Nghe Pháp thế nào cho có lợi lạc? - [Kỳ 2]: Tiếp cận, chọn lọc, xử lý thông tin một cách chánh niệm

Chương trình pháp thoại cuối tuần do Báo Giác Ngộ thực hiện, phát trên Youtube (Giác Ngộ TV) và các nền tảng số khác
Chương trình pháp thoại cuối tuần do Báo Giác Ngộ thực hiện, phát trên Youtube (Giác Ngộ TV) và các nền tảng số khác
0:00 / 0:00
0:00
GNO - “Người học Phật cần chọn lọc thông tin một cách cẩn thận, để đảm bảo quá trình học và nghiên cứu phật pháp luôn đi đúng hướng”, Thượng tọa Thích Minh Nhẫn, Phó ban, Chánh Thư ký Ban Hoằng pháp T.Ư kiêm Trưởng Phân ban Truyền thông Hoằng pháp và ứng dụng công nghệ Ban Hoằng pháp T.Ư nói như vậy.

Trong khi đó, Phật tử Chánh Tư, cũng là một Thạc sĩ Tâm lý đang làm việc ở TP.HCM thì cho rằng: “Mỗi người tìm đến những lời dạy của Đức Phật với động cơ và nhân duyên riêng biệt nhưng dù là động cơ hay nhân duyên gì thì trách nhiệm của mỗi người chính mình và cộng đồng trong việc tiếp cận, xử lý và chia sẻ thông tin cần được ý thức một cách chánh niệm”.

Tiếp tục vấn đề nghe pháp như thế nào cho có lợi lạc là những điểm nhìn được Giác Ngộ ghi nhận:

Thượng tọa Thích Minh Nhẫn: “Phật tử nên thận trọng!”

Khi mới bước chân vào hành trình tìm hiểu Phật pháp, người học nên chú trọng vào việc tiếp cận các pháp thoại và nội dung cơ bản nhằm xây dựng nền tảng kiến thức về giáo lý, lý thuyết, cách thực hành và biết cách áp dụng giáo lý đạo Phật một cách thông minh vào đời sống của chính mình.

Thượng tọa Thích Minh Nhẫn

Thượng tọa Thích Minh Nhẫn

Để bắt đầu, nên tìm hiểu các tác phẩm và bài giảng về Duyên khởi, Tứ diệu đế, Bát chánh đạo, Năm giới, cũng như lý luận về nhân quả và nghiệp báo là rất quan trọng.

Phật tử nên tìm đọc bộ sách Phật học cơ bản do Ban Hoằng pháp T.Ư và Báo Giác Ngộ phát hành, hoặc bộ Phật học phổ thông của Hòa thượng Thích Thiện Hoa biên soạn. Đây là những tài liệu giáo dục Phật học căn bản, giúp xây dựng và củng cố kiến thức cơ bản về Phật giáo, là nền tảng vững chắc cho việc hiểu sâu hơn về các giáo lý Phật học uyên thâm sâu sắc hơn trong tương lai.

Trong thời đại thông tin số phát triển mạnh mẽ, việc tiếp cận các nguồn pháp thoại trên không gian mạng trở nên vô cùng thuận tiện nhưng cũng đầy thách thức. Để đảm bảo tính xác thực và đáng tin cậy của thông tin, Phật tử cũng như những người quan tâm đến giáo lý Phật-đà nên tìm kiếm và theo dõi các nội dung từ các trang web chính thống, đã được kiểm duyệt cẩn thận.

Cụ thể, tôi giới thiệu một số địa chỉ đáng tin cậy như: Báo Giác Ngộ(www.giacngo.vn) - Một nguồn thông tin uy tín, cung cấp nhiều bài giảng, bài viết sâu sắc về Phật pháp trên YouTube Giác Ngộ TV và các nền tảng số của báo.

• Phật sự Online (www.phatsuonline.vn) - Cổng thông tin này cập nhật nhiều nội dung phong phú, phù hợp với nhiều đối tượng người học.

• Phật giáo Việt Nam (phatgiao.org.vn) - Một địa chỉ tin cậy để tìm hiểu sâu rộng về Phật giáo tại Việt Nam.

• An Viên TV(anvientv.com.vn) - Cung cấp các video thuyết pháp, giảng giải kinh điển do nhiều giảng sư chia sẻ.

• Hoằng pháp Online (www.hoangphaponline.com) - Nền tảng này được Ban Hoằng pháp T.Ư giới thiệu, nhằm cung cấp các khóa học, bài giảng trực tuyến và các video do chư Tăng Ni ngành Hoằng pháp thuyết giảng.

Bên cạnh việc theo dõi các trang website kể trên (uy tín và có người chịu trách nhiệm nội dung là các vị lãnh đạo của Giáo hội), Phật tử và những người yêu mến đạo Phật cũng nên thực hiện việc chọn lọc thông tin một cách cẩn thận, tránh những nội dung không rõ nguồn gốc hoặc thiếu tính chính xác. Từ đó đảm bảo được rằng, quá trình học tập và nghiên cứu Phật pháp luôn đi đúng hướng, mang lại kiến thức đích thực và lợi ích.

Tôi cho rằng, trong quá trình tìm hiểu và nghe pháp, việc xây dựng một nền tảng kiến thức vững chắc và kỹ năng lắng nghe sâu sắc là hết sức quan trọng. Người học Phật cần phải tự giác trong việc sàng lọc thông tin và chọn lựa nội dung phù hợp với bản thân. Dựa vào lời Phật dạy của Đức Phật trong kinh Kalama: “Không nên mù quáng tin theo truyền khẩu, truyền thống, đồn đại, kinh điển, lý luận, suy diễn, ý kiến cá nhân hay vì người đó có uy tín, hay thậm chí vì đó là thầy của bạn”. Thay vào đó, chúng ta phải biết chú trọng vào việc trải nghiệm, thực hành giáo lý nhằm mang lại lợi ích, niềm an lạc cho bản thân, cho người khác trong đời sống hiện tại và tương lai.

Trong việc lựa chọn kênh nghe pháp và tự thẩm định nội dung, người nghe cần hết sức thận trọng với các bài giảng không tuân thủ 8 nguyên tắc thuyết giảng của Ban Hoằng pháp Trung ương quy định. Các bài thuyết giảng có nội dung đả phá, phân biệt hệ phái, pháp môn tu tập truyền thống và gây chia rẽ mất đoàn kết là chưa phù hợp với tư tưởng đạo đức của Phật giáo, quy định của Hiến chương GHPGVN và quy tắc thuyết giảng của một vị giảng sư.

Phật tử Chánh Tư - Thạc sĩ Tâm lý Nguyễn Bảo Ân:

“Vạn biến không rời căn bản”

Những năm gần đây, có nhiều nghiên cứu về sức khỏe tâm linh (spiritual health) chỉ cho một cuộc sống có mục đích, sự siêu việt và hiện thực hóa các chiều hướng, năng lực khác nhau của con người. Sức khỏe tâm linh tạo ra sự cân bằng giữa các khía cạnh thể chất, tâm lý và xã hội trong đời sống nhân loại. Phật giáo, nhìn theo góc độ là con đường xa rời những cực đoan, cung cấp cho cư dân thời nay những trí tuệ để thúc đẩy sức khỏe tâm linh cũng như giúp giải quyết những thách thức mang tính thời đại.

Phật tử Chánh Tư - Thạc sĩ Tâm lý Nguyễn Bảo Ân

Phật tử Chánh Tư - Thạc sĩ Tâm lý Nguyễn Bảo Ân

Sự tự do, thuận tiện về việc tiếp cận thông tin trong xã hội đương đại như một phép mầu, một ma thuật mở ra muôn vàn cơ hội chiếm lĩnh, làm chủ tri thức. Đồng thời, chính sự thuận tiện và tự do ấy đòi hỏi mỗi người chúng ta có trách nhiệm với chính mình và cộng đồng trong việc tiếp cận, xử lý, cũng như lan truyền những thông tin, nhất là trên môi trường không gian kỹ thuật số. Và tiếp cận với những trí tuệ của đạo Phật cũng không nằm ngoài trách nhiệm đó. Là một người có nhiều thu hoạch từ những trí tuệ Phật giáo, hỗ trợ giải quyết những khó khăn của bản thân và trợ giúp người khác thông qua công việc của mình, tôi luôn ý thức rất rõ trách nhiệm trong việc tiếp cận, xử lý thông tin và chia sẻ ra cộng đồng.

Thứ nhất bản thân tôi ý thức rất rõ, tôi tiếp cận những tri thức này để làm gì, cũng như sự cần thiết chọn lọc những nguồn thông tin chính thống. Vạn biến không rời căn bản, dù có phương tiện thế nào cũng khó có thể không xoay quanh những cốt lõi chính mà Đức Phật đã dạy như Tứ diệu đế, Bát chánh đạo chẳng hạn. Nếu sai khác những cốt lõi như vậy tôi thường phát sinh nghi ngờ, tuy nhiên tôi chưa vội tin vào những nghi ngờ của mình là những phán xét có thể xuất phát từ các tiêu chí của mình dựa trên sở học và kinh nghiệm hạn hẹp của bản thân. Nhưng chính nghi ngờ đó cho phép tôi không vội tin những thông tin mà tôi đang tiếp cận. Chính việc không vội tin vào những hoài nghi của bản thân hay thông tin tiếp cận cho phép chúng ta có cơ hội lắng nghe một cách tỉnh thức trọn vẹn những thông tin mà mình đang tiếp cận.

