GN - Thi thoảng tôi vẫn hay ngồi nghe những câu chuyện của bạn bè, người thân thương, họ ngồi kể và thường kể nhiều về một trong hai chuyện: hoặc rất buồn, hoặc rất vui.
Là tháng năm này, hiện tại đây chứ đâu?
Có lẽ những gì vui nhứt hay buồn nhứt sẽ lưu lại trong lòng mỗi người nhứt.
Thầy giáo hồi phổ thông của tôi từng xác tín một cách khét lẹt thế này: “Để học trò nhớ mình thì hoặc người thầy thiệt giỏi, không thì thiệt khó (ý thầy là nghiêm khắc)”, và thầy phủ nhận vế đầu, để rồi quả quyết chọn vế sau! Mà quả thiệt như vậy, bây giờ về trường xưa, nhắc tới thầy cô nghiêm, ai cũng nhớ thầy và kể về những lần “đụng độ” với một niềm hoan hỷ.
Trở lại chuyện buồn vui của mỗi người, thực ra ai cũng từng, quan trọng là mình đã nhớ về nó như thế nào! Nhớ về niềm vui cũ để so sánh và không hài lòng với hiện tại (cũng vui) thì mình sẽ đánh mất niềm vui đang có vì thấy không hài lòng, tiếc nuối.
Nhớ về nỗi buồn xưa để ôm mối sầu và nỗi hận đến mức không nguôi và thôi thúc thành hành động trả thù người gây ra chúng hoặc vô duyên hơn là... trả thù đời vì không muốn ai có niềm vui, hạnh phúc khi mình từng không có, đến giờ vẫn chưa có vì chưa hề quên!
Người hiểu rõ nhân-duyên-quả thì buồn hay vui đều là tháng năm rực rỡ vì mọi biểu hiện ấy đều giúp mình trưởng thành, giúp mình có cơ hội tiếp xúc với chính mình để thấy: ta còn dính mắc hay thực đã thong dong, đã sống tùy duyên, trân trọng mọi thứ đến với mình?
Người thấy nhơn-quả thì vui buồn gì cũng có thể thốt lên “cảm ơn rất nhiều”: niềm vui này, nỗi buồn kia đã dạy tôi a, b, c, d... (với những giá trị tốt lành nào đó).
Trong đạo Phật có khái niệm “nghịch tăng thượng duyên” để chỉ về những nỗi khổ mình trải qua đã thôi thúc cho mình sống tử tế, mạnh mẽ, thấy đời mầu nhiệm quá chừng! Nhờ bất như ý đó đã sản sinh ra một thực-thể-mình có khả năng hiểu và thương, chịu đựng và tha thứ, có thể buông bỏ một cách dễ dàng vì biết rõ điều đó/người đó không cùng chung hướng đi mà đòi đi chung chỉ làm khổ nhau thôi...
Tất nhiên, nhờ hiểu vậy nên vẫn cảm ơn tháng năm rực rỡ được cùng đi một đoạn trong sự xê dịch, cố gắng thay đổi để cho phù hợp (với nhau) giữa mình và họ.
Và nỗi buồn kiểu vậy, quan sát nỗi buồn trong tâm thế đó thì nỗi buồn đó cũng long lanh lắm, tháng năm đó cũng rực rỡ vô cùng, không khác những ngày tươi vui nào khác.
Nói về tháng năm rực rỡ, nhiều người hay nghĩ về tuổi trẻ, bởi nhiều sức khỏe và nhiều trải nghiệm mới mẻ! Tôi không nghĩ vậy, bởi bất cứ ngày nào mình sống đều là một, là riêng, là thứ nhứt (như Xuân Diệu nói). Nên cứ sống trọn lòng với hiện tại thì ai hỏi mình tháng năm rực rỡ của anh chị, cô chú, của bạn là, thì có thể vui vẻ trả lời: là tháng năm này, hiện tại đây chớ đâu?
Trả lời vậy rất đúng với tinh thần “an trú hôm nay”, và chắc chắn sẽ “hạnh phúc liền giây phút này”, để thương ai cũng y như thuở mới yêu đầu…