Nghi lễ và tập tục thờ cúng tổ tiên vào thời cổ đại

NSGN - Chúng ta biết rằng ngay vào thời kỳ tiền sử, khi những người Arya Ấn Độ và Ba Tư (Persia) hình thành một dân tộc riêng, họ đã thực hiện các tế lễ (yajña trong Veda [của Ấn Độ], yasna trong Avesta [của Iran]), và rằng họ có một thứ nước thánh (soma trong Veda, haoma trong Avesta), đó là nước ép lên men từ cây soma dùng làm đồ dâng cúng chính.

Nhiều nghi lễ có thể truy trở lại thời kỳ của những người Ấn-Âu ban sơ. Ví dụ, “Những yếu tố và thậm chí toàn bộ nghi thức cưới hỏi được tìm thấy thì giống hệt nhau ở Ấn Độ cổ đại, La Mã, Lithuania và ở trong những người Đức tiền Ki-tô giáo. Nghi lễ nói chung thuộc trong số những truyền thống bền bỉ và cổ xưa nhất của những giống người nói tiếng Ấn-Âu, cổ xưa hơn mọi huyền thoại được ghi chép lại của họ và cổ xưa hơn nhiều thời kỳ Veda.”1

121.jpg
Nhang thường được dùng trong các nghi lễ và tập tục thờ cúng

Tôn giáo Veda là một hệ thống nghi lễ đồ sộ, mà một số trong đó có thể truy trở lại thời kỳ những người Ấn-Âu sơ khai. Những tế lễ được thực hiện ngoài trời hay ở trong một căn nhà được dựng lên cho mục đích tế lễ mà nó nằm gần nhà người thực hiện công việc này. Không có một nơi đặt bàn thờ cố định và cũng không có bất kỳ ngôi đền nào; một bàn thờ được sử dụng cho một nghi lễ. Trong truyền thống Ṛg-Veda, bàn thờ được trải cỏ thiêng để các thần linh có thể đến ngồi trên đó. Ở trên bàn thờ, người ta đặt các đồ cúng; và họ cũng chuẩn bị lửa thánh. Những đồ dâng cúng chủ yếu là sữa, bơ lỏng, ngũ cốc và bánh. Vị tư tế chính (adhvaryu) ném những đồ cúng này vào lửa trong khi lẩm nhẩm những thể thức nghi lễ của mình. Ở một vài thời điểm nào đó trong buổi lễ, vị tư tế tụng đọc các thánh tụng.

Nhiều trong số những đặc điểm này cũng xuất hiện trong Thần đạo, tôn giáo cổ của Nhật Bản đã có mặt trước khi Phật giáo du nhập vào. Nơi nghi lễ của Thần đạo, những đồ dâng cúng như gạo, muối, xa-kê (rượu), thịt, cá, trái cây, rau củ v.v. và cả áo quần được đặt trên bàn thờ. Những vị tu sĩ đọc những lời cầu nguyện (norito) khác nhau.

Ở những buổi tế lễ Soma của Ấn Độ, những tu sĩ thu thập nhánh cây soma, dùng hai mảnh đá ép lấy nước, lọc nước bằng một cái rây, trộn nó với sữa, sau đó rót vào trong những chiếc chậu và bày nó ra bàn thờ cho các vị thần uống. Tế lễ thú vật thường kèm theo cả đồ cúng lửa và nghi lễ Soma. Những súc vật như dê, bò, cừu hoặc ngựa bị giết và cắt miếng ra theo luật lệ và các miếng thịt được bày ra trên bàn thờ, trong khi một số phần được thiêu trong lửa. Thịt sau đó được chia cho người dâng tế lễ và các thầy tế.2