Thứ hai, tôi quán sát, xử lý thông tin từ nhiều góc độ, mang chúng ứng dụng vào thực tiễn đời sống của mình và phản ánh lại sự thực hành của mình với những người có nhiều sở học, kinh nghiệm để được xin chỉ dẫn với tinh thần cầu thị. Đôi lúc những gì mình áp dụng bị thất bại nhưng lý do không phải những hướng dẫn và tri thức đó sai mà là vì chính bản thân chúng ta không phù hợp hay cách mà chúng ta vận dụng chưa được hợp lý. Hãy khoan vội chỉ trích và chán nản rồi buông xuôi, mà thay vào đó tôi quay lại việc tự quán sát bản thân và đi tìm sự tham vấn ở những người có nhiều kinh nghiệm.

Thứ ba, tôi hiểu sâu sắc là những gì tôi thành công trong việc áp dụng kiến thức Phật giáo vào đời sống chỉ có thể là phù hợp với tôi mà có thể không phù hợp với những người xung quanh. Khi quyết định chia sẻ thông tin, tôi thường tự chất vấn bản thân mình: Tôi chia sẻ điều này vì điều gì? Nó mang lại lợi ích, chuyển hóa trị liệu, đoàn kết cho mọi người hay mang lại sự nghi ngờ, chia rẽ, nhất là những thông tin tôi chưa tiếp cận trọn vẹn và hiểu được bối cảnh của câu chuyện. Vai trò của tôi là gì?, tôi nhân danh ai?, trong việc chia sẻ thông tin này, với tư cách tự do cá nhân, liệu tôi sẽ chịu trách nhiệm như thế nào nếu những người tiếp nhận hiểu chưa đúng ý mình và xuất hiện sự chia rẽ, đau khổ, nặng lời với nhau?

Cuối cùng là tôi tôn trọng sự khác biệt, sẽ có những ý kiến khác với cái thấy riêng của chúng ta và đôi khi cách truyền thông có thể làm cho chúng ta hiểu lầm nhau dẫn đến những suy nghĩ, lời nói không hay về nhau. Tôn trọng sự khác biệt trên tinh thần thấu hiểu bối cảnh câu chuyện của nhau giúp chúng ta gắn kết, bình an và giàu có hơn.

Mỗi người tìm đến những lời dạy của Đức Phật với động cơ và nhân duyên riêng biệt nhưng dù là động cơ hay nhân duyên gì thì trách nhiệm của mỗi người và cộng đồng trong việc tiếp cận, xử lý, chia sẻ thông tin cần được ý thức một cách chánh niệm. Thực hiện trách nhiệm ấy bằng tâm từ, mong cho mình và tất cả chúng sinh bình an, sẽ giúp chúng ta có nhiều lợi lạc về sức khỏe tâm linh và sức khỏe tổng thể thay vì lãng phí thời giờ trong việc lạm bàn những điều không đáng đầu tư.

Niềm vui nghe pháp, lan tỏa pháp

Phan Nguyễn Khánh Nhi

Phan Nguyễn Khánh Nhi

Trước đây (khi còn là sinh viên) tôi rất thường nghe pháp, nhưng thời gian gần đây thì bản thân ít nghe hơn. Thời gian chủ yếu trong ngày tôi đều dành cho công việc. Tuy nhiên, trong tuần hoặc hàng tháng cũng sẽ có những buổi tôi nghe pháp trong lúc dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn.

Tôi hay nghe pháp của thầy Nhất Hạnh và thầy Minh Niệm. Tôi không biết trùng hợp hay sao nhưng những bài pháp của hai vị thầy vừa kể hầu như rất phù hợp và rất đúng với những vấn đề mà tôi đang gặp phải, hoặc đang lăn tăn đi tìm câu trả lời nhưng chưa được.

Thật ra thì tôi cũng không biết mình thực hành được bao nhiêu phần trăm. Chỉ thấy là những lúc gặp một bài pháp hay, trong lòng tôi vô cùng hạnh phúc. Khi đó, tôi thấy nhẹ nhàng và bình yên, mọi khúc mắc trong lòng dường như được gỡ bỏ.

Những bài pháp mà tôi nghe, cứ theo một cách tự nhiên đã thấm vào trong mình, rồi từ đó bản thân áp dụng vào cuộc sống, làm cho cuộc sống nhẹ nhàng, biết cho đi, bớt đi sự ích kỷ và biết trân quý vạn vật quanh mình.

Lâu lâu thì có một số ý trong các bài pháp của các thầy cũng giúp tôi có thêm ý tưởng để viết và thực hiện một số bài podcast trên kênh YouTube cá nhân của mình - để chia sẻ và mong muốn lan tỏa lời Phật dạy đến nhiều người hơn.

Phan Nguyễn Khánh Nhi

(Phóng viên Cổng thông tin điện tử TP.Đà Nẵng)

* Nghe pháp như thế nào cho có lợi lạc? Giác Ngộ mong rằng sẽ nhận được nhiều chia sẻ của chư tôn đức Tăng Ni, như một hướng dẫn cho Phật tử. Và cả ý kiến của quý Phật tử, như một chia sẻ kinh nghiệm nghe pháp và thực hành lời Phật dạy. Bài vở gửi về: onlinegiacngo@gmail.com. Bài hay sẽ được chọn đăng trên Tuần báoGiác Ngộ online.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày