Người bước ra từ bóng đêm mê lầm...

GN - Cái nóng rát đến bỏng da bởi ánh nắng chói chang của trưa hè Sài Gòn vẫn không làm cho người đàn ông ấy nao núng. Ngày nắng cũng như ngày mưa, với chiếc áo thun tay cộc cũ kỹ, mỏng manh, để lộ hai cánh tay đen nhẻm, chú vẫn bình thản cho xe lăn bánh trên đường và cất vang bài ca “Phật giáo Việt Nam...”.

Xe chú đi đến đâu là hình ảnh Phật giáo đi đến đấy! Chú là người bán đồ chơi trẻ em đồng thời cũng là người phát hành kinh sách Phật giáo miễn phí trên những nẻo đường mình đi qua.

Anh 1, PGTT 759, bai Tong Thi Khanh An.jpg
Chú Nguyễn Văn Mùi rong ruổi trên những nẻo đường
mưu sinh, trao giáo lý đạo Phật tới mọi người - Ảnh: K.An

1 Tôi tình cờ gặp lại chú trong một quán cơm chay nhỏ ở Nhà Bè (TP.HCM), thế là cuộc trò chuyện chóng vánh giữa hai chú cháu diễn ra. Hiểu thêm về cuộc đời chú, tôi mới thật sự nể phục cho tâm đạo hiếm có của một người “tự thắp đuốc mà đi” như chú, càng thấy Phật pháp nhiệm mầu hiển hiện khắp thế gian.

Chú tên thật là Nguyễn Văn Mùi, ngụ tại Q.4 (TP.HCM). Ít ai biết rằng người đàn ông hay cười, gió bụi phong trần 60 tuổi này từng có một thời trai trẻ vào tù ra tội, một đứa con ngỗ nghịch, phá gia chi tử, một người chồng suốt ngày chỉ biết rượu chè, cờ bạc mà quên đi bổn phận làm chồng làm cha.

Ẩn trong đôi mắt sâu thẳm kia là một sự ăn năn, hối hận khi nhớ lại quãng đời không mấy tốt đẹp mà mình đã trải qua. Bỏ học từ nhỏ, 16 tuổi đi lính, sau đó bị bắt và cải tạo gần 2 năm kể từ khi đất nước thống nhất. Ra tù, chú tiếp tục tham gia băng nhóm giang hồ, trộm cướp rồi lại tiếp tục ngồi tù liên tiếp 12 năm. Những tưởng sau khi được trả tự do, chú sẽ thay đổi nhận thức, làm lại từ đầu, nào ngờ bản tính ham chơi lêu lổng một lần nữa lại phá hỏng con người. Chú lại lấy tiền bạc, vơ vét tài sản của gia đình đem bán để tiêu xài hoang phí, làm cho cha mẹ khổ não, bệnh tật. Đến khi lập gia đình, dường như sợi dây tình cảm vợ chồng vẫn không trói buộc được “con ngựa bất kham” này. Việc kinh doanh bất thành, chú chán nản, sa vào cờ bạc, rượu chè bê tha, để mặc cho con cái lăn lóc. Người vợ trẻ phải gồng mình ra lo liệu, thu vén gia đình...

Cho đến một ngày kỳ diệu, cách đây 3 năm, chú giác ngộ và lập tức quay đầu. Cuộc đời lật sang trang mới, tươi đẹp và thanh thản...

Cơ duyên đưa chú đến với Phật pháp và phát tâm ăn chay trường, tu Tịnh độ là do trong một lần... chán đời, lang thang đi ngang chùa, chú nghe được bài giảng của một vị thầy. Bài giảng của vị sư ấy nói về chữ hiếu, đạo làm con. Thầy nói  hay đến nỗi có sức mạnh đánh thức tâm trí của một người vừa trải qua giấc mộng dài - chìm đắm trong si mê bỗng nhiên bừng sáng và thay đổi. Kể từ ngày ấy, chú “khát” Phật pháp như nắng hạn khát mưa. Chú đến chùa mượn nhiều kinh, luật, luận về nghiên cứu, nghe nhiều băng giảng thuyết pháp của các vị cao tăng. Cũng từ ngày ấy, chú tu chí làm ăn, tâm tánh hiền lành, từ bi hỷ xả, nhìn ai cũng là bằng hữu của mình, nhìn đâu cũng thấy Phật hiển linh.

Bằng giọng điệu đầy hoan hỷ, chú khoe hai con của mình đều học hành đỗ đạt. Đứa con gái lớn vừa tốt nghiệp Đại học Sài Gòn ngành Ngữ văn Anh và đã đi làm. Con trai út đang là vận động viên thể thao được đào tạo bài bản trong một trường quân đội. Không giấu được xúc động, chú bảo: “Từ khi chú biết Phật pháp, gia đình của chú tự nhiên êm ấm, trên dưới thuận hòa, mọi chuyện may mắn đều đến. Chắc là do Phật độ nên chú mới được vậy!”. Mà có lẽ là Phật độ thật, chứ thu nhập mỗi ngày bình quân trên dưới 120 ngàn thì làm sao chú có thể nuôi con ăn học thành tài, làm sao phụng dưỡng cha già bệnh tật, ốm đau, làm sao trang trải sinh hoạt trong gia đình, lại còn in kinh đĩa phát hành miễn phí?

Khi được hỏi: “Với số tiền ít ỏi đó, chú làm cách nào để có thể xoay xở mọi việc như thế?”. Chú cười hề hề: “Cái đó có vợ chú lo, chú chỉ biết đi bán đem tiền về cho cô thôi. Cô ở nhà, không đi làm nhưng cô giỏi quản lý nên chú giao cho cô hết!”. Tôi hỏi thêm: “Bán dạo như chú, đôi khi mưa nắng thất thường, không bán được, chú có lo sợ điều gì hay không?”. Chú cười trầm, dí dỏm: “Từ khi biết Phật pháp, chú không còn sợ hãi điều gì hết. Chú nói với Phật rồi, chú là con Phật, có gì Phật lo...”. Chú chia sẻ thêm: “Mà hay lắm nha con, từ khi chú tu hành nghiêm chỉnh, chú thấy mọi thứ mình ước đều thành sự thật, không phải nói ra mà tự nhiên có người đem đến, cuộc sống gia đình cũng trở nên thoải mái, không còn đói khổ như xưa nữa!”. Chúng tôi hiểu, đó là nhân quả hiện tiền, quay đầu thì thấy bờ chứ không phải Phật ban cho.

2 Được biết, chú rất tinh tấn tu hành. Mỗi ngày tụng kinh sám hối hai lần, những ngày lễ, rằm hay ba mươi đều đi chùa tụng kinh lễ Phật. Việc niệm Phật đối với chú như một thói quen, đi đứng nằm ngồi đều nghĩ nhớ Phật, niệm niệm miên mật. Giác ngộ rồi chú mới thấy thương cho những con người “mù quáng”, “mê lầm” mà mình gặp hàng ngày, tất nhiên có chính mình của ngày xưa. Những con người chú nhắc chính là những người ở nơi xa xôi hẻo lánh ít chùa chiền, ít có cơ hội gặp Tăng Ni, Phật tử. Do vậy, chú nảy sinh ý định táo bạo: thay vì mở nhạc đời thì chú mở nhạc đạo, kinh, băng giảng Phật pháp trên suốt hành trình mà chú đi qua.

Có không ít lần chú bị người dân yêu cầu tắt pháp giảng đi, chú cũng hoan hỷ làm theo, chạy xe đến một đoạn xa xa rồi lại mở tiếp, có lẽ vì họ là người ngoại đạo. Bằng trái tim nhân ái, bằng tuệ giác của mình, hơn ai hết, chú thấu hiểu sự khao khát ánh sáng Phật pháp của nhiều người. Chú thương cho những người vì lầm lũi mưu sinh mà quên mất “viên ngọc quý” cất giữ trong mình nên đã phát tâm hành trì hạnh nguyện Bồ-tát là “tải đạo” trên mọi nẻo đường, truyền bá Chánh pháp, phần nào làm thức tỉnh chúng sinh để kịp thời giác ngộ và quy y như chú.

3 Câu chuyện của chú làm cho tôi liên tưởng đến nhóm người từ tối bước ra sáng. Chỉ có Phật pháp mới có khả năng làm được điều mầu nhiệm đó! Ấy là chuyển hóa một con người - biến họ từ si mê tội lỗi trở thành một tấm gương sáng rỡ cho mọi người noi theo, khai phát Phật tính và dẫn dắt con người đi đến chỗ giác ngộ giải thoát. Tôi càng bồi đắp thêm niềm tin vững chắc của mình rằng: không có người xấu xa tội lỗi, chỉ có người chưa giác ngộ và Phật pháp là con đường để đưa mình thoát khổ...

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Truy phong Thượng tọa Thích Phước Hạnh (Vĩnh Long) lên giáo phẩm Hòa thượng

Truy phong Thượng tọa Thích Phước Hạnh (Vĩnh Long) lên giáo phẩm Hòa thượng

GNO - Thông tin từ Văn phòng Đức Pháp chủ, sau khi xem xét đệ trình của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Đức Pháp chủ GHPGVN đã chuẩn y, ban hành quyết định truy phong Thượng tọa Thích Phước Hạnh, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Vĩnh Long lên giáo phẩm Hòa thượng.

Thông tin hàng ngày