Tế lễ Soma gợi nhắc chúng ta nhớ đến những nghi lễ Bacchus ở Hy Lạp, và sự thực, chúng ta có thể tìm thấy nhiều sự tương đồng với tôn giáo Hô-me. Nghi thức tế đàn bao gồm việc dâng cúng cho thần linh một con thú hay một lễ phẩm là trái cây và ngũ cốc. Tế lễ có thể kèm theo rượu hay không có rượu. Nghi thức tế lễ “…bao gồm cầu nguyện kèm với một ít ngũ cốc, tiếp theo bằng việc thiêu cúng con thú. Một phần thịt được những người thờ cúng nếm qua và sau đó dâng cho thần linh bằng việc thiêu đốt. Phần còn lại được dùng làm cỗ tiệc cùng với rất nhiều rượu.”3 Những người Hy Lạp cũng có một nghi thức tế lửa, và họ đặt tầm quan trọng vào việc cùng ăn với nhau.4 Tương tự, người Thương (商) của Trung Quốc cổ đại thường xuyên thực hiện các lễ cúng thần linh. Thú vật thường được sử dụng, nhưng thỉnh thoảng rượu, có thể là một loại bia, được rưới xuống đất. Những tế lễ được thực hiện đối với đất và gió, và với nhiều vị thần thiên nhiên phần nào mơ hồ, cũng như đối với bốn phương chính.5 

Mặc dù có những sự tương đồng như vậy, chúng ta dĩ nhiên cũng tìm thấy những khác nhau ở trong những ngữ cảnh xã hội mà ở đó những tôn giáo này hành hoạt. Từ khoảng năm 700 tr.TL, đền thờ Thần Apollo tại Delphi trở thành địa điểm chính và là mối liên kết tinh thần mạnh mẽ nhất trong thế giới Hy Lạp. Nhưng ở trong tôn giáo Veda, không hề có thánh địa cụ thể. Trong Ấn giáo, có nhiều thánh địa (tīrtha) được những người hành hương đến chiêm bái, nhưng không hề có sự điều phối trung ương.

Tuy nhiên, việc thiếu hợp nhất trong những người Hindu không có nghĩa rằng ở đó không tồn tại sự kiểm soát xã hội bằng những luật cấm của tôn giáo. Ở những cộng đồng làng xã ban đầu, thế giới trần tục và thế giới thánh thần có rất ít phân biệt. Ở Ấn Độ cổ đại, những Dharma-sūtra, những bản kinh quy định các định chế xã hội, thì không có gì khác hơn ngoài một ngành khoa học về các nghi lễ (kalpa), là một trong sáu ngành khoa học phụ trợ (vedāṅga) của Veda. Những định chế xã hội được xem như một phần của chủ nghĩa nghi thức. Có một sự tương ứng với vấn đề này ở Nhật Bản cổ đại. Từ tiếng Nhật ban đầu chỉ cho việc “điều hành chính trị” hay “cai trị” là matsurigoto, có nghĩa đen là “một vấn đề cúng tế”, hay “nghi lễ tôn giáo”; và miya vừa có nghĩa là “cung điện”, vừa có nghĩa là “miếu thờ”. Hirata Atsutane, nhà Thần đạo nổi tiếng, nói rằng: “Thờ cúng thần linh là điểm khởi đầu của chính phủ, hay nói đúng hơn, nó là chính phủ”. Kiến thức của giới tu sĩ bao gồm sự hiểu biết về xã hội và chính trị.

Ở nơi vòng đời của mình, mỗi người Hindu phải nhận 12 bí tích (saṃskāra), từ thời điểm vị ấy được thụ thai cho đến lúc qua đời. Những bí tích của người Hindu đại khái tương tự với những bí tích của Giáo hội Công giáo La Mã. Lễ rửa tội của phương Tây phần nào tương tự với lễ chào đời (jāta-karman) của người Hindu, saṃskara thứ tư. Tương ứng với việc đặt tên thánh cho đứa trẻ trong Ki-tô giáo, trong Ấn giáo có bí tích đặt tên (nāma-karaṇa). Lễ thêm sức/kiên tín của phương Tây tương ứng với lễ ra khỏi nhà (niṣkramaṇa, mang đưa bé ra khỏi nhà), bí tích thứ sáu của Hindu, và cũng tương ứng với phong tục Miyamairi (bái lễ đền thờ) của người Nhật. Kết hôn là một bí tích dành cho cả tín đồ Ki-tô giáo và Ấn giáo.6

Trong văn học Brahmaṇa, tế lễ mang tầm quan trọng rất lớn. Một nhóm tu sĩ đông đảo điều hành một hệ thống nghi lễ quy mô và phức tạp mà nó được gán cho những ý nghĩa mang tính tượng trưng. Trong các Brāhmaṇa, ta có thể thấy các Bà-la-môn không phải là những tu sĩ quá sùng đạo phục vụ thần linh bằng việc cầu xin một cách thành khẩn, mà họ là như những thầy phù thủy, những người bắt ép và đánh đuổi thần linh bằng quyền năng ma thuật của họ. Các Bà-la-môn ở Ấn Độ nghĩ rằng có một mối liên hệ mật thiết giữa tế lễ và quá trình diễn biến các sự kiện tự nhiên. Tế lễ không chỉ tượng trưng và mô phỏng những khía cạnh khác nhau của thế giới tự nhiên, mà còn được xem có thể thay đổi chính tiến trình diễn biến của thế giới tự nhiên. Ví dụ, một thánh điển của Ấn giáo nói rằng: “Vì con người thực hiện tế lửa mỗi buổi sáng, do đó mặt trời mọc lên sáng rực. Ngược lại, nếu họ không thực hiện tế lửa, mặt trời sẽ không bao giờ mọc”.7

Ở Trung Quốc cổ đại, một hệ tư tưởng phần nào tương tự được các Nho gia chính thống đặt ra và nó có thể được gọi là một loại “triết học về vũ trụ”, mà theo đó thế giới vi mô và thế giới vĩ mô được thiết lập trên cùng thể thức. Ở Ấn Độ, loại tư tưởng này có thể có nguồn gốc từ Atharva-Veda cho đến Mật giáo (Tantrism) vào những thời kỳ về sau.8

Những tu sĩ Ấn Độ cho rằng họ có thể kiểm soát mọi hiện tượng trong vũ trụ bằng việc thực hành các tế lễ đúng cách thức. Tế lễ chính nó có quyền lực vô hạn; ngay cả thần linh cũng bị buộc chặt bởi sức mạnh phi thường được thể hiện trong đó. Họ nghĩ rằng nếu con người cầu khẩn thần linh bằng việc tuân theo những thể thức tế lễ đúng đắn, thần linh bị buộc phải ban tặng ân sủng. Mối liên hệ giữa một vị thần và một kẻ sùng đạo là mối liên hệ của “cho và nhận”.  “Ông ta cúng tế thần linh với lời nói: ‘Ngài hãy cho tôi và tôi sẽ cho ngài; ngài hãy ban tặng cho tôi và tôi sẽ ban tặng ngài!’9 Tôn giáo của các Brahmaṇa cuối cùng biến mất trong cơ chế nghi lễ tầm thường và những giả tạo của chủ nghĩa hình thức. Bằng việc thực hành tế lễ, họ tìm cách đạt lấy những mục đích cụ thể, đó là mùa màng bội thu, con cái chăm ngoan và khỏe mạnh, tăng thêm lượng gia súc, lành bệnh, có danh tiếng xã hội, v.v... Các Bà-la-môn trở nên nhiệt huyết với những thứ trần tục này.

Ở Hy Lạp, chúng ta có thể tìm thấy một định nghĩa về hạnh phúc mà nó được quy cho Solon và được Herodotus (484?-425 tr.TL) tán thành: “Ông ta có đầy đủ chân tay, một người không biết gì đến bệnh tật, không gặp bất hạnh, hài lòng với con cái và được xem là hòa nhã. Ngoài tất cả những điều này ra, nếu ông ta qua đời một cách an ổn, thì ông ta thật sự là người mà các bạn đang tìm kiếm, người có thể chính đáng được xem là hạnh phúc”.10 Salon cầu khẩn Muses: “Xin cho con luôn nhận được sự may mắn từ thần linh và có được thanh danh giữa loài người”. Techomachus trong Kinh tế học của Xenophon (Economics of Xenophon, khoảng 434-355 tr.TL) đã liệt kê ra những chủ đề cầu nguyện: “Sức khỏe, sức mạnh thân thể, có danh tiếng tốt trong thành phố, quan hệ hữu hảo với bạn bè, an toàn trong chiến tranh, gia tăng tài sản”. 

Chúng ta không thể tìm ra một quan điểm rõ ràng nào về đời sống tương lai trong các Brāhmaṇa. Tái sinh trên trái đất đôi khi được xem như một phước lành mà không phải là một điều xấu cần phải trốn thoát. Nhưng quan điểm át trội nhất là, thực hành tế lễ đảm bảo cho con người sự bất tử trên thiên giới, nơi trú ngụ của thần linh, hay ít nhất có được tuổi thọ. “Người nào thực hiện tế thì sẽ có được danh tiếng và sự thịnh vượng suốt đời; bản thân đạt được sự hợp nhất với hai vị thần, đó là Thần Mặt Trời (Āditya) và Thần Lửa (Agni), và cư ngụ với họ trên cùng cõi trời”.11 Tuy nhiên, những đoạn khác trong các Brāhmaṇa có liên quan đến vấn đề đời sống tương lai thì bất nhất.

Xa lánh thần linh được xem là tội lỗi.12 Nhưng có những tội lỗi thuộc đạo đức và có những tội lỗi thuộc nghi lễ.13 Biết có tội lỗi thì cần phải cúng tế và sám hối (prāyaścitta) đối với Varuṇa, vị thần đáng sợ nhất của những người Ấn vào thời Brāhmaṇa. Về đặc điểm chung của tôn giáo Brāhmaṇa, có người cho rằng “Thời kỳ này, về tổng thể, là một thời kỳ hình thức chủ nghĩa, ở đó người ta thiết tha với việc hoàn thành tế lễ hơn là hoàn thiện tâm hồn của họ”.14

Tương ứng với prāyaścitta, lễ “Thanh tẩy lớn” (Oharai) được thực hiện trong Thần đạo hai lần một năm để xóa bỏ những tội chống trái thần linh. Những tội được liệt kê là loạn luân (bên trong những ranh giới hay mối quan hệ hẹp), hành động thú tính, gây tổn thương, và một số liên quan đến hoạt động nông nghiệp. Rõ ràng rằng khái niệm tội lỗi trong Thần đạo Nhật Bản hoàn toàn cụ thể. Ví dụ, một người muốn được trong sạch phải dùng một mẩu giấy nhỏ tạo thành hình của mình và thả xuống một dòng sông để mang tội lỗi của mình đi, như việc dùng dê thế tội (trong lễ xưng tội của người Do Thái). Khái niệm tội lỗi của Thần đạo cho thấy hoàn toàn giống với khái niệm được tìm thấy trong các Brāhmaṇa.

Đời sống kiếp sau

Những người Aryan-Ấn Độ sơ kỳ yêu thích đời sống trần tục. Quan điểm của họ về thế giới không bị làm hoen ố bởi cảm giác u sầu, và họ cho thấy không quan tâm nhiều về tương lai của linh hồn. Họ mong cho mình và con cháu sống lâu trăm tuổi.15 Họ chỉ có những khái niệm mơ hồ về trời hay địa ngục. Tuy nhiên, họ tin rằng cái chết không diệt mất hoàn toàn. Họ tin rằng linh hồn tiếp tục tồn tại sau khi thân xác, thứ bao bọc linh hồn, chết đi. Người tốt, gan dạ và rộng lượng sẽ được hưởng một đời sống mới hạnh phúc ở một nơi mà linh hồn của người qua đời được chuyển đến sau khi chết. Người ta tin rằng linh hồn của người tốt sau khi chết sẽ đi vào cõi trời ánh sáng của Yama, ở đó họ sống một đời sống sung sướng cùng với tổ tiên (pitaraḥ) của họ.16 Quốc độ của người chết là ở các cõi trời, và người sắp qua đời được an ủi bằng niềm tin rằng sau khi chết vị ấy sẽ sống với vua Yama ở cõi trời cao nhất. Vị cai trị người chết, Yama trong Veda, con trai của Vivasvat, tương ứng với Yima trong Avesta, con trai của Vihahvant, là người cai quản thiên đường.

Yama và Yamī, em gái của ông, là những người đầu tiên đã đi vào thế giới khác để cai trị nó. Tại nơi ở của Yama, chư tổ tiên, tức là những người đã qua đời, sống một đời sống bất tử sung sướng cùng với Yama: những vui sướng của cõi trời là những vui sướng của cõi trần thế được làm cho toàn mãn và tăng lên thêm. Những người Arya tìm kiếm một đời sống hạnh phúc giác quan bất tử.17 Họ tin vào khả năng gặp được tổ tiên của họ ở nơi vương quốc của Yama;18 và nơi chính đời sống này, họ thờ phụng và bày tỏ sự quan tâm nhiều đối với vong hồn của những tổ tiên quá vãng.

Ở Nhật Bản, những thần thoại cổ xưa thường đề cập đến thế giới Yomi (thế giới u tối), xem đó là nơi ở của người chết. Một số thần linh được cho đã đến đó vào lúc chết, nhưng có ít chứng cứ cho thấy rằng người Nhật cổ đại nói chung tin vào một trạng thái hiện hữu tương lai.19 Tương tự, người Trung Quốc dường như cũng có một khái niệm mơ hồ về việc ban thưởng cho người tốt và trừng phạt người xấu trong tương lai. Không có cõi trời mang nghĩa thiên đường, cũng không có địa ngục mang nghĩa một nơi phán xét cuối cùng.

Trong Ṛg-veda, số phận của người ác được cho sẽ rơi xuống và biến mất ở nơi vực thẳm tăm tối. Varuṇa được cho sẽ đẩy người làm ác xuống vực thẳm tăm tối mà không người nào quay về được. Các thần linh thỉnh cầu Indra đem lại bóng tối cho người xúc phạm việc thờ phụng thần.20 Tuy nhiên, không hề có dấu vết được tìm thấy liên quan đến niềm tin vào luân hồi, điều quá nổi bật trong tư tưởng triết học của người Ấn về sau. Về thuyết mạt thế của Ṛg-veda, một học giả nói: “Ở nơi những yếu tố cốt tủy nhất của chúng, những quan điểm về đời sống tương lai này không chỉ của Veda mà chúng là di sản chung của “bảy” chủng tộc Arya. Chúng vẫn tiếp tục tồn tại ở nơi những người Ba Tư (Persia) trong một hình thức được làm cho vững chắc thêm, và rõ ràng đã được thay đổi theo cùng khuynh hướng, mà rất ít được sửa đổi bằng những quan niệm đối lập. Và khi chúng ta thấy những cuốn sách Hê-brơ cổ nhất cho thấy có ít dấu vết về một đời sống tương lai bất tử, điều trở thành rất phổ biến trong những người Do Thái sau khi bị giam cầm ở Mesopotamia, và dường như rằng không có bộ tộc Xê-mít nào khác đã sáng tạo ra quan điểm đó, câu hỏi tự nhiên xuất hiện trong đầu chúng ta là, có phải là chúng ta đã không bắt gặp ở nơi những niềm tin Arya này nền móng của một công trình lớn, nền móng của niềm tin vô cùng mạnh mẽ vào sự bất tử của linh hồn mà nó đã đóng vai trò rất to lớn trong việc định hình nên châu Âu ngày nay”.21

Thờ cúng tổ tiên

Những người du mục hay những người chăn nuôi gia súc hiếm khi thực hiện việc thờ cúng tổ tiên. Nhưng ở đâu xuất hiện sự định cư và ở đâu đất đai được con cháu thừa hưởng, phong tục thờ cúng tổ tiên thường được tìm thấy và những nghi lễ của phong tục này thường được phát triển thành một thể thức chi tiết và phức tạp.

Ở Ấn Độ, những linh hồn tổ tiên (pitara) được thờ phụng và an ủi. Họ được nói đến trong những thánh tụng22 được sáng tác vào giai đoạn cuối của thời kỳ liên quan đến Ṛg-veda. Vị chúa tể của những linh hồn tổ tiên này là Yama. Ông cai trị cảnh giới của người chết, cho đến cả cõi trời cao nhất. Về nguồn gốc, ông được đồng nhất với Yimi, mà ở trong Avesta được cho là con người đầu tiên, thủy tổ của loài người. Vì là người chết đầu tiên, ông trở thành vua của cảnh giới người chết.

Những Pitṛ, những tổ tiên đã qua đời, giữ một vị trí quan trọng ở trong đời sống của người Hindu. Cúng tế cho những vong hồn (pitṛyajña) là bổn phận quan trọng nhất của người gia chủ. Trong những thánh tụng Veda, Pitṛ được xem là bạn đồng hành của thần linh và được cầu khấn cùng với thần linh.23 Họ sống với các vị thần ở cõi trời cao nhất. Họ nhận những lời cầu nguyện và đồ cúng làm thức ăn. Người ta cúng tế với hy vọng rằng vong hồn tổ tiên sẽ can thiệp và bảo vệ họ. Vong hồn tổ tiên có khả năng gây hại cho con cháu của họ nếu con cháu họ phạm lỗi chống trái tổ tiên. Họ có thể ban sự giàu có, con cái, và thọ mạng lâu dài cho những con cháu biết tuân theo lề lối của họ. Việc tế tự tổ tiên (pitṛyajña) được xem quan trọng hơn việc thực hành theo con đường của chư thiên (devayāna: thiên đạo).

Việc cúng tế cho những vong hồn tổ tiên rõ ràng hơn ở nơi đời sống xã hội và tôn giáo của người Hindu vào những thời kỳ về sau. Nó được thực hiện đều đặn không chỉ vào những thời điểm được định trong năm mà cũng vào những dịp lễ quan trọng, chẳng hạn như lễ đánh dấu sự trưởng thành, lễ kết hôn, v.v... Không cầu xin ân điển của vong hồn tổ tiên, người ta sẽ không thể hoàn thành những bổn phận gia đình này một cách hợp thức. Tầm quan trọng gắn liền với việc cúng tế tổ tiên (pitṛyajña) vào thời cổ xưa vẫn được duy trì ở nơi đời sống người Hindu ngày nay.

Như được biết, linh hồn giữ một vị trí quan trọng ở trong tôn giáo Trung Quốc ban sơ.24 Bên cạnh Trời, sự ảnh hưởng của vong hồn được xem là điều quan trọng nhất trong việc quyết định tương lai. Người ta cúng tế định kỳ để làm vui lòng tổ tiên quá vãng để con cái họ có thể có được sự thịnh vượng, tuổi thọ, hạnh phúc và an bình, v.v... Con đường tổ tiên được xem là “con đường thẳng” (直路/trực lộ) mà con cháu họ cần đi theo.

Nhiều thông tin về cúng tế vong hồn được tìm thấy trong những bài thơ cổ được lưu giữ ở trong Kinh Thi:

“Ôi, tổ tiên vinh hiển

Phúc đức thật bao la

Quà tặng nhiều vô tận

Họ cần đến chúng ta.

Hãy mang cho họ rượu

Chiến thắng họ sẽ ban

Đây canh nêm nấu kỹ

Xào trộn đã sẵn sàng… 

Thịnh vượng từ trời xuống.

Được mùa, sống sung túc.

Họ đến họ nhận lấy

Ban vô lượng phước đức”.25

Như vậy, không chỉ vì thọ mạng lâu dài và sự thịnh vượng mà người ta cúng tế tổ tiên; mùa màng bội thu cũng tùy thuộc vào sự tử tế của họ. Họ phải dâng cúng tất cả những thứ tốt nhất mà họ có; trước hết là trái cây, rồi thức ăn đồ uống ngon; những con thú béo tốt nhất cũng dành cho cúng tế, v.v... Một số thông tin liên quan đến những thủ tục cúng tế cũng có mặt trong Kinh Thi. Chúng ta được cho biết rằng một người trong khi cúng tế tổ tiên của họ đã dâng dưa chuột, lông, máu và mỡ của một con bò bị giết. Vị ấy dùng rượu thơm làm rượu cúng. Lông của con thú được dâng cúng để chứng minh rằng con thú đó thuần chủng. Máu của nó được dâng cúng để thể hiện rằng con thú đó đã thực sự bị giết. Rượu thơm được dâng cúng để mùi thơm của nó có thể cuốn hút tổ tiên đến nơi cúng tế.26

Ở Trung Quốc thời nhà Thương, có một vị thần quan trọng được gọi là Đế (帝) hay Thượng Đế (上帝). Có lẽ Thượng Đế đơn thuần tượng trưng cho vị “tổ tiên đầu tiên”. Việc thờ cúng tổ tiên của truyền thống Trung Quốc có niên đại trở lại thời kỳ sơ khai này. Nhiều lời bói được ghi trên xương (甲骨)27 có liên quan đến việc giúp đỡ hay gây hại của một người quá cố nào đó đối với con cháu đang còn sống của vị ấy.28 Vào thời nhà Chu, những hoạt động lễ hội chính của nhà nước tập trung quanh những ngôi từ đường của vua. Việc cúng tế cũng được thực hiện đối với người được cho đã sáng lập triều đại cầm quyền này là Hậu Tắc (后稷), người rõ ràng là một vị thần nông nghiệp.29 Tuy nhiên, thông tin về việc thờ cúng tổ tiên của Trung Quốc cổ đại (trước Khổng Tử) hầu như liên quan đến tầng lớp cai trị; việc thực hành trong quần chúng thì không rõ ràng. Chỉ vào những thời kỳ về sau việc thờ cúng tổ tiên trong dân chúng mới được ghi nhận.

Ở Nhật Bản, việc thờ cúng tổ tiên không thể hiện rõ ở trong Thần đạo sơ kỳ. Chỉ lễ cúng uji-gami (氏神/thị thần) là điều có thể so sánh với việc thờ cúng tổ tiên. Thần thoại Nhật Bản đồng nhất nhiều vị thần với chư tổ tiên của thị tộc (uji), và cuối cùng, những nhân vật lịch sử hay thần thoại khác nhau đã được sáp nhập vào trong đó. Về sau, việc thờ cúng tổ tiên trở nên phổ biến trong quần chúng và trở thành một nét đặc trưng của người Nhật.30 Vào thời cổ xưa, chức vụ thủ lĩnh địa phương và quan lại triều đình được thừa kế theo kiểu cha truyền con nối trong một số dòng họ. Kết quả là tên gọi chính thức của những chức vụ do các gia đình nắm giữ thì giống với tên của dòng họ. Mỗi dòng họ hay thị tộc này có vị thần riêng của họ, được gọi là uji-gami (氏神), và các thành viên trong dòng họ đó thỉnh thoảng tụ họp lại để cúng bái vị thần ấy.

Không có đủ chứng cứ để chứng minh rằng việc thờ cúng tổ tiên tồn tại vào thời của Hô-me (Homer), nhưng dường như rằng phong tục thờ cúng một vị anh hùng hay tổ tiên của đất nước đã xuất hiện. Chứng cứ sớm nhất mà chúng ta có về tập tục này có niên đại khoảng 700 tr.TL, nhưng có lý do rõ ràng để tin rằng việc thờ cúng những vị tổ tiên anh hùng đã là một phần của tôn giáo tiền Hô-me. Việc phục vụ chu đáo người chết được xác chứng vào thời kỳ Mycenae qua những ngôi mộ được phát hiện tại Tiryns và Mycenae. Nhưng Hô-me dường như cố ý bỏ qua đặc điểm thiêng liêng của việc thờ cúng này.31 Vào thời kỳ khi Hy Lạp cổ đại có những quan niệm và khuynh hướng rõ ràng (khoảng 900-500 tr.TL), tập tục thờ cúng những vị anh hùng hay tổ tiên của đất nước (hay bộ tộc, thị tộc) mới được thiết lập. 

Hajime Nakamura
(Nguyên Hiệp dịch)/Nguyệt san Giác Ngộ

(Nguồn: Hajime Nakamura, A Comparative History of Ideas, Motila Banarsidass, Delhi 1992, tr.35-43)

_______________

(1) Daniel H. H. Ingalls trong Journal of the American Oriental Society, vol. 77, 1957, p.22. Tham chiếu M. Winternitz, A History of Indian Literature, Calcutta, University of Calcutta Press, vol. 1, 1927, pp.272-275.

(2) John Nicol Farquhar, An Outline of the Religious Literature of India (London: Oxford University Press, 1920), p.14.

(3) Martin P. Nilson, Greek Folk Religion (New York, Harper and Brothers, 1961), p.105.

(4) Jane Ellen Harrison, Themis, A Study of the social origins of Greek Religion. Cleveland and New York, the World Publishing Company. Meridian Books, 1962, pp.133-139.

(5) Reischauer and Fairbank, East Asia, the Great Tradition, p.46.

(6) Tham khảo Manu, II, 27, f.

(7) ŚBr., II, 3, I, 5.

(8) J. Przyluski and M. Falk, “Aspects d’une ancienne psycho-phisiologies dans I’Inde et en Extreme-Orient”, Bulletin of the School of Oriental Studies, University of London, 1938, pp.223-288.

(9) Vājasameyi-Saṃhitā, III, 50; tham khảo ŚBr., 5, 3, 19.

(10) 1-32, Herodotus, History. A new English version, edited with copious notes and appendices, by George Rawlinson, assisted by Henry Rawlinson, and J.G. Wilkinson. New ed. London, J. Murray, 1862, p.142.

(11) ŚBr., XI, 6, 2, 5.

(12) Ṛg-Veda, VII, 86, 6; tham chiếu VII, 88, 5;6.

(13) Ṛg-Veda, I, 23, 22; I, 85.

(14) S. Radhakrishnan, Indian Philosophy, op. cit., vol. 1, p.136.

(15) Ṛg-Veda, X, 18.

(16) Ṛg-Veda, X, 14, 10.

(17) Ṛg-Veda, IX, 113, 7-11; Atharva-veda, IV, 34, 2-4 và những đoạn khác, được trích từ Original Sanskrit Texts của J. Muir (Reprint Amsterdam: Oriental Press, 1967), vol. V, p.306 f.

(18) Ṛg-veda, I, 24, 1; VII, 56, 24.

(19) Kojiki-den, vol. 2. (Motoori Norinaga Zenshū, edited by Hoei Motoori, vol. 1, p.150). Giải thích của Motoori Norinaga được Hirata Atsutane, một học trò của ông, thừa kế và nói đến ở trong tác phẩm Kodō Taii (Hirata Atsutane Zenshū, edited by Mannen Ueda Tokyo: Naigai Shoseki Co., 1932, vol. 7, p.37).

(20) Ṛg-veda, X. 132, 4; IV, 5, 5; IX, 73, 8; X, 152, 4.

(21) T.W. Rhys Davids, Lectures on the origin and growth of religion as illustrated by some points in the history of Indian Buddhism (2nd ed., London, Williams and Norgate, 1891), pp.16-17.

(22) Ṛg-veda, X, 15, 54.

(23) Ṛg-veda, X, 15.

(24) Theo Prabodh Chandra Bagchi, India and China, A thousand years of cultural relations, 2nd ed. Bombay, Hind Kitabs, 1950, pp.183-184.

(25) Ode, số 204, theo bản tiếng Anh của Arthur Waley.

(26) P.C. Bagchi, India and China, p.183.

(27) Giáp cốt: Là những thanh xương vai của con bò hay mai rùa được sử dụng cho việc xem bói vào thời nhà Thương (khoảng 1600-1046 tr.TL) (ghi chú của người dịch Việt).

(28) Reischauter and Fairbank, East Asia, pp.46-47.

(29) Ibid., p.50.

(30) “... Quan trọng nhất trong những tình cảm đạo đức của Thần đạo là thái độ yêu thương đối với quá khứ, một tình cảm không hề có sự tương ứng thật sự ở nơi đời sống tình cảm của chúng ta. Chúng ta biết về quá khứ của mình rõ hơn người Nhật biết về quá khứ của họ; chúng ta có vô số sách vỡ ghi chép lại quá khứ và tình trạng liên quan của nó, nhưng trong mọi ý nghĩa, chúng ta không được bảo phải yêu thương hay cảm thấy biết ơn quá khứ. Có những thừa nhận mang tính phê bình về sự tốt đẹp lẫn những khuyết điểm của quá khứ; có vài sự hân hoan hiếm hoi được gợi lên bởi những mặt tốt của quá khứ; có nhiều lên án mạnh mẽ về những sai lầm của nó. Những điều này thể hiện toàn bộ suy nghĩ và tình cảm của chúng ta về quá khứ. Thái độ học thuật của chúng ta trong việc xem xét quá khứ là tất yếu hờ hững; thái độ nghệ thuật của chúng ta, thường khoan dung hơn; thái độ tôn giáo của chúng ta phần lớn là lên án”. (Lafcadio Hearn, Some Thoughts about Ancestor-Worship).

(31) ERE, VI, 398 b.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hơn 100 em thanh thiếu niên tham gia khóa tu "Tuổi trẻ" lần thứ I tại chùa Long Phước

Chùa Long Phước (TP.Bạc Liêu) khai mạc khóa tu Tuổi trẻ lần thứ I

GNO - Sáng 15-12, chùa Long Phước (P.5, TP.Bạc Liêu) tổ chức khai mạc khóa tu Tuổi trẻ lần thứ I với sự chứng minh của Thượng tọa Thích Giác Nghi, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh, trụ trì chùa Long Phước; chư tôn đức giáo thọ sư, Phật tử và hơn 100 thanh thiếu niên tham dự khóa tu.

Thông tin hàng ngày