GN - Là người cộng tác với Báo Giác Ngộ từ năm 1994, và có bài nghiên cứu đăng trên nguyệt san Giác Ngộ ngay từ những số phát hành đầu tiên năm 1996, nhà nghiên cứu Đào Nguyên (bút danh khác là Nguyên Huệ) nhẩm tính cũng đã có hơn 200 bài đăng trên nguyệt san, tuần báo Giác Ngộ trong hơn 20 năm cộng tác thường xuyên.
Trò chuyện với phóng viên, ông đã không ngần ngại biểu lộ niềm vui khi có nhân duyên đến và gắn bó với Giác Ngộ trong quãng thời gian hơn một nửa tuổi đời của báo. Ông vẫn nhớ như in và vẫn lưu giữ những bài viết đầu tiên đăng trên tuần báo và đặc biệt là trên nguyệt san Giác Ngộ. “Tôi có nhiều kỷ niệm không quên được với Báo Giác Ngộ, đặc biệt là với quý Thầy phụ trách nguyệt san qua các thời kỳ như quý Thầy Tâm Thiện, Tâm Hải, Chúc Phú…”.
Với thế mạnh của một nhà nghiên cứu chuyên về Hán tạng, là dịch giả của nhiều bộ kinh, luận Đại thừa, nhà nghiên cứu Đào Nguyên đã có nhiều bài viết cống hiến cho bạn đọc những thông tin thú vị liên quan tới Phật học, văn hóa Phật giáo, văn hóa dân tộc, từ điển. “Tưởng đâu viết nhiều sẽ cạn hết nguồn, nhưng cũng lạ, tôi càng có thời gian nghiên cứu, đi sâu vào Hán tạng, đọc đối chiếu các công trình nghiên cứu cũ và mới, thì viết càng… hăng” – ông chia sẻ trong tiếng cười hoan hỷ. Bút lực dồi dào, ông là một tác giả có bài và tần số xuất hiện trên nguyệt san Giác Ngộ cao hơn cả so với nhiều cộng tác viên khác.
“Các ấn phẩm tuần báo và nguyệt san Giác Ngộ qua thời gian và sự thể hiện của mình đã tạo được bản sắc riêng, là môi trường cho các nhà nghiên cứu, là thức ăn tinh thần cho Tăng Ni, Phật tử không chỉ ở thành phố mà của cả nước cũng như hải ngoại. Đó là điều rất đáng quý và đáng trân trọng trong bối cảnh văn hóa ở nước ta. Tôi rất mừng vì thấy qua các ấn phẩm của báo xuất hiện nhiều cây bút, nhà nghiên cứu trẻ với góc nhìn mới lạ và sâu sắc, phát huy các tiện ích của công nghệ internet ứng dụng vào việc nghiên cứu mà thế hệ chúng tôi không làm được” - ông chia sẻ.
Với tuổi ngoài bảy mươi, nhưng tinh thần ông vẫn luôn hào hứng khi đề cập đến công việc nghiên cứu, biện chính những ngộ nhận trong nghiên cứu Phật học, văn hóa, từ điển liên quan tới Phật giáo ở nước ta.
Sự hào hứng đôi khi khiến người tiếp xúc không nghĩ ông đã vào tuổi “xưa nay hiếm”, tại tư gia trong một con hẻm trên đường Phạm Văn Chiêu (quận Gò Vấp) ngày ngày vẫn đều đặn 8 tiếng - không có ngày cuối tuần - cặm cụi làm việc bên kho tàng Hán tạng, bên từ điển, đọc, dịch, ghi chú và viết; điều đáng quý hơn nữa là dù bận rộn đến đâu, nhưng hễ có ai nhờ tra cứu hay hỏi han điều gì liên quan tới chuyên môn, ông đều tận tâm sẵn sàng chia sẻ.
N.Quân ghi