Người đi qua đời tôi

GN - Sẽ khó mà quên những ai đã đi qua đời mình, để lại cho mình những giá trị sống mà hôm nay, ngày mai và mãi mãi không bao giờ rời xa...

Trong vài năm gần đây, những người mà người viết bài này vốn quen biết, vốn từng làm việc chung từ việc đạo cho đến chuyện đời cứ lần lượt ra đi.

anh3.jpg

Sẽ khó mà quên những ai đã đi qua đời mình, mang lại cho mình những giá trị sống
mà hôm nay, ngày mai và mãi mãi không bao giờ rời xa

Người thì đột ngột ra đi để lại cho khu vườn đời một khoảng trống thương yêu, khó có thể bù đắp. Người thì từ từ ra đi theo quy luật sinh, lão, bệnh, tử. Cái chết sẽ trở thành sự sợ hãi với rất nhiều người bởi cả cuộc đời họ chưa từng biết sống trong chánh niệm, dù chỉ là một giây, một phút. Có cái chết rất nhẹ nhàng, thanh thản như cởi chiếc áo tứ đại gửi lại cho đất mẹ bao dung vô bờ bến.

Năm ngoái, vào ngày vía Đức Phật A Di Đà (17-11 âm lịch), người viết bài chợt thấy “tự tánh” của ngũ hành rất gần gũi đối với mình. Lúc ấy bèn ghi lại rằng: tinh khiết như thủy; bố thí như thổ, nhẫn nại như mộc, tinh tấn như hỏa, thành tựu như kim, và ô kìa tự tánh Di Đà tinh khôi.

Những năm còn làm việc ở báo GN, người viết bài may mắn được thân cận, học hỏi với rất nhiều bậc tôn túc nhiều vùng miền khác nhau. Cũng là người tu nhưng mỗi vị lại có một góc nhìn khác về chuyện sinh, chuyện tử và kể cả chuyện hướng tâm, hướng trí đến cõi Tây phương Tịnh độ. Những lời Phật dạy trong kinh điển vốn rất trong sáng, dễ hiểu nhưng hàng hậu học diễn đạt rối rắm, đôi khi lại tối nghĩa. Chẳng hạn như các vị ấy từng giảng rằng, Tịnh độ giữa nhân gian, thế nhưng lại không chứng minh cho chúng đệ tử thấy rằng “thầy cũng là cõi Tịnh độ” hay đạo tràng này cũng chính là cõi Tịnh độ. Trong thực tế, những hình ảnh “bất tịnh”, đạo tràng mất thanh tịnh vẫn lừng lừng diễn ra. Làm sao để lời nói đi đôi với việc làm mới là cốt tủy của người tu.

Thật khó chấp nhận với chư Tăng Ni khi một vị tôn túc, bổn sư qua đời mà chúng đệ tử khóc lóc, rầu rĩ, than vãn, bi thương hơn cả người thế tục. Từng nghe người khác kể lại câu chuyện, có một người miệng thì nói chuyện xả bỏ xan tham, nhưng ít thực tập theo hạnh đó nên đến lúc nhắm mắt xuôi tay vẫn còn loay hoay tìm chỗ mà mình thường để… tiền. Cũng có người bị mê hoặc bởi chức danh, những cái nhất, kỷ lục…

Có những vị tu sĩ đương thời đã tự huyễn hóa mình ngang bằng với các vị Tổ sư, các vị Bồ tát sau khi đạt được một số thành tựu tâm linh. Lại có người cố tình gây cho hàng môn đồ tứ chúng hiểu nhầm mình là hóa thân của vị này, vị kia. Đây là điều tối kỵ trong nhà Phật. Là đệ tử Phật chân chính thì phải âm thầm, nỗ lực thực hành theo đúng lời dạy của Đức Từ phụ hơn là chăm bẵm tô vẽ cho mình một hình ảnh diêm dúa, xênh xang áo mũ, xa rời với cuộc sống cơ cực, khó khăn của bổn đạo, đồng bào. Thương cho những ai dám nghĩ đến mình sắp “gọi Phật bằng anh”.

Tôi nhớ lời của một vị giáo phẩm khả kính, chức vụ thì cao nhưng đời sống thì giản dị, gợi một lối sống đạo thanh thoát tự nội, từng mở trí cho người viết rằng: “Tại sao vàng lại quý hơn nhiều thứ khác, bởi vì nó ít và hiếm. Hồi thầy còn đi học, bạn xuất gia cùng thời rất nhiều, tuy nhiên người thực tu, thực học chỉ đếm trên đầu ngón tay. Những vị ấy chính là rường cột của Phật pháp nước nhà, là vàng ròng trong ngôi nhà tâm linh. Cũng vậy, người tu xuất gia tuy rất đông nhưng mạng mạch của Phật pháp còn hay không lại phụ thuộc vào những bậc chân tu đắc đạo”.

Sẽ khó mà quên những ai đã đi qua đời mình, mang lại cho mình những giá trị sống mà hôm nay, ngày mai và mãi mãi không bao giờ rời xa. “Rứa mà vui”, vị giáo phẩm để lại nhiều ấn tượng mà sau này ảnh hưởng lên lối sống của người viết từng cầm chiếc quạt nan gõ vào đầu người viết khi hầu chuyện với thầy tại ngôi chùa lịch sử trên đất cố đô.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày