Trăng nguyên sơ

GNO - "Em về mấy thế kỷ sau/ Nhìn trăng còn thấy nguyên màu ấy không?" Hai câu thơ của Bùi Giáng, tình cờ khơi dậy trong tâm thức Phật học những điều suy nghĩ. Chắc là tác giả không cố ý đem vấn đề ra bàn luận ở đây, nhưng câu hỏi cứ gợi lên một thời Phật xa xưa.
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1202 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1202 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Kinh Lăng nghiêm, khi vua Ba Tư Nặc thưa hỏi Phật về tính không sinh diệt của thân này - như cái thấy nguyên sơ. Phật đã hỏi ông lúc mấy tuổi thấy sông Hằng. Trả lời lúc ba tuổi. Từ ba tuổi đến nay sáu mươi hai tuổi thân thể có đổi khác, nhưng cái thấy không khác. Tự cảm thương sự biến đổi của thân, nhưng cũng xác nhận cái thấy sông Hằng hiện nay như cùng với cái thấy khi xưa không khác. Ông vua này thông minh đáng nể. Sá gì mấy chục năm đi qua thân này, mấy thế kỷ rồi mà cái thấy vẫn y nhiên. Để có thể trả lời Bùi Giáng, dù trải qua vạn kỷ, màu trăng vẫn như rứa thôi.

Mười quyển kinh Lăng nghiêm, vào đầu quyển hai Phật đã chỉ ra tính thấy không biến đổi, “Đại vương, mặt ông tuy nhăn mà tính thấy này chưa từng bị nhăn. Cái bị nhăn thì biến đổi, còn cái chẳng bị nhăn thì không biến đổi… ”.

Từ một câu hỏi, một gợi ý đơn giản dẫn dắt hội chúng nhận ra nơi mình có một khả năng, một sức sống bất tuyệt, toàn bộ quyển kinh đưa chúng ta về với tánh chơn. Điều này cũng là nỗi niềm thao thức của người đang lên đường, bỏ lại cuộc chơi. Chúng ta chỉ có một cái tật rất lớn là đem cái nhăn nheo biến đổi của mình trùm lên mọi thứ, để nhìn xô lệch cuộc đời. Những câu thơ trong Truyện Kiều, được xem tuyệt cú, là diễn tả cách nhìn theo tâm trạng, như:

Buồn trông cửa bể chiều hôm

Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa.

Buồn trông ngọn nước mới sa

Hoa trôi man mác biết là về đâu?

Buồn trông nội cỏ dàu dàu

Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.

Đem nỗi lòng mà nhìn mọi thứ, để suy tư vẩn vơ thì làm sao mà khỏe cho được. Biết làm sao vì chúng sanh vốn là thế. Cho đến nhìn cơn mưa, thì người này người kia tâm trạng khác nhau. Bài đồng dao vui hát:

Lạy trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày, lấy đầy bát cơm, lấy rơm đun bếp…

Nhưng có kẻ rầu đời, nhìn mưa mà nhớ ai đã đi xa:

Ta để lòng rung theo cơn mưa

Ta để lòng vương chút hương thừa

Ơi người năm cũ trong lòng cốc

Mưa có nhạt nhòa đôi mắt xưa?

Hình như mọi thứ diễn tả miên man lại dễ hớp hồn thiên hạ hơn là lời Phật dạy: “Trong cái thấy chỉ là cái thấy, trong cái nghe chỉ là cái nghe”.

Chư Tổ sư ở trên núi vắng non cao, hàng ngày sống với tánh chơn thật để có thể lướt đi giữa cuộc đời mà không muộn phiền. Tổ Bá Trượng dạy Tăng: Tất cả các pháp vốn chẳng tự nói là sắc, là không, chẳng nói phải quấy nhơ sạch, cũng không có tâm trói buộc người, chỉ là người tự hư vọng tính toán làm ra nhiều thứ hiểu biết, sanh bao thứ yêu sợ. Cần phải nhận rõ các pháp không tự sanh, đều do một niệm điên đảo vọng tưởng chấp tướng mà có… Thế thì câu thơ này để vào đâu:

Gió lay lắt bốn phương về dồn tụ

Bụi thu mờ ai phủi với hai tay

(Bùi Giáng)

Người ta sẽ chạy theo ảo ảnh bụi thu mờ để thấy rằng nó chỉ là ảo ảnh.

Trở về với dòng thơ dân tộc, thời Lý-Trần còn đậm chất thanh nhàn, đơn sơ mà cao khiết. Đi thăm một bài thơ tả cảnh tả tình của vua Trần Nhân Tông, Sơ tổ Trúc Lâm. Ở địa vị cao nhất, gánh vác chăm sóc sự an nguy của nước nhà, chăm sóc nội tâm phản tỉnh, có sức lắng nghe, thấu hiểu. Bài Đăng Bảo Đài sơn mở ra khung trời gắn bó núi sông mà an nhiên một cõi.

Địa tịch đài du cổ,

Thời lai xuân vị thâm.

Vân sơn tương viễn cận,

Hoa kính bán tình âm.

Vạn sự thủy lưu thủy,

Bách niên tâm ngữ tâm.

Ỷ lan hoành ngọc địch

Minh nguyệt mãn hung khâm.

(Đăng Bảo Đài sơn)

Núi Bảo Đài, theo chú thích là một ngọn núi thuộc dãy Yên Tử, Đông Triều. Để có một phong vận thanh tịnh, thấy chỉ là thấy, nghe chỉ là nghe, hẳn Sơ tổ Trúc Lâm đã có công phu đến bậc thượng thừa. Trước mắt là không gian núi đá đài cao vẫn cổ kính. Thời gian mùa xuân chưa đi hết. Mây núi khi xa khi gần, mây chỉ là mây đến đi. Ngõ đường non rợp bóng hoa một nửa, còn một nửa để y nhiên. Nhìn đó, nước trôi chảy như muôn việc trôi qua chẳng vướng chút xíu do dự. Trong dòng trôi chảy đó tâm là tâm xưa nay, tâm vẫn còn đó nói cho người biết cái gì thật, cái gì hư huyễn. Tựa vào đài cổ xưa thổi khúc sáo nhẹ, tựa vào con người không sinh diệt để mặc cho trăng sáng đầy người.

Dẫn đi lòng vòng từ những câu thơ khổ lụy buồn chết người, đến một khung trời thơ cao khiết, có quá xa không? Có khác nhau không? Nhân mùa Phật đản 2567, dâng lên Đức Bổn Sư tấc lòng con trẻ. Mùa hạ này, nắng ơi là nắng, nóng bức cho ai ai cũng thở than. Người ta luôn luôn không vui với ngoại cảnh, nóng quá cũng rên, lạnh quá cũng rầu. Nhưng thiên nhiên chung quanh thật lạ kỳ. Ngoài hồ sen nở đầy, cánh sen hồng như lời chào nắng hạ. Bằng lăng tím, tím đậm, tím nhạt, tím hồng phủ đầy, chờ một cơn mưa là khai nụ. Cây hoàng yến màu vàng rực, càng nắng càng chi chít bông, vàng sáng một khung trời. Và một đợt gió thổi qua, vài cánh mỏng manh bay phất phới, bay như chỉ có rời cành là vui. Nhìn lá hoa để thả bay hết mọi sự trong lòng.

Kính lạy Phật! Ngài đã từng nói trong kinh Pháp hoa: Chư Phật ra đời vì một nhân duyên rất lớn, rất đặc biệt. Đó là khai mở chỉ bày cho chúng sanh cái tính thấy biết Phật. Tính Phật hoặc Tri kiến Phật – danh từ thật cao vời xa tít. Chúng con sử dụng hàng ngày nhưng vì mê vọng chạy theo mấy thứ lằng nhằng.

Hôm qua em đi tỉnh về

Hương đồng cỏ nội bay đi ít nhiều…

(Nguyễn Bính)

Không dừng lại được!

Một mùa Phật đản, nhớ lời Phật dạy, thôi bớt mơ mộng lung tung theo trần cảnh. Nhớ là mình đang thấy đang nghe, để được luôn thấy Phật ra đời. Không biết tại sao chỉ có một việc mà làm hoài không xong.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Họa sĩ Kim Đức

Quy y

GNO - Cái tin chị đi tu làm ai cũng ngỡ ngàng. Bọn thanh niên trong khu phố tiếc hùi hụi vì từ nay không còn ai để theo đuổi, trêu ghẹo. Người già, nhất là những người chuộng trang phục áo dài, áo bà ba lấy làm buồn lắm, bởi chị là một cô thợ may may đồ kiểu xưa rất đẹp.
Chuông chùa Nhật Bản, giống như chuông chùa của các nước khác, được đánh từ bên ngoài bằng chày hoặc thanh xà treo chứ không phải bằng một quả lắc bên trong.

Phạm chung trong đời sống văn hóa, tôn giáo của người Nhật

NSGN - Phạm chung ( bonshō, 梵鐘), cũng được gọi là điếu chung ( tsurigane, 釣鐘) hay đại chung ( ōgane, 大鐘), là những chiếc chuông lớn được nhìn thấy trong các ngôi chùa Phật giáo trên khắp Nhật Bản, dùng để thỉnh mời các Tăng sĩ tập họp hành lễ và để phân định các mốc thời gian trong ngày.

Thông tin hàng ngày