Rừng cũ

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Rừng cũ, một thời phá rừng chặt cây, mặc áo vá chằng chịt, ăn độn xanh mặt không một chút máu. Thời đó, Hạnh Đoan 17 tuổi, cùng với Hạnh Pháp, Hạnh Khiết là ba cô em nhỏ nhất, đồng tuổi, đồng cam cộng khổ với mấy bà chị thư sinh.

Ngày đưa tiễn Hạnh Đoan, Ẩn về viện sớm, bên bàn gần kim quan, huynh đệ chúng tôi ngồi gần gũi, một lần này. Ẩn nói để hát cho Hạnh Đoan nghe bài Rừng cũ:

Rồi ta trở về rừng cũ nương thân

Mù sương thấm lạnh trời đất cũng bâng khuâng

Từ mang thân người bỗng dưng ngỡ ngàng

Nhặt cánh hoa tàn lòng sầu mênh mang…

Bài hát rất quen thuộc của Hạnh Đoan, chúng tôi lớp người cũ thời đầu tiên đều biết, vẫn thường tụng ca mỗi khi có tâm sự.

Chân dung cố Ni sư Thích nữ Hạnh Đoan lúc còn trẻ
Chân dung cố Ni sư Thích nữ Hạnh Đoan lúc còn trẻ

Rừng cũ, một thời phá rừng chặt cây, mặc áo vá chằng chịt, ăn độn xanh mặt không một chút máu. Thời đó, Hạnh Đoan 17 tuổi, cùng với Hạnh Pháp, Hạnh Khiết là ba cô em nhỏ nhất, đồng tuổi, đồng cam cộng khổ với mấy bà chị thư sinh. Hạnh Pháp đảm đang quen việc rẫy, chỉ có hơi sợ… ma. Đi ngang bụi tre, thấy mụt măng ngon lành, chạy vào nhà lấy liềm, mang bao tay cẩn thận và rủ tôi:

- Cô ra bụi tre này với em.

Tôi đi theo, té ra Hạnh Pháp bảo tôi đứng đó canh... ma, để em len vào đám tre lôi mấy mụt măng tươi, hứa hẹn thức ăn ngon cho chúng.

Hạnh Khiết thì chững chạc, việc nào ra việc đó. Hạnh Đoan mơ mộng nhất nhà, văn thơ ngữ lục, hứa hẹn một nhát cuốc cuốc văng sinh tử, lăm lăm tu cho sáng đạo ngộ tánh, làm sao chộp được bản lai diện mục. Nào có thì giờ thảnh thơi, đi cuốc ruộng về còn lấm lem sình bùn, chợt thấy trăng sớm mới lên, rủ mấy chị đi bộ ngắm trăng rừng. Ai cũng lắc đầu từ chối. Mệt gần chết, lo tắm rửa nghỉ ngơi, ở đó mà trăng sao. Một vài người thấy tội nghiệp, vừa đi vừa cằn nhằn. Một thời đã qua như thế.

Rừng in đậm trong ký ức, vừa khốc liệt vừa dịu dàng. Rừng khi đó chỉ là rừng chồi, những cây to lớn đáng giá đã bị dân Phước Thái đốn hạ. Cây tốt làm gỗ, cây xấu chẻ củi hoặc hầm than. Đầu đường vào Viên Chiếu còn một lò than đã ngưng hoạt động, dấu tích một thời nhộn nhịp xe bò đánh nhịp lộc cộc chở củi chở rừng về bán phố thị.

Khi Thầy dẫn chúng tôi vào khai phá nông thiền, tất cả đều rất thừa khí thế. Mấy bụi tre gai ngạo nghễ uốn cong nhánh thầm thì, xem mấy cô này ở được bao lâu. Buổi đầu tiên, bác Hai - tía của Thủy và Hạnh Đoan, lúc đó chưa là thầy Kiến Châu, chở cho một mớ cây ván để làm sàn nhà. Chúng tôi an tâm vì có bác trụ vững mấy ngày xa lạ.

Nghe nói số cây ván tốt này là bác để dành làm của hồi môn cho Hạnh Đoan. Nhà có bốn cô con gái, chị Hai đã có chồng, Thủy đi tu, Phượng kế đó cũng tu, đang ở với Sư bà Minh Đức. Hạnh Đoan út hết, đang tu ở Viên Chiếu. Vậy thì đám cây ván này để làm gì? Chúng tôi không quan tâm và cũng không biết lo nghĩ, chỉ cần có một cái sàn gác vững vàng, vừa thờ Phật vừa làm chỗ ngủ, khi mưa gió nhiều, đưa lúa lên cất cho chắc ăn. Cột một cái thang bằng cây rừng, đinh và kẽm là vật liệu hiếm, lấy dây vải nối lại thật chắc, cột nhiều lớp thật kỹ. Thang tự chế không hề lung lay, mỗi nửa tháng Thầy về làm lễ thỉnh nguyện, vẫn phải leo lên sàn gác bằng cây thang rừng. Thử tưởng tượng bây giờ có dám như thế không?

Hòa thượng tôn sư vào thăm thiền viện Viên Chiếu buổi sơ khai

Hòa thượng tôn sư vào thăm thiền viện Viên Chiếu buổi sơ khai

Viên Chiếu hôm nay đẹp như mơ. Được vậy là nhờ bước chân của Thầy đã dẫn dắt, từng ngày tháng qua đi. Hơn mấy mươi năm lăn lộn với đàn con, chỉ từng gốc cây bụi cỏ. Mỗi sáng Thầy vào sớm, sương hai bên bờ lau rủ xuống áo, thấm ướt cả tay chân. Như ông trưởng giả trút bỏ trang phục quý phái, mặc áo công nhân để gần gũi đứa con đi bụi mới về.

Thầy bỏ qua những ngày tháng nhàn nhã, gậy trúc áo vàng thong dong bên đồi Tự Tại. Từ Chơn Không về Thường Chiếu, xách giỏ đệm, áo bạc màu, rồi khi mùa màng thu hoạch, Thầy cùng ngồi lặt đậu phọng bên ánh đèn dầu. Hình ảnh vừa thương kính vừa gần gũi. Hạnh Đoan xuất gia với Thầy trên Chơn Không, được mấy ngày tháng thần tiên bên Bát Nhã.

“Ngày xưa Bát Nhã sống yên vui, biển xanh với núi đồi, tháng ngày êm trôi, tháng ngày êm trôi…” (Hạnh Đoan)

Độ tuổi đẹp nhất, khung cảnh tu tập lý tưởng nhất, đời sống y như trong sách vở. Dấu ấn một thời không thể quên. Cho đến sau này, về Viên Chiếu, mỗi sáng vác cây cuốc to bự, mang theo một cái dũa, để giữa chừng lên bờ ruộng ngồi mài lưỡi cuốc cho thiệt bén. Đất rừng vô số gập ghềnh, cuốc không bén không đi hết một mặt ruộng. Và trong tâm vẫn còn vang vọng một tiếc nuối.

“Chơn Không ơi, Chơn Không ơi thường trụ

Cố quận là quê cũ muôn đời…”

(Hạnh Đạt)

Chơn Không, Bát Nhã, lần đầu tiên được xuống tóc dưới bàn tay tế độ của Thầy, giọt nước cam lộ thấm đẫm xuân xanh.

Gian nan cực khổ không làm phai lạt khí sắc. Hạnh Đoan đặt rất nhiều bài hát, thỉnh thoảng bị mấy chị sửa lời. Như bài Mình sống với nhau có câu:

Người thấy hay chăng trong cuộc sống này!

Nơi nào đẹp bằng nơi đây?

Được cải biên: Nơi nào cực bằng nơi đây?

Riêng bài Tán ca Thầy vẫn được huynh đệ thuộc lòng.

… Thầy là vầng trăng sáng, êm soi đêm dài

Thầy là đại dương chứa dung muôn dòng sông…

Trong tâm vẫn còn giấu một nỗi niềm không nguôi, dù nói bao nhiêu điều cũng không thể nói hết. Dành cho mẹ một khung trời tưởng nhớ vô biên, tâm tình tha thiết. Mẹ ruột mất sớm, tuổi mồ côi được bù đắp bằng tình thương mẹ kế. Xuất gia rồi, mong cố gắng tu để trả hiếu, gởi về những bậc mẫu thân trong nhiều đời, những bà mẹ của muôn loài chúng sinh.

… Gọi mẹ

Gọi mẹ dù đã xa vĩnh viễn

Hoài niệm một tình ân trời biển

Mẹ như bóng râm dịu hiền

Cho con gối mộng bình yên

Ôi! Tình mẹ vô biên.

(Hạnh Đoan)

Trong những ngày này, tôi vẫn tiếc em không đi tiếp với chúng tôi đoạn đường còn lại, để có dịp gặp gỡ, cùng vui đùa kể lại một thời phá rừng làm ruộng, một thời “củ khoai bẻ nửa, hạt muối cắn đôi” nhưng “cục đường thì lủm hết”. Nét tinh nghịch chọc phá, tính khôi hài khoác lên mọi tình huống, để chỉ thấy đọng lại tiếng cười vang.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tinh thần nhập thế, phục vụ chúng sanh là thiết thực cúng dường chư Phật - Ảnh: Minh Lộc/BGN

Giúp nhau đi qua những ngày nắng hạn

GNO - Trong những ngày tháng Tư này, tình hình hạn hán gay gắt, hạn mặn xâm nhập sâu tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nói chung và vùng ngọt hóa Gò Công nói riêng đã gây nên tình trạng nhiều nơi thiếu nước để sinh hoạt trầm trọng, đời sống của người dân nơi đây đang gặp nhiều khó khăn.

Thông tin hàng ngày