Mùa Tết

Ảnh: Viên Chiếu
Ảnh: Viên Chiếu
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Bước vào cửa ngõ tháng Chạp, mọi thứ dường như hối hả rộn ràng. Nắng một miền vàng thắm để người ta phơi những nia dưa củ, gió thổi bâng quơ vào những chiều sau giờ công tác, thấy lá trên cây cứ khô và rụng. Ở rừng, không khí cũng có vẻ tháng cuối năm...

Các ban lo dọn dẹp, chăm bón cho khu vực của mình tươm tất, sẵn sàng một năm mới. Ban rẫy tưới những liếp cải non, xà-lách mới cấy, ngò rí xanh đậm, một vạt môn non để làm chua cuốn bánh tráng. Ban vườn lo chặt những cành khô và mua tro, mua phân bò về ủ rơm, lá mục. Trưởng ban đứng lấp ló trước phòng thầy.

- Thưa thầy, cho con tiền mua phân bò… gối đầu.

Thầy Thủ bổn:

- Tui chưa thấy ai gối đầu bằng phân bò!

Có nghĩa là, tranh thủ mua phân bò để dành sang năm, mấy ngày Tết không ai đẩy xe ba bánh đi hốt phân, và cũng không nhà nào nuôi bò mà chịu mở cửa. Người ta sẽ đóng cửa chuồng, rơm cỏ để sẵn, mấy con bò nằm nghỉ ngơi, không đi kéo xe, không chở củi. Mọi hoạt động dân gian im lìm, chỉ đóng cửa đánh bài với nhau.

Ban ruộng khẩn trương hơn, thúc phân cho đám lúa sắp làm đòng. Mỗi sáng, quấn khăn thật ấm, thọc tay vô túi áo, đi thăm ruộng. “… một sớm mùa đông. Em ra ngoài ruộng đồng, hỏi thăm cành lúa mới”. Đi trên bờ vòng quanh, nhìn màu lá lúa và ước định, lá xanh mởn, bụi nở to cây lúa bắt đầu cong oằn, một năm tới sẽ được mùa.

Qua mấy ngày Tết, thúc phân một lần nữa để hạt lúa đóng chắc. Những ngày tháng Giêng, lựa đám lúa thật tốt để dành làm giống, lội ruộng, cầm liềm gặt nhanh hoặc chậm. Tất cả chúng không kể thuộc ban nào, giỏi hay dở, đều sắp hàng ngang cúi mình trên gốc lúa. Người gặt quen tay, quơ ào ào đi một hồi bỏ xa hàng ngũ, nhìn lại thấy mấy tên chậm chạp, vừa gặt vừa suy nghĩ, nghiêng mình qua vớt cho mấy hàng lúa. Hai bên có hai người giỏi thì người dở cách mấy cũng theo kịp.

Ban đầu một chục gốc lúa, sau còn chừng bốn năm bụi lúa trước mặt, không cần cảm ơn chỉ lo gặt cho xong. Đó là viễn ảnh của những ngày năm mới. Nếu thấy màu lá lúa không tốt, lo rầu, suy nghĩ hỏi thăm, tìm tro bếp đặng bón thêm, tro bếp hạ phèn rất tốt giúp lúa trở mình.

Ảnh: Viên Chiếu

Ảnh: Viên Chiếu

Các ban đều có những ưu tư cuối năm, cắm cúi làm việc, để dành những thứ phân tro tìm được, khỏi phải xin tiền Thủ bổn. Xin tiền cuối năm còn được chứ đầu năm đừng nói tới, đó là điều không nên. Dân gian nói ba ngày tết đừng quét nhà, nếu có thì quét vô trong nhà, sợ tiền của đi ra. Nói vậy chớ trong chùa ngày nào cũng phải quét, chánh điện phòng liêu sạch sẽ. Tiền thì có ra có vào, chẳng lẽ kiêng cữ rồi để chùa rác, người ta sẽ kêu mình là chùa rác.

Không khí cuối năm lan dần trong xóm, nhà nào cũng quét lá dọn vườn, gom đống un để khói bay lơ lửng. Có nhà lo đám cưới, chạy vào chùa xin ít tàu dừa về kết cổng. Hồi đó chưa có dịch vụ, và dân mới tới, phần lớn là khai khẩn đất, trồng khoai củ, ai cũng nghèo như nhau nên cần gì thường chạy tới chùa. Sau khi xin tàu dừa, hỏi mượn ít bàn ghế về dọn tiệc. Mấy cái ghế dài đóng thô sơ, mấy cô để ở nhà lá phía sau làm lớp học. Giáo thọ dành một ít giờ buổi trưa ôn tập văn, toán cho lớp đàn em còn ngơ ngác trước hình vuông, hình bình hành.

Khuôn mặt ấy màu trăng vàng lụa sữa

Thơm thơm từng trang giấy mới tinh khôi

Mắt lấp lánh vẽ vòng tròn tuổi nhỏ

Hồn nhiên ngồi nắn nót những vần thơ.

Bàn tay sạm nắm compa tìm kiếm

Điểm tâm nào không xây xát thương đau

Đường bất nhị hay là đường trung tuyến

Rẽ ngôi về vô trước đến nghìn sau.

(Hạnh Đạt)

Những giờ học bổ túc chen với giờ lao động, theo lời dạy của Hòa thượng, muốn rằng không có ai quá khờ. Bàn ghế long đong được tận dụng, và đến phiên hàng xóm cũng nhờ cậy. Đi cuốc ruộng về ngang lớp học thấy trống trơn, hỏi nhau và được trả lời, bàn ghế đi ăn đám cưới. Cuối năm mà.

Cho đến bệnh đau cũng đợi dịp gần Tết. Ai cũng muốn bệnh mau mạnh, giải quyết gọn để ba ngày đầu năm không nằm trùm mền. Bệnh nặng đưa về Bệnh viện Gia Định, nơi đó có người quen. Mổ xong, người nuôi bệnh ở lại vài hôm săn sóc cho khỏe rồi chở về. Chúng ở nhà chợt nghe tin nhắn “Cô Thiện thở bình ắc-quy”. Xôn xao, thành phố không có điện sao phải xài bình ắc-quy? Lật đật hỏi thăm y tá quen, té ra là “thở oxy”. Cũng mừng, còn ăn Tết kịp.

Hồi đó, chưa có nhiều nhà cửa chen chúc như bây giờ. Không gian rừng còn trải rộng tới gần đường lớn. Những vạt đất trống hoang vu mọc đầy cỏ lau. Cây cỏ thiên nhiên không cần vun tưới, vẫn xanh tươi hớn hở, bông cỏ lau nở mênh mông, yểu điệu và chân tình như đang làm chủ một khoảng đời sống nhân gian. Hồi đó, không có nhiều shop hoa và cũng không có tiền mua hoa, hương đăng hôm nào đó đi cắt một ôm bông cỏ lau về chưng vào bình cúng Phật. Bình hoa trông rất từ bi thanh thản, chưng được rất lâu. Bông cỏ lau, thiền sư ngày xưa có thơ kệ:

Bổn thị điếu ngư thuyền thượng khách

Ngẫu trừ tu phát trước ca-sa

Phật Tổ vị trung lưu bất trụ

Dạ lai y cựu túc lô hoa.

Là khách thả câu từ thuở trước

Bỗng cạo râu tóc khoác ca-sa

Trong ngôi Phật Tổ mời chẳng ở

Đêm về như trước ngủ bờ lau.

Ngồi học với thầy, chợt nhớ đám hoa lau và tự nghĩ, từ bỏ vị cao sang Phật Tổ để chọn ngủ trong bờ hoa lau, để bình dị một đời, để thong dong giữa muôn vàn thay đổi, như một cọng lau cỏ đơn sơ, có phải là ý của bài thơ kệ này?

Ảnh: Viên Chiếu

Ảnh: Viên Chiếu

Rồi cũng đến những ngày năm cùng tháng tận, mọi việc coi như đã xếp đặt gọn gàng, nhà cửa sân vườn khoác vẻ tinh tươm. Một năm cũng phải có một thời tiết để làm mới mọi thứ, trong nhà đạo cũng thuận theo đó chuẩn bị trang nghiêm. Những ngày còn ở Chơn Không, núi có vẻ riêng, ở bên Thầy ăn Tết không rộn ràng như phố thị hay làng quê, luôn có sự nhắc nhở cẩn thận với chính mình.

Những dịp cuối năm hay đầu năm là dịp nhắc lại lời dạy của Phật, của chư Tổ. Chúng tôi được tham dự lễ Phổ trà vào đêm 30. Rất vui mừng, thêm một chút nôn nao. Toàn thể đại chúng vào trong thiền đường, xếp hàng ngồi gần nhau, bên dĩa mứt, tách trà. Các cô ở am thất phía dưới núi cũng được tham dự, chống gậy lách cách dò đường, nét cảm động hoan hỷ, trong đời mình còn được thấy khung cảnh trang trọng của lễ Tất niên. Ngoài kia, trời đêm cũng rất trang trọng dừng lặng bên giây phút cuối năm.

Thầy bao giờ cũng vậy, từ bi nhẫn nại, một chút giản dị, một chút nghiêm huấn, mở đầu lời dạy nhắc tu, tha thiết với công phu của mình. Đêm 30 đánh dấu ngày cuối của thời gian, cũng nhắc chừng ngày 30 của cuộc đời, tổng kết của nghiệp gây tạo. Giờ phút quan trọng chứng tỏ công hạnh viên mãn hay không. Nếu hiện tại không lo tu, không cố gắng chuẩn bị đạo lực vững mạnh, ngày 30 của cuộc đời tay chân bối rối, bị nghiệp dẫn đi luân hồi. Tất cả đại chúng phải dè dặt cẩn thận.

Trời đêm sâu lắng vô cùng, một chút gió khuấy động, cây rừng giao cảm với không khí tĩnh mịch của thiền viện. Dưới phố cũng không vẳng lên tiếng xe, nhà nhà đều im ru. Phút trừ tịch chậm rãi trôi, mọi người uống một chút trà, ăn chút bánh, không vội không khua động. Để ngày tháng này ghi dấu rất đậm. Đêm phổ trà Tất niên. Những ngày sau ở rừng, nhớ về ngày tháng đã qua, đêm cuối năm khắc ghi lời dạy của Thầy.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ni sư Chứng Nghiêm đích thân giám sát việc ứng phó và cứu trợ nạn nhân trong thảm họa động đất tại Đài Loan

Tổ chức Phật giáo Từ Tế cứu trợ nạn nhân động đất

GNO - Từ Tế, tổ chức từ thiện và nhân đạo toàn cầu có trụ sở tại Đài Loan (Trung Quốc), đã chia sẻ rằng việc ứng phó và cứu trợ vụ động đất xảy ra ở bờ biển phía Đông của vùng lãnh thổ này đã bắt đầu được tiến hành vài phút sau khi thảm họa xảy ra.

Thông tin hàng ngày