? Thiền sư bảo, nhất định còn sót, con tiếp tục đi hỏi thăm. Ngày thứ ba, chú lại đến gặp Thiền sư, nói chắc chắn:
- Tất cả chúng Tăng con đã biết hết rồi, giờ con muốn có việc làm.
Thiền sư bảo, còn có một người con chưa nhận biết, người ấy rất quan trọng đối với con. Chú lại đi tìm từng phòng, hỏi từng người. Nhiều ngày trôi qua, vẫn không biết mình bỏ sót ai. Đến bên miệng giếng, chợt thấy hình bóng mình, bỗng khám phá người mình bỏ sót.
Phật ra đời để giúp chúng ta tìm lại được một người rất gần mà cũng rất xa, rất thân cũng rất sơ, trên đời có một người rất dễ bỏ quên.
Tháng Tư, tình cờ có một ngày ở xứ Lào, nhằm ngày Tết, ngày hội té nước. Từ cửa khẩu Lao Bảo đi qua, những vùng cây cỏ đất khô trơ trọi, chẳng thấy đâu là lễ hội, trời nắng nóng 43oC người ta núp trong nhà. Còn sớm để cùng nhau vui chơi. Nghe nói bên Lào nghỉ lễ Tết hai mươi ngày. Dữ thần. Mình ngồi trong xe, vẫn ngóng ngó hai bên đường, tìm kiếm một cái gì. Bác tài nói, người ta sẽ đưa nhau xuống bờ sông để làm lễ hội.
Quả thật, qua một khúc sông nước cạn, thấy dựng rạp, dù che, bàn ghế nhộn nhịp tràn bờ, xe cũng xuống đậu sẵn, vẳng tiếng loa tiếng nhạc thử máy. Sông mùa này nước cạn, những khúc sông mang cái Tết tươi vui, những bé con sẵn sàng tắm táp, tung tóe, tạt nước cho mình cho người, cười rộn rã. Xe đi qua phố hứng một vòi nước bên đường. Người ta không cần cầm cái ca đứng bên xô nước, cầm sẵn cái vòi xịt và lăm lăm phun nước, xe chạy qua rồi nỗi vui còn chạy theo.
Chợt thấy như tuổi thơ đâu đây tưng bừng, chạy theo một khúc sông đón Tết, lội bì bõm, cười với nắng vàng chan chứa, vẫy tay reo mừng khi có ai đi ngang qua. Có những bé tay cầm sẵn ca múc nước, đứng đợi một dịp vui cười. Niềm vui có thể đợi được sao? Có thể lắm chứ. Những đứa bạn tóc cột hai bên, mặt thoa lớp bột trắng chừa hai con mắt đen thui, ngồi trên xe gọi nhau rộn rã, tạt cho nó miếng nước không kịp ngậm hàm răng sún. Chạy luôn ra sông đi, quay lại là hứng thêm nước đấy. Sông cũng sẵn sàng, sông đã ướt nước từ bao giờ, chơi đùa bên sông và hai bờ cây cỏ, hoang dại như mới chào đời.
Người đứng mãi giữa lòng sông nhuộm nắng
Kể chuyện gì nơi ngày cũ xa xưa.
(Tuệ Sỹ)
Nhìn dòng sông ngày lễ hội, thấy biết ơn những ngọn nguồn nước đổ. Tháng Tư chưa mưa, lễ té nước, lễ cầu mưa, nhịp trống nhịp đàn chập chờn để gọi nhau ra tắm nước. Và rồi con sông sẽ đầy nước, dâng tràn, thấm đẫm, sẽ reo vui cho hai bờ dân chúng quảy thùng, vác lu ra đựng nước. Đó là những ngày còn xanh trong.
Tháng Tư, tiếng reo ca lễ hội vẫn theo về, khi chiều rời con sông lòng đá lô nhô, xe, dù, bạt, người vẫn níu tia nhìn khách phương ngoại. Không thể đứng mãi giữa lòng sông, không thể mang nụ cười bé thơ về làm quà cho cuộc đời.
Em mắt biếc ngây thơ ngày hội lớn
Khóe môi cười nắng quái cũng gầy hao.
(Tuệ Sỹ)
Có một biểu hiện của tháng Tư, mùa Phật đản, gợi lên lễ hội của ngày xưa. Mang một niềm vui, nụ cười làm dịu tia nắng quái